Việt Nam có một bề dày về nghệ thuật truyền thống. Điều ấy đã được khẳng định bằng cả kho tàng nghệ thuật sân khấu (tuồng, chèo, cải lương…), về âm nhạc (âm nhạc cung đình Huế, hát Xoan, hát Bội, đờn ca tài tử…), về mỹ thuật (điêu khắc, kiến trúc đình, chùa; các công trình nghệ thuật, tranh dân gian…)… Trong đời sống hiện đại, không thể phủ nhận rằng nghệ thuật truyền thống đang lâm vào cảnh khó khăn, khó tồn tại, chứ chưa bàn đến câu chuyện phát triển. Nguyên nhân cơ bản là do “đất diễn” ngày càng eo hẹp, dẫn tới công cuộc mưu sinh của các nghệ sĩ ngày càng khó khăn. Đặc biệt, các nghệ sĩ trẻ càng ít “tha thiết” với nghệ thuật truyền thống vì “miếng cơm, manh áo”. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, vẫn còn không ít người trẻ, nghệ sĩ trẻ tìm về với văn hóa truyền thống dân tộc theo cách của họ. Và không ít người đã thành công, góp phần rất đáng kể vào việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của cha ông.
“Vẽ về hát Bội”
Đầu năm 2018, một sự kiện diễn ra tại TP Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật truyền thống. Đó là chuỗi triển lãm và các hoạt động nghệ thuật mang chủ đề “Vẽ về hát Bội”, do 40 họa sĩ trẻ cùng chung tay góp sức tổ chức, nhằm khơi dậy niềm cảm hứng về bộ môn nghệ thuật hát Bội.
“Vẽ về hát Bội” là một dự án vẽ tranh phi lợi nhuận được hình thành một cách… tình cờ. Trong một dịp gặp gỡ NSND Đinh Bằng Phi, nghe nhà hát Bội học chia sẻ: “Có lẽ sớm muộn gì hát Bội cũng sẽ chết đi”, hai họa sĩ trẻ Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên đã tìm thấy những xúc cảm mạnh mẽ trước quy luật đào thải khắc nghiệt của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Đau đớn và trăn trở trước nguy cơ mất đi một loại hình nghệ thuật đặc sắc đã tồn tại hàng trăm năm, Nguyên Quang và Kim Liên đã nảy ra ý tưởng dùng hội họa-vốn là sở trường của mình-để thực hiện bộ tranh vẽ lại nhằm khơi dậy niềm cảm hứng giữ gìn hát Bội.
    |
 |
Tác phẩm " Hồ Nguyệt cô hóa cáo" của họa sĩ Phạm Quang Phúc - trang kỹ thuật số thuộc dự án "Vẽ về hát Bội" |
Thuở ban đầu, Nguyên Quang và Kim Liên mời bạn bè, thành lập một nhóm nhỏ những người yêu thích nghệ thuật truyền thống. Dần dần, “Vẽ về hát Bội” thu hút được 40 họa sĩ trẻ đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, hay thậm chí có những bạn ở Singapore, Anh, Mỹ, Canada hoặc Tây Ban Nha cũng gửi tranh về tham gia.
Hầu hết các họa sĩ trẻ đều được đào tạo theo phong cách hội họa hiện đại, lại chưa hiểu nhiều về nghệ thuật hát Bội, nên trước khi vẽ, họ phải nghiên cứu rất kỹ về trang phục cũng như cách hóa trang của nhân vật. Trong quá trình vẽ, các họa sĩ chia sẻ lần lượt các giai đoạn từ phác thảo đến lên bản màu cho các thành viên trong nhóm góp ý. NSND Đinh Bằng Phi là cố vấn cuối cùng trước khi tác phẩm được hoàn thành. Với tinh thần sáng tạo tự do trong cách vẽ nhưng vẫn bám sát vào tư liệu gốc, các họa sĩ đã vẽ vừa như nguyên bản, vừa thể hiện tình cảm, sắc thái và hành động của nhân vật theo cảm nhận rất riêng của mình. Cùng đó, nhiều họa sĩ đã có cách thể hiện độc đáo, sáng tạo. Như trong tác phẩm “Hồ Nguyệt cô hóa cáo”, họa sĩ Phạm Quang Phúc đã thể hiện một con cáo trắng hiện lên phía sau Hồ Nguyệt cô trong khi ở nguyên bản, Nguyệt cô lúc này đã mất ngọc và không còn giữ lại hình dáng người được nữa. Hay ở tác phẩm “Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá” của họa sĩ Phùng Nguyên Quang, dải lụa đỏ của diễn viên được kéo dài ra thành một dòng sông máu… đã để lại ấn tượng mạnh mẽ nơi người xem…
Triển lãm “Vẽ về hát Bội” được tổ chức trong 10 ngày đầu tháng 2-2018 tại Trung tâm thương mại The Garden Mall (190 Hồng Bàng, quận 5, TP Hồ Chí Minh) gây được tiếng vang đáng kể. Đến đây, bên cạnh thưởng lãm những bức tranh độc đáo về hát Bội, người xem còn có dịp tham gia nhiều hoạt động đặc sắc, như: Vẽ tranh, vẽ mặt nạ hát Bội, talkshow, thưởng thức các tác phẩm hát Bội kinh điển…
MV... cải lương
Tự viết kịch bản, tự làm nhà sản xuất, tự bỏ tiền đầu tư lên tới 300 triệu đồng, MV (video ca nhạc) cải lương “Oan gia ngang trái” của nghệ sĩ trẻ Bình Tinh có lẽ là một hiện tượng của sân khấu truyền thống những tháng đầu năm 2018.
Bình Tinh là “con nhà nòi”, cha cô là nghệ sĩ cải lương Đức Lợi, mẹ cô là nghệ sĩ-soạn giả Bạch Mai. Từ nhỏ, Bình Tinh đã được chú ý với nhiều vai chính khi tham gia Đoàn Đồng ấu Bạch Long. Cô còn khiến nhiều người thán phục khi đứng ra gánh vác Đoàn Cải lương Huỳnh Long sau khi anh trai mất. Sau khi đoạt ngôi vị Quán quân trong Chương trình “Sao nối ngôi” năm 2016, Bình Tinh còn tham gia làm huấn luyện viên gameshow, giảng dạy lớp cải lương…
Tương tự các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, các nghệ sĩ cải lương cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là việc thu hút khán giả. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, xu hướng thực hiện MV cải lương có câu chuyện như nhạc phim, những biến đoạn từ bài bản đờn ca tài tử, từ những nhân vật sân khấu lừng danh hoặc kịch bản mới được dàn dựng công phu đã gây dấu ấn đậm nét, hứa hẹn làm nên thị phần mới cho nghệ thuật cải lương. Ngoài nghệ sĩ Bình Tinh, có hơn 50 nghệ sĩ cải lương đã và đang thực hiện MV. Tuy vẫn còn sự ảnh hưởng ít nhiều của những bộ phim truyền hình nước ngoài nhưng MV của một số nghệ sĩ cải lương đã mang đậm dấu ấn sáng tạo, thu hút được đông đảo người xem, từ đó mang lại cơ hội phục hồi cho một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống.
    |
 |
Tranh "Cá chép" của họa sĩ Xuân Lam tại Triển lãm "Vẽ lại tranh dân gian" |
“Vẽ lại tranh dân gian”
Ý tưởng về Dự án “Vẽ lại tranh dân gian” đến với họa sĩ trẻ Xuân Lam khá tình cờ. Tháng 3-2016, trong dịp đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tìm tư liệu làm bài tập tốt nghiệp, anh bước chân vào khu trưng bày tranh dân gian và thực sự thấy kinh ngạc trước sự đồ sộ của kho tàng tranh dân gian Việt Nam. Với Xuân Lam, không chỉ gói gọn trong khía cạnh nghệ thuật, nguồn gốc mỗi bức tranh là một câu chuyện văn hóa thú vị. Từ đó, anh bắt tay vào thử nghiệm những nét phác thảo đầu tiên với bức tranh “Ngũ Hổ”.
Tuy nhiên, không giống với những họa sĩ khác, Xuân Lam quyết định ứng dụng kỹ thuật đồ họa vào việc làm mới các bức tranh dân gian. Anh bắt đầu bằng những bản phác thảo chì trên giấy với mục đích giữ lại vẻ thô ráp, mộc mạc. Về cơ bản, các tác phẩm được giữ nguyên so với bản gốc, Xuân Lam chỉ kết hợp thêm một số chi tiết thuộc phong cách cá nhân và trau chuốt lại từng nét vẽ. Các bản phác chì sau đó được scan và thực hiện đổ màu đồ họa, sử dụng kỹ thuật chuyển màu gardient. Những màu sắc chủ đạo được sử dụng đều dựa trên màu gốc của dòng tranh Đông Hồ với 4 màu: Xanh lá, vàng, đỏ, nâu-đen và màu giấy điệp, kết hợp bằng gardient tạo nên tính uyển chuyển cho các tác phẩm. Theo Xuân Lam, việc kết hợp giữa công nghệ đồ họa và nét chì thô tạo hiệu ứng thị giác rất hiệu quả, khiến cho các bức tranh mang sức sống mới với các mảng màu bắt mắt, tinh tế và vẫn giữ được sức sống truyền thống của tranh dân gian Việt Nam.
Tháng 1-2017, Xuân Lam tổ chức triển lãm cá nhân đầu tay “Vẽ lại tranh dân gian”. Triển lãm của anh đã gặp nhiều ý kiến xuôi ngược. Người xem chú ý vào sự khác biệt giữa các tác phẩm được làm mới so với nguyên tác, trong đó có cả những so sánh tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, với Xuân Lam, đó là tín hiệu đáng mừng vì cho thấy cộng đồng đang dành nhiều sự quan tâm hơn cho nghệ thuật truyền thống.
Tròn một năm sau, Xuân Lam hợp tác với TiredCity cho ra mắt bộ sưu tập hoodie (áo nỉ có mũ) “Tranh dân gian” với 3 mẫu: Ngũ Hổ, Thánh Gióng và Chim Hạc. Bộ sưu tập đặc biệt này là thành quả kết hợp từ minh họa, thiết kế đến sản xuất, in ấn. Không dừng lại ở đó, những chi tiết, nét vẽ của Xuân Lam còn được ứng dụng trở thành họa tiết cho các sản phẩm quen thuộc trong đời sống như quần áo, túi xách, bao lì xì, lịch treo tường... Xuân Lam mong muốn cách thể hiện của mình sẽ không chỉ bảo tồn được những giá trị của tranh truyền thống mà còn đưa chúng đến gần hơn với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Vài lời kết
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều dự án, công trình, hoạt động của các nghệ sĩ trẻ nhằm khôi phục và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Những tác phẩm của họ có thể gặp những ý kiến khen-chê trái chiều bởi lẽ ít nhiều đều thể hiện sự cách tân, đánh dấu sáng tạo cá nhân, tức là có sự khác biệt so với nguyên gốc. Thế nhưng, có lẽ nên nhìn nhận những nghệ sĩ trẻ đang ngày đêm trải mình với nghệ thuật truyền thống một cách khách quan hơn.
Thứ nhất, dù bằng hình thức nào thì cũng chứng tỏ các nghệ sĩ trẻ không quay lưng với vốn quý của cha ông. Thậm chí ngược lại, họ còn mang cái tâm phục hồi, phát huy nghệ thuật truyền thống cùng niềm tự hào dân tộc sâu sắc.
Thứ hai, nghệ thuật truyền thống qua lăng kính của các nghệ sĩ trẻ đã và đang gợi mở những phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống. Đó là sự kết hợp giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại.
Cuối cùng, một trong những bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng. Vì thế, không nên cố chấp, loại bỏ hoàn toàn những thứ cách tân, mà có lẽ nên bảo tồn, phát triển song song những gì đã trở thành kinh điển của nghệ thuật truyền thống và những sáng tạo mới. Cũng không nên quá lo lắng về câu chuyện những sáng tạo mới làm méo mó đi truyền thống, bởi dù phải trải qua biết bao thăng trầm, nhưng nghệ thuật truyền thống vẫn luôn chứng tỏ được sức sống mãnh liệt. Mặt khác, nghệ thuật mang tính đào thải rất lớn. Những sáng tạo mới nếu không mang đáng kể giá trị, tất yếu sẽ không thể tồn tại lâu dài.
HÀ DUY