Bác Kính, bác Hoàn luôn luôn hạnh phúc cùng các con, các cháu

Vào những năm 1975-1985, gia đình tôi may mắn được ở gần gia đình bác sĩ Vũ Trọng Kính và bác sĩ Lê Bích Hoàn ở 20 phố Đặng Dung (Hà Nội). Hai bác thường xuyên khám bệnh, kê đơn cho những người hàng xóm mà không bao giờ nhận thù lao; không bán thuốc hoặc mua hộ thuốc.

Một lần, con gái út của chúng tôi – lúc đó 5 tuổi- sang nhà hai bác xem ti-vi và ngủ quên. Bác Kính bế cháu sang đặt tận giường trước sự ngạc nhiên và biết ơn của chúng tôi, bác nói khẽ: “Cho cháu khỏi tỉnh giấc”.

Tôi đi khoe với hàng xóm thì lại được họ kể cho nghe nhiều chuyện cảm động mà cả đời họ không thể quên. Đó là trường hợp một cháu bé hai tuổi bị tắc đờm, ngạt thở, người tím tái. Cả nhà nghĩ là đã quá muộn, ông nội cháu vật vã kêu khóc nhưng bố cháu vẫn chạy đi gọi… Bác sĩ Kính đến ngay. Với kinh nghiệm nghề nghiệp và tình thương cháu bé, ông đã không ngại bẩn, không ghê sợ, ngay lập tức ghé miệng hút ra cả bãi đờm to… Cháu bé hồng hào trở lại. Nếu chờ gọi được xe đưa cháu đến bệnh viện thì sẽ quá muộn, chắc cháu không qua được.

Trường hợp khác: Vào một chiều chủ nhật, một cháu trai hơn 10 tuổi đau bụng quằn quại. Bác sĩ Kính khám và ghi vào tờ giấy nhỏ đại ý: “Tôi nghĩ nhiều đến việc cháu bị thủng dạ dày, đề nghị bác sĩ trực khám lại và thông báo sớm cho phòng mổ chuẩn bị phẫu thuật trong khi chờ đợi các kết quả X.quang, xét nghiệm…, và ký tên. Bác sĩ Kính còn dặn gia đình cháu: Đến viện thì nhất định cháu sẽ được khám lại và chụp X.quang; cũng có thể các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm… Nếu sau đó còn phải chờ phòng mổ chuẩn bị nữa thì sợ sẽ muộn nên tôi viết giấy gửi tay này. Lúc đến bệnh viện, các bác sĩ xem giấy, thấy tên bác thì cho chụp X.quang và mổ ngay. Cháu bé đã được an toàn…

Sau này, khi gia đình hai bác chuyển về nơi ở mới tại phường Cống Vị, những việc làm giúp đỡ mọi người lại được hai bác gắng làm nhiều hơn. Có trường hợp cháu gái 6 tuổi bị đau bụng dữ dội, hai lần đi bệnh viện cứ được chẩn đoán là bị táo bón, nhưng bác sĩ Hoàn lại nghĩ nhiều đến viêm ruột thừa. Bác sĩ Hoàn khám kỹ cho cháu, sau đó, dù mưa rét, đêm khuya, bác sĩ Hoàn đã đi cùng gia đình đưa cháu đến bệnh viện. Bác bảo: Mình đi cùng thì có thể đến trao đổi trực tiếp với bác sĩ ở bệnh viện về diễn biến bệnh của cháu, các thuốc đã dùng… Cháu bé đã được phẫu thuật kịp thời. Cháu bị viêm ruột thừa cấp, ruột thừa của cháu lại ở vị trí khác thường…

Bác sĩ Kính, bác sĩ Hoàn đã nghỉ hưu nhưng vẫn ham học, ham đọc sách báo. Có người hỏi thì hai bác nói: “Việc chữa bệnh bây giờ có lắm cái khác trước nên cần phải đọc nhiều tài liệu trong nước và cả nước ngoài nữa”.

Những người hàng xóm, ai cũng có nhận xét: Gia đình bác Hoàn, bác Kính là một gia đình tuyệt vời về lòng nhân ái, sống vì mọi người.

Bác sĩ Kính và bác sĩ Hoàn đều ở đội Điều trị II – đơn vị được tặng thưởng cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ cưới của hai người đã được cấp trên tổ chức ở Điện Biên Phủ năm đó. Tháng 9-1955, con trai đầu lòng Vũ Quốc Khánh ra đời. Năm 1962, con trai thứ – và cũng là con trai út ra đời: Vũ Quốc Thành. Nay Vũ Quốc Khánh là đại tá–tiến sĩ – công tác ở Trung tâm Toán – máy tính Bộ Quốc phòng. Vũ Quốc Thành là tiến sĩ, thượng tá – công tác ở Viện Khoa học công nghệ Quân sự.

Bác Vũ Trọng Kính là phó tiến sĩ năm 1960. Năm 1980 bác được phong hàm Phó giáo sư. Năm 1981, bác được bổ nhiệm làm Phó cục trưởng Cục Quân y; ngày 24-3-1989, bác được Nhà nước phong tặng học hàm giáo sư và danh hiệu Thầy thuốc nhân dân.

Bác sĩ Lê Bích Hoàn là người ham học, bác đã học thêm ba ngoại ngữ: Pháp, Anh và Bồ Đào Nha, tốt nghiệp thủ khoa lớp bác sĩ chuyên khoa cấp II khóa 1975-1977. Trước khi về hưu, bác sĩ Hoàn là đại tá – Thầy thuốc ưu tú – Viện phó Viện quân y 354. Bác sĩ Kính và bác sĩ Hoàn đều đã được nhận huy hiệu 60 năm, 50 năm tuổi Đảng.

Bài và ảnh: BÙI THỊ NGỌ