Tại Việt Nam, cây trà (miền Bắc gọi là chè) có từ lâu đời nhưng ngành công nghiệp chế biến trà thì chỉ xuất hiện cách đây gần một thế kỷ cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và vùng Cầu Đất thuộc thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) chính là nơi khởi đầu cho ngành công nghiệp trà Việt Nam.
Trong căn nhà nhỏ nằm giữa đồi trà bát ngát, mướt xanh, cụ Phan Thị Đừng, một trong những phu trà lâu năm nhất của Sở trà Cầu Đất hiện vẫn còn sống, bồi hồi nhớ lại: “Tôi sinh năm 1927, quê ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm lên 6 tuổi, do cuộc sống đói khổ, lại cùng với dịp người Pháp về Quảng Ngãi tuyển người vào làm tại sở trà nên 4 mẹ con tôi dắt díu nhau vào đây”.
Cụ Phan Thị Đừng hái trà tại vườn trà cổ Cầu Đất.
Sở trà Cầu Đất được thành lập từ năm 1927. Trước đó, người Pháp đã cho trồng tại đây hàng trăm héc-ta trà trên những ngọn đồi có độ cao trung bình 1.600m so với mực nước biển. Ngày đầu thành lập, nhà máy có khoảng 1.000 công nhân, chủ yếu đến từ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, miền Trung. Họ là những người cùng khổ, bị cường hào, ác bá địa phương áp bức hoặc những chiến sĩ cách mạng bị địch khủng bố, buộc phải ly hương. “Cuộc sống phu trà ngày ấy vô cùng khổ cực. Nơi ở chỉ là dãy lán bằng gỗ, lớp giấy dầu thấp lè tè, giường là những tấm phản xếp chồng. Mỗi gia đình hoặc 4-5 công nhân được phân vào một phòng rộng vài mét vuông. Vào 6 giờ sáng hằng ngày, công nhân phải tập trung trình diện đi làm. Ai chậm hoặc bị ốm đau không có mặt sẽ bị bọn cai đánh đập. Mỗi tốp công nhân làm việc đều có một tên cai cầm roi đứng sau đốc thúc, ai chậm chạp, lơ là sẽ bị chúng quất roi lên người. Cả năm chúng tôi không biết đồng lương là gì, cuối tháng mỗi người được phân một phiếu chấm công, cầm phiếu ấy lên nhà kho lĩnh muối, gạo, cá khô. Vùng này quanh năm lạnh giá, sương mù dày đặc, thú dữ thường xuyên xuất hiện tấn công người. Nhiều người không chịu nổi phải bỏ mạng hoặc trốn khỏi sở trà”-Cụ Đừng bồi hồi nhớ lại.
Đối lập với cuộc sống cùng khổ của phu trà, những đồi trà Cầu Đất lại luôn màu mỡ, xanh tốt. Bí quyết chính là nhờ thổ nhưỡng vô cùng lý tưởng. Là người có thâm niên trong nghề, lại từng đảm trách nhiều khâu quan trọng tại nhà máy nên cụ Đừng hiểu rõ về vấn đề này. “Trà Cầu Đất nhiều nhựa, vị ngọt hậu, ít đắng chát, mùi thơm dịu. Buổi sáng, khi mặt trời lên, những hạt sương còn đọng trên búp trà long lanh như những hạt cườm là thời điểm thích hợp nhất để thu hái, chế biến. Mùa khô, trà cho chất lượng tốt hơn mùa mưa. Muốn biết trà ngon hay không chỉ cần nắm một vốc trà sau khi vò, nén chặt trong tay rồi thả cho rơi xuống mặt sàn. Trà ngon thì thì nắm trà vẫn nguyên, trà dở thì vỡ tan ra”-Cụ Đừng bật mí.
Vùng Cầu Đất trước đây còn tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm-Đà Lạt chạy ngang qua. Mỗi ngày, những chuyến tàu đều đỗ lại ga Cầu Đất để “ăn” trà. Từ đây, trà sẽ theo tàu xuống Phan Rang, vào Sài Gòn, rồi theo các chuyến tàu thủy sang tận trời Âu. Trước đây, nhà máy chỉ sản xuất hai sản phẩm chủ lực là trà đen và trà xanh. "Trà đen dùng kỹ thuật vò, lên men và sấy khô. Còn trà xanh có thêm công đoạn sao trên bếp lửa. Khi sao phải dùng đũa gỗ, dùng đũa sắt khiến trà bị thâm, nước không đẹp, vị tanh" - Cụ Đừng cho biết.
Kể từ ngày thành lập đến nay, Sở trà Cầu Đất đã nhiều lần thay tên, đổi chủ nhưng nhà máy chế biến trà chưa bao giờ ngừng hoạt động. Hiện nay, bên những đồi trà thường xuyên được luân canh vẫn còn khoảng 16ha trà có tuổi đời gần một trăm năm vẫn tươi tốt và cho thu hái đều đặn. Trong nhà máy, dãy nhà xưởng, nhà kho và những máy vò, máy sàng trà nhãn hiệu Mashall được nhập từ châu Âu đầu thế kỷ 20 cũng được bảo tồn khá nguyên vẹn. Thế hệ con cháu của những phu trà năm xưa giờ đã sinh sôi đông đúc, sống tập trung thành phố, thành làng. Phần lớn họ vẫn bám trụ với nghề trồng trà và làm công nhân cho nhà máy giống như các bậc tiền nhân. “Trước đây, chỉ có một giống trà cổ thuần Việt thì nay có thêm nhiều giống mới như ô long, tứ quý, 27... Dù diện tích không nhiều thay đổi so với ngày xưa nhưng nhờ áp dụng khoa học công nghệ nên năng suất, chất lượng không ngừng nâng lên. Ngoài Sở trà Cầu Đất hiện đã được bán cho công ty Seedcom và được đổi tên là Cầu Đất Farm thì tại địa phương còn có 4 doanh nghiệp và hàng trăm hộ nông dân tham gia trồng, chế biến trà. Hiện mỗi héc-ta trồng trà cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm. Trà Cầu Đất luôn được thị trường đánh giá cao. Người trồng trà có cuộc sống ổn định, ngày càng khá giả”- Ông Trần Xuân Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trạm Hành cho biết.
Vùng trà Cầu Đất hôm nay đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt. Dấu ấn rêu phong của thời gian, cảnh sắc thanh bình, thơ mộng cùng vị trà trăm năm thanh khiết đã và đang đánh thức ký ức trong du khách về một Đà Lạt thuở ban đầu.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG