Lấp lánh, con đường, lúa gạo
Từ đầu thế kỷ 20, ở ĐBSCL đã hình thành một “con đường lúa gạo” sầm uất và sôi động. Nhà văn Sơn Nam kể lại: Năm 1918, chợ Cái Răng (TP Cần Thơ) rất sung túc, tuy là chợ làng nhưng đứng đầu Nam Bộ về cơ ngơi: Công sở làng đồ sộ, nhà hát, những lẫm lúa dài hàng chục căn với phu khuân vác nhộn nhịp. Đây cũng là kho gạo lớn nhất vùng với nhiều chành lúa và các nhà máy xay xát.
Đứng đầu các chành lúa phải kể tới ông Lâm Chí Phát với hệ thống kho, ghe tàu và đội ngũ lái lúa có mặt khắp nơi thu mua, gom về. Sự giao lưu ngày càng thuận lợi, nối kết từ cả miệt Hậu Giang (miền đất phía nam sông Hậu) sang Tiền Giang. Xung quanh chợ Cần Thơ, Cái Răng có nhiều chợ “vệ tinh” như: Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu... tất cả đều gom gạo về Cần Thơ trước khi đưa lên Sài Gòn-Chợ Lớn.
Trước đó, trong suốt thế kỷ 19, Gò Công được xem là vựa lúa lớn của vùng châu thổ sông Cửu Long khi các địa phương miệt Hậu Giang chưa hoàn tất khai phá.
Vào đầu thế kỷ 20, ở Nam Kỳ, người ta có thể xếp loại các tỉnh ra làm 3 nhóm chính theo hình dạng hạt lúa, như: Hạt lúa tròn lớn (Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh); hạt lúa dài nhỏ (Sóc Trăng, Bạc Liêu và Rạch Giá); hạt lúa trung bình (Vĩnh Long, Sa Đéc, Long An). Hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc dành cho loại lúa nổi, thuộc loại lúa tròn và lớn nhưng chất lượng kém. Đồng thời, tùy theo địa dư, gạo thương mại cũng được phân chia ra làm 3 loại, gồm: Gạo Gò Công (Tiền Giang), gạo Bãi Xàu (Sóc Trăng) và gạo Long Hồ (Vĩnh Long).
Như vậy, ngay từ đầu thế kỷ 20, ĐBSCL đã là vựa lúa lớn nhất cả nước. Hạt gạo khi đó đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu quan trọng, nâng đỡ toàn bộ nền thương mại Nam Kỳ. Thống kê của Viện Nông nghiệp Quốc tế (tiền thân của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc-FAO) cho thấy, lượng nông phẩm lớn nhất của Đông Dương là lúa gạo, đạt 2.140.000 tấn xuất cảng năm 1937 nhờ diện tích canh tác ở Nam Kỳ tăng mạnh từ 522.000ha (năm 1880) đến 2,2 triệu héc-ta (năm 1937) và đặc biệt, lúa gạo Nam Kỳ lúc bấy giờ luôn chiếm hơn 50% lượng gạo xuất khẩu.
    |
 |
Người dân phơi lúa ven Quốc lộ 1, đoạn qua địa phận tỉnh Sóc Trăng. |
Vươn tầm thế giới
Đất nước thống nhất, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới (năm 1986) và có Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (tháng 4-1988), nông nghiệp nước ta thực sự bứt phá ngoạn mục. Chỉ một năm sau (1989), cả nước xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo và liên tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong các năm tiếp theo. Năm 1995, chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên của Chính phủ được triển khai, tổng sản lượng lúa tại 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tăng vọt, đạt gần 13 triệu tấn; năm 2015 tăng lên 25,7 triệu tấn. Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu cả triệu tấn lương thực vào đầu thập niên 1980, dần trở thành cường quốc xuất khẩu gạo.
Có một mốc son không thể quên trong hành trình hạt gạo của vùng đất châu thổ sông Cửu Long là năm 2019, gạo thơm ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua và đồng sự đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, mở ra cơ hội lớn cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường gạo quốc tế. Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (ngày 1-8-2020), hạt gạo Việt với nhiều giống mới dồn dập xuất ngoại, liên tục “hạ bến” tại Cộng đồng châu Âu, điển hình là 9 giống lúa thơm, chủ yếu từ ĐBSCL như: ST24, ST25, Jasmine 85, Tài Nguyên Chợ Đào...
Ở dọc hai dòng sông Tiền, sông Hậu, bất chấp dịch Covid-19 và tác động của biến đổi khí hậu, vẫn xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú cùng hàng nghìn nông dân sản xuất giỏi. Họ không chỉ đứng vững, làm giàu trên chính mảnh đất của mình mà còn góp phần mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều người, thấm đẫm tinh thần tương thân tương ái, “tứ hải giai huynh đệ” từ thuở khai hoang mở đất. Ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho rằng: Người nông dân ĐBSCL và cả nước, đặc biệt sau đổi mới, dù còn thăng trầm, vẫn luôn chứng minh là bệ đỡ cho nền kinh tế nước nhà; vẫn chứng tỏ sức sống bền bỉ, mãnh liệt của nền nông nghiệp đậm chất nhân văn Việt Nam.
Người nông dân Nam Bộ mình thật tuyệt vời và sáng tạo”, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định. Ông minh chứng bằng câu chuyện nhỏ đầy lý thú: "Khoảng năm 2000, miền Tây Nam Bộ gặp “cơn lũ thế kỷ” gây nên những tổn thất nặng nề nhất đến thời điểm đó ở miền Nam. Một tối, trên đường từ kinh Vĩnh Tế trở về Long An, tôi gặp một bác nông dân đang ngồi bên con rạch. Tôi đến gần bắt chuyện.
Vừa thấy tôi, bác đã lên tiếng: "Bác Ngọ phải không? Coi trên ti vi hoài nay mới được gặp. Bác đi đâu khuya lắc vậy?". "Tôi cũng đi thăm kinh rạch như bác". “Bác đi khác, tôi đi khác! Bác đi phòng, chống lũ, tôi đi khai thác lũ. Thấy tôi chong đèn dưới rạch không? Tôi đang dụ cá vào để bắt, mai mang mớ cá này ra chợ là lượm “tiền tươi thóc thiệt” luôn, khỏe re”. Họ phải am tường, hiểu rõ thiên nhiên, môi trường mình đang sống lắm mới chủ động, bình tĩnh, hòa mình và tận dụng, khai thác triệt để lợi thế thiên nhiên như vậy. Biết bao thế hệ người dân Nam Bộ đã sống trong tâm thế đó rồi".
Vậy nên, một nền nông nghiệp xanh, sạch, “thuận thiên” và “thuận lòng người” là hướng đi chủ đạo cho trái cây, hạt gạo ĐBSCL. Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu cùng hàng loạt chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ đều hướng đến mục tiêu nhất quán cho chất lượng sống của người nông dân thêm cao, cho nông thôn ngày thêm khởi sắc, đáp ứng khát vọng ngàn đời của người nông dân một nắng hai sương, vất vả ngày đêm trên mảnh ruộng của mình. Đó là một nền nông nghiệp xanh, đậm nét nhân văn.
Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG - NHẤT THỐNG