2. Đã gần bốn mươi cái Tết trôi qua trong đời, nhưng ký ức về Tết trong tôi vẫn là Tết quê hương. Khi 5 tuổi, tôi được về quê nội, xã Trường Hà, huyện Bảo Lạc, mảnh đất xa xôi nhất của tỉnh Cao Bằng. Hồi đó, giao thông khó khăn, cha mẹ thay nhau cõng tôi về bản, không ngừng dỗ dành: “Chịu khó con nhé, ta sắp túm được râu ông trời rồi”. Đường đi khúc khuỷu, dốc ngược, xung quanh chúng tôi chỉ có đá và đá, mẹ bảo: “Đá tai mèo”. Tôi đã đón Tết trên quê cha. Giản dị. Tôi nhớ có trứng gà luộc, có rau ngải cứu hái ven đường, có thịt gà đen… Có lẽ không ở nơi nào, ngải cứu lại có vị đắng ngọt ngào như ngải cứu quê cha tôi, những cây ngải cứu sống chung cùng đá. Nhiều năm sau, khi đã đi làm, tôi có dịp trở lại quê nội cũng vào dịp Tết. Ấn tượng về Tết quê cha của tôi lúc này không phải là ăn, mà là uống. Nhà nào cũng chứa nhiều can rượu ngô, uống xong nóng bừng người. Tôi theo chân cha sang tất cả nhà họ hàng, người quen… Nhà nào cũng nồng nhiệt, chưa ngồi xuống ghế đã mời chén rượu nhưng không ép uống cạn chén, chỉ nhấp môi một chút chủ nhà cũng đã vui. Tôi từng ăn Tết với người Mông ở vùng Tây Bắc, mới hay phụ nữ Tày ở quê tôi vẫn sướng hơn nhiều. Những người đàn bà Mông nấp mình dưới bếp, nhường lại gian chính của ngôi nhà cho đàn ông vui vẻ với nhau. Còn ở dân tộc Tày, ngày Tết, phụ nữ được đón khách cùng chồng, được bình đẳng uống rượu cùng chồng, cùng khách, chồng “lày cỏ”, vợ hát… Đi một vòng thăm họ hàng, làng xóm trở về, chút rượu ngấm vào người, tôi nghe bước chân mình nhẹ tênh, miệng líu ríu những bài ca không đầu không cuối... Ngày xuân kéo dài miên man…
3. Người Tày đón Tết không lộng lẫy, rộn rã như người Kinh, về mặt hình thức. Nhà cửa không trang hoàng cầu kỳ. Chúng tôi thích dán giấy đỏ lên cây, lên cột nhà, vừa có ý xua đuổi tà ma và mừng tuổi, cây cũng được mừng tuổi như người già, em bé… Tết người Tày hiếm nhà nào khuyết bánh khảo, khẩu sli (một loại bánh làm từ bỏng gạo)… Đặc biệt có quả cọt (mác cọt) được muối chua. Sống ở vùng núi cao nên bữa ăn của người Cao Bằng nhiều thịt, mỡ màng hơn so với vùng xuôi. Mâm cỗ ngày Tết không nặng hoa lá cành, hình như cũng không để ý nhiều đến sự kết hợp màu sắc giữa các món ăn nhưng nhất thiết phải đầy đặn. Có câu hát của người Tày quê tôi: Lên Cao Bằng quê em/ Xin anh đừng làm lạ/ Mời rượu cả chum/ Mời quả cả cây/ Yêu nhau không nói nhiều lời.
4. Nếu nhiều người Hà Nội mê mải màu đào phai lãng mạn thì dường như người Tày ở Cao Bằng không chuộng màu hoa ấy. Sống ở miền núi cao lạnh giá, màu thắm thiết, rực rỡ của bích đào sẽ khiến người ta có cảm giác ấm áp hơn, may mắn hơn. Đào của người Tày hồn nhiên như chính con người nơi đây, tự do mọc kể cả ở rừng hay vườn nhà. Người Tày quê tôi trọng sự to cao của cành đào chơi Tết. Nhà nào có cành đào chạm đến tận trần nhà, hoa nhiều, nụ nhiều, tán dang rộng chiếm một diện tích lớn luôn được khách đến chơi trầm trồ khen ngợi. Bích đào ở vùng cao có màu sắc đậm hơn đào miền xuôi, cánh dày hơn, hoa to hơn, khoe mình nồng nàn trong giá lạnh. Cũng có người vừa chơi hoa đào, vừa chơi hoa mận. Sắc trắng thanh tao của hoa mận đi kèm màu bích đào lộng lẫy như mang cả mùa xuân về nhà.
NÔNG HỒNG DIỆU