Hôm đó, ông cùng một số đồng nghiệp đến nhà riêng chúc mừng Đại tướng nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời xin ý kiến về một số vấn đề, sự kiện trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp.

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân Đặng Bích Hà và cán bộ Viện Lịch sử Quân sự (đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, ngồi ngoài cùng, bên trái). Ảnh do nhân vật cung cấp

Hôm đó, Đại tướng mặc quân phục mùa đông, ngồi trên ghế salon đã cũ ở phòng khách. Đã bước sang tuổi 83, nhưng khi nói chuyện, Đại tướng vẫn toát lên phong thái của một vị tướng mạnh mẽ, thông tuệ mà rất gần gũi. Sau khi nói về lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc ta, Đại tướng căn dặn: "Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng chung của cả dân tộc mà công đầu tiên thuộc về Đảng ta và Bác Hồ. Trận Điện Biên Phủ còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, làm sáng tỏ. Nhiệm vụ của các đồng chí là phải làm rõ những vấn đề đó. Lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng phải nghiên cứu, phải viết nhiều lần, phải viết làm sao cho đúng, phản ánh được sự thật nhưng phải có sức thuyết phục và hấp dẫn người đọc".

Trong suốt buổi nói chuyện hôm đó, Nguyễn Mạnh Hà và các đồng nghiệp tuyệt nhiên không thấy Đại tướng nhắc về bản thân. Người được Đại tướng thường xuyên nói đến chính là Bác Hồ, người đã có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng.

Vào tháng 9-1997, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với các tỉnh Bắc Kạn, Phú Thọ, Thái Nguyên tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947. Dịp này, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà được cử đến nhà riêng của Đại tướng trình bày mục đích của hội thảo, đề đạt nguyện vọng của ban tổ chức muốn mời Đại tướng tham dự và phát biểu. Nghe xong, Đại tướng từ tốn nói: "Sự kiện này đã diễn ra nửa thế kỷ rồi, nhiều diễn biến tôi không còn nhớ rõ. Hôm nào cậu đến đây nói lại toàn bộ diễn biến chiến dịch rồi sau đó viết gì sẽ viết". Nghe những lời đó, Nguyễn Mạnh Hà không khỏi ngỡ ngàng bởi sự khiêm nhường của Đại tướng.

Mấy hôm sau, Nguyễn Mạnh Hà đến gặp Đại tướng báo cáo kế hoạch hội thảo, trình bày nội dung quá trình chuẩn bị tấn công lên Việt Bắc của Pháp và sự chuẩn bị đối phó của quân ta. Đại tướng chăm chú nghe, ông nói: "Thế là được rồi, mình sẽ viết bài cho các cậu. Nếu hôm hội thảo, sức khỏe cho phép mình sẽ lên dự". 

Năm 1999, kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, khi đi thăm khu di tích ở rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nơi ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân), một số đồng chí lão thành cách mạng phát hiện trên tấm bia ghi danh 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có sự sai sót, nhầm lẫn về họ, tên, quê quán, dân tộc... Sau đó, các đồng chí lão thành viết thư kiến nghị lên cơ quan chức năng đề nghị xác minh thông tin và sửa chữa các sai sót.

Khi đó, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà đang làm Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự, được phân công phụ trách một tổ để xác minh, làm rõ thông tin trên. Giữa năm 2002, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà báo cáo Đại tướng về kết quả xác minh, Đại tướng nói: "Công việc của các đồng chí rất có ý nghĩa, góp phần làm rõ các hoạt động của đội quân tiền thân của Quân đội và những con người cụ thể. Không những thế, nó còn giúp cơ quan chính sách trong và ngoài Quân đội có cơ sở tham khảo để giải quyết chế độ, chính sách cho các gia đình đội viên chưa được hưởng. Hồi đó, Bác Hồ giao cho tôi nhiệm vụ tổ chức thành lập Đội. Hôm thành lập, không khí rất trang nghiêm nhưng thân mật, đầm ấm. Vật chất hầu như không có gì, khó khăn lắm. Gần 60 năm rồi, bây giờ Quân đội ta lớn mạnh, đã đánh thắng cả quân Pháp, quân Mỹ. Lịch sử của dân tộc, của Quân đội ta anh hùng lắm, các đồng chí phải làm sao phản ánh được điều đó vào trong sách lịch sử để giáo dục thế hệ trẻ". 

HÀ BÁCH