A Pa Chải trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là “vùng đất bằng phẳng, rộng lớn”. Đây là điểm được mệnh danh “một con gà gáy cả 3 nước đều nghe”. Có lẽ vì vị trí đặc biệt này mà nơi đây được chọn để đặt cột mốc biên giới. Ngày 27-6-2005, Việt Nam-Trung Quốc-Lào đã thống nhất cắm cột mốc số 0 tại A Pa Chải, tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E, nằm trên đỉnh núi Khoang La San, có độ cao 1.864m so với mực nước biển. Cột mốc được làm bằng đá granite, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2m, có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng quốc ngữ và quốc huy của mỗi quốc gia.

 Đi đường bộ bạn sẽ có hai cung đường để đến đây. Một là đến Điện Biên rồi đi tiếp qua Mường Nhé tới Sín Thầu. Hai là lên Lai Châu rồi rẽ vào Mường Nhé và tới Sín Thầu. Khoảng cách hai cung đường này tương đương nhau, đều khoảng 750km. Đường bây giờ được trải nhựa, khá đẹp và dễ đi.

leftcenterrightdel
 Cột mốc số 0 ở ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào.

 

Lại nhớ đầu thập niên 2000, đường nhỏ và xấu nên xe khách tới khu vực này rất hiếm. Để chinh phục A Pa Chải-điểm cực Tây của Tổ quốc, chúng tôi phải đi xe máy từ Hà Nội lên Lào Cai, Phong Thổ rồi đến Mường Nhé vào Sín Thầu. Đường thời đó chủ yếu là liên huyện, nhỏ và gập ghềnh, nhiều đoạn là đường đất, sỏi, đá dăm rất khó đi, không chắc tay lái là trượt ngã như chơi. Đường xấu nhưng bù lại cảnh quan hai bên đường thì thật thơ mộng, quyến rũ. Những vạt hoa cải nở vàng rực bên đường. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như những đường viền tô điểm thêm màu sắc cho núi rừng Tây Bắc. Bản Tá Miếu (xã Sín Thầu) của người Hà Nhì chính là điểm dừng chân, nghỉ ngơi qua đêm lý tưởng. Đến đây khi trời đã tối, không có đèn, không thông thạo địa hình nên chúng tôi quyết định gửi xe ở nhà dân rồi lội qua suối Voi để vào bản. Ngày đó, bản Tá Miếu nghèo lắm, không điện, không nước sạch, thiếu thốn thực phẩm, đồ dùng hằng ngày, người dân phần lớn không biết chữ. Chúng tôi chở gạo từ Hà Nội lên để tặng bà con, rồi mang cho bọn trẻ trong bản một số sách cũ, giấy bút để tập đọc, tập viết... Tuy giá trị không nhiều nhưng nhìn bọn trẻ hớn hở, tô vẽ, vui vẻ ngắm sách cùng nhau là chúng tôi thấy ấm lòng. Ngày nay, bản Tá Miếu đã phát triển, không còn hộ đói, có trường học, có điện, trẻ con được đi học, biết viết, biết đọc, đời sống bà con Hà Nhì cũng tốt lên rất nhiều.

leftcenterrightdel
 Mọi người trong đoàn dắt xe qua suối Voi.

 

Sáng hôm sau, từ bản Tá Miếu, chúng tôi lên Đồn Biên phòng 317 để làm thủ tục xin lên mốc A Pa Chải. Đồn Biên phòng 317 có nhiệm vụ quản lý hơn 38km đường biên giới với 16 cột mốc trong đó có cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Trung Quốc-Lào. Thủ tục xin phép không mất nhiều thời gian miễn là du khách đủ giấy tờ và không có hoạt động ảnh hưởng đến trật tự vùng biên. Sau khi cấp phép, Đồn Biên phòng 317 cử một đồng chí dẫn chúng tôi lên tham quan cột mốc. Đoạn đường chỉ khoảng 10km nhưng rất mệt và mất sức vì vừa phải đi bộ qua những đồi cỏ gianh cao ngất, sắc lẹm lại vừa phải vượt rừng, leo núi dốc để đi lên. Có những đoạn đường rừng dốc lên liên tiếp khiến chúng tôi phải dùng cả hai tay để bò. Thế mới biết cuộc sống hằng ngày nơi đây của Bộ đội Biên phòng vất vả đến nhường nào. Ngày nào cũng hành quân tuần tra, quãng đường vượt đèo, leo núi để bảo đảm sự bình yên cho biên cương Tổ quốc. Qua hết rừng tưởng đã đến đích nhưng không, vẫn còn đó hơn 600 bậc lên cột mốc đang chờ chúng tôi. Vượt hết những bậc này, bạn mới chính thức chạm tay được vào cột mốc A Pa Chải.

Bây giờ, sau khi Đồn Biên phòng 317 (nay là Đồn Biên phòng A Pa Chải) được xây dựng hoàn thiện, đồng thời với việc hình thành tuyến đường tuần tra biên giới, việc chinh phục mốc số 0-A Pa Chải trở nên dễ dàng, đơn giản hơn. Đoạn đường 10km từ Đồn Biên phòng A Pa Chải lên đến cột mốc đã được đổ bê tông để thuận lợi cho việc đi lại. Nếu không muốn đi bộ, bạn có thể đi xe máy đến tận chân cột mốc, sau đó chỉ mất khoảng 45 phút để vượt qua chính mình, chinh phục cực Tây, cột mốc A Pa Chải.

Đến A Pa Chải không đơn thuần chỉ là du lịch mà còn là những trải nghiệm về cuộc sống yên bình với người dân nơi vùng biên trong không khí tự nhiên trong lành của núi rừng Tây Bắc. Đứng tại cột mốc A Pa Chải phóng tầm mắt với ngút ngàn đồi núi xanh mát của Tổ quốc, lòng càng thêm yêu thương và mến phục những con người đã gắn bó ngày đêm với nơi này.

A Pa Chải hẹn ngày gặp lại không xa...

Bài và ảnh: ĐINH TUYẾT HẠNH