Có lẽ vì thế mà khi phát biểu với lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản trong buổi họp mặt đầu xuân vào chiều ngày 7-2, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đã xúc động nói: “Hôm nay chúng ta gặp gỡ ở đây là để chúc mừng nhau, để tưởng nhớ, tri ân đến biết bao đồng chí, đồng bào đã dốc lòng, dốc sức dập dịch Covid-19 và những người mãi mãi ra đi vì đại dịch...”.
Tính đến thời điểm này, thành phố đã trải qua hơn 4 tháng đi vào trạng thái bình thường mới, nhưng những dấu tích của những ngày tháng gian khổ, hiểm nguy vẫn còn khá đậm sâu. Bởi vậy, đi đến bất cứ một khu phố, hay một con đường nào ở TP Hồ Chí Minh, ai cũng có thể nghe kể về những gia đình, những người bị nhiễm Covid-19 và cả những mất mát, đau thương quặn lòng do đại dịch gây nên. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, không chỉ các cấp lãnh đạo, các sở, ngành chức năng và các tổ chức chính trị xã hội của thành phố dành nhiều kinh phí và tình cảm để chăm lo cho các gia đình chính sách, lực lượng tham gia PCD, mà tất cả mọi người dân đều muốn tham gia để cho “Tết tri ân” thêm lắng đọng, nồng ấm và ý nghĩa hơn.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/14/2022/02/17/lienviet/nguyenhohai201103039am.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trao quà tặng các nhân viên y tế trực Tết Nhâm Dần. Ảnh: HÙNG KHOA |
Trước Tết Nhâm Dần gần một tháng, lãnh đạo Thành ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, cùng các sở, ban, ngành và các thành phố, quận, huyện trực thuộc đã lên kế hoạch chăm lo Tết cho các đối tượng. Cùng thời điểm này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu các địa phương phải chăm lo Tết chu đáo cho nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân về quê đón Tết được thuận lợi, an toàn và đón rước người muốn trở lại TP Hồ Chí Minh thật ân cần, trọng thị. Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Tết Nhâm Dần 2022 phải là Tết tri ân. Thành phố cảm ơn bằng tất cả tấm lòng đến những lực lượng, những người đã chung tay cùng thành phố PCD Covid-19 trong suốt một năm qua. Từ trong sâu thẳm trái tim mỗi cán bộ và người dân, cần có tâm thế biến những mất mát, khó khăn thời gian qua, thành những quyết tâm, hành động quyết liệt cao nhất để bù lại những thiệt hại trước đó”.
Với tinh thần trên, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị gần 900 tỷ đồng từ ngân sách để chăm lo Tết cho các đối tượng. Cùng với đó, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm còn góp thêm hàng trăm tỷ đồng nữa để hỗ trợ cho các gia đình chính sách, gia đình có người mất vì Covid-19, trẻ em mồ côi, lực lượng y tế, cùng cán bộ, chiến sĩ đã và đang làm việc trên tuyến đầu chống dịch, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch... đón một cái Tết đủ đầy, ấm cúng hơn. Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hàng trăm đoàn cán bộ các cấp của thành phố đã tỏa đi các quận, huyện và TP Thủ Đức, trao hơn 300.000 suất quà tặng các đối tượng, trong đó có 383 người già neo đơn, 2.154 trẻ mồ côi do dịch Covid-19, với mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng/người, riêng trẻ mồ côi cả cha và mẹ là 2 triệu đồng/trẻ. Người dân thành phố cũng rất ấn tượng với Chương trình “Siêu thị mini Tết 0 đồng” tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức từ ngày 8 đến 21-1-2022, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho hơn 27.000 gia đình khó khăn với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng, đã thu hút hàng chục nghìn lượt người đến tham quan và mua sắm. Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Hồ Chí Minh nói rằng: “Các hoạt động của Tết tri ân đã thực sự lay động trái tim mọi người. Nó là những hoạt động để cám ơn, chia sẻ, giúp đỡ của thành phố đối với người dân, các lực lượng trên tuyến đầu PCD và trên tuyến đầu lao động sản xuất”.
Đối với những người lao động, Tết Nhâm Dần là cái Tết không thể quên khi có rất nhiều anh, chị em không về quê hương đoàn tụ với gia đình. Có nhiều lý do để họ ở lại với mùa xuân thành phố. Đó là điều kiện kinh tế khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch; những điều kiện PCD khắt khe của địa phương trở về; phải thực hiện kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp... Nhưng lý do xúc động nhất là họ muốn cảm nhận một mùa xuân sau khi đã kiểm soát được dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh nó ấm áp, sẻ chia đến mức nào. Và những người ở lại với mùa xuân thành phố không phải thất vọng khi họ được hòa mình vào Chương trình “Tết sum vầy” với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tặng quà cho khoảng 10.000 hộ gia đình người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đã phối hợp với địa phương lì xì tiền năm mới, hỗ trợ Tết cho công nhân. Hơn 35.000 người về quê đón Tết đã được Chương trình “Tấm vé nghĩa tình” trao tặng vé tàu, xe, máy bay...
