Tôi cũng chẳng hỏi vì đã sẵn những người như Chu Lai, Lê Lựu, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân, Lê Thành Nghị... rất nổi tiếng, tha hồ cho cánh phóng viên truyền hình chúng tôi khai thác chuyện trên trời dưới biển. Thậm chí có một buổi, chúng tôi còn tổ chức các nhà văn Quân đội tới nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để thực hiện cuộc giao lưu truyền hình phát sóng có sự xuất hiện của các trưởng lão như Vũ Cao, Xuân Thiều mà tuyệt không thấy có Mai Ngữ. Mãi sau này tôi mới biết, tính khí Mai Ngữ luôn là như vậy. Ông luôn trầm lặng và có phần ẩn khuất.
Nhưng văn chương thì không.
    |
 |
Nhà văn Mai Ngữ. Ảnh tư liệu
|
Xem niên biểu tác phẩm Mai Ngữ do nhà văn Ngô Vĩnh Bình biên soạn thấy ngay được điều đó. Mai Ngữ ra nhập Quân đội từ tháng 10-1947, ông làm ở Báo Quân khu 3, Báo Quân đội nhân dân trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với văn chương, Mai Ngữ có những đóng góp từ rất sớm và liên tục. Đó là Lời ca không tắt (truyện, năm 1957); Lá cờ quyết tử (truyện ngắn, năm 1957); Đất nước (truyện ngắn, năm 1962); Bầu trời và dòng sông (truyện, năm 1966); Dòng sông phía trước (tiểu thuyết, năm 1972); Trong tay bọn Ăng ca (tiểu thuyết, năm 1980); Con ma gàn (truyện ngắn, năm 1982); Thị trấn vùng biên (truyện, năm 1983); Gió nóng (tiểu thuyết, năm 1984); Cuộc hành trình của hai con sói (truyện, năm 1984); Người lính mặc thường phục (tiểu thuyết, năm 1986); Chuyện như đùa (truyện ngắn, năm 1988); Thời gian (tiểu thuyết, năm 1992); Người đàn bà trên hạm tàu (truyện ngắn, năm 1996);...
Từ thống kê như vậy đã cho thấy đời văn xum xuê cành la cành bổng của một cây bút sinh năm 1928 tại làng Do Nha thuộc huyện An Dương, tỉnh Kiến An (nay là phường Tân Tiến, quận An Dương, TP Hải Phòng). Mai Ngữ xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc có truyền thống khoa bảng hiển đạt. Ông nội của Mai Ngữ là cụ Mai Trung Cát làm quan đến chức Tổng đốc, hàm Thái tử Thiếu bảo Đông các Đại học sĩ. Chú của nhà văn Mai Ngữ chính là danh họa Mai Trung Thứ với những tác phẩm đặc sắc đã góp phần làm rạng danh nền hội họa Việt Nam.
Trong một bài viết, nhà văn tài hoa Đỗ Chu đã từng ví Mai Ngữ như một con rồng ẩn trong ao đầm chỉ khi trời mưa to gió lớn mới xuất hiện trên bầu trời vần vũ. Đỗ Chu cũng ví ông như chén rượu gạn đáy vò hương vị đượm nồng, chỉ người sành rượu mới cảm nhận hết sự tinh túy của đất trời trong chén rượu gạn đáy vò ấy. Quả thực cuộc đời và văn chương của Mai Ngữ luôn như vậy. Ông luôn quá lặng thầm đến mức như quên đi cả chính mình, nhưng tác phẩm của ông thì không.
Khoảng hơn một năm sau ngày nhà văn Mai Ngữ mất, cuối năm 2007, khi đó tôi vừa chuyển công tác về Tạp chí Văn nghệ Quân đội bỗng đột nhiên nhận được một cú điện thoại của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Đại tướng Phùng Quang Thanh nói chậm và rất rõ ràng: “Khai ơi! Giúp chú một việc đến gia đình nhà văn Mai Ngữ thắp hương. Chú nhớ ngày trước, khoảng năm 1971, nhà văn Mai Ngữ có viết một truyện vừa hơn trăm trang về chú. Thắp hương cho cụ xong hãy tìm hỏi bản thảo đó bây giờ có còn không?”.
Tôi lập tức "nhận mệnh lệnh" từ Bộ trưởng. Tôi không ngờ nửa thế kỷ trước, nhà văn Mai Ngữ đã viết truyện về Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Quang Thanh. Khi tôi và nhà văn Ngô Vĩnh Bình tới gia đình nhà văn Mai Ngữ thắp hương xong, Ngô Vĩnh Bình nói nhỏ với tôi: “Anh nhớ ra rồi. Có cuốn sách cụ Mai Ngữ viết về Bộ trưởng với cái tên Xốc tới khổ nhỏ bằng giấy bổi đen không biết đã mục chưa? Để anh sẽ tìm bản thảo cho chú”.
