Tận tâm vì đồng cảm

Nhiều người Việt Nam ở Malaysia mỗi khi gặp khó khăn thường nhấc máy gọi tới số điện thoại của y sĩ Trần Thị Chang, bởi họ tin rằng, bà là người có thể gỡ rối, giải quyết những vướng mắc. Nhiều người coi bà như một người mẹ, người chị tận tâm, chu đáo. 

Bà Chang sinh năm 1962, trong một gia đình nghèo ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Từ khi sinh ra, cô bé Chang chưa một lần gặp cha bởi ông đi bộ đội xa nhà. Năm lên 6 tuổi, cha cô hy sinh trong một trận đánh ở mặt trận Tây Ninh. Kể từ đó, một mình mẹ tần tảo nuôi 4 anh chị em Chang khôn lớn. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp trung cấp ngành y, Trần Thị Chang nhận công tác tại Bệnh viện huyện Bình Lục. Những tưởng cuộc sống sẽ ổn định sau khi lập gia đình, song một lần nữa, nữ y sĩ Chang lại trải qua cú sốc lớn về tinh thần khi chồng đột ngột qua đời, để lại cậu con trai 3 tuổi.

leftcenterrightdel

Bà Trần Thị Chang. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Năm 1993, Trần Thị Chang sang Malaysia làm chuyên gia y tế theo thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước. Năm 1998, kết thúc hợp đồng làm chuyên gia, y sĩ Chang được Viện Tim quốc gia Malaysia mời ở lại làm việc từ đó đến nay.

Với thâm niên gần 30 năm làm y sĩ tại thủ đô Kuala Lumpur, bà Chang là cầu nối tuyệt vời cho sự hợp tác tốt đẹp giữa Viện Tim quốc gia Malaysia với các bệnh viện lớn tại Việt Nam, như: Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh... Bà cũng là người kết nối để thực hiện nhiều chương trình mổ tim từ thiện tại Việt Nam, tổ chức hội thảo chuyên môn và giới thiệu các bác sĩ chuyên ngành tim mạch của Việt Nam tham gia những khóa đào tạo tại Malaysia. Các bệnh nhân trong nước sang Malaysia điều trị cũng được bà tận tình hỗ trợ, hướng dẫn, phiên dịch, thậm chí giúp đỡ nơi ăn, chỗ ở... vì thế, nhiều người trìu mến gọi nữ y sĩ Chang là người kết nối trái tim Malaysia và Việt Nam.

Giỏi chuyên môn và có uy tín tại Viện Tim quốc gia Malaysia cũng là thế mạnh để bà Chang phát huy năng lực trong công tác cộng đồng. Khi có người gặp tai nạn, đau ốm, bà không chỉ tư vấn hợp lý mà còn tự mình chăm sóc, thậm chí liên lạc với các bệnh viện để xin miễn, giảm viện phí cho người bệnh. Bà Chang kể: “Có lần, tôi đi cùng Đại sứ Phạm Cao Phong (nay là Đại sứ Việt Nam tại Canada) đến bệnh viện thăm hỏi, động viên một công nhân người Việt tên Nghị. Anh này bị đa chấn thương phủ tạng trong vụ tai nạn sập cầu đi bộ ở Kuala Lumpur cuối năm 2016, nhưng ông chủ người Malaysia tìm cách trốn tránh trách nhiệm. Tôi dùng mọi biện pháp cả mềm dẻo lẫn kiên quyết để yêu cầu người chủ trả tiền viện phí. Sau khi anh Nghị xuất viện, do vết thương nằm lâu bị hoại tử, hằng ngày, tôi vẫn đến nhà để thay băng cho anh”.

Một trường hợp khác mà bà Chang nhớ mãi là lần đưa cậu thanh niên mổ não hai lần về nước. “Bạn này sống ở bang Johor, giáp biên giới Singapore. Sau khi phẫu thuật, gia đình xin đưa về nước nhưng hãng hàng không yêu cầu phải có y sĩ, bác sĩ đi cùng. Trước tình cảnh đó, tôi đã tình nguyện đưa cậu thanh niên về đúng vào tối 28 Tết và quay trở lại Malaysia ngay sáng hôm sau mà không kịp ghé thăm quê”, bà Chang nhớ lại. Việc giúp đỡ đồng hương, theo bà, là nhờ sự đồng cảm, “bởi ngày xưa mình khó khăn cũng được nhiều người giúp đỡ”.

“Ngọn lửa” cộng đồng

Trò chuyện với bà Chang, chúng tôi càng nhận thấy sự nhiệt huyết của bà đối với công tác cộng đồng. Bà cho biết, trên hành trình thiện nguyện và gây dựng phong trào những năm qua luôn có sự đồng thuận, hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cá nhân. Bà kể, năm 2011, bà được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời về dự hội nghị tại Đà Lạt cùng với đại diện các hội, đoàn của người Việt ở 25 nước trên thế giới. Bà chợt nhận ra rằng, vào thời điểm đó, người Việt sinh sống và làm việc tại Malaysia khá đông, song chưa có một hội, đoàn, tổ chức chính thức nào. Sau chuyến đi, bà đề xuất với Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao (nay là thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc) ý tưởng thành lập một hội, đoàn người Việt ở Malaysia. Được sự ủng hộ của Đại sứ, đầu năm 2013, Ban Liên lạc người Việt Nam ở Malaysia chính thức được thành lập, trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ của cộng đồng người Việt Nam ở đây.

Tháng 11-2013, bà Chang được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời về dự hội nghị ở Hà Nội. Sau hội nghị này, bà ấp ủ dự định thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam ở Malaysia. Được sự quan tâm, giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, đặc biệt là Đại sứ Phạm Cao Phong, đề xuất trên nhanh chóng trở thành hiện thực vào năm 2014. Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam trực thuộc Ban Liên lạc người Việt Nam ở Malaysia ra đời, trở thành “sân chơi”, nơi giao lưu, chia sẻ của các chị em. Câu lạc bộ này sau được đổi tên thành Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia.

Tháng 12-2015, tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội, đại biểu Trần Thị Chang được “tai nghe mắt thấy” những tấm gương người tốt, việc tốt trong và ngoài nước. Một lần nữa, ngọn lửa quyết tâm mở lớp dạy tiếng Việt cho con em kiều bào trong bà lại bùng lên. Với sự ủng hộ của Đại sứ Phạm Cao Phong, lớp tiếng Việt đầu tiên đã khai giảng ngày 16-10-2016 và hoạt động đều đặn cho đến nay, dưới sự dạy bảo tận tình của hai cô giáo có nghiệp vụ sư phạm là Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Thụy Thiên Hương. Để lớp tiếng Việt được khai giảng đúng tiến độ, cô Huỳnh Trúc Linh-Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ đã dành cả phòng khách của gia đình cho lớp học trong suốt một năm. Khi nhậm chức Đại sứ Việt Nam tại Malaysia năm 2017, ông Lê Quý Quỳnh (nay đã nghỉ hưu) cho sửa một phòng trong Đại sứ quán làm lớp học tiếng Việt.

Năm 2021, đúng Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), hai lớp học tiếng Hoa và tiếng Mã Lai do bà Chang khởi xướng chính thức khai giảng, với mong muốn giúp chị em dễ dàng hòa nhập cộng đồng và tìm kiếm cơ hội việc làm...

Những liều vaccine nghĩa tình

Giữa năm 2021, tình hình dịch Covid-19 ở Malaysia và nhiều nước trong khu vực diễn biến phức tạp. Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái vô cùng lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng người Việt Nam ở đây. Đại sứ kêu gọi những ai có khả năng vận động ủng hộ vaccine và trang thiết bị y tế thì dốc hết tâm sức giúp đỡ cộng đồng. Chia sẻ với nỗi lo của Đại sứ, bà Chang quyết định đồng hành với Đại sứ quán, vận động xin tài trợ vaccine để tiêm cho bà con trong cộng đồng.

Bà Chang kể, giữa năm 2021, tại Malaysia, trung bình mỗi ngày có gần 20.000 ca nhiễm mới, số người tử vong lên đến vài trăm. Nguồn vaccine tiêm cho người Malaysia còn hạn chế nên việc xin viện trợ vaccine để tiêm cho người Việt không hề đơn giản. Vận dụng hết những mối quan hệ trong gần 30 năm làm việc ở Malaysia, bà Chang đã xin được hơn 500 liều vaccine Pfizer ngừa Covid-19. Giữa tháng 8-2021, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán và Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, hơn 500 kiều bào đã được tiêm vaccine thông qua đợt xin tài trợ này.

leftcenterrightdel

Y sĩ Trần Thị Chang tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người Việt Nam ở Malaysia. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ở Viện Tim quốc gia Malaysia, các bác sĩ, y sĩ làm việc luân phiên. Vào tuần được nghỉ, người phụ nữ trung niên tên Chang vẫn bền bỉ đi phân phát từng món quà nặng nghĩa tình đến tận tay những lao động Việt Nam đang gặp khó khăn, bất chấp đường sá xa xôi, quy định giới nghiêm chặt chẽ và nguy cơ nhiễm bệnh. Cả ngày đóng bộ đồ bảo hộ y tế dưới cái nắng gay gắt, người đẫm mồ hôi nhưng không ngăn được quyết tâm của bà. “Lẽ ra tôi đã dừng xin tài trợ vaccine sau đợt ngày 25-9, nhưng do nhiều người kêu gọi giúp đỡ nên tôi lại tiếp tục đi xin vaccine”, bà Chang tâm sự.

Kể từ lần tổ chức tiêm vaccine đầu tiên hồi tháng 8-2021, đến nay đã có hơn 1.000 người Việt Nam đang làm việc, học tập và sinh sống ở Malaysia được tiêm đủ hai mũi vaccine thông qua nguồn kêu gọi tài trợ của bà Chang. Trước tấm lòng nhiệt huyết vì cộng đồng, Đại sứ Trần Việt Thái bày tỏ cảm ơn Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia và cá nhân Chủ tịch Trần Thị Chang đã đồng hành với Đại sứ quán trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19.

Giờ đây, cái tên Trần Thị Chang đã trở nên thân thuộc với số đông người Việt đang sống ở Malaysia. Người ta có nhiều lý do để nghe, để biết và để nói về “bà Chang y sĩ”-người gắn kết cộng đồng người Việt ở Malaysia, đồng thời là cầu nối trái tim giữa Malaysia và Việt Nam.

PHƯƠNG LINH - HẢI ĐĂNG