Tại Pháp, Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) giành tới 32% số phiếu bầu, cao hơn gấp đôi so với con số 15% mà các đồng minh của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron đạt được. Ở Đức, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz đã trải qua một đêm đau đớn khi nhận được kết quả tồi tệ nhất từ trước đến nay, chịu về sau Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Còn ở Italy, Đảng Anh em Italy (FdI) cánh hữu thì tạo bước nhảy vọt từ 6,4% số phiếu bầu vào năm 2019 lên 28% như hiện nay để có thể trở thành nhân tố mới trong nền chính trị châu Âu.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự bỏ phiếu Nghị viện châu Âu ngày 9-6 - Ảnh: AFP

 

Thực ra, hiện tượng cánh hữu nổi lên không phải là mới ở châu Âu. Năm 2022, FdI trở thành đảng lớn nhất ở Italy và lãnh đạo của đảng là bà Giorgia Meloni đã trở thành thủ tướng. Ở Thụy Điển, Đảng Dân chủ Thụy Điển (SD) hiện đang thống trị trong chính phủ cánh hữu. Còn tại Pháp, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen từng lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 cùng với ông Emmanuel Macron. Tại Hà Lan, Đảng Tự do (PVV) của chính trị gia theo đường lối cực hữu Geert Wilders đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử năm 2023.

Tuy nhiên, với kết quả của đêm 9-6, “cực hữu hóa” đã trở thành một xu thế, khiến người ta phải đi tìm lời lý giải cho vấn đề bất thường này, vốn có thể tác động đến đường hướng phát triển của châu Âu trong tương lai. Có thể thấy sự trỗi dậy của cánh hữu không phải nằm ở sự vượt trội của các đảng này về chương trình hành động, mà là sự phản ánh những bất mãn của người dân đối với chính quyền trong giải quyết các khủng hoảng mà châu lục này đang phải đối mặt, từ thực trạng kinh tế trì trệ, phương cách đối phó với đại dịch Covid-19 đến chính sách nhập cư, xung đột Nga-Ukraine...

Những diễn biến gần đây tại một số nước là minh chứng cho trạng thái tâm lý này. Ở Đức, Đảng AfD đã được hưởng lợi khi phản đối chính sách khí hậu, nguyên nhân khiến cử tri ngày càng bất bình trước chi phí năng lượng cao và tình trạng suy thoái kinh tế trên diện rộng. Bên cạnh đó, những lo ngại về khả năng cắt giảm chi tiêu xã hội lại diễn ra trùng thời điểm nhập cư gia tăng, trong khi nhiều người Đức cho rằng chính phủ hiện tại không kiên quyết và không xử lý hiệu quả vấn đề này. AfD với chủ trương kiểm soát nhập cư đương nhiên được hưởng lợi.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, làn sóng biểu tình phản đối của nông dân các nước châu Âu, trải dài suốt từ Tây Ban Nha, Pháp sang Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungary rồi Slovakia cho thấy sự bức xúc đến mức bùng nổ của họ trước những bất cập trong chính sách nông nghiệp chung châu Âu, trong bối cảnh giá xăng, dầu, điện, nước quá đắt đỏ với người nông dân. Những người nông dân như ở Pháp bất mãn vì cảm thấy bị đối xử bất công, bởi những người làm công ăn lương được bảo đảm mức lương tối thiểu, trong khi người nông dân thì không. Còn những người trồng trọt ở Đông Âu thì tức giận khi nông phẩm Ukraine tràn vào nhờ chính sách của EU khiến thị phần của họ bị ảnh hưởng.

Xem ra, trong khi câu chuyện tranh cãi của các chính trị gia là cánh hữu hay cánh tả, bảo thủ hay cực hữu sẽ chiếm ưu thế thì với người dân châu Âu, mối lo cơm áo hằng ngày mới là sát sườn. Các cử tri đã rời xa cách tiếp cận mang tính ý thức hệ, mà thực dụng hơn trong các cuộc bầu cử. Thực tế cho thấy, vấn đề đầu tiên mà phần lớn người châu Âu cho rằng quan trọng là đói nghèo, sau đó là sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh đó, nhờ tích cực tận dụng những hạn chế trong điều hành, quản lý của chính quyền đương nhiệm để đánh vào tâm lý cử tri, các đảng cánh hữu đã đạt được những kết quả khả quan.

Mặc dù đạt được kết quả vượt trội hơn so với những lần bầu cử trước đây, song cánh hữu vẫn chưa thể chiếm đa số tuyệt đối tại EP. Sau khi được bầu vào EP, các nghị sĩ mới hình thành nhóm theo các liên minh chính trị và không phải đảng cánh hữu nào cũng liên kết với nhau. Tuy nhiên, theo dự đoán, các đảng cực hữu sẽ giành được khoảng 150 trong số 720 ghế của EP, hoàn toàn có khả năng cản trở những nỗ lực của các đảng chính thống trong việc thông qua luật liên quan đến toàn châu lục.

Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn trước mắt, cơn địa chấn sau bầu cử đang làm chính trường nhiều nước châu Âu rung chuyển. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định giải tán Quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm với hy vọng giành lại ảnh hưởng trong nước với phe cực hữu. Còn tại Bỉ, Thủ tướng Alexander De Croo đã phải từ chức sau khi Đảng Open VLD của ông thất bại thảm hại, chỉ giành được 5,8% phiếu bầu, chưa bằng một nửa so với các đảng cánh hữu và dân tộc chủ nghĩa.

Tất nhiên, sự nhuốm màu cực hữu sẽ không khiến trung tâm chính trị châu Âu sụp đổ, nhưng đường hướng của châu lục thì chắc chắn sẽ có những thay đổi.

TƯỜNG LINH