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/14/2022/02/17/lienviet/duonghoanguyenhue147103052am.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Người dân tham quan đường hoa Nguyễn Huệ trong những ngày Tết Nhâm Dần. Ảnh: HÙNG KHOA |
Đến Công viên Văn hóa Đầm Sen trong “Tết sum vầy”, vợ chồng anh chị Trần Quang Thuận và Lê Thị Bích Hạnh rất hào hứng với không khí xuân. Họ được vào cổng và phục vụ bữa ăn miễn phí, được tham gia vào nhiều trò chơi bổ ích, lý thú. Chị Bích Hạnh cảm xúc: “Đến với "Tết sum vầy", vợ chồng tôi và con gái đã quên đi những ngày tháng gian nan, thiếu thốn và hiểm nguy. Ở đây tràn ngập niềm vui và sự sẻ chia”. Cùng với niềm hân hoan này, rất nhiều gia đình công nhân, người lao động đã ngất ngây với sắc nắng, sắc hoa của mùa xuân. Họ được thưởng thức những tiết mục ca-múa-nhạc chọn lọc, vui chơi thỏa thích và chụp hình lưu niệm với khung cảnh rực rỡ của hoa đèn trang trí. Những gương mặt tươi vui, những nụ cười rạng rỡ, hình như đã giúp họ quên đi quãng thời gian bị mất việc, phải vật lộn chống chọi với đại dịch và lo toan từng bữa ăn.
Ở TP Thủ Đức, gia đình của anh chị Nguyễn Văn Tam và Đỗ Thị Mai, quê ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đang làm công nhân trong Khu chế xuất Linh Trung đã có niềm vui tột bậc. Đó là họ được Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh tặng vé tàu hỏa về thăm gia đình dịp Tết. Trước ngày về quê, anh Tam tâm sự với chúng tôi: “Vợ chồng tôi và hai cháu nhỏ nghĩ sẽ còn lâu mới được về thăm quê. Đợt dịch vừa qua khiến chúng tôi đã thiếu thốn lại càng thiếu thốn hơn. Hơn 4 tháng không có việc làm, bao nhiêu tiền chắt bóp, dành dụm của mấy năm làm việc đã tiêu xài gần hết thì làm sao nghĩ đến chuyện về Tết. Ấy thế mà phép màu đã đến bằng 4 chiếc vé tàu. Xin cảm ơn thành phố đã sẻ chia với chúng tôi”. Còn chị Lê Thị Thu Hằng, quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, là công nhân ở Khu chế xuất Linh Thuận lại vỡ òa niềm vui khi nhận tấm vé máy bay về quê vào những ngày giáp Tết Nhâm Dần: “Tôi cứ nghĩ mình đang mơ. Đã 3 cái Tết tôi phải xa nhà rồi. Nhận vé máy bay do công ty trao tặng, tôi đã rơi nước mắt...”.
Ở nhiều doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cũng phối hợp với các cơ quan, đoàn thể để tặng quà, trao tặng học bổng, đồ dùng học tập, trao sổ tiết kiệm cho trẻ mồ côi con của người lao động là đoàn viên công đoàn đã mất do dịch Covid-19, hỗ trợ vé tham quan các khu du lịch, khu vui chơi... trong dịp Tết. Không ít doanh nghiệp đã hỗ trợ tiền cho công nhân khó khăn mua sắm Tết. Ngoài ra, 4.000 người lao động được tặng phiếu mua hàng trị giá 400.000 đồng/người để tham gia mua sắm theo hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt trên website của hệ thống siêu thị Saigon Co.op.
Những ngày Tết Nhâm Dần, không chỉ các cấp lãnh đạo, các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội... ở TP Hồ Chí Minh chăm lo cho người dân, mà còn biết bao nhiêu người dân, bệnh nhân dành những giờ phút lắng đọng của mình để nhớ về các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế, nhớ về các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, lực lượng tình nguyện trên tuyến đầu PCD đã giúp đỡ, cứu chữa cho mình qua cơn hoạn nạn. Ông Trần Mạnh Thắng, 76 tuổi, ngụ ở đường Âu Cơ, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, ngậm ngùi: “Những ngày Tết này, tôi rất nhớ các thầy thuốc của Học viện Quân y đã mang ô xy đến cứu chữa cho mình khi bị nhiễm Covid-19. Không có họ, có lẽ tôi chẳng còn ở trên cõi đời này nữa”. Còn bà Bùi Thị Phương Nga, ngụ tại phường 7, quận Gò Vấp, thì rơm rớm nước mắt: “Những ngày giãn cách xã hội cao nhất, gia đình tôi đã nhận được gạo, rau, trứng, thịt do các chú bộ đội mang đến. Giá như Tết được đón họ về nhà thì hạnh phúc biết bao...”.
Năm Nhâm Dần 2022 đã đến khi vẫn phải mang trong mình bao hậu quả đau thương, mất mát, bi hùng, đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm, để tri ân, bù đắp và bổn phận phải phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng. Hy vọng các buổi gặp mặt sẻ chia, tri ân với đội ngũ y sĩ, bác sĩ, doanh nhân, nhà khoa học, những tài xế xe cứu thương và những người đã góp phần đưa thành phố tiến vào cuộc sống bình thường mới của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh dịp Tết Nhâm Dần, sẽ làm ấm lòng mọi người và tạo nên động lực mới để thành phố hồi phục, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đó là động lực “quy tụ lòng người”, tạo nên sức mạnh đoàn kết vô song, để TP Hồ Chí Minh tiếp tục xứng đáng là đầu tàu kinh tế của đất nước, là đô thị đáng sống “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
LÊ PHI HÙNG