Khí phách chiến sĩ Điện Biên

Một ngày trung tuần tháng 3-2023, khi hoa ban đang đua nhau bung nở phủ trắng khắp núi rừng Tây Bắc, chúng tôi có dịp đến thăm cựu chiến binh, thương binh Phạm Văn Ngân, 89 tuổi, ở tổ 3, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. 70 năm trước, ông là chiến sĩ thuộc biên chế Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng trí nhớ của ông Ngân vẫn còn khá minh mẫn. Nhớ về những năm tháng tham gia chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, ông bùi ngùi xúc động kể về những trận đánh ác liệt và những đồng đội đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm lại mảnh đất Điện Biên anh hùng. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, ông cùng đồng đội tham gia các trận đánh tiêu diệt quân Pháp ở đồi A1. Trong một đợt tấn công địch, ông bị thương và bị cụt mất một bàn tay. Không nao núng tinh thần, ông vẫn quả cảm tiếp tục tham gia chiến đấu cùng đồng đội đến khi đợt tấn công đó kết thúc. Sau đó, ông được đồng đội điều trị vết thương ngay tại chân đồi A1...

leftcenterrightdel

Thu hoạch lúa trên cánh đồng ở thung lũng Mường Thanh, tỉnh Điện Biên. 

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, vì quá yêu mến và có tình cảm đặc biệt với vùng đất Tây Bắc xa xôi, ông Ngân không trở về quê hương Hải Dương mà ở lại làm công nhân nông trường, xây dựng gia đình rồi gắn bó với mảnh đất Điện Biên cho đến hôm nay. Chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất lịch sử mà mình từng đóng góp một phần xương máu, ông Ngân cho biết, Điện Biên giờ đã đổi thay rất nhiều, khác xa so với ngày xưa. Năm 2003 khi mới tách tỉnh, địa phương còn vô vàn khó khăn. Giờ đây, những bản, mường xa xôi đã có đường bê tông, ban đêm có đèn chiếu sáng. Ông Ngân bồi hồi, xúc động nói: “Vậy là đói nghèo, lạc hậu năm xưa đã bị đẩy lùi. Chiến trường ác liệt năm nào, giờ là những cánh đồng 2-3 vụ lúa tươi tốt. Tôi mong muốn Điện Biên luôn phát triển để đồng bào được ấm no; đồng thời bảo tồn, phát huy được những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa vùng Tây Bắc, phục vụ nhiệm vụ phát triển du lịch để đời sống bà con ngày càng ấm no”.

Chia tay ông Ngân, chúng tôi gặp cựu chiến binh Phạm Văn Thuần đến từ tỉnh Phú Thọ trong chuyến hành trình lần đầu tiên ông lên mảnh đất Điện Biên lịch sử. Không giấu được niềm vui và sự xúc động, ông Thuần chia sẻ: “Điện Biên Phủ rất ấn tượng với chúng tôi, bởi đây là mảnh đất đặc biệt. Tận mắt chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất này, tôi mới cảm nhận hết những giá trị về sự mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước”. 

Đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch 

Những ngày tháng Năm lịch sử này, trong hành trình về với mảnh đất Điện Biên giàu truyền thống cách mạng, du khách thập phương đều mong muốn được tham quan những di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh và trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây. Có mặt tại hai điểm di tích là đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi dễ dàng nhận thấy cảm xúc phấn chấn của du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan. Điểm nhấn tại tầng 2 của bảo tàng là bức tranh panorama phác họa diễn biến 56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay, mỗi ngày bảo tàng đón hàng nghìn lượt du khách. Chị Chu Thị Thu Hương, Phó tổng biên tập Báo Bắc Giang bộc bạch: “Gần 10 năm mới có dịp trở lại Điện Biên, tôi thấy mảnh đất này giờ đổi thay nhiều quá, khác xa với vẻ hoang sơ ngày nào”.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 

