Vào thời điểm gần cuối năm, những con số thống kê do các tổ chức quốc tế và tài chính đưa ra cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đã chống chọi khá hiệu quả trước những thách thức. Báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh giá tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu ở mức 3,2% trong năm 2024 và 3,3% vào năm 2025.

Trong bối cảnh nhiều rủi ro về địa chính trị và biến động bất ngờ như nguy cơ tăng thuế quan và các hành động trả đũa thương mại, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn nhìn thấy khả năng phục hồi tích cực ở nhiều thị trường, như Brazil, Ấn Độ và Đông Nam Á. IMF cho rằng, dù giảm nhẹ so với dự đoán hồi tháng 7-2024, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 sẽ giữ ở mức 3,2%. Còn theo dự báo của Euromonitor International, tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3,2% trong năm 2024.

leftcenterrightdel
 Kinh tế toàn cầu. Ảnh: Global Economy

Điểm nổi lên trong năm 2024 là đà lạm phát đã được chặn lại. Dù vẫn còn biến động nhưng lạm phát toàn cầu liên tục giảm, từ mức 6,7% năm 2023 xuống 5,8% năm 2024 và dự kiến chỉ còn 4,3% năm 2025. Sự cải thiện này diễn ra nhanh hơn ở các nền kinh tế phát triển so với ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Đặc biệt, với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, lạm phát chỉ còn 2,1%. Trong khi đó, với khu vực châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi, lạm phát vẫn ở mức hai con số. 

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 là sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Tháng 10-2024, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với một số nền kinh tế. Theo đó, tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2024 được nâng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 2,8%, cao hơn mức 2,5% của năm 2023. Vai trò chính trong sự tăng trưởng này là sự gia tăng của tiêu dùng, lĩnh vực chiếm khoảng 2/3 mọi hoạt động của nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó là động lực đến từ các chương trình chi tiêu lớn của chính phủ. Điều này cho thấy các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ đã trở thành động lực đưa kinh tế Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trái với Mỹ, nền kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc vẫn chưa thoát được đà giảm tốc. Dù Bắc Kinh liên tục tung ra các biện pháp kích cầu nhằm cải thiện niềm tin của nhà đầu tư và giúp phục hồi thị trường chứng khoán, tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2024 chỉ đạt 4,8%, thấp hơn con số 5,2% của năm 2023 và không đạt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” mà chính phủ nước này đặt ra. Xem ra, Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được những vấn đề mang tính cơ cấu, như sự bất ổn định của lĩnh vực bất động sản và dân số già hóa.

Với châu Âu, sau đợt suy thoái với tốc độ tăng trưởng -0,4% năm 2023 do ảnh hưởng nặng nề của giá năng lượng cao và lạm phát, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chứng kiến sự phục hồi nhẹ trong năm 2024, với GDP tăng 0,8% và dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2025. Tuy nhiên, quá trình phục hồi vẫn chậm chạp, chủ yếu là do suy thoái kinh tế ở Đức. Trong bối cảnh đầu tư giảm và xuất khẩu yếu, nền kinh tế lớn nhất khu vực này dự kiến không tăng trưởng trong năm 2024.

Vẫn còn không ít lo ngại nhưng tâm lý lạc quan đang ngày càng nổi trội. Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho rằng: “Nền kinh tế toàn cầu đã chứng minh được khả năng phục hồi. Lạm phát giảm hơn nữa theo mục tiêu của các ngân hàng trung ương, trong khi tăng trưởng vẫn ổn định”. Còn nhà kinh tế Dan North của Công ty Allianz Trade North America thì nhận xét: “Đang có một sự kết hợp hoàn hảo giữa tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát chậm lại. Bạn còn muốn gì hơn nữa?”.

Với Việt Nam, 2024 tiếp tục là một năm vượt khó thành công. Không chỉ duy trì sự ổn định, kinh tế Việt Nam còn xô đổ hàng loạt kỷ lục được thiết lập trước đó. Đó là mức tăng trưởng GDP trên 7%, vượt mục tiêu đề ra là 6-6,5%, đưa Việt Nam vào nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đó là con số 745,38 tỷ USD tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, riêng xuất khẩu sang Mỹ tăng tới 330%. Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam nằm ở nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới, với con số 31 tỷ USD nguồn vốn FDI thu được tính đến hết tháng 11-2024.

Đặc biệt, trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng trên thế giới, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Hàng loạt “đại bàng” công nghệ toàn cầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... đã có kế hoạch chuyển dịch chuỗi cung ứng, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Những ngày cuối năm, chúng ta lại đón nhận tin vui khi Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới Nvidia quyết định chọn Việt Nam là nơi đặt Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư công nghệ cao trên thế giới, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa với Việt Nam. 

Nhìn nhận về kinh tế Việt Nam năm 2024, cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan cho rằng, Việt Nam đã trở thành hình mẫu về tăng trưởng kinh tế, được cả Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF công nhận. Còn IMF thì nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Đó là nền tảng tích cực để Việt Nam tự tin bước vào năm mới 2025.

TƯỜNG LINH