Bài thơ ấy vốn được viết trong một chuyến nhà thơ thăm thú đất Cà Mau. Và có lẽ, đó là rừng U Minh Hạ. Thế nhưng, dù có ít nhiều khác biệt, U Minh Thượng hay U Minh Hạ, Cà Mau hay Kiên Giang, vẫn thuộc về miền Tây Nam Bộ với đủ 4 thứ làm say lòng người: Nước, gió, cây, mây. Mà hơn thế, U Minh Thượng và U Minh Hạ vốn “uống chung một dòng sông”.

Đó là Trẹm-dòng sông chia rừng U Minh thành hai vùng thượng và hạ. Rừng U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, rừng U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau. Theo các nhà khoa học, do nhiều nguyên nhân tác động, rừng tập trung ở U Minh Thượng nhiều hơn và loại rừng nguyên sinh chiếm phần lớn ở đây.

leftcenterrightdel

Du khách du ngoạn rừng U Minh Thượng. 

Rừng U Minh Thượng rộng tới 21.107ha, trong đó vùng lõi chiếm 8.038ha, vùng đệm là 13.069ha. Là rừng ngập nước ngọt, nên đương nhiên, nước là thứ nhiều nhất nơi đây. Cả hơn hai chục nghìn héc-ta kia, ngoài vài con đường nhỏ xíu như lằn chỉ, chả chỗ nào ở U Minh Thượng không ngập nước. Nước len lỏi trong từng tán cây. Nước lòng vòng theo từng con rạch. Nước mênh mông, ngút mắt ở những trảng trống… Nước tạo nên vẻ đẹp quyến rũ riêng của một khu rừng nằm trong vùng đất ngập nước ngọt. Nước là ngọn nguồn của một hệ động vật đa dạng với gần 500 loài động vật, gồm: 200 loài chim thuộc 39 họ, 12 bộ, chiếm 16,6% so với hơn 800 loài ghi nhận tại Việt Nam, trong số đó có 12 loài có giá trị bảo tồn, một số loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: Chim già đẫy Java, già sói, bồ nông, giang sen, sếu đầu đỏ; 8 loài chim bị đe dọa toàn cầu như: Điềng điễng, quắm đầu đen, bồ nông chân xám, dòng dọc vàng, diều cá đầu xám, đại bàng đen, diệc lửa, cốc đen... Thú ở U Minh Thượng có tới gần 50 loài, trong đó nhiều loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam như: Dơi ngựa Thái Lan, rái cá lông mũi, mèo cá, cầy giông đốm lớn, cầy giông sọc, tê tê, sóc lửa... Nước là nguồn sinh sôi nảy nở của hệ thống thực vật độc đáo gồm: Rừng tràm bản địa, 243 loại thực vật có mạch bậc cao, trong đó có nhiều cây thân cao, to như: Dấu, gáo trâm, bùi…; 8 loài quý hiếm gồm: Mốp, năng chồi, lá U Minh, bèo tản nhọn, nắp bình, luân lan, mật cật, bí kỳ nam...

leftcenterrightdel

U Minh Thượng là nơi cư ngụ của nhiều loài chim quý hiếm. 

leftcenterrightdel
Dơi về trú ngụ tại tràm Dơi. 

Kể về chuyện nước ở U Minh Thượng có lẽ cả ngày không hết. Bởi ở đâu trên Trái Đất này, nước chẳng là ngọn nguồn của sự sống. Mà sự sống ở U Minh Thượng vốn dĩ sung túc vô ngần.

Theo sự “sắp đặt” của "nhà thơ đầu bạc" ở trên, gió đứng thứ hai trong danh sách. Vô tình hay hữu ý thì đó cũng là thực tế ở U Minh Thượng nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung. Hôm lặn lội giữa rừng, mặt trời đã đứng bóng, tức là khoảng giữa trưa. Theo lẽ thường của trời đất, đó là thời điểm đứng gió. Ở những nơi khác, vài con gió con phe phẩy giữa trưa nắng đã đáng được coi là “đặc sản”. Nhưng giữa rừng U Minh Thượng thì chả lúc nào thiếu gió. Gió cao níu hàng nghìn ngọn tràm ngả theo một hướng. Gió thấp phe phẩy lau sậy, lùa cái hương đất nồng nồng vào khứu giác của du khách.

Chiều chiều, giờ chim về tràm Chim, gió U Minh Thượng như nổi cơn tam bành đẩy vẹo cả những cánh cò, cánh diệc. Khó khăn lắm, những biểu tượng của sự long đong ấy mới có thể đặt chân về tổ, mang chút thức ăn về chăm bẵm cho con.

Rừng được tạo bởi cây. Bởi lẽ ấy, không có gì lạ khi rừng U Minh Thượng sở hữu hệ thực vật độc đáo thuộc hạng bậc nhất Việt Nam. Hơn thế, theo thống kê của các nhà khoa học, ở nước ta, trong hệ sinh thái rừng tràm ngập phèn chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng nguyên sinh, với các ưu hợp của rừng hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn với diện tích hơn 3.000ha.

leftcenterrightdel

Mây và nước mênh mông trảng trống. 

leftcenterrightdel

Con đường hiếm hoi xuyên rừng tràm ngút ngát. 

Tràm là loài cây có "lực lượng" đông đảo nhất ở U Minh Thượng. Nếu chỉ dùng mắt thường, dù trong điều kiện thời tiết lý tưởng cũng chẳng ai có thể nhìn đến điểm cuối của những cánh rừng tràm. Tràm phủ kín U Minh Thượng. Tràm biến U Minh Thượng thành một biển mênh mông với nước là những muôn vàn cành, lá.

Mây nằm ở vị trí cuối cùng trong “bảng xếp hạng” của "nhà thơ đầu bạc". Nhưng có lẽ, đây lại là thứ dễ gây ấn tượng nhất với người lần đầu đến U Minh Thượng. Hình như, nước, gió, cây làm mây ở mảnh đất này trở nên nhiều hơn, “thân thiết” hơn. Mây, dĩ nhiên là trên đầu. Lại cả mây dưới nước. Quơ tay, như nắm được mây. Mây ngợp trên cao. Mây giăng tràm trống. Mây len lỏi trong từng mảnh nước lộ giữa đám lục bình…

“Nước, gió, cây, mây”, ấy là những yếu tố làm nên trời đất. Nhưng có lẽ, phải đến U Minh Thượng, phải đến miền Tây Nam Bộ mới có thể cảm, có thể thấm cái câu: Thấy một cây tàn/ Trăm ngàn cây nở/ Biết đón triêu dương/ Từ trong nhật mộ/ Thấy biển lui dần/ Ba bề sóng vỗ/ Biết đem bùn hoang/ Làm nên quốc thổ…

Bài và ảnh: HUY ĐĂNG