Từ lâu Điện Biên đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Tây Bắc. Cách Hà Nội khoảng 450km, Điện Biên có biên giới giáp Trung Quốc và Lào, thủ phủ là TP Điện Biên Phủ... Điện Biên không chỉ sở hữu vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ mà còn là địa danh gắn liền với chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954.

Có lẽ vậy, khi đến thành phố này, du khách luôn có cảm giác được sống lại những phút giây lịch sử hào hùng về một mảnh đất oai hùng với những chiến công hiển hách. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập, các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (hầm De Castries).

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải chào cột mốc biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc. Ảnh: TUẤN HUY

Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ. Đây là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, bao gồm hai đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490m, Đông Nam cao hơn 493m. Khác với khung cảnh yên bình hiện tại, vào ngày 7-5-1954, đây là nơi đã diễn ra trận chiến hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, buộc sĩ quan, binh sĩ Pháp phải đầu hàng. 

Trận đánh trên đồi A1 diễn ra ác liệt. Trên đỉnh đồi là căn hầm cố thủ, vốn là hầm rượu của tòa công sứ Pháp trước năm 1945. Hầm được chia thành hai ngăn, trong đó một ngăn là nơi làm việc của bộ phận thông tin điện đài. Hầm được làm bằng vật liệu chắc chắn, tường gạch kiên cố, mái hầm được đổ bê tông dày, có thể làm nơi ẩn nấp cho hàng chục người. Trên đồi A1 vẫn còn dấu tích hố bộc phá được bộ đội ta tạo thành bởi gần 1.000kg thuốc nổ.

Bên cạnh đồi A1 là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được thiết kế hình nón cụt, phần trang trí tạo hình quả trám tượng trưng cho tấm lưới ngụy trang của mũ bộ đội, gồm một tầng hầm và một tầng nổi. Tầng hầm là nơi đón khách tham quan, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ vui chơi giải trí. Tầng nổi là không gian trưng bày chuyên đề Chiến thắng Điện Biên Phủ. Phần nổi có diện tích 1.250m2 với gần 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bản đồ. Điểm nhấn ở Bảo tàng là bức tranh panorama có 4.500 nhân vật, chiều dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m, phần đắp nổi 6m, tổng diện tích hơn 3.200m2 thể hiện liên hoàn các giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.   

Đến Điện Biên, du khách sẽ thấy thật đáng tiếc nếu không đến A Pa Chải, một bản thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. A Pa Chải thuộc cực Tây, là cột mốc số 0, nằm tại ngã ba biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc-Lào. Nơi đây được mệnh danh là điểm đến mà một con gà gáy cả 3 nước cùng nghe tiếng. Cung đường để chinh phục A Pa Chải vô cùng gian nan bởi địa hình dốc và uốn lượn, những ngày mưa đi lại càng khó khăn hơn. Nhưng càng khó bao nhiêu lại càng đem lại cảm giác chinh phục và hân hoan khi được chạm tay vào điểm cực Tây của Tổ quốc.

“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói truyền miệng của người dân vùng Tây Bắc khi nhắc về những vựa lúa ngút ngàn tại mảnh đất Điện Biên. Nằm trọn trong lòng chảo Điện Biên, nhìn từ trên cao, cánh đồng lúa Mường Thanh tựa như tấm thảm được dệt từ sắc xanh của lúa và sẽ chuyển màu vàng rực khi bước vào những ngày hè.

Ngắm trời đất Điện Biên dưới nắng vàng và hít hà hương thơm của lúa mới sẽ cho du khách một cảm xúc trào dâng, xao xuyến và nhớ mãi.

HOÀNG ĐĂNG