Khát vọng vùng khóm

Về công tác tại tỉnh Hậu Giang, khi chúng tôi đề nghị được tìm hiểu mô hình điển hình về kinh tế miệt vườn sông nước, anh Lê Công Lý, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giới thiệu ngay, đó là vùng khóm Cầu Đúc, nằm ở ngoại ô TP Vị Thanh. Khóm (người miền Bắc gọi là dứa hoặc trái thơm) được canh tác ở nhiều vùng, miền trong cả nước. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khóm Cầu Đúc là thương hiệu nổi tiếng nhất.

Chúng tôi được chị Mỹ Quyên, cán bộ Văn phòng UBND TP Vị Thanh hướng dẫn đi thực tế. Chị Quyên có tình yêu đặc biệt với khóm Cầu Đúc, am hiểu về đất và người nơi miệt vườn ngọt thơm hương khóm. “Vùng này ngày xưa hoang hóa, đất nhiễm phèn mặn, không sản xuất hoa màu được. Vậy nhưng khi đưa cây khóm về đây thì rất hợp. Từ những mô hình thử nghiệm thành công, đến nay, khóm Cầu Đúc đã phát triển thành vùng chuyên canh rộng lớn. Định hướng phát triển của địa phương là xây dựng khóm Cầu Đúc thành sản phẩm thương hiệu quốc gia gắn với xúc tiến, phát triển du lịch sinh thái miệt vườn sông nước”, chị Quyên nói.

Chỉ cách trung tâm TP Vị Thanh chừng 15km nhưng xã Hỏa Tiến, trung tâm của vùng khóm Cầu Đúc là một không gian hoàn toàn khác biệt. Băng qua kênh xáng Xà No, chúng tôi đi theo con đường chạy dọc các dòng kênh nội đồng rợp mát bóng cây. Vùng khóm Cầu Đúc hiện ra mênh mông, bạt ngàn.

Cuối năm, nhiều diện tích khóm chuẩn bị thu hoạch, đón đầu thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nên không khí ra đồng của nhà nông khá nhộn nhịp. Chị Mỹ Quyên dẫn chúng tôi đến trang trại khóm của gia đình anh Huỳnh Trường Dương, một gương mặt trẻ tiêu biểu về nghề khóm ở xã Hỏa Tiến.

Anh Dương là một trong những người tiên phong gắn nghề trồng khóm với phát triển du lịch tại gia. Không gian xung quanh ngôi nhà được anh thiết kế như một khu du lịch sinh thái thu nhỏ. Có những dòng kênh rợp bóng dừa, những con đường xanh mát lũy tre, ríu ran tiếng chim ca; những lối nhỏ ngập sắc hoa dập dờn bướm lượn. Đặc biệt, khung cảnh trên bến dưới thuyền đầy lãng mạn, trữ tình. Anh Dương tâm sự:

- Do đất vùng này nhiễm phèn, trũng nên để trồng được khóm, chúng tôi phải đào đất đắp thành luống. Chỗ đất sau khi đào sẽ tạo nên những dòng kênh. Chúng tôi biến nó thành các tuyến giao thông thủy nội đồng, vừa để chăm sóc, thu hoạch khóm, vừa làm sản phẩm du lịch.

Nói rồi, anh Dương dẫn chúng tôi xuống thuyền, chèo ra cánh đồng khóm. Những thửa khóm chín tỏa hương thơm ngào ngạt, quyến rũ. Vừa nhâm nhi vị khóm, chúng tôi vừa nghe anh Dương trải lòng về khát vọng đưa hương vị khóm Cầu Đúc bay cao, bay xa. Khóm Cầu Đúc có màu vàng hươm, giòn, vị ngọt thanh, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, nhưng tiếng thơm của nó vẫn chưa đủ sức vượt khỏi tầm miệt vườn sông nước.

Các hộ gia đình làm kinh tế giỏi như anh Dương là những nhân tố mới, trẻ, đang từng bước tạo dựng thương hiệu sản phẩm ngay trên mảnh ruộng, sân nhà của mình. Ông Nguyễn Văn Hào, Phó chủ tịch HĐND xã Hỏa Tiến cho hay, xã có 5 ấp, 1.158 hộ, hơn 4.260 nhân khẩu; có 1.662ha đất nông nghiệp thì có đến 1.120ha đất trồng khóm. Năng suất khóm đạt bình quân 17,5 tấn/ha/năm; thu nhập bình quân 62 triệu đồng/ha/năm.

Từ thành công của những mô hình kết hợp sản xuất với thúc đẩy du lịch như hộ gia đình anh Dương, Tỉnh ủy Hậu Giang đã có nghị quyết đầu tư hạ tầng phát triển du lịch sinh thái ở vùng khóm Cầu Đúc, đưa hình ảnh vùng khóm trở thành một trong những sản phẩm, điểm đến hấp dẫn. “Định hướng vùng khóm Cầu Đúc sẽ phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, xây dựng sản phẩm OCOP, tiến tới xây dựng sản phẩm thương hiệu quốc gia. Hiện khóm Cầu Đúc đã có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, gồm: Mứt khóm, dưa chua củ khóm, rượu khóm và nước màu. Hương vị ngày Tết của người dân sẽ đậm đà, ngọt ngào hơn khi có những món ẩm thực đặc trưng này. Địa phương đang xúc tiến hợp đồng với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nhà nông”, ông Hào nhấn mạnh.

Những mô hình nhà nông khởi nghiệp vươn lên làm giàu như anh Dương đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều. Người thành công nhất ở vùng khóm này phải kể đến ông Bảy Thanh, một cựu chiến binh khởi nghiệp từ 1ha ruộng khóm.

Đến nay, ông là chủ của cánh đồng khóm rộng hàng chục héc-ta, trở thành tỷ phú nổi tiếng ở vùng miệt vườn sông nước Hậu Giang.

leftcenterrightdel

Mô hình vườn khóm kết hợp du lịch sinh thái của gia đình anh Huỳnh Trường Dương (xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). 

Chân đất và giấc mơ “đại lộ hùng cường”

Câu chuyện ở vùng khóm Cầu Đúc là một góc nhìn cận cảnh về diện mạo của những tỷ phú nông dân, những người vươn lên làm giàu từ chính bờ ao, mảnh ruộng của mình. Đến các địa phương khác trong vùng ĐBSCL như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre... dù ở mỗi địa phương có những sản phẩm, mô hình đặc trưng riêng nhưng chúng tôi thấy chân dung các tỷ phú chân đất thì vẫn chung nét mộc mạc, chân thành, đậm chất nông dân. Đôi bàn tay chai sạn, đôi chân lấm bùn lem luốc, gương mặt sạm nắng quanh năm. Việc mặc com-lê, đi giày da bước vào khách sạn hạng sang dự hội nghị xúc tiến thương mại, với những tỷ phú chân đất, vẫn là chuyện xa xỉ. Không phải họ không có điều kiện kinh tế, mà đơn giản là họ chưa sẵn sàng tâm thế cho những việc ấy, chưa có ai dắt tay họ vào môi trường ấy.

Chúng tôi đến khu du lịch Cồn Hô (Trà Vinh), một trong những địa danh hiếm hoi trên cả nước đậm chất hoang sơ “3 không”: Không điện, không đường bê tông, không có bóng dáng văn minh công nghiệp. Bám vào đặc trưng của khung cảnh nguyên thủy sông nước miệt vườn, những người nông dân năng động đã học cách làm du lịch. Họ phát triển mô hình du lịch tự thân với phương châm cung cấp cho du khách sự trải nghiệm cuộc sống khẩn hoang. Du khách đến đây được sinh hoạt cảnh đèn dầu, quạt mo, thưởng thức ẩm thực khẩn hoang. Hấp dẫn, giàu tiềm năng, nhưng hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu bàn tay khoa học, quản lý, định hướng nên các mô hình du lịch tương tự bao năm nay vẫn chỉ quẩn quanh góc ruộng, ao làng...

Ngay cả những vùng nguyên liệu nông sản giàu tiềm năng như khóm Cầu Đúc vẫn đang chịu chung số phận long đong như rất nhiều mặt hàng nông sản khác của vùng cây trái bời bời nơi chín dòng sông. Điệp khúc “được mùa rớt giá” cứ lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác. Có năm được mùa, khóm thu hoạch chất đống, tự chế biến không xuể, bán rẻ như cho mà chẳng ai mua. Xót của lắm! Đầu ra cho sản phẩm không ổn định nên khó làm ăn lớn. Làm thế nào để những mặt hàng nông sản đặc trưng như khóm Cầu Đúc trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia, đến tay người tiêu dùng quốc tế, vẫn đang là ước mơ cao vời. Nếu để nhà nông “tự bơi”, cho dù là tỷ phú cũng không thể làm được!

Nghị quyết đã có, tầm nhìn đã xác định, nhưng biến những ước mơ, khát vọng của nhà nông, nòng cốt là những tỷ phú chân đất thành hiện thực, vẫn còn khoảng cách khá xa. Công thức liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý) có sẵn đấy, nhưng đi tìm đáp số cho nó ở từng vùng vẫn vô vàn khó khăn. Bởi thế, nhìn vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế nước nhà, chúng ta không khỏi trăn trở khi cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù đã có mức tăng trưởng khá nhưng chỉ chiếm tỷ trọng chưa đầy 11,30% GDP. Trong lúc đó, những khu vực như ĐBSCL, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ lực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan là người sinh ra và lớn lên tại vựa lúa Đồng Tháp nên ông rất quan tâm, trăn trở tìm giải pháp phát triển các mô hình doanh nghiệp, hợp tác, hợp tác xã ở vùng ĐBSCL. Ông nói: “Chúng ta cùng nhau tạo ra hệ sinh thái cho kinh tế nông nghiệp phát triển. Hệ sinh thái gồm có nông dân, ngư dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý... từ Trung ương đến địa phương, nhà truyền thông cũng có vai trò trong đó".

Một tín hiệu đáng phấn khởi là ngày càng có nhiều nhà khoa học, các công trình khoa học về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong số 29 công trình khoa học vừa được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt 6, năm 2022, có 9 công trình liên quan đến kinh tế nông nghiệp, trong đó có những công trình có giá trị ứng dụng thực tiễn cao về cây, con giống, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản...

“... Đằng sau các giải thưởng phải là hoạt động liên kết dẫn dắt đổi mới sáng tạo giữa các nhà khoa học, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Đây cần là sự kiện truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao, khuyến khích cả xã hội gia tăng đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo...”.

(Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6, ngày 23-11-2022)

Bài và ảnh: THANH KIM TÙNG