Đảo khát
Nắng ở Lý Sơn khiến người ta phát sợ. Cứ truyền miệng “nắng Sơn Tây” nhưng nắng nơi đất lính gặp nắng Lý Sơn chắc cũng... tắt nắng. Những ngày đầu tháng 7 vừa qua, tôi ra Lý Sơn công tác mà trong lòng lâng lâng cảm xúc. Nhưng niềm hứng khởi vừa đặt chân xuống huyện đảo này đã bị thử thách bởi nắng nóng hầm hập nơi đây. “May mà hôm nay có gió biển, không em còn khó thở nữa”-anh Phạm Ngọc Thanh, chủ nhà khách Viễn Đông động viên tôi rồi cũng nhanh chóng quay vào phòng ngủ của gia đình đang bật sẵn máy điều hòa. Không hiểu trước đây, lúc chưa có điện, người dân chống chọi với cái nắng ra sao? Tôi đặt câu hỏi này thì được Bùi Tấn Lộc, một tay trồng tỏi có tiếng trên đảo đáp lời tưng tửng: “Người ai nấy như mực khô. Nhưng ở Lý Sơn, người dân sợ thiếu nước hơn nắng nóng”.
    |
 |
Lão nông Lê Đình Thức quyết tâm bám trụ ở huyện đảo Lý Sơn. |
Không hiểu nắng nóng thế này mà không có điện, không có nước sẽ sống ra sao? Trong phòng nghỉ của tôi, máy điều hòa đang chạy mà cứ có cảm giác đang nằm trong một nồi hơi... Tôi phi nhanh xuống đường vì đã hẹn với Bùi Tấn Lộc. Ngồi trên xe gắn máy cùng Lộc đi thăm hơn chục sào ruộng trồng hành của tay nhà nông này, tôi gợi chuyện: “Vụ hành này kiếm khá không em?”. “Hòa đã là may. Càng làm càng chết. Đến như vụ tỏi vừa rồi cũng chết sặc”. “Ủa, tỏi được mùa mà”. “Vẫn là điệp khúc “được mùa rớt giá” đó anh”.
Lộc vốn là dân làm ăn có tiếng ở huyện đảo này. Được biết trong tay vợ chồng Lộc có hơn 10 sào trồng hành, tỏi (mỗi sào có diện tích 500m2). Cộng cả hai cha con Lộc thì dễ có đến 15 sào. Nhưng đó chỉ là ruộng Lộc kể, tôi biết tay này còn nhiều ruộng không muốn nhắc tới, phải chăng đó là những sào ruộng trồng hành đang chết lụi vì nắng nóng, vì thiếu nước.
Nước máy mặn hơn nước giếng khoan
Cùng Lộc tưới nước cho những ruộng hành mới trồng, tôi nghe Lộc than thở: “Trước thì làm đất vất vả, khó khâu giống, thiếu nước; giờ thì vẫn là khó khăn ở khâu đất và nước”. Nghe Lộc than vắn thở dài, tôi mới nhớ ra lúc nãy hai anh em có phi lên hồ chứa nước ở lưng chừng núi Thới Lới. Cả huyện đảo Lý Sơn chỉ có một hồ chứa nước này nhưng giờ sắp trơ đáy, nên người dân ai nấy đều lo. Nhìn hồ chứa nước mà buồn, bởi chẳng còn ra hồn vía của hồ. Một ốc đảo cỏn con trên đỉnh núi thì đúng hơn.
Theo tìm hiểu của tôi, hơn 2,2 vạn người dân trên đảo dễ có đến 1/5 thiếu nước sinh hoạt, nói chi đến việc tưới tiêu. Năm 2018, hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện đảo Lý Sơn được đưa vào sử dụng. Hệ thống gồm 7 giếng khoan, 7 trạm bơm và nhiều công trình phụ trợ với vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng; với công suất lọc 1.000m3 ngày/đêm, hệ thống được kỳ vọng cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1.500 hộ dân. Tuy vậy, hệ thống lọc nước này không phát huy tác dụng giải cơn khát nước sạch của người dân. Nghịch lý ở chỗ, nước máy còn mặn hơn nước giếng khoan, thậm chí còn bốc mùi thum thủm. Ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho tôi biết: “Nguồn nước ngầm trên đảo sụt giảm nghiêm trọng, túi nước ngọt bị nhiễm mặn. Do đó, hệ thống giếng khoan cũ không phát huy tác dụng. Huyện đã có kế hoạch khảo sát, tìm những vị trí thuận lợi xây dựng thêm một số giếng mới nhằm cung cấp nước cho người dân”. Lại nhớ lúc mới xuống cầu cảng nơi huyện đảo, đập vào mắt tôi là tấm bảng to ngay ngã tư đường: “Toàn dân bảo vệ nguồn nước ngọt”.
Đi tham quan những ruộng hành, ruộng dưa hấu đang vào vụ thu hoạch, tôi để ý có những ống nước to kéo dài chạy hút tầm mắt. Phải là hộ rất giàu mới có thể kéo đường nước “xông xênh” đến vậy. Lại càng không mấy nhà có điều kiện như gia đình Lộc, “chơi lớn” đầu tư kéo đường nước dài 2,5km tốn hơn trăm triệu đồng từ mấy năm trước, nên đã chủ động được việc tưới tiêu, chứ nhiều hộ phải tưới cầm chừng, hoặc để ruộng trơ đất cát, tội lắm.
Ở huyện đảo này, gia đình nào không có nước, muốn tưới cho mảnh ruộng một sào trong 1 giờ với 5-7m3 nước, phải chi ra từ 100 đến 150 nghìn đồng. Ruộng xa đường nước thì đương nhiên phải thọc tay vào túi sâu hơn. Thế nên nhiều gia đình đem cho thuê ruộng để đỡ vất vả. Một sào cho thuê được 5-6 triệu đồng/năm. Nhà nào có gần chục sào ruộng cho thuê kể cũng khá. Nhưng ở Lý Sơn này, có mấy gia đình như nhà Lộc. Ngay như nhà anh Phạm Ngọc Thanh, dân gốc ở đây cũng chỉ có non một sào ruộng được hợp tác xã phân cho từ những năm 80 thế kỷ trước. Ở Lý Sơn, nhà nào cũng có ruộng. Mấy chục năm trước, hợp tác xã chia ruộng theo đầu người, đều như nhau. Nhà nào có bao nhiêu khẩu cứ thế nhân lên 100-120m2 ruộng/khẩu, tính từ người già lụ khụ cho đến con trẻ mới sinh. Sau vụ chia ruộng đó, đến nay không còn chia chác ruộng đất gì nữa. Nhà Lộc có nhiều ruộng là nhờ làm ăn tích cóp, vợ khéo buôn bán nên mỗi năm mua thêm ít ruộng. Mua nhiều mà cũng để đấy cả thôi, vì tôi thấy hơn 6 sào ruộng của nhà Lộc ở khu 3.200m2 đang để không. Lộc nhìn trời, bảo: “Nắng thế này, người còn thở không ra hơi, huống chi cây cỏ”.
Nuôi dưỡng ước mơ
Không như nhà Lộc, những hộ nông dân khác tôi gặp, như hộ nhà anh Trần Công Tươi-chị Võ Thị Nhất, không làm ruộng thì biết lấy gì nuôi mấy cái “tàu há mồm”.
Đầu giờ chiều, trời nắng hơn rang, tôi thấy lạ khi đã có người ra làm ruộng. Che người kín như ninja, tôi đi bộ ra thửa ruộng bên cạnh Ban CHQS huyện đảo Lý Sơn hỏi chuyện anh Tươi: “Sao anh khổ thế! Trời nắng như thiêu thế này mà anh không sợ say nắng à?”. “Khổ miết cũng thành quen. Tôi tranh thủ ra đây thu hoạch hành tím, để mấy bữa nữa xuống giống vụ tỏi”. Trò chuyện một hồi, tôi được biết anh Tươi gắng đội nắng làm ruộng để tối còn cùng bạn tàu vươn khơi đánh bắt cá. “Đi biển và làm ruộng, cái nào lợi hơn hả anh?”, tôi hỏi người đàn ông khắc khổ này. “Khổ như nhau cả thôi chú à! Có chăng làm ruộng giữ mạng sống tốt hơn”.
Hai vợ chồng anh chị trò chuyện với tôi mà hai con mắt mở, hai con mắt như nhắm lại. Dường như anh chị đang tránh mất nước dưới sức nóng khủng khiếp đang bốc lên từ thửa ruộng.
Nhà anh chị Phạm Tấn Cường-Nguyễn Thị Tuyết có mấy sào ruộng cạnh nhà anh Tươi, vụ hành tím này cũng lỗ. Như hai sào ruộng anh chị thuê lại của người họ hàng, lỗ 8-10 triệu đồng/sào hành tím do khí hậu khắc nghiệt. Chị Tuyết đưa tay chỉ lô ruộng nữa của gia đình cách đó không xa, rầu rĩ nói với tôi: “Chỗ đó chắc cũng lỗ thêm vài chục triệu đồng nữa”.
Trò chuyện cùng anh chị Cường-Tuyết tầm 9 giờ sáng mà tôi sém say nắng. Ngồi bệt xuống ruộng cho đỡ mệt, tôi vừa tập thu hoạch hành tím vừa trò chuyện cùng anh chị. Được biết anh chị có 3 người con: Phạm Thị Bích Hạnh, Phạm Thị Mỹ Phước và Phạm Tấn Thọ. Người con lớn Bích Hạnh vào đại học năm ngoái, nhưng gia cảnh khó khăn nên đã nghỉ học, để bố mẹ dồn tiền nuôi hai em ăn học. Tôi hỏi nhỏ: “Con gái lớn anh chị vừa thôi học trường nào đó?” thì cả vợ lẫn chồng đều không nhớ nổi con mình từng học trường gì. Có thể trời nắng to khiến anh Cường-chị Tuyết tạm thời không nhớ ra tên trường đại học nhưng tôi hình dung cuộc sống khó khăn khiến anh chị quá đỗi mệt mỏi rồi. Tôi liên tưởng sức nóng khủng khiếp của mặt trời đã làm “cháy túi” anh chị Cường-Tuyết cùng một số người dân trên đảo.
Mấy bữa sau, Lộc phi xe máy mang vào nhà khách Viễn Đông ít dưa hấu mời chúng tôi thưởng thức. Dưa bé như bầu lùn nhưng ăn ngọt, mát nhẹ nên ai nấy đều tranh thủ ăn nhiều một chút để giải nhiệt. Mấy năm gần đây, do nước ít nên một số hộ dân trên đảo đã giảm diện tích trồng hành, tỏi để chuyển sang trồng đậu tương, lạc, ngô, dưa hấu, đậu xanh, đậu đen. Liên quan đến chuyện chuyển đổi cây trồng, ông Đặng Tấn Thành cho hay: “Trước khi vào mùa nắng, huyện khuyến cáo người dân cần chuyển đổi hành, tỏi sang những loại cây trồng ít cần nước tưới hơn, đặc biệt là tại các khu vực và diện tích ruộng nằm xa giếng. Tuy nhiên, do lợi nhuận trồng hành, tỏi mang lại cao hơn và một số nguyên nhân khác, không dễ để người dân chấp nhận chuyển đổi giống cây trồng”.
Những ngày ở Lý Sơn, tận mắt chứng kiến sức nóng của mùa hè như lò thiêu làm cháy rụi những ruộng hành, còn những ruộng ngô trên đảo lá đã cháy khô xoăn tít như mực nướng, tôi lại càng thêm khâm phục ý chí của người dân nơi huyện đảo tiền tiêu này. Tinh thần của anh Cường, chị Tuyết, của Lộc, của anh Tươi... vẫn còn đó. Họ đang gồng mình đương cự lại cái nắng nóng khủng khiếp để ước mơ, hy vọng vào những vụ mùa bội thu, để có tiền mưu sinh, lập nghiệp, nuôi dưỡng những ước mơ cho con trẻ.
Diện tích hành vụ này của huyện đảo Lý Sơn khoảng 167ha, với sản lượng dự kiến thu hoạch khoảng 1.888 tấn; lạc khoảng 71ha, dưa hấu 14ha, ngô 8ha. So với cùng kỳ năm trước, diện tích hành giảm 34ha, các loại cây trồng còn lại cũng giảm gần 70ha. Trong khi đó, diện tích trồng tỏi về cơ bản không thay đổi. Diện tích cây trồng giảm chủ yếu là do người dân không tự chủ được nguồn nước tưới tiêu. |
Bài và ảnh: KHOA MINH