Tôi quen anh Yến từ hồi anh còn làm giám đốc một xí nghiệp quốc phòng của Bộ CHQS tỉnh Hà Nam Ninh trước đây. Sau này anh lên công tác ở Hà Nội, nhà ở cùng khu phố nên anh em càng thân thiết. Nghe đâu, hồi làm ở Cục Kế hoạch và Đầu tư của Bộ Quốc phòng, anh là đồng tác giả của Đề án Khu KT-QP Sông Mã.

Bởi vậy, khi thành lập Đoàn KT-QP 326 để thực hiện đề án trên, anh được bổ nhiệm làm Phó đoàn trưởng về quân sự. Là cán bộ tham mưu, nhưng anh lại vướng cái nghiệp thơ phú. Thỉnh thoảng về Hà Nội, anh lại chìa thơ ra khoe và rủ tôi lên thăm Sông Mã... Hẹn hò thu xếp mãi, đến tận ngày anh được nghỉ chờ hưu đầu năm 2012, tôi vẫn chưa lên được. Bởi vậy, đầu xuân năm 2013, khi nghe anh thông báo sẽ lên thăm lại Sốp Cộp trước khi nhận sổ hưu thì tôi kiên quyết dẹp hết mọi kế hoạch riêng chung để theo anh...

Đoàn KT-QP 326 được thành lập ngày 14-6-2002, hoạt động trên địa bàn 15 xã thuộc 3 huyện miền núi là Sông Mã của tỉnh Sơn La, Điện Biên và Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên; trong đó có 9 xã biên giới với gần 207km đường biên giới, tiếp giáp với 3 tỉnh thượng Lào. Cuối năm 2003, Chính phủ tách 8 xã phía Tây Nam của huyện Sông Mã để thành lập huyện Sốp Cộp, nằm gọn trong địa bàn phụ trách của Khu KT-QP Sông Mã.

Thực tình trước đó, mỗi khi nghe nhắc đến cái tên đoàn KT-QP là tôi cứ hình dung đến những nông trường, lâm trường nhộn nhịp công nhân quốc phòng, những mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tập trung...

Hóa ra không hẳn là như thế! Đoàn KT-QP 326 là một đơn vị bộ đội chủ lực. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên một địa bàn chiến lược phía Tây Bắc của Tổ quốc, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ...; đơn vị còn có nhiệm vụ quan trọng là tham gia cùng địa phương thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo, xây dựng các công trình dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Các đội sản xuất thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và cùng nói tiếng của đồng bào tại các cụm bản xung yếu; phối hợp cùng các ngành của địa phương hướng dẫn đồng bào sử dụng có hiệu quả đồng vốn xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước...

Lần ấy lên Sốp Cộp, tôi được làm quen với đồng chí Đoàn Văn Toản, Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp. Anh Toản dân gốc Hưng Yên, từng là bộ đội trinh sát ở Lai Châu từ những năm 80 của thế kỷ trước. Có lẽ vì thế mà anh khá thoải mái với nhà báo Quân đội! Anh Toản mời tôi vào mùa hoa ban sắp tới, cố thu xếp lên thăm Sốp Cộp lần nữa. Đinh ninh ấp ủ một cuộc tái ngộ nhiều duyên nợ, vậy mà tròn 10 năm sau, đầu thu năm 2023 này, tôi mới có dịp trở lại Sốp Cộp.

Lần này cũng liên quan đến việc về hưu của một đồng đội. Anh là nhân vật trong bài bút ký “Những vọng phu không hóa đá” của tôi, viết 10 năm trước, về những cô dâu của Đoàn KT-QP 326, từ rất nhiều miền quê đã phải làm cái việc “cọc đi tìm trâu”, ngược lên Sốp Cộp “hợp lý hóa gia đình” để chồng yên tâm công tác. Một trong số đó là vợ chồng Trung tá Trần Khánh Hòa, Đội trưởng Đội sản xuất số 11.

leftcenterrightdel

Trung tá Trần Khánh Hòa trao đổi kinh nghiệm sản xuất với bà con xã Mường Và, huyện Sốp Cộp (Sơn La). Ảnh: TRẦN NGỌC DIỆP

Anh Hòa quê gốc ở Nam Định, có mặt ở Sốp Cộp từ khi Đoàn KT-QP 326 được thành lập. Thương chồng vất vả, vợ anh nhiều lần từ Phú Thọ lên thăm, nhưng thân gái dặm trường còn vất vả bội phần. Cuối cùng, chị quyết định “tòng phu” ở Sốp Cộp. Thời kỳ anh ở Đội sản xuất số 13 bên Điện Biên thì chị ở nhờ nhà dân tại Mường Lói. Khi anh chuyển về Đội sản xuất số 7 ở Sốp Cộp thì chị tạm trú ở Mường Lèo. Thời kỳ anh ở Đội sản xuất số 11 thì chị mượn xã một mảnh đất gần doanh trại, dựng ngôi nhà cột tre, lợp tranh. Hai đứa con của anh chị-một trai một gái, cách nhau 8 tuổi, đều lần lượt gửi về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. Cũng may là các cháu đều chăm ngoan...

Tháng 4-2019, Trung tá Trần Khánh Hòa được bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2, trước đây là Đoàn sản xuất 825. Chức vụ mới nhưng quân hàm thì vẫn cũ vì đã “kịch trần”; bù lại được gần vợ, gần phố huyện, gần Đoàn bộ 326. Thế là vui rồi. Tôi chưa kịp lên chúc mừng “Trung tá thâm niên” thì đầu năm 2023, Trung tá Trần Khánh Hòa a lô thông báo: "Em sắp nghỉ chờ hưu, anh lên muộn là không gặp được đâu nhé! Vậy là tôi phải gác lại mọi việc, quyết tâm “Tây tiến” lần thứ hai".

Lần này lên Sốp Cộp, tôi được Trung tá Trần Khánh Hòa chắp nối để có một cuộc trò chuyện thú vị và bổ ích với anh Đào Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp. Anh Thi còn khá trẻ, quê ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, là Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Sơn La, được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp từ tháng 3-2019. Trong câu chuyện về phong trào xây dựng nông thôn mới ở Sốp Cộp, anh cho biết, huyện đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng. Đây là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội, tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Hiện nay, hệ thống trục đường thôn bản, liên xã đã thực sự góp phần thay đổi diện mạo giao thông nông thôn, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa và nhất là giải bài toán “đầu ra” cho nông sản khi huyện đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên canh và tạo thương hiệu địa phương. Đến nay, cả 8 xã trong huyện đều đã hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Nhờ sự tuyên truyền tích cực của chính quyền địa phương và bộ đội Đoàn KT-QP 326 về mô hình, cách làm... nên người dân ngày càng tích cực tham gia lao động sản xuất, từ đó có nhiều mô hình tốt về phát triển kinh tế. Năm 2018, huyện đã tạo được vùng nguyên liệu và xây dựng được thương hiệu nếp tan của xã Mường Và. Đồng thời xây dựng mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, như: Thí điểm thành công một số vườn cam ở bản Nà Mòn, một số vườn quýt ở Nậm Lạnh, trồng dứa ở Sốp Cộp và Dồm Cang...

Hơn 20 năm gắn bó với núi rừng Sốp Cộp, “3 cùng” với đồng bào các dân tộc nơi đây để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở chính trị... Trung tá Trần Khánh Hòa có biết bao kỷ niệm vui buồn với đất và người Sốp Cộp. Những ngày đầu lên “khai sơn phá thạch” nơi đây, cùng anh em đơn vị vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy... để tham gia xây dựng miền đất thâm sơn cùng cốc từng bước được như hôm nay, Trung tá Trần Khánh Hòa còn phải vượt lên một nỗi đau mất mát của gia đình.

Ấy là dịp cuối năm 2002, khi đang công tác ở Đội sản xuất số 13 ở Mường Lói, anh đưa vợ lên theo và gửi ở nhờ nhà dân trong bản. Dịp ấy, vợ anh sắp sinh cháu thứ hai. Hôm đó anh đang đi “ba cùng” ở địa bàn thì vợ anh bị té ngã, động thai. Tình thế vô cùng nguy cấp, trong khi đường sá khó khăn, xe cộ không có. Anh em trong đơn vị đành phải thuê xe ôm chở thai phụ ra bệnh viện. Chiếc “Min-khơ” nhảy sấp ngửa hơn sáu chục cây số đường rừng, ra đến nơi thì bệnh viện chỉ cứu được người mẹ. Vậy là mảnh đất này không chỉ thấm mồ hôi mà còn có cả một phần xương máu và nước mắt của vợ chồng anh...

Trên đường trở về cơ quan Đoàn bộ 326, tôi hỏi sắp tới được nghỉ chờ hưu, vợ chồng anh sẽ về Đoan Hùng, Phú Thọ “ở rể”, hay về Mỹ Lộc, Nam Định là quê cha đất tổ? Anh nói rằng trước mắt, vợ chồng anh vẫn ở lại trên này. Hơn hai chục năm vui buồn, sướng khổ với Sốp Cộp, nay muốn “dứt” ra cũng phải từ từ... Mà biết đâu đấy, rồi đây con cái có cuộc sống riêng, vợ chồng anh sẽ ở hẳn trên này. Hiện tại ở Sốp Cộp và Sông Mã, đồng hương Phú Thọ và Nam Định của vợ chồng anh cũng đông lắm; nhiều gia đình đã có thế hệ thứ hai, thứ ba. Vả lại ở trên này anh còn có đơn vị cũ, đồng đội cũ và bà con dân bản thương quý, gần gũi hằng ngày...

Tôi tin lời Trung tá Trần Khánh Hòa, bởi những lý do anh bộc bạch trên đây. Và hình như còn có cả một lý do máu thịt sâu thẳm, thổn thức khôn nguôi trong ánh nhìn hoang hoải xa xăm của người lính dạn dày miền biên ải, khi anh trả lời câu hỏi trên đây của tôi...

Bút ký của MAI NAM THẮNG