Sống mãi cùng thời gian
Hà Nội những ngày cuối đông, cái lạnh thấm trong từng lớp áo. Nhưng trong ngôi nhà của họa sĩ, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo lại tràn ngập không khí mùa xuân. Những bức tượng đồng, tượng gỗ, tranh sơn mài lấp lánh sắc màu, thể hiện tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ.
Bên tách trà thơm, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo với mái tóc bồng bềnh trắng như cước kể chuyện tuổi thơ quê mình. Ngày trước, mỗi lần bộ đội hành quân qua làng, các cô thôn nữ e ấp đứng nhìn từ xa, nhưng ánh mắt đầy vẻ ngưỡng mộ. Khi bộ đội dừng chân nghỉ lại thì gia đình nào cũng mong được đón các anh về nhà mình. Phấn khởi nhất là mấy đứa con nít, cứ buổi tối lại sà vào lòng bộ đội, nằm nghe người lớn kể chuyện đánh giặc ở Điện Biên.
|
|
Tác phẩm “Khát vọng” của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. |
Sinh năm 1941 ở Thanh Hóa, họa sĩ Tạ Quang Bạo được đào tạo bài bản từ trung cấp đến cao đẳng tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp (nay là Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp). Năm 1971, ông nhập ngũ vào chiến trường Quân khu 5, nơi được coi là “vành đai diệt Mỹ”. Đất nước thống nhất, ông về làm Phó giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội. Năm 1985, ông chuyển công tác về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
Trưởng thành và gắn bó với Quân đội nên đề tài sáng tác của ông luôn gắn liền với hình ảnh về người lính, về tình yêu quê hương, đất nước. Hàng loạt công trình tượng đài nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố như: “Hò kéo pháo Điện Biên Phủ” (Điện Biên); “Chiến thắng Xuân Trạch” (Vĩnh Phúc); “Chiến thắng Sông Lô” (Phú Thọ); “Ngời sáng quê hương” (Quảng Trị); “Chiến thắng Quế Sơn” (Quảng Nam); “Chiến thắng Nha Trang” (Khánh Hòa)... đã làm nên tên tuổi nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo.
|
|
Tác phẩm “Thiếu nữ” của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. |
Nghệ thuật điêu khắc của ông có tính khái quát cao, phát triển đa chiều, giàu tính giáo dục, hài hòa với cảnh quan môi trường. Mỗi công trình tượng đài đều mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Cùng với tác phẩm điêu khắc ngoài trời, ông còn sáng tác hàng trăm tác phẩm điêu khắc tượng tròn với các chất liệu, tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm về LLVT và chiến tranh cách mạng. Đó là những tác phẩm tiêu biểu như: “Đi học chữ Bác Hồ”, “Mẹ Trường Sơn”, “Hành quân qua phố”, “Cõng bạn”, “Hội nghị Diên Hồng”... Điều khiến tôi khâm phục ở nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là ông từng bị tai biến nặng, phải thường xuyên nằm viện. Nhưng mặc cho tuổi cao, sức khỏe yếu, bệnh tật rình rập cũng không thể ngăn ông sáng tác.
Với những cống hiến cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, họa sĩ, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017.
Vẹn nguyên tình yêu Hà Nội
Trong hội họa, họa sĩ Bùi Trung Hà được ví như “bông hoa nở muộn”, nhưng ông luôn cháy hết mình với ngọn lửa đam mê sáng tạo nghệ thuật. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng là cậu bé đứng trong khe cửa nhìn lính Pháp rút khỏi Hà Nội, được hòa mình vào dòng người cùng đổ ra đường hân hoan vẫy chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Kỷ niệm ấy khơi dậy niềm tự hào dân tộc, để rồi khi lớn lên, thay vì ngồi trên giảng đường đại học, ông viết đơn tình nguyện đi bộ đội.
Nhắc đến tuổi trẻ, họa sĩ Bùi Trung Hà như được sống lại bầu nhiệt huyết tuổi đôi mươi. Ngày ấy, đúng vào dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 1964, trước hôm lên đường, ông cùng nhóm bạn ra bờ hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh lưu niệm. Bất ngờ chiếc ô tô dừng lại, người bước xuống xe là Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
|
|
Tác phẩm “Nét xưa” của họa sĩ Bùi Trung Hà. |
Mọi người còn chưa hết ngạc nhiên thì Thủ tướng đã chủ động đến hỏi han, chúc Tết. Khi biết Bùi Trung Hà chuẩn bị nhập ngũ, Thủ tướng ân cần hỏi thăm, dặn dò dù khó khăn đến mấy cũng phải phát huy truyền thống của thanh niên Thủ đô, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trước khi ra về, Thủ tướng vẫy mọi người lại cùng chụp ảnh.
Ngày 28-2-1964, chàng trai gốc Hà thành tự hào trở thành chiến sĩ của Trung đoàn Thủ Đô, Sư đoàn 308 anh hùng, niềm mong ước bấy lâu đã thành hiện thực.
Đang lúc sức trẻ cống hiến thì Bùi Trung Hà được phát hiện có vấn đề về tim mạch. Những ngày được sống và chiến đấu bên đồng đội thân yêu giúp ông vượt qua thời kỳ khó khăn đó. Trở về địa phương, nhớ lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm xưa, người chiến sĩ ấy quyết tâm học tập, lao động, góp phần xây dựng đất nước.
|
|
Tác phẩm “Phố cũ” của họa sĩ Bùi Trung Hà. |
Là người có năng khiếu từ nhỏ, lại có cơ hội tiếp cận với các họa sĩ lớn, chẳng biết từ khi nào, tình yêu hội họa cứ lớn dần trong ông. Hình ảnh về góc phố thân quen, những bức tường rêu phong cổ kính, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể-trầm tích văn hóa nghìn năm hội tụ, thấm vào trái tim người nghệ sĩ giàu cảm xúc Bùi Trung Hà. Càng vẽ, ông càng cảm thấy say mê, mỗi tác phẩm là một mảnh ghép của cuộc sống. Qua lăng kính hội họa của ông, Hà Nội hiện lên vừa trong trẻo, tinh khôi vừa cổ kính, uy nghiêm; dung dị mà sâu lắng, như vẻ đẹp thanh nhã người Hà thành đi bát phố, nét văn hóa của người Tràng An xưa.
Biết sức khỏe của mình không tốt, ông kiên trì tập thể dục. Hơn 20 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa hè cũng như mùa đông, ông đều đặn ra bãi giữa sông Hồng để bơi. Chẳng biết do khí hậu hay dòng nước mát của "dòng sông mẹ" mà ông càng bơi, sức khỏe càng dẻo dai. Bằng chứng là ông có ngày càng nhiều tác phẩm đẹp về Hà Nội, tất nhiên có bóng dáng cây cầu Long Biên huyền thoại.
Với chủ đề “Chào xuân”, hai họa sĩ mong muốn gửi tới công chúng những tác phẩm thật ý nghĩa. Đó là sự kết hợp giữa tranh và tượng, hình khối và màu sắc, phong phú về thể loại, đa dạng về chất liệu, thể hiện tình yêu của người nghệ sĩ trước con người, thiên nhiên và sự hưng thịnh của đất nước. Qua mỗi tác phẩm của hai họa sĩ, toát lên vẻ đẹp vĩnh cửu của mùa xuân, cũng như khát vọng hòa bình, hạnh phúc.
PHÙNG MINH