Nỗ lực chỉnh trang, khơi nguồn giá trị

Sáng sớm, tản bộ trên những tuyến đường: Trường Sa, Hoàng Sa, Tân Hóa, Tôn Đức Thắng... tận hưởng không khí trong lành khiến lòng người chộn rộn. Bên các tuyến kênh: Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, Tham Lương-Bến Cát-Vàm Thuật... người dân thành phố từng tốp đứng tập thể dục, luyện khí công dưỡng sinh... Đó là thành quả của sự nỗ lực cải tạo, tu sửa, chỉnh trang, nâng cấp mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh quyết tâm hồi sinh những giá trị sông nước, gắn liền với chiều dài lịch sử của thành phố. Được thụ hưởng thành quả đó, chắc hẳn hàng triệu người dân các quận: 1, 3, 6, 11, Tân Bình, Phú Nhuận... vẫn chưa quên cái thời suốt ngày “ngửi thấy mùi nước kênh nồng nặc, nhìn thấy nước kênh đen ngòm, đầy rác”. Ông Trần Hữu Nam, 66 tuổi, ngụ tại phường 2 (quận Phú Nhuận) tâm sự: “Gần 20 năm trước, không ai dám mơ sẽ có ngày đi bộ thể dục hai bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, bởi dòng nước bị ô nhiễm trầm trọng. Bây giờ, dòng kênh trở lại gần như cái thuở tụi tôi còn thơ ấu, nước trong leo lẻo, cá bơi lội tung tăng”.

Hay, con kênh Tân Hóa-Lò Gốm cũng một thời là nỗi ám ảnh của những hộ dân sống ở hai bên. Giờ đây, nó đã hồi sinh nhờ tinh thần trách nhiệm và ý thức cộng đồng... Việc cải tạo những dòng kênh này đã là chuyện quá khứ, chuyện của nhiều năm trước. Còn bây giờ là chuyện tiếp tục nâng cấp, chỉnh trang hàng loạt những kênh, sông để TP Hồ Chí Minh thực sự trở thành đô thị sông nước mộng mơ, hiện đại.

Mới đây, HĐND thành phố đồng ý chủ trương làm dự án xây dựng hạ tầng, cải thiện môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên và dự án cải tạo kênh Xuyên Tâm. Theo đó, cuối tháng 10-2021, Sở Xây dựng thành phố đề xuất UBND thành phố phê duyệt kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị, giai đoạn 2021-2025, nhấn mạnh việc cải tạo hệ thống kênh, sông, nhất là những dòng kênh có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội. Chủ trương của thành phố nhận được sự đồng thuận cao của giới chuyên môn và các tầng lớp nhân dân. PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh cho rằng: Khó như kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè mà thành phố còn cải tạo, khơi thông được thì những kênh, sông khác chẳng có gì đáng ngại. Vấn đề quan trọng nhất là nhận thức việc khai thông các tuyến kênh là bài toán đa mục tiêu, không phải chỉ dọn sạch hai bên bờ kênh, mà nó còn mang lại nhiều lợi ích, như: Giảm ngập nước; di dời, tái định cư cho người nghèo đang sống trên và dọc theo các con kênh có chỗ ở mới và các phương thức mưu sinh mới; khôi phục giao thông thủy, giảm tải cho giao thông đường bộ; phát triển du lịch đường sông... 

Mục tiêu xây dựng đô thị sông nước không phải là “lý thuyết suông”, bởi cách đây gần 100 năm, Sài Gòn đã thực sự là thành phố sông nước. Ngày ấy diện tích chừng 50km2 (bằng 1/4 bây giờ), chằng chịt kênh rạch, ao hồ, với tổng chiều dài khoảng 1.200km. Có một thời, người Sài Gòn di chuyển trên những con kênh tấp nập bán buôn, trên bến dưới thuyền. Chợ Bến Thành bên sông Bến Nghé là một điển hình giao thương sông nước, luôn nhộn nhịp, sầm uất. Thời ấy, kênh rạch không chỉ là giao thông đường thủy, vận chuyển hàng hóa và mưu sinh mà còn giúp Sài Gòn không bị ngập úng. Cùng với đó là kênh Tàu Hủ có bến Bình Đông-cửa ngõ giao thông và giao thương quan trọng của đất Sài Gòn và các vùng lân cận. Trong lịch sử, bến Bình Đông từng là trung tâm buôn bán nhộn nhịp nhất nhì Sài Gòn-Chợ Lớn, lưu dấu lịch sử phát triển của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh với một không gian di sản văn hóa của đô thị sông nước...

Còn một con sông cũng góp phần quan trọng làm nên đặc trưng sông nước của TP Hồ Chí Minh, đó là sông Sài Gòn. Dòng sông lịch sử, dòng sông cảnh quan, dòng sông văn hóa-du lịch này cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng lớn, nguồn lực kinh tế, tuyến giao thông đường thủy quan trọng mà thành phố đang ra sức giữ gìn để phát triển bền vững. Sông Sài Gòn là một minh chứng lịch sử của miền đất trù phú giữa lòng miền Đông Nam Bộ... Kiến trúc sư Du Thanh Minh, Giám đốc chi nhánh, thuộc Công ty Cổ phần Kiến trúc-Xây dựng Nhà Vui nhận định: “Tìm lại những giá trị sông nước của Sài Gòn xưa, dẫu chẳng thể vẹn nguyên, nhưng cũng sẽ vô cùng hữu ích cho cuộc sống hiện tại trên nhiều phương diện. Đây cũng là một cách khơi nguồn dòng chảy lịch sử từ hệ thống kênh, sông”.

Quyết tâm cao và tầm nhìn dài hạn

Để cải tạo, chỉnh trang hệ thống kênh, sông, khai thác tiềm năng, lợi thế, làm thay đổi diện mạo và phát triển đô thị sông nước, vấn đề đặt ra cho TP Hồ Chí Minh là việc di dời hàng chục nghìn hộ dân đang định cư, sinh sống ở ven và trên sông; tiếp đó là nguồn kinh phí lớn để phục vụ cải tạo, nạo vét, chỉnh trang... Gần 20 năm trước, khi triển khai dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, thành phố đã phải chi gần 10.000 tỷ đồng, di dời hơn 7.000 hộ dân và mất gần 10 năm mới hồi sinh được dòng kênh dài 9km. Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện nay, toàn thành phố còn khoảng 20.000 hộ dân với gần 100.000 nhân khẩu  đang sống trên và ven các tuyến kênh, rạch, tập trung ở các quận 4, 6, 7, 8, Bình Thạnh, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh...

leftcenterrightdel
Một góc TP Hồ Chí Minh nhìn từ sông Sài Gòn. Ảnh: XUÂN CƯỜNG 

Nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng, việc tái định cư khá tốn kém, nhưng lợi ích mang lại lớn hơn nhiều. Trong 30 năm qua, số tiền thành phố chi cho các công trình chống ngập đã lên tới hàng tỷ USD mà vẫn chưa khắc phục được tình trạng ngập úng mỗi khi mưa xuống, thủy triều dâng. Vậy việc cải tạo những kênh, rạch và di dời dân để nâng cao chất lượng sống và làm đẹp bộ mặt đô thị một cách lâu dài, bền vững chắc chắn sẽ lợi ích hơn nhiều. Theo GS, TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh): Chủ trương đầu tư cải tạo, chỉnh trang hệ thống kênh, rạch thể hiện tầm nhìn dài hạn vì sự phát triển đô thị sông nước hiện đại, văn minh, rất cần thực hiện khẩn trương, nhanh chóng. Sau khi cải tạo, thành phố nên có kế hoạch giữ gìn, bảo vệ không để kênh, rạch bị lấn chiếm hoặc tái ô nhiễm.

Công việc cải tạo, chỉnh trang không phải một sớm, một chiều là có thể hoàn thành mà cần thực hiện từng bước, có trọng tâm, trọng điểm. Phải thực hiện hài hòa, hợp lý việc đền bù, giải tỏa, chăm lo tái định cư cho các hộ dân. TS, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhận định: Vấn đề cốt lõi là thực hiện quy hoạch hai bên bờ kênh, rạch kết hợp với cải tạo, nạo vét, làm sạch dòng chảy. Sông nước luôn có giá trị cảnh quan. Tuy nhiên, giá trị này cần có cơ chế quản lý để người dân thấy rằng, đây là lợi ích chung mà cùng nhau bảo vệ. Đặc biệt, thành phố nên khuyến khích những giải pháp xã hội hóa và kêu gọi đầu tư từ thành phần kinh tế tư nhân để tháo gỡ khó khăn, giải quyết sự thiếu hụt vốn đầu tư, giảm áp lực ngân sách nhà nước...

Thực tế cho thấy, chương trình cải tạo hệ thống kênh, rạch đã được TP Hồ Chí Minh chú trọng thực hiện từ nhiều năm qua, mặc dù nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn. Giai đoạn 2021-2025, TP Hồ Chí Minh sẽ khơi thông, nạo vét kết hợp chỉnh trang đô thị cho hàng loạt tuyến kênh, rạch lớn, nhỏ trên địa bàn. Việc nạo vét, cải tạo kênh rạch là giải pháp căn cơ, bền vững để chỉnh trang bộ mặt đô thị, cải thiện đời sống người dân. Những dòng kênh trong xanh, đẹp đẽ sẽ góp phần tạo nên hình ảnh TP Hồ Chí Minh không chỉ đầu tàu về kinh tế, năng động, nghĩa tình mà còn lãng mạn, nên thơ, mang đặc trưng của đô thị sông nước hiện đại, văn minh...

Tất cả những điều đó cần một quyết tâm cao và tầm nhìn dài hạn!

CHÂU GIANG