Sáng tạo xanh từ những điều bị bỏ lại

Theo chia sẻ của Lê Thị Hồng Anh-Trưởng ban tổ chức dự án Re:Fabric-Tái Dệt, cảm hứng lớn nhất để thành lập dự án này được xuất phát từ chính những vấn đề thực tế mà bản thân nhiều người trẻ đang gặp phải hiện nay: “Là những cô gái yêu thích thời trang, chúng mình thường xuyên mua sắm nhưng lại lúng túng trong việc xử lý những món đồ chỉ mặc một lần rồi bỏ quên trong tủ. Điều đó khiến cả nhóm trăn trở: Liệu có cách nào giúp chúng mình tận dụng những món đồ này thay vì để chúng trở thành rác thải hay không?”. Và để trả lời cho câu hỏi ấy, những bạn trẻ này đã cho ra mắt dự án mang tên Re:Fabric-Tái Dệt với mong muốn tạo ra một không gian sáng tạo, nơi mọi người có thể khám phá cách tận dụng vải vụn và quần áo cũ để biến chúng thành những sản phẩm có giá trị mới thông qua chuỗi sự kiện thời trang Re:Fabric.

leftcenterrightdel
 

Workshop “Vải vụn kiểu mới” của Re:Fabric. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Dù chỉ là một dự án nhỏ của sinh viên, nhưng Re:Fabric-Tái Dệt được đầu tư chỉn chu với nhiều hoạt động đa dạng, như: Tổ chức workshop làm tranh từ vải vụn; talkshow về thời trang tái chế với nhà thiết kế, nhằm cung cấp thêm góc nhìn chuyên sâu về thời trang bền vững. Re:Fabric-Tái Dệt còn mang nhiều thiết kế độc đáo, được tạo nên từ chất liệu tái chế và những mảnh vải vụn lên sàn catwalk. Dưới bàn tay sáng tạo, những chất liệu tưởng chừng như bỏ đi nay lại được “tái sinh” thành những bộ trang phục đầy cá tính, tinh tế và đậm dấu ấn nghệ thuật. Qua đó, các bộ trang phục tái chế không chỉ tôn vinh vẻ đẹp thời trang mà còn gửi gắm thông điệp ý nghĩa về thời trang bền vững, lối sống xanh.

leftcenterrightdel
 

Chị Bùi Thị Kim Ngân, người sáng lập thương hiệu Renew Jeans - Tái sinh jeans cũ. Ảnh: MAI THANH

 

Đến nay dự án Re:Fabric-Tái Dệt đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định khi các thành viên nhận được ngày càng nhiều phản hồi tích cực từ người tham gia về việc họ bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về thói quen mua sắm và tiêu dùng. Một số bạn sau khi tham dự workshop đã thử áp dụng tái chế vào cuộc sống hằng ngày, biến những món đồ cũ thành sản phẩm mới thay vì vứt bỏ. Hơn nữa, dự án không chỉ kết nối được với các cá nhân và tổ chức có chung chí hướng để mở ra những cơ hội hợp tác tiềm năng trong tương lai, mà một trong những thành công đáng chú ý nhất của dự án là khơi dậy được tinh thần sáng tạo cùng ý thức trách nhiệm với môi trường trong cộng đồng người trẻ hiện nay.

Thời trang có tâm, tương lai có tầm

Là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay, rác thải dệt may đã và đang gây ra áp lực lớn lên hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên. Theo ước tính, trên thế giới mỗi năm có tới 92 triệu tấn rác thải quần áo. Điều này có nghĩa rằng cứ vài giây, một chiếc xe rác “đầy ự” quần áo sẽ lại bị vứt bỏ. Trước thực trạng này, xu hướng thời trang bền vững đang ngày càng trở nên phổ biến trên khắp thế giới như một giải pháp nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành thời trang toàn cầu, đồng thời giảm tác động xấu đến môi trường. Một trong những xu hướng thời trang bền vững nổi bật có thể kể tới như: Thời trang tuần hoàn, thời trang theo yêu cầu, thời trang chậm, thời trang thuần chay...

leftcenterrightdel
 

Những bộ trang phục được tái chế từ vải vụn trên sàn diễn Catwalk của Re:Fabric - Tái Dệt. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Tại Việt Nam, đã đến lúc ngành công nghiệp thời trang, cũng giống như nhiều ngành công nghiệp khác, cần phải có một cuộc “cách mạng xanh” cho riêng mình mà trong cuộc cách mạng đó, người trẻ chính là những nhân tố cốt lõi để quyết định kết quả.

Thế hệ trẻ không chỉ là những người tiêu dùng hiện tại và tương lai mà còn là lực lượng tiên phong trong việc thay đổi thói quen và tư duy. Sự sáng tạo, năng động và tinh thần dám nghĩ, dám làm của người trẻ chính là chìa khóa để tạo nên những chuyển biến tích cực cho môi trường. Nhiều bạn trẻ khẳng định: Khi mọi người lựa chọn mặc và sử dụng quần áo một cách có trách nhiệm hơn, các vấn đề về rác thải thời trang sẽ dần có những chuyển biến tích cực. “Dự án Re:Fabric-Tái Dệt hướng đến việc thay đổi nhận thức bằng cách biến những món đồ tưởng như vô giá trị thành những sản phẩm có ý nghĩa mới, từ tranh vải, phụ kiện tái chế đến những bộ trang phục sáng tạo. Chúng mình muốn truyền tải thông điệp rằng mỗi tấm vải đều có thể có một "cuộc đời thứ hai" nếu được sử dụng đúng cách. Khi càng nhiều người thay đổi thói quen và có ý thức hơn với những gì mình mặc, vấn đề rác thải dệt may có thể dần được kiểm soát”, Hồng Anh chia sẻ.

Việc tận dụng lại các tấm vải hay quần áo cũ để tạo ra những sản phẩm mới không chỉ được coi là một giải pháp cho thời trang bền vững mà còn mở ra cơ hội phát triển các mô hình kinh doanh mới. Thương hiệu Renew Jeans-Tái sinh jeans cũ của chị Bùi Thị Kim Ngân chính là một trong số đó. Mô hình này sử dụng đồ jeans cũ để tạo nên những sản phẩm độc đáo và có tính ứng dụng cao như túi xách, ví cầm tay, gấu bông... Chị Ngân chia sẻ: “Nếu như ở nhiều nơi, những chất liệu jeans cũ, vụn hoặc lỗi sẽ bị bỏ đi thì ở Renew Jeans, chúng sẽ được kéo dài thêm một vòng đời nữa và có ích hơn. Đối với những chất liệu cũ quá, không tái sử dụng nữa, Renew Jeans cũng sẽ băm nhỏ ra và biến nó trở thành một loại vải khác”.

Sau nhiều năm miệt mài sáng tạo với những tấm jeans cũ, từ làm theo sở thích, đến nay thương hiệu của chị Kim Ngân đã được nhiều người đón nhận, biết đến và ủng hộ. Mọi người cũng dần quan tâm đến thời trang bền vững, đến sản xuất bền vững, sản xuất xanh hơn. Chị Kim Ngân hy vọng dự án có thể tiếp tục phát triển, có thêm nhiều người tham gia hơn nữa, góp phần vào việc phát triển thời trang bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Thay đổi nhận thức và thói quen không thể diễn ra trong một sớm một chiều, nhưng cũng không phải là không thể, nhất là khi ngày càng có thêm nhiều người trẻ tiên phong trong việc thay đổi tư duy, hành vi và thói quen của mình. Song, để “phủ xanh” ngành công nghiệp thời trang, cả xã hội sẽ cần chung tay nâng cao nhận thức và hành động.

PHƯƠNG NHI