Tôi ra về mà lòng dạ bâng khuâng. Tấm di ảnh trên khán thờ nhà văn Mai Ngữ nhìn tôi như muốn nhắc nhở một điều gì đó phải thực hiện. Điều đó đúng như Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, nhà văn Ngô Vĩnh Bình vừa nhắc tới. Phải tìm bản thảo để in lại tác phẩm của Mai Ngữ chính là nhiệm vụ của tôi. Thời gian đã nửa thế kỷ song công tác lưu trữ ở thư viện Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn rất tốt. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình đã tìm được bản thảo là một cuốn sách khổ nhỏ, đen mốc, song thật lạ lùng vẫn còn trọn vẹn Xốc tới do Nhà xuất bản Giải phóng in năm 1971. Tôi lập tức cho người đánh máy và nhờ nhà văn Ngô Vĩnh Bình chỉnh sửa bản bông rất cẩn thận. Ngô Vĩnh Bình còn kỳ công viết một bài giới thiệu về văn nghiệp của Mai Ngữ và truyện vừa Xốc tới.
Trước khi in, tôi cẩn thận đem bản thảo tới để Bộ trưởng Phùng Quang Thanh xem. Bộ trưởng xem kỹ một lượt rồi mỉm cười nói: “Đúng là của cụ Mai Ngữ rồi! Ngày trước viết xong cụ cũng để nhân vật xem lại. Rất trung thực!".
Với tôi, nhà văn Mai Ngữ thân thuộc từ khi đó.
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình-“kho tư liệu” Nhà số 4 từng nói đại ý rằng, Mai Ngữ lúc nào cũng lặng thầm, ông chưa bao giờ nói to, càng không bao giờ nói dài. Trên đại hội, ở các diễn đàn lớn hoặc chỗ anh em trà dư tửu hậu dăm ba người, Mai Ngữ đều khề khà, nhỏ nhẹ, nói nhát gừng, giọng có vẻ buồn buồn quanh năm suốt tháng. Bạn bè văn chương hay gọi đùa ông là “Mai Đủng Đỉnh”. Nhiều lần ông bị nhắc về việc đến họp, đến làm muộn ông chỉ mỉm cười xí xóa. Ông từng triết lý: “Vội vàng, nhanh nhảu cũng chẳng ngồi vào được chỗ của ai. Chậm chạp, muộn mằn cũng chẳng ai lỡ ngồi vào chỗ của mình”. Mai Ngữ khiêm nhường là như vậy, song nơi văn chương chữ nghĩa ông rất kỹ càng và quyết liệt. Cứ nhìn vào hệ thống tác phẩm của Mai Ngữ là thấy rõ điều đó.
Mai Ngữ có tên thật là Mai Trung Rạng. Ở cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân đội còn có nhà văn Hải Hồ tên thật là Lê Ngọc Lưu. Nhân dấu mốc mừng hai nhà văn thượng thọ 70 tuổi, nhà văn Xuân Thiều đã có đôi câu đối mừng hai ông rất hóm hỉnh: Mai một gì đâu, lòng Trung thực xem ra vẫn Rạng/ Lê la được mấy, củ Ngọc ngà nay hẳn còn Lưu.
Đôi câu đối vô cùng hóm hỉnh và sắc sảo của nhà văn Xuân Thiều đến nay cánh nhà văn trẻ chúng tôi nhiều người mỗi khi nhắc đến đều khâm phục tài chữ nghĩa của các cụ.
Văn chương của Mai Ngữ không chỉ tinh tế về chữ nghĩa mà luôn có sự trầm hậu, uyên nguyên đậm chất người Hà Nội. Đây là một đặc tính nổi trội của văn chương Mai Ngữ. Đặc sắc nhất chính là tập truyện ngắn Chuyện như đùa viết về đời sống của đất nước đầu những năm 80-90 của thế kỷ 20. Công cuộc Đổi mới khi đó mới bắt đầu với vô vàn khó khăn, thử thách. Với phẩm cách của một nhà văn luôn có cái nhìn sâu vào bên trong các hiện tượng ngoài xã hội, Mai Ngữ đã cho thấy bản lĩnh của một ngòi bút Quân đội trước thực tiễn của đất nước. Mai Ngữ có cách dựng chuyện và kể chuyện vừa hài hước vừa thâm thúy, luôn khiến người đọc phải cười ra nước mắt. Văn chương Mai Ngữ là một thứ văn chương dự báo, cảnh báo khiến không chỉ người đọc mà cả các nhà quản lý, lãnh đạo phải giật mình, suy nghĩ và hành động để cuộc sống tốt hơn. Những dự báo và cảnh báo của Mai Ngữ đã rất nhanh trở thành hiện thực chính là trách nhiệm công dân và chiều sâu tư tưởng của nhà văn trong văn chương của ông.
Nhà văn Mai Ngữ với anh em trẻ Tạp chí Văn nghệ Quân đội chúng tôi trong đời sống thì xa xôi vậy bởi ông mất cũng lâu rồi, song trong văn chương nghệ thuật, ông vẫn rất gần, tuần nào giao ban chúng tôi cũng nhìn những tấm ảnh treo trên tường trong đó có ông vẫn luôn nhìn chúng tôi mỉm cười lặng lẽ. Lứa các ông, mỗi người một số phận và sức vóc văn chương đều đã lặng thầm góp nên sức vóc của ngôi Nhà số 4, sức vóc của nền văn học cách mạng.
Những ngày mùa xuân trời mưa bay lất phất, trong ngôi Nhà số 4 lịch sử, mỗi khi nhắc về ông, chúng tôi lại thấy hiện lên một con người hiền hậu, lặng thầm mà vô cùng trân quý.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI