TSKT là hình thức sử dụng lực lượng để thu tin của đối phương thông qua các phương tiện kỹ thuật và được quân đội các nước phát triển từ trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tiểu đoàn TSKT 35 (Trung đoàn 75, Cục II) được bố trí bí mật thực hiện nhiệm vụ này ở Quảng Trị. Họ ăn rau rừng, chịu khát, chịu đói, ngủ hầm, ngửi mây, tắm sương, làm bạn với gió Lào để bám địch, bám máy, bám sóng mạng, dò tìm, phát hiện những thông tin giá trị.
“Công tử” chiến trường
Một chiều đầu tháng 10-2022, sau nhiều lần hỏi thăm, tôi tìm được chủ nhân căn hộ giản dị trên tầng hai của một khu chung cư trong ngõ 234, đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội)-Đại tá, cựu chiến binh (CCB) Trần Đình Đa, nguyên Phó đội trưởng Đội 36 (sau này là Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn TSKT 35). Lúc tìm thông tin về ông, nhiều người ở chung cư khẳng định, cụ Đa sống hiền từ, ít nói, chẳng thể là một sĩ quan cao cấp trong Quân đội được. Điều ấy khiến tôi có dự cảm, mục đích chuyến đi khó đạt kết quả.
|
|
Đại tá Trần Đình Đa kể chuyện về trinh sát kỹ thuật. Ảnh: ĐỨC TÂM
|
Sau tiếng chuông rơi vào tĩnh lặng khá lâu là tiếng khóa lách cách. Một cụ ông cao gầy đứng sau cửa sắt khẽ hỏi:
- Cháu tìm gặp ai?
- Dạ, thưa ông, đây có phải nhà Đại tá Trần Đình Đa không ạ?
- Vâng, tôi đây, có việc gì thế?
Sau hơn hai phút trình bày và chờ đợi, vị Đại tá gần 90 tuổi đời mời tôi vào phòng khách giản dị. Ông cụ tóc bạc trắng, dáng cao gầy và khuôn mặt hằn vết nhăn thời gian. Tai ông đã kém nên tôi phải nói chậm. Ông nói nhát gừng, tôi phải chăm chú hết cỡ mới nghe rõ.
Hiện nay, Đại tá Trần Đình Đa là Trưởng ban liên lạc tình nghĩa của Tiểu đoàn TSKT 35. Năm 1965, ông tốt nghiệp Khoa Anh văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi vào Trung đoàn 75, trở thành chỉ huy phân đội TSKT và có mặt ở Trường Sơn, lập nhiều chiến công thầm lặng. Tôi gợi ý để CCB Trần Đình Đa hé lộ đôi chút về nghề TSKT thì ông từ chối rất khéo. Ông kể lại kỷ niệm ở Trường Sơn cách đây 56 năm. Hôm đó, tổ TSKT mũi nhọn do Trần Đình Đa chỉ huy đi phục vụ chiến dịch đánh địch ở Đông Hà (Quảng Trị) được đón đồng chí Đàm Quang Trung, Tư lệnh Bộ tư lệnh Tiền phương (B5) đến thăm. Khi trò chuyện với các chiến sĩ của tổ TSKT, Tư lệnh Đàm Quang Trung gọi họ là “công tử” chiến trường vì suốt ngày họ sống trong cảnh "chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi". Hôm ấy, Tư lệnh đột ngột quay mặt và hỏi Trần Đình Đa:
- Cậu có giận mình vụ nhà báo Tư Đương không?
- Dạ, lúc đó em cũng hiểu ra, nhưng vì quá đột ngột nên trong lòng không mấy vui.
Rồi vị Đại tá già kể lại kỷ niệm đó. "Lần ấy, anh Tư Đương, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đi cùng Tư lệnh Đàm Quang Trung đến chiến trường, gần nơi tổ TSKT chúng tôi làm nhiệm vụ. Nhà báo gọi tôi ra một góc định hỏi gì đó. Thấy vậy, Tư lệnh Đàm Quang Trung liền kéo tay tôi, bảo về hầm, khi nào cần sẽ thông báo. Thấy tôi đánh mắt sang phía nhà báo, Tư lệnh nghiêm mặt, mắt mở to, nghiêm giọng:
- Sao không chấp hành lệnh?
Tôi đi thẳng về hầm và ngẫm không hiểu đã làm gì để thủ trưởng phật ý...".
Tiếp đó, Đại tá Trần Đình Đa kể lại lời tâm tình của Tư lệnh Đàm Quang Trung về sự việc:
- Năm 1953-1959, anh Tư Đương là cán bộ đại đội còn anh Quang Trung là trung đội trưởng thuộc quyền. Họ cùng chịu đựng đói rét tiễu phỉ ở Sa Pa, Bắc Hà, Lào Cai nên rất thân thiết. Tư lệnh bảo Trần Đình Đa:
- Một nhà báo luôn cố đi “săn lùng tin” mà các anh thì đầy ắp tin tức. Nếu không tách các anh ra khỏi nhà báo thì có khi hỏng cả việc lớn. Phải giữ nguyên tắc bí mật.
Nghe xong câu chuyện của vị Đại tá già, tôi biết dự cảm trước đó đã hiện hữu vì nguyên tắc bí mật nghề nghiệp. Sau đấy, dù trổ hết tài thuyết phục nhưng cuối cùng, tôi cũng phải chào ông ra về trong tiếc nuối.
Nhập môn trinh sát kỹ thuật
Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định nhờ vị cán bộ cao cấp thân thiết trong ngành thuyết phục CCB Trần Đình Đa. Một tuần sau, lần thứ hai tôi lại có mặt để nghe ông đào xới những bí mật nghiệp vụ đã được cất giấu trong bộ nhớ mấy chục năm.
Đại tá Trần Đình Đa là người nắm giữ nhiều thông tin quan trọng, có hệ thống của Tiểu đoàn TSKT 35 vì đến nay, nhiều người cùng thời với ông đã không còn. Trong câu chuyện, ông xem tôi như một học viên thân thiết. Ông giảng giải, trong chiến tranh, việc nắm thông tin đối phương để biết địch ở các mức độ, nhằm phục vụ chỉ huy là tối cần thiết. Nếu không có những thông tin này thì tính chắc thắng trong chiến đấu khó đạt được và cũng không thể biết địch có âm mưu gì mà đối phó. Thời điểm năm 1966, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc và khu giới tuyến, tuyên bố dùng B-52 rải thảm, ngăn chặn, "làm cỏ" cộng sản đưa người, vũ khí vào Nam. Đến ngày 29-10 năm ấy, Trần Đình Đa và hơn 30 cán bộ, chiến sĩ Đội 36 bất ngờ nhận lệnh vào Quảng Trị. Nhiệm vụ của Đội 36 là chặn thu sóng tìm thông tin để nắm chính xác quân Mỹ được điều động ra Vùng 1 chiến thuật, đặc biệt là di chuyển đến chiến trường Quảng Trị (Đường 9, Khe Sanh, Cửa Việt, Gio Linh) đánh phá hành lang vận chuyển của ta. Sau một thời gian chuẩn bị, 3 chiếc xe Gaz-63 chở lực lượng và phương tiện lên đường.
Đường hành quân vào Nam bị địch đánh phá ác liệt. Trời nắng, máy bay Mỹ bổ nhào, cắt bom; trời mưa, chúng ném bom tọa độ, biến con đường thành những vũng bùn nhão nhoét, hằn sâu vệt bánh xe đan chéo nhau. Có những đoạn, Trần Đình Đa cùng đồng chí Nguyễn Dạn, Chính trị viên phải mặc áo may ô trắng làm tiêu chỉ đường cho xe. Đêm ấy, khi vượt ngầm nước sâu, xe của đồng chí Hồ Minh Nức bỗng khựng lại, nước tràn vào cabin không nổ được máy. Xe đồng chí Đoán đi sau cũng phải dừng, đội hình ùn tắc. Trần Đình Đa vội lên xe lấy súng AK bắn 3 phát. Vài phút sau xe cứu nạn tới, quăng tời kéo xe ra khỏi “tử địa”.
|
|
Đường Trường Sơn bị bom Mỹ đánh phá trơ trụi. Ảnh tư liệu |
Một tuần sau, Đội 36 đến Nông trường Việt Trung (Vĩnh Linh, Quảng Trị) và đưa thiết bị kỹ thuật lên điểm cao 395 (cao hơn mực nước biển gần 1.000m). Họ phát cây, đào hầm trú ẩn nửa nổi nửa chìm lợp tranh rộng gần 30m2 ở lưng chừng điểm cao hơn một tuần mới xong. Máy phát điện và kho xăng được đặt cách xa nơi thu tin đề phòng địch đánh phá. Cách điểm cao 395 không xa, tại điểm cao 396 là lực lượng của Trạm 35 đã thiết lập từ giữa năm 1965.
CCB Trần Đình Đa kể, lúc bấy giờ, Mỹ sử dụng các trang thiết bị truyền tin hiện đại. Phương pháp, chiến thuật truyền tin tiên tiến hơn quân Pháp nên Đội 36 gặp nhiều khó khăn. Chúng rất hạn chế truyền tin điện báo morse mà chủ yếu dùng máy đàm thoại điều tần FM (Frequency Modulation), đàm thoại SSB (Single Sideband) hoặc đàm thoại qua hệ thống vô tuyến tiếp sức (Radio Relay) kết nối với tổng đài từng khu vực chiến trường để liên lạc. Ngoài ra, trên các hệ thống truyền tin cấp chiến dịch, chiến lược, quân Mỹ còn dùng các thiết bị truyền tin siêu tần số tiếp sức làm việc trên tần số viba, cùng một lúc liên lạc với nhiều đường điện thoại điều tần và điện báo di tần. Trên lĩnh vực sóng ngắn, sóng cực ngắn, quân Mỹ thiết lập các hệ thống truyền tin điện báo (truyền chữ) qua nhiều đường với phương pháp tự động phân đường theo tần số hoặc phân đường theo thời gian (phương pháp điều chế FSK- Frequency Shift Keying) kết hợp với kỹ thuật mã hóa tín hiệu truyền tin để giữ bí mật.
Trước tình hình đó, lúc đầu, Đội 36 có sáng kiến dò thông tin của quân ngụy để nắm Mỹ. Họ tận dụng tối đa khả năng trang bị kỹ thuật để lấy tin, phục vụ Bộ tư lệnh B5. Cuối năm 1966, Đội 36 đã lập chiến công đầu tiên khi phát hiện tin quân Mỹ đưa hạm tàu bệnh viện từ Đà Nẵng ra Cửa Việt. Đó là dấu hiệu báo Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ chuẩn bị kế hoạch hành quân càn quét, đánh chiếm địa bàn trọng yếu để xây dựng và củng cố các cứ điểm, sân bay dã chiến hòng án ngữ, chặn đứng các cuộc hành quân chi viện của quân ta từ Bắc vào Nam. Nhờ có thông tin này mà Bộ tư lệnh B5 đã kịp thời sơ tán, tránh được thương vong, bảo toàn lực lượng.
Trước tình hình chiến trường, để đạt hiệu quả hơn trong công tác, trên đã lệnh sáp nhập Đội 36 với Trạm 35-trạm thu siêu tần số tiếp sức thu tin quân ngụy ở Vùng 1 chiến thuật và lấy tên là Tiểu đoàn TSKT 35. Từ đây, Tiểu đoàn TSKT 35 liên tục lập được chiến công.
(Còn nữa)
MẠNH THẮNG