Sau những hồi còi chào đất liền vang vọng quen thuộc, Tàu CSB 4039 bắt đầu rời bến. Gác lại nỗi niềm, gác lại phong tục truyền thống của người Việt dịp Tết, những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 4 tất bật làm công tác chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Tôi dừng chân trên Tàu CSB 3007. Lúc này, Thượng úy Phạm Đình Phưởng, Trưởng ngành Cơ điện lao ra mặt boong định làm gì đó. Anh vừa lau vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên mặt lấm lem vừa thông tin với tôi vài nét cơ bản về công tác chuẩn bị của thủy thủ trên con tàu mà anh luôn xem như nhà của mình. Đây là lần thứ tư kể từ ngày ra trường, anh được tham gia thực hiện nhiệm vụ trực Tết trên biển. Đối với Phạm Đình Phưởng, mỗi chuyến đi luôn là một kỷ niệm đẹp, đáng nhớ. Trong đó, kỷ niệm sâu sắc nhất của anh là được “xông đất” Nhà giàn DK1/2, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ công tác ở đây trước ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
|
|
Tàu CSB 9003, Hải đội 401 trực Tết tại khu vực nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam. Ảnh: THÀNH HỮU
|
Ngay từ khi mới bước chân vào giảng đường Học viện Hải quân, Phưởng đã khát khao được cùng đồng đội điều khiển tàu ra thăm nhà giàn. Đối với anh, những chiến sĩ sống trong “pháo đài thép” giữa biển trời mênh mông rất đáng trân trọng bởi ý chí thép. Hôm tàu đến nhà giàn, trời nắng đẹp, sóng biển lăn tăn thay vì gầm gào, hung dữ trong gió mùa Đông Bắc như mấy ngày trước.
Đặt bước trên lan can nhà giàn, nhìn thấy khuôn mặt hồ hởi của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, cảm xúc trong Phưởng khó diễn tả thành lời. Anh bảo, lúc ấy có cái gì đó cựa quậy, nhoi nhói trong ngực. Sự xúc động vỡ òa khi Phưởng được nắm chặt những đôi bàn tay thô ráp, được nhận những cái ôm của đồng đội nơi nhà giàn đậm đặc sóng gió và sương nắng. Anh chia sẻ: “Xông đất” nhà giàn là một đặc ân, nhưng tôi lại bị sự cảm phục lấn lướt. CSB lênh đênh trên tàu sau một thời gian làm nhiệm vụ trở về đất liền sẽ được nghỉ ngơi, xả hơi. Nhưng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn thì khác, quanh năm ngày tháng dài đằng đẵng họ bám trụ ở đây. Với họ, biển là máu, là xương, là thịt, là da của mình. Họ hiểu biển, thuộc những “cơn đau ốm” của nó hơn cả những đứa con thơ ở đất liền".
Phưởng kể, hôm đó, anh chứng kiến chiến sĩ nhà giàn vận hành “thang dây” để vận chuyển hàng. “Thang dây” thực chất là một cái ròng rọc với cuộn dây gió to bằng cổ tay em bé, một chiếc puly quay xung quanh trục cố định và được gắn trên nhà giàn. Khi muốn vận chuyển người hoặc hàng từ tàu lên nhà giàn và ngược lại, chỉ cần để người hoặc hàng vào “thùng gỗ” và bật công tắc. Phía dưới tàu kéo là người hoặc hàng sẽ di chuyển lên trên theo phương thẳng đứng. Phương thức vận chuyển này đặc biệt hữu ích khi sóng to, gió lớn, xuồng không thể cập vào chân nhà giàn. Phương pháp này giúp cán bộ, chiến sĩ nhà giàn không phải mang vác, leo lên những bậc thang sắt chật hẹp. Nghe chuyện ấy, Phưởng ước có thể chế tạo, lắp đặt được một chiếc thang máy để Bộ đội Hải quân, nhà giàn đỡ cực nhọc, an toàn hơn trong công tác. Hình ảnh bộ đội nhà giàn với khát vọng bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên biển giữa muôn vàn gian khó đã thôi thúc Phưởng cố gắng thật nhiều, nỗ lực hơn nữa trong học tập, rèn luyện, công tác, để biển xanh mãi bình yên.
Rời Tàu CSB 3007, chúng tôi đến Câu lạc bộ Tàu CSB 9003, Hải đội 401. Khi cán bộ, chiến sĩ đang tổ chức vui chơi thì Thượng úy Nguyễn Trọng Hạnh, Thuyền trưởng Tàu CSB 9003 đi ra lan can. Tôi thấy anh lướt điện thoại, thì ra, anh đang ngắm nhìn cậu con trai bi bô trong clip vợ gửi qua Zalo. Anh khoe, dịp gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, khi đang trực SSCĐ trên biển cũng là lúc vợ anh bước sang tháng thứ tám của thai kỳ. Anh dự kiến khi kết thúc nhiệm vụ sẽ về để cùng vợ đón đứa con đầu lