Nhưng những năm gần đây, nhất là sau khi dịch Covid-19 được khống chế, nhiều người lại muốn du xuân ở các địa phương ngoại thành như: Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh hay Nhà Bè. Địa điểm thu hút khách du lịch gần xa nhiều nhất là huyện Củ Chi.

Tôi biết anh Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Củ Chi từ lâu. Lần gặp nhau gần đây, anh mời chào: “Tết Quý Mão này anh về Củ Chi vui “Xuân chiến khu” đi. Tôi bảo đảm anh và gia đình sẽ thấy rất nhiều điều thú vị”. Lời mời đầy hấp dẫn ấy khiến tôi mường tượng ra Tết Nguyên đán năm nay sẽ là một mùa xuân tràn ngập yêu thương, thắm đượm tình quân dân nơi vùng kiên trung những năm đánh giặc.

leftcenterrightdel

Du khách tham quan Địa đạo Củ Chi. Ảnh: NHÂN THANH 

Nằm ở phía Tây Bắc TP Hồ Chí Minh, Củ Chi những năm chiến tranh được gọi là “vành đai đỏ”, “vùng đất lửa”, “vùng đất trắng” hay “vùng đất thép”. Với vị trí chiến lược, đây là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn-Gia Ðịnh. Mỹ-ngụy xác định: "Củ Chi còn, Sài Gòn mất" nên chúng thực hiện hàng trăm trận càn quét và dội hàng nghìn tấn bom, hóa chất các loại xuống vùng đất này. Tính trung bình, mỗi mét vuông đất ở Củ Chi chứa 3kg mảnh bom, đạn pháo, 100,24g chất hóa học, nhiều nhất là dioxin. Dù bằng cách nào, kẻ địch vẫn không khuất phục nổi ý chí kiên cường, mưu trí, sáng tạo của quân và dân “vùng đất thép” anh hùng.

Những năm gần đây, Củ Chi đã "thay da đổi thịt" và phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội với các khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao rộng lớn; các khu đô thị mới, hiện đại ra đời; đời sống của người dân được nâng cao đáng kể. Quê hương của 35.000 hộ gia đình chính sách; 2.128 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 33 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; hơn 10.000 liệt sĩ... đang vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.

Về Củ Chi Xuân Quý Mão, chắc chắn du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động bổ ích và hấp dẫn ở Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (xã Phú Mỹ Hưng); thăm nông trại xanh ở xã An Nhơn Tây, vui chơi ở Khu du lịch làng Fosaco, Khu du lịch Tây Thành hay Khu du lịch ven sông Bình Mỹ, rong ruổi ở vườn trái cây Tư Tuấn hoặc trải nghiệm ở trạm cứu hộ động vật hoang dã. Nơi nào cũng quyến rũ, tràn ngập màu xanh cây lá và sắc xuân. Nhưng nơi có nhiều hoạt động hấp dẫn nhất vẫn là Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc khu di tích giới thiệu: “Tết này chúng tôi tổ chức rất nhiều hoạt động và trò chơi phục vụ du khách. Ngoài tham quan di tích, mọi người sẽ ấn tượng với hoạt động ẩm thực với các món ăn mang đậm chất ba miền. Đặc biệt, du khách sẽ được tham gia chợ Tết quê, vui xuân cùng bộ đội, du kích Củ Chi và nhiều trò chơi hấp dẫn”.

leftcenterrightdel
Chợ quê ngày Tết ở Củ Chi. Ảnh: NHÂN THANH 

Tết Nhâm Dần 2022, anh Hà Quang Tuấn, một người bạn của tôi ngụ tại phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội khi đến với “Củ Chi đất thép” đã cảm xúc: “Thật tuyệt khi đến với nơi từng là chiến trường ác liệt trong chiến tranh, tôi và gia đình không chỉ được thấy tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta mà còn được hòa vào không khí "Xuân chiến khu”, xuân nồng ấm đậm chất Nam Bộ”. Những du khách đến với Củ Chi dịp Tết luôn được trải nghiệm các hoạt động hấp dẫn như: Gói bánh chưng, bánh tét; bắt cá và cấy lúa; đi chợ Tết; làm bữa cơm xuân. Những người thích cảm giác mạnh thì có thể tham gia các dịch vụ giải trí là bắn súng quân dụng, bắn súng đạn phun sơn, trò chơi mạo hiểm...

Trong không khí xuân, du khách cảm thấy như đang hòa vào khung cảnh của Tết những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đó là cảnh vui xuân, đón Tết cùng các chiến sĩ, các nữ du kích Củ Chi, được đi dạo, ngắm cảnh trong tiếng chim rừng hót líu lo, tiếng gió thổi vi vu. Trước các căn nhà tái hiện di tích trong rừng, những cành mai vàng nở rực rỡ bên bữa cơm ngày Tết làm cho nơi chiến khu xưa thêm ấm áp, nghĩa tình. Ở một góc rừng nào đó, những cô du kích mang đĩa mì (sắn), đĩa khoai mới luộc nóng hổi ra mời các anh bộ đội, mời du khách cũng tạo ra không gian Tết quân dân gần gũi, yêu thương.

leftcenterrightdel
Du khách đến viếng các liệt sĩ ở Đền Bến Dược. Ảnh: NHÂN THANH  

Dịp Tết Quý Mão 2023, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức lễ hội Tết quân dân tại một số huyện ngoại thành, trong đó có Củ Chi, với nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn. Đó là các cuộc thi: Gói và nấu bánh chưng, bánh tét; bữa ăn quân dân; cắm trại; thi đấu các môn thể thao. Đặc biệt luôn có hoạt động tặng quà gia đình chính sách, người nghèo; giúp dân sửa chữa đường sá, nhà cửa, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng... Theo Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, những hoạt động của Tết quân dân không chỉ dựng lại hình ảnh sinh động của Tết trong những năm kháng chiến mà còn khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí phấn đấu vươn lên của TP Hồ Chí Minh anh hùng đang vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.

Về Củ Chi hôm nay, nghe câu hát: “Vì sao hỡi Củ Chi yêu dấu/ Người không hề tiếc máu hy sinh/ Vì sao hỡi Củ Chi chiến đấu/ Người hiên ngang không chịu cúi mình...” trong bài hát “Củ Chi yêu thương” của nhạc sĩ Trương Quang Lục, tôi thấy dâng lên niềm tự hào khôn tả. Mùa xuân năm nay, Củ Chi tiếp tục bừng sáng với các hoạt động “Xuân chiến khu”, tạo đà để có một năm yên bình, thắng lợi trong phát triển kinh tế-xã hội. Chắc chắn sẽ là như vậy!

LÊ PHI HÙNG