Những âm thanh tươi vui, rộn rã của tiếng đàn, tiếng hát đưa chúng tôi đến thăm làng Chư Kó, xã Ia Púch, nơi đang diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao nhân ngày hội làng. Đồng chí Siu Bin, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng làng Chư Kó thấy có khách đến chơi liền bắt tay, hồ hởi: “Kinh tế phát triển, bà con mới có điều kiện để tổ chức ngày hội làng. Tất cả cũng nhờ sự chung tay giúp sức của bộ đội Công ty Bình Dương cả đấy!”.
Ngày hội làng ở Chư Kó thật rộn ràng với rất nhiều trò chơi dân gian đậm chất Tây Nguyên, cùng các điệu múa, điệu hát và các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” của dân tộc Gia Rai. Trò chuyện với người dân làng Chư Kó, chúng tôi được biết "bước ngoặt" trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây chính là Công ty Bình Dương đã nhận họ vào làm công nhân. Điều này giúp nhiều thanh niên trong làng có công việc ổn định, không ít gia đình từ đó thoát nghèo, mua được ti vi, xe máy, tủ lạnh. Đặc biệt, có việc làm, đám thanh niên trong làng vì thế cũng bớt tụ tập, lêu lổng.
Những câu chuyện về tình cảm của bộ đội dành cho người dân được đồng bào Chư Kó kể như chất men nồng khiến tôi say đắm. Rồi theo đề nghị, Thiếu tá Nguyễn Văn Hảo, Đội trưởng Đội 7, Công ty Bình Dương đưa tôi đi tham quan một vòng quanh ngôi làng công nhân Chư Kó, nơi gần 40 lao động là người dân tộc thiểu số đang làm việc cho công ty. Dọc con đường trải nhựa phẳng lỳ chạy qua làng là những dãy nhà xây, mái lợp tôn vững chãi, có hàng rào bao bọc. Chúng tôi ghé vào thăm gia đình chị Siu Nia. Như đoán được ý định của tôi, chị Siu Nia trải lòng: “Trước kia, vợ chồng mình khổ lắm, ngoài phát nương, làm rẫy chẳng biết làm gì thêm nên thường xuyên bị thiếu ăn lúc giáp hạt. Từ ngày vợ chồng mình được nhận vào làm công nhân của Công ty Bình Dương, có thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn, lại còn được địa phương cấp đất để làm nhà ở, thật là chẳng có gì bằng”.
Thấy hàng xóm có khách, chị Rơ Mah Huệ nhà kế bên cũng ghé qua góp vui: “Nhà mình chuyển về đây được mấy năm rồi. Vợ chồng mình nhận chăm sóc, khai thác vườn cây cao su Đội 7 với diện tích hơn 6ha, lương bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có đồng lương hằng tháng, không những cuộc sống gia đình ổn định, con của mình cũng có điều kiện đi học như các bạn...”.
Rời làng Chư Kó, xã Ia Púch, chúng tôi đến thăm làng Krai, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, nơi có hơn 70 công nhân là người dân tộc thiểu số đang làm việc trong Đội 9, Công ty Bình Dương. Chúng tôi được Thiếu tá QNCN Đinh Viết Hùng, Phó đội trưởng Đội 9 đưa đến thăm gia đình chị Rơ Lan Brớp, một trong những thợ cạo mủ cao su có nhiều thành tích của đơn vị.
|
|
Cán bộ, công nhân trong Công ty Bình Dương bên mô hình công trình chào mừng Đại hội Công đoàn cơ sở Công ty năm 2023.
|
Bên ly cà phê ấm nóng, thơm nồng, chị Brớp kể rằng, cách đây gần 10 năm, khi chưa vào làm công nhân trong Công ty Bình Dương, vợ chồng chị chỉ biết đi làm thuê, làm mướn. Nhiều hôm gia đình anh chị chỉ mơ ước được ăn bữa cơm có thịt, có cá nhưng không mấy khi thành hiện thực. Đúng thời điểm gia đình khó khăn nhất, chị Rơ Lan Brớp và chồng là anh Rơ Châm Hiệp cùng nhiều thanh niên trong làng được Công ty Bình Dương tuyển dụng vào làm công nhân cạo mủ cao su. Sẵn bản tính cần cù, chịu khó, anh chị cố gắng học tập, từng bước nắm chắc kỹ thuật cạo mủ cao su. Trở thành công nhân, không những bữa ăn của gia đình chị Rơ Lan Brớp có đầy đủ cá, thịt... mà mới đây, anh chị còn xây được nhà ở kiên cố, mua sắm nhiều đồ dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt.
Ở làng Krai có anh Kpuih Mol, công nhân Đội 9 cũng được nhiều người quý mến, cảm phục không chỉ bởi năng lực chuyên môn giỏi mà còn bởi tinh thần vượt khó vươn lên. Trước khi được tuyển dụng vào làm công nhân cho Công ty Bình Dương, anh Kpuih Mol phiêu bạt khắp nơi, làm thuê đủ nghề cực nhọc, vất vả mà cuộc sống gia đình vẫn quanh năm túng bấn. Bây giờ thì cuộc sống của anh Kpuih Mol đã khác. Anh là một trong những thợ cạo mủ cao su có đôi bàn tay vàng, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi thợ giỏi. Năm 2022, anh là một trong số ít công nhân được Bộ Quốc phòng đặc cách tuyển dụng vào đội ngũ công nhân viên chức quốc phòng, thuộc Đội 9, Công ty Bình Dương.
Cũng như anh Kpuih Mol, anh Rơ Châm Lang, làng Blu, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông được Công ty Bình Dương tuyển dụng vào làm công nhân từ năm 2021. Trước đó, anh là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư xảy ra, anh Rơ Châm Lang rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm vất vả. Giờ đây, khi làm công nhân trong Công ty Bình Dương, anh có thu nhập ổn định hơn 8 triệu đồng/tháng. “Vào làm trong Công ty Bình Dương, mình được đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khai thác vườn cây và phát triển kinh tế hộ gia đình. Các chế độ, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động... đều được Công ty bảo đảm, yên tâm lắm”, anh Rơ Châm Lang bộc bạch.
Chủ trương vận động, tuyển dụng lực lượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân trong đơn vị được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 đặc biệt coi trọng trong nhiều năm trở lại đây. Như tâm sự của Thượng tá Lê Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Bình Dương, ngoài bảo đảm các chế độ, quyền lợi theo quy định, Công ty còn hỗ trợ 5-10% thu nhập cho công nhân, người lao động trong những tháng đầu mùa cạo mủ cao su. Đơn giá mủ tạp, mủ dây cũng được đơn vị trả bằng 100% giá bán để khuyến khích người lao động thu triệt để mủ, hạn chế tối đa thất thoát sản phẩm. Bên cạnh đó, Công ty Bình Dương còn thực hiện phương án khoán, định mức kinh tế và chấm điểm kỹ thuật công khai, minh bạch; đồng thời hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm và đào tạo tay nghề, phân công cán bộ kỹ thuật giúp đỡ công nhân người dân tộc thiểu số tại chỗ mới vào làm việc. Nhờ đó, 100% công nhân yên tâm, gắn bó với đơn vị, cuộc sống ổn định, không còn hộ nghèo, thiếu đói như hơn 10 năm trước đây.
Chia tay đồng bào làng công nhân dưới chân núi Chư Prông, khi trận mưa rào bất ngờ trút xuống những cánh rừng cao su, báo hiệu mùa mưa Tây Nguyên đang đến gần, chúng tôi vui với niềm vui của đồng bào các dân tộc nơi đây. Vùng biên giới vốn hoang vu, khắc nghiệt, khó khăn là thế, nhưng nay cuộc sống nơi đây đang thay da đổi thịt từng ngày nhờ những bàn tay, khối óc và bởi sự đoàn kết, đùm bọc của quân-dân nơi phên giậu biên cương.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG