QĐND - Vị thế là một “đầu tàu” kinh tế của Hà Nội đã được thiết lập từ rất lâu trong lịch sử, với vị trí là một đầu mối giao thương, trung tâm sản xuất lớn. Ngày nay, càng ngày Hà Nội càng vững vàng vị thế ấy, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của cả nước. Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính, bao gồm cả tỉnh Hà Tây (trước đây), kinh tế của Hà Nội luôn giữ mức tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của cả nước.

Nhìn vào sức vươn mình mạnh mẽ hôm nay của Thủ đô, có lẽ không nhiều người còn nhớ, Hà Nội từng bắt đầu từ đống đổ nát của chiến tranh sau khi quân đội thực dân Pháp rút chạy, để rồi vững vàng trở thành hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam.

Sau khi tiếp quản Hà Nội từ tay thực dân Pháp, chúng ta phải đối phó với những hậu quả của một nền kinh tế ốm yếu, phụ thuộc và què quặt. Các xí nghiệp của thực dân Pháp để lại hoặc ngừng sản xuất, hoặc chỉ còn hoạt động thoi thóp. Các nghề thủ công suy sụp. Gần 80 nghìn người (1/5 dân số nội thành) thất nghiệp hoàn toàn hoặc một phần. Ở vùng nông thôn ngoại thành, trước đây do địch càn quét liên miên và chiếm đất xây dựng các đồn bốt quân sự, hàng nghìn héc-ta ruộng bị bỏ hoang, hàng vạn trâu bò bị giết hại, các công trình thủy lợi bị phá hủy, đê điều sạt lở. Giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn, toàn bộ hệ thống đường sắt, đường bộ và các cầu, cống bị phá hủy hoặc hư hại nặng. Dưới ách thống trị của thực dân, đời sống của nhân dân, nhất là giai cấp công, nông rất cực khổ. Khi ta tiếp quản, nạn đói đang diễn ra khắp nơi. Số nông dân bị đói kém, mất mùa kéo ra thành phố kiếm ăn càng làm chính quyền ta phải cứu đói, trợ cấp 2.000 tấn gạo và 50.000m vải cho nông dân ngoại thành.

Năm 1954, cả Hà Nội chỉ có khoảng 5.000 người làm việc trong các cơ sở sản xuất thủ công và công nghiệp tư bản tư doanh. Đến cuối năm 1957, đã có hơn 13.000 hộ thủ công gồm hơn 40.000 người và hơn 8.000 công nhân của các xí nghiệp công nghiệp tư doanh sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân và xuất khẩu như: Vải, đồ nhựa, phụ tùng xe đạp, văn phòng phẩm, đồ thêu, chạm ngà… Giá trị tổng sản lượng thủ công nghiệp và công nghiệp tư doanh ở Hà Nội chiếm 25% sản lượng toàn miền Bắc.

Hà Nội luôn giữ vững vị trí là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Ảnh: PHƯƠNG DUNG

Bước vào thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), nhân dân Hà Nội ra sức làm việc, giành thắng lợi ngay trong những năm đầu. Kế hoạch hai năm 1961-1962 hoàn thành thắng lợi. Sản xuất công nghiệp thành phố đã phát triển nhanh. Bên cạnh 98 xí nghiệp quốc doanh Trung ương hoạt động ở Thủ đô, có 72 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh của Hà Nội. Số lượng công nhân sản xuất công nghiệp từ 27.600 người năm 1960 đã tăng lên gần gấp đôi vào năm 1962. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp thành phố tăng 67% so với năm 1960. Công nghiệp quốc doanh địa phương và thủ công nghiệp tăng 43% so với năm 1960. Toàn bộ giá trị sản lượng công nghiệp thành phố Hà Nội chiếm 30,8% công nghiệp miền Bắc. Riêng thủ công nghiệp chiếm 25,7% giá trị tổng sản lượng thủ công nghiệp miền Bắc.

Từ tháng 4-1966, Hà Nội đã ở trong tình thế trực tiếp chiến đấu chống máy bay Mỹ. Sau lần đầu tiên đánh vào một trận địa phòng không ở Văn Điển, địch leo thang dần. Chúng đánh vào các đoàn xe, nhà ga, cầu lớn, kho tàng, xí nghiệp, thị trấn, thôn xóm đông dân và nhiều khu phố ở nội thành.

Đánh phá Thủ đô, trái tim của cả nước, “địch muốn gây cho ta những tổn thất to lớn về người và của, những khó khăn không thể khắc phục nổi về kinh tế và đời sống, hòng phá hoại tiềm lực kinh tế và quốc phòng của ta, làm nhụt ý chí chiến đấu của nhân dân ta, làm giảm quyết tâm của ta chi viện cho chiến trường miền Nam, gây áp lực chính trị cao nhất hòng buộc ta phải thương lượng theo những điều kiện của chúng" (Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội, tháng 4-1968).

Nhưng quân đội Mỹ đã sai lầm. Cùng việc tạo nên những chiến công oanh liệt, quân và dân Hà Nội liên tiếp làm nên những kỳ tích trong lao động sản xuất.

Đặc điểm nổi bật của Hà Nội trong thời kỳ 1965-1974 là việc vừa phải đối phó với hai đợt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa tiếp tục làm nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn và tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với tinh thần dũng cảm và lao động quên mình, giai cấp công nhân Hà Nội đã sáng tạo nên những thành tích to lớn ngay trong khói lửa chiến tranh. “Chắc tay búa, vững tay súng”, công nhân vừa thi đua sản xuất, vừa anh dũng đánh trả những trận bắn phá của máy bay địch.

Ngay từ năm 1965, trong khi xây dựng lực lượng, chuẩn bị đối phó với chiến tranh phá hoại của địch, Hà Nội đã tích cực thực hiện chuyển hướng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất đi đôi với bảo vệ sản xuất.

Thi hành các Nghị quyết 11, 12 của Trung ương Đảng, Hà Nội quyết định: Bất kể tình hình nào vẫn không ngừng tăng cường cơ sở vật chất-kỹ thuật, nâng cao tiềm lực kinh tế và quốc phòng, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ trung tâm là sản xuất và chiến đấu, góp phần lớn nhất vào sự nghiệp chung chống Mỹ, cứu nước, làm tròn nghĩa vụ của Thủ đô đối với cả nước.

Từ khi địch bắt đầu chiến tranh phá hoại, nhiều xí nghiệp đã tích cực thực hiện sơ tán, phân tán, nhanh chóng chuyển hướng tổ chức sản xuất. Một số xí nghiệp bị địch tập trung đánh phá vẫn bảo vệ tốt lực lượng công nhân và mau chóng phục hồi sản xuất. Một số xí nghiệp san sẻ thiết bị, công nhân, giúp các tỉnh xây dựng những xí nghiệp mới.

Mặc dù đang chiến tranh, công nghiệp địa phương của thành phố vẫn phát triển. 28 xí nghiệp mới được xây dựng, hàng loạt xí nghiệp khác được cải tạo, mở rộng. Năm 1968, công nghiệp địa phương Hà Nội đã bao gồm 96 xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh, 331 hợp tác xã thủ công nghiệp. Đặc biệt, ngành công nghiệp giao thông, chế biến thực phẩm vươn lên đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thành phố trong thời chiến.

Công nghiệp vận tải từ chỗ chỉ là một cơ sở sửa chữa đã hình thành một hệ thống công nghiệp có khả năng sản xuất được nhiều loại phương tiện, phụ tùng, thiết bị, làm ra được nhiều mặt hàng mới từ trước đến nay chưa làm được như: Ca nô 90-150 mã lực, sà lan 100 tấn, xe ca, rơ-moóc…

Trong nông nghiệp, qua các đợt vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất”, các hợp tác xã nông nghiệp ở ngoại thành được củng cố thêm. Tất cả các hợp tác xã đều đã lên bậc cao.

Các biện pháp kỹ thuật trong nông nghiệp được áp dụng rộng rãi. Cơ sở vật chất-kỹ thuật trong nông nghiệp tăng hơn trước. Việc xây dựng đồng ruộng được đẩy mạnh. Đê điều được củng cố vững chắc. Mạng lưới điện đã phục vụ cho 70 xã.

Trải qua thời gian dài phấn đấu, ngoại thành Hà Nội đã từng bước hình thành vùng sản xuất rau và chăn nuôi, tỷ trọng sản xuất thực phẩm ngày càng được nâng cao. Năng suất lúa toàn ngoại thành đạt bình quân 5,1 tấn thóc/ha, là một trong hai địa phương đạt bình quân trên 5 tấn toàn miền Bắc.

Để đưa hợp tác hóa tiến lên mạnh hơn nữa, ngày 28-4-1969, Nhà nước ban hành Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp cấp cao. Văn kiện này thể hiện đường lối, chính sách và những nguyên tắc cơ bản của Đảng và Nhà nước ta đối với việc củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn. Đặc biệt, quan tâm đến tương lai của nông dân, Bác Hồ căn dặn: “Điều lệ này của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp rất quan trọng. Nó nhằm bảo đảm thật sự quyền làm chủ của xã viên. Phải thực hiện tốt điều lệ để hợp tác xã càng thêm vững mạnh, nông thôn ngày càng đoàn kết, sản xuất càng phát triển và nông dân ta càng thêm no ấm và tiến bộ”.

Nhiệt liệt hoan nghênh bản điều lệ, xem đó là cương lĩnh hành động và mục tiêu phấn đấu, nông dân ngoại thành Hà Nội ra sức làm thủy lợi, chăm sóc ruộng đồng, áp dụng những biện pháp kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất và phấn đấu đạt 3 mục tiêu: 5 tấn thóc, 2 con lợn, 1 lao động trên 1ha gieo trồng.

Sau Hiệp định Pa-ri, quân đội Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Khắp nội, ngoại thành, bao con em Hà Nội lại tiếp bước cha anh, nô nức lên đường tòng quân tiến vào giải phóng miền Nam. Khắp các cơ quan, xí nghiệp, công trường, đường phố, thôn, xã… phong trào thi đua sản xuất, học tập và sẵn sàng chiến đấu càng sôi nổi, mạnh mẽ.

Với khí thế đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cả Hà Nội trở thành một công trường lao động lớn. Trên tất cả các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội từng bước có sự thay đổi rõ rệt. Ngành công nghiệp và thủ công nghiệp thành phố đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành kế hoạch sản xuất. Năm 1973, thực tế chỉ sản xuất 3 quý nhưng tổng sản lượng toàn ngành đạt 476 triệu đồng, vượt kế hoạch 1,2%, tăng 10% so với năm 1972. Nhiều nhóm ngành vượt kế hoạch năm, tăng hơn năm 1972 từ 12-40%. Đó là các mặt hàng: Cao su, nhựa, hóa chất… Riêng ngành công nghiệp xuất khẩu đạt 36 triệu đồng, tăng 20% so với năm 1972. Năm 1974, toàn ngành công nghiệp hoàn thành kế hoạch, tăng 10% so với năm 1973. Nổi bật là ngành cơ khí chế tạo đã thử tiến tới sản xuất hàng loạt máy công cụ. 19 nhà máy, xí nghiệp được mở rộng, tăng cường thiết bị. Đến năm 1975, 38 cơ sở sản xuất được đầu tư xây dựng cơ bản. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 20 công trình mới xây dựng và chính thức bước vào sản xuất.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, giai cấp nông dân tập thể Thủ đô cũng có những chuyển biến mạnh mẽ. Năm 1973, tuy triển khai sản xuất chậm và thời tiết không thuận lợi, bị lũ lụt lớn vào tháng 8 và tháng 9, nhưng thu hoạch toàn thành phố vẫn đạt 5,28 tấn thóc/ha. Năm 1974, năng suất hai vụ đạt 6,3 tấn/ha, tổng sản lượng quy thóc cao hơn 1973 gần 20%.

Những thành tựu đạt được về mọi mặt trong lao động sản xuất, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội từ sau Hiệp định Pa-ri của quân và dân Thủ đô đã góp phần quan trọng xây dựng, củng cố hậu phương miền Bắc vững mạnh cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng, chi viện ngày càng đắc lực cho các mặt trận phía Nam, cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Cũng từ ấy, Hà Nội luôn vững vị trí là một trong hai “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Kinh tế của Thủ đô luôn giữ mức tăng gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Trong đó, gần đây nhất, năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Giai đoạn 2011-2020, Hà Nội phấn đấu mức tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 11,5-12%/năm. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 7.100-7.500USD/năm, xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm tài chính-ngân hàng hàng đầu của vùng và cả nước.

HÀ LAN ANH