Đại dịch Covid-19 đẩy ngành du lịch rơi vào khủng hoảng chưa từng có gần hai năm qua. Năm 2020, tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Còn 9 tháng năm 2021, tổng thu đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng quý III năm nay, du lịch quốc tế đóng băng hoàn toàn. Hiện tại, số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành xin thu hồi giấy phép chiếm hơn 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động. Các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, trừ một số làm nơi cách ly, còn lại hầu hết cũng phải đóng cửa vì không có khách. Một vài con số để thấy bức tranh ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua. Trong tình hình ấy, nhiều địa phương đã nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động du lịch phù hợp.

Thừa Thiên Huế là một trong số ít địa phương sớm có những biện pháp để ngành du lịch thích ứng trong điều kiện dịch Covid-19, dẫu cũng phải chịu nhiều tổn hại nặng nề. Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: "Ngay từ đầu năm 2020, tỉnh đã xây dựng và ban hành quy trình đón, phục vụ khách du lịch, chấm điểm mức độ nguy cơ ở từng địa phương để bảo đảm có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế, du lịch trong điều kiện dịch bệnh. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngành du lịch trong dịch bệnh như: Hỗ trợ đào tạo, tập huấn; miễn phí quảng bá cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, miễn phí điện, nước; ưu tiên tiêm vaccine... Đồng thời, tỉnh cũng đánh giá các mức độ nguy cơ từng khu vực, thời điểm để có hình thức hoạt động du lịch phù hợp: Mở cửa toàn bộ, hoặc có thể chỉ mở cửa phục vụ khách tham quan ngoài trời, không phục vụ ở các khu vực trong nhà; áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch...".

leftcenterrightdel

Trong dịch bệnh, các điểm du lịch ở Thừa Thiên Huế vẫn hoạt động, thu hút khách du lịch. Ảnh: Visit Hue

Giống như Thừa Thiên Huế, nhiều địa phương trên cả nước đã có những nỗ lực cho ngành du lịch trong thời gian qua, thậm chí xác định có thể “dừng đón khách nhưng không dừng hoạt động”, tranh thủ những giai đoạn ít ảnh hưởng bởi dịch bệnh để khai thác khách du lịch trong vùng, không để hoạt động du lịch bị đóng băng. Nhờ vậy nên khi có chủ trương, chính sách phục hồi du lịch cả nước, dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến khá phức tạp, nhưng các địa phương đã có đà để nhanh chóng triển khai. Nhiều tỉnh đã xây dựng kế hoạch đón khách quốc tế. Hàng loạt hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, ký kết hợp tác đầu tư được diễn ra. Đặc biệt, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã quy định rõ 4 mức độ nguy cơ về dịch bệnh. Theo đó, địa phương có cơ sở để dựa vào đó phân loại các khu vực theo quy định để xác định những điểm đến an toàn. Trước mắt, đây là các điểm có thể mở lại phục vụ du lịch và hoạt động dịch vụ, văn hóa ở mức độ phù hợp có sự giám sát phòng, chống dịch chặt chẽ.

Cuối tháng 10, Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức World Travel Awards bình chọn là điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á. Giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 28 khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng vinh danh 32 giải thưởng hàng đầu châu Á cho du lịch Việt Nam. Đây là những tín hiệu tích cực thể hiện sự hấp dẫn của du lịch Việt Nam đối với du khách quốc tế, nhất là trước thềm mở cửa du lịch đón khách quốc tế.

Tuy vậy, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới, dù áp dụng nghiêm ngặt các quy định điều kiện với khách và bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng số ca nhiễm Covid-19 vẫn có chiều hướng tăng lên khi mở cửa du lịch quốc tế. Chỉ trong tháng 10-2021, Thừa Thiên Huế ghi nhận hơn 160 ca dương tính với SARS-CoV-2, đều là người đến từ địa phương khác. Đặc biệt, trong số đó có gần 50 ca đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, khoảng 60 ca đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. Các tỉnh đã chủ động kiểm soát dịch với những người đến từ vùng khác, nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn rất cao và gây áp lực lớn lên chính quyền, nền kinh tế địa phương, trong đó có du lịch. Trong tình hình mới, phục hồi du lịch cần thiết nhưng cũng cần hết sức cẩn trọng, không thể nóng vội. Thích ứng với tình hình mới, xác định sống chung với Covid-19, trước hết phải bảo đảm an toàn.

CHI PHONG