Quân trang của Vệ quốc quân.

QĐND - Trong tháng Tư lịch sử, lòng người hân hoan hướng về 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975/30-4-2015, thôi thúc bước chân nhiều du khách tìm đến những địa chỉ đỏ cách mạng, nơi sưu tầm, lưu giữ hiện chứng lịch sử, minh chứng cho thời kỳ chiến đấu hào hùng của dân tộc.

Quân trang nâng tầm vẻ đẹp văn hóa

Bảo tàng Hậu cần Quân đội hiện đang lưu giữ hơn 1000 hiện vật là quân trang của quân đội qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mỗi hiện vật đều mang giá trị văn hóa gắn liền với người chiến sĩ qua từng thời kỳ.

Trong không gian trang trọng, ánh sáng rực rỡ của phòng trưng bày, hình ảnh bữa cơm đầu tiên của các chiến sĩ Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được tái hiện sinh động trong trang phục áo chàm, áo nâu... Trang phục của buổi đầu thành lập, quân đội ta từ nhân dân mà ra, dựa vào dân là chủ yếu. Cách mặc này phù hợp với điều kiện địa hình thời tiết rừng núi, đồng thời là vỏ ngụy trang hữu hiệu bảo vệ đội quân cách mạng còn non trẻ trong cái nôi của quần chúng nhân dân. Hiện nay, bảo tàng còn lưu giữ bộ quần áo dân tộc của bà Nông Thị Ngôi, Nông Thị Kiều (Tức Nhiệt Tâm và Nhiệt Thành), dân tộc Tày, ở xã Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng đã mặc khi nấu bữa cơm nhạt trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và chiếc áo trấn thủ, chăn trấn thủ của đồng chí Lộc Văn Lùng, dân tộc Tày, ở xã Mai Pha, Cao Lộc, Lạng Sơn, người quản lý của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Sợi sờn trên vai áo, viền chỉ, khiến cho chiếc áo, chiếc chăn thêm bạc màu, tô đậm nét của thời gian, đọng vào suy nghĩ của người xem, hiểu hơn về những vất vả hy sinh của các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ đầu thành lập.

Tái hiện hình ảnh sinh hoạt của bộ đội trong bộ quân phục K74.

Cạnh đó, ta được ngắm các chiến sĩ Vệ quốc quân trong trang phục thô sơ, được may năm 1947. Tuy trang phục thiết kế đơn giản, bao gồm: Mũ nan bọc vải, áo trấn thủ, quần buộc túm ống nhưng đây là bộ quân phục mang nét đẹp của quảng đại quần chúng nhân dân.

Bảo tàng còn lưu những bộ sưu tập quân phục qua các thời kỳ như: Bộ sưu tập quân trang bảo đảm cho bộ đội đi B, gồm hơn 20 loại; bộ quân phục K74 sản xuất năm 1974; bộ quân phục K03 sản xuất năm 2003; bộ quân phục K08 sản xuất năm 2008 và nhiều loại quân trang các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho ta trong những năm kháng chiến.

Lời nhắn nhủ của hiện vật lịch sử

Nằm khiêm nhường ở khu trưng bày các hiện vật trong thời kháng chiến chống Mỹ, chiếc áo may ô làm lộ tiêu dẫn đường của đồng chí Nguyễn Văn Hạnh, Trung đội trưởng Đại đội 17, Tiểu đoàn 65, Trung đoàn 13, Sư đoàn 571 là minh chứng cho trí thông minh, sáng tạo của bộ đội ta trên chiến trường. Đêm 12-7-1972, tổ mũi nhọn chốt phía sông Ba Lòng, Thành cổ Quảng trị do đồng chí Hạnh phụ trách đưa một số chuyến hàng, thọc sâu vào sườn địch, tiếp tế cho bộ binh giữ chốt. Lúc này, trên trời, máy bay địch bắn phá rất ác liệt, pháo dàn cầm canh bắn liên tục. Để bảo đảm bí mật cho chốt bộ binh, 5 chiếc xe không được phép bật đèn, đồng chí Hạnh đã cởi chiếc áo ngoài, để lộ chiếc áo lót trắng làm lộ tiêu đi trước dẫn đường. Hành động dũng cảm của đồng chí Hạnh đã bảo đảm cho các chuyến hàng vào chốt an toàn. Mưa bom bão đạn, cái chết cận kề, nhưng có sá gì hiểm nguy, dòng máu cách mạng sôi sục, thôi thúc suy nghĩ và bước chân người chiến sĩ lao lên phía trước hoàn thành nhiệm vụ. Đó là hình tượng đẹp nhất của người chiến sĩ, có sức khơi gợi, bồi đắp tình cảm yêu nước cho thế hệ tương lai.

Bộ quần áo dân tộc của bà Nông Thị Ngôi, Nông Thị Kiều và chiếc áo trấn thủ, chăn trấn thủ của ông Lộc Văn Lùng.

Nhiều du khách đã lặng người khi nghe câu chuyện về chiếc áo giáp tre của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Văn Chiến, lái xe ô tô Đoàn Quang Trung mặc khi lái xe vận chuyển vũ khí, lương thực và thương binh trên tuyến đường Trường Sơn. Chiếc áo giáp tre là sự sáng tạo của nghệ thuật quân sự trong chiến đấu, được thiết kế hai lớp, bên ngoài may bằng vải bạt, bên trong lót bằng những thanh tre nhỏ. Đêm 2-12-1967, tại Km 29, Đường 128, đoàn xe của đồng chí Chiến đang làm nhiệm vụ thì bị máy bay địch oanh tạc. Thấy một xe bên cạnh chở đạn 37mm đang bị cháy, lửa bén vào một hòm đạn, đồng chí Chiến mặc áo giáp tre nhảy lên xe giật hòm đạn xuống, lấy thân mình dập tắt đám cháy. Hiện nay, bảo tàng còn lưu giữ một tấm chăn của anh Chiến. Đó là hiện vật của câu chuyện cảm động mùa mưa năm 1972, trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, anh Chiến đã dùng chiếc chăn để bọc mảnh xương và thịt của ba đồng đội. Sau khi khâm niệm các liệt sĩ, anh Chiến đã giặt chiếc chăn và giữ bên mình như “tấm bùa hộ mệnh”.

Hàng nghìn hiện vật trong không gian bảo tàng như cất lời nhắn nhủ, níu kéo bước chân du khách dừng lại nghe những câu chuyện lịch sử. Mỗi chuyện kể đều thấm đẫm máu xương của những người chiến sĩ, lay động tâm can, đánh thức truyền thống yêu nước trong mỗi con người. Những bài học thực tế đó đang được truyền tụng, ca ngợi. Tình yêu đất nước, tấm lòng kính trọng, biết ơn đối với sự hy sinh của những thế hệ đi trước sẽ được bồi đắp, tích tụ, để thế hệ tương lai còn được nghe, được truyền lửa từ những hiện vật đó.

ĐÀO HẢI TRIỀU