Để phát triển kinh tế, du lịch gắn với giữ gìn các giá trị lịch sử và bảo tồn bản sắc văn hóa, tỉnh Điện Biên luôn đặc biệt quan tâm phát huy các công trình, di tích, sản phẩm văn hóa. Hiện toàn tỉnh Điện Biên có 27 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Năm 2021, nghệ thuật xòe Thái được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bên cạnh đó là 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điện Biên còn có những di tích lịch sử giàu giá trị như: Thành Tam Vạn, thành Bản Phủ-Đền thờ Hoàng Công Chất... Đáng chú ý, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, xã hội, khoa học. Cùng với lợi thế về du lịch lịch sử-văn hóa, Điện Biên còn có thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái bởi nhiều bản, làng vẫn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống để du khách đến tìm hiểu, khám phá.

Là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa Thái cổ độc đáo, bản văn hóa Che Căn (xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ) luôn thu hút lượng lớn khách du lịch vào dịp cuối tuần. Đến đây, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa dân tộc Thái với những điệu xòe, múa sạp và thưởng thức văn hóa ẩm thực là những món ăn độc đáo, riêng biệt mang hương vị đặc trưng. Đồng chí Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: “Thực hiện chủ trương phát triển du lịch văn hóa cùng với thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đời sống của bà con trong xã đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt thôn, bản đổi thay nhanh chóng. Đến thời điểm hiện tại, xã đã hoàn thành chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo. Hào khí của Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa tiếp tục lan tỏa và là động lực để Mường Phăng vượt khó, phát triển”.

Được biết, ngoài bản văn hóa Che Căn, hiện nay, UBND xã Mường Phăng cũng đầu tư phát triển du lịch tại bản Khá gắn với loại hình trải nghiệm tại các nhà vườn và du lịch sinh thái. Mô hình này thu hút nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Những kết quả này là minh chứng sinh động về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của 3 trụ cột chính: Du lịch lịch sử-tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Từ đó xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025, gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch

Theo đồng chí Lê Thành Đô, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế du lịch trong thời gian tới, UBND tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá, trong đó chú trọng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, chuyển đổi số, kết hợp đồng bộ với các loại hình du lịch, gắn với du lịch tâm linh, hành trình về nguồn tri ân...

Theo đó, ngành du lịch của tỉnh đã tổ chức nghiên cứu thị trường khách du lịch, nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của du khách để xây dựng các sản phẩm và chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp, hiệu quả. Ký kết, triển khai những thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế. Nghiên cứu thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện du lịch tại những thị trường trọng điểm ở trong nước, quốc tế. Tư vấn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp phát triển sản phẩm. Tổ chức quảng bá các khu, điểm du lịch trên những phương tiện truyền thông. Xây dựng, triển khai chương trình chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt là quản lý tài nguyên, sản phẩm du lịch, tổng hợp và số hóa cơ sở dữ liệu. Tiến hành xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Điện Biên và xã hội hóa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin du lịch trên thiết bị thông minh và các ấn phẩm thông tin điện tử phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của du khách.

Có thể thấy, phát triển kinh tế, phát triển du lịch dựa trên nền tảng và phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa là thế mạnh, là hướng đi đúng đắn của Điện Biên. Du lịch lịch sử-văn hóa dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giúp Điện Biên thực hiện thành công công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững. Đó là minh chứng sinh động của việc kế thừa, phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên năm xưa trong công cuộc dựng xây đời sống mới của cấp ủy, chính quyền, nhân dân, LLVT Điện Biên hôm nay...

Quý I-2023, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Điện Biên tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 6,7%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 3,32%, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 49,3% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch tăng gần 10 lần, trong đó, khách quốc tế tăng hơn 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái... Tính đến tháng 4-2023, toàn tỉnh Điện Biên có gần 220 cơ sở lưu trú du lịch, hàng chục bản văn hóa du lịch, homestay và điểm vui chơi, dã ngoại.  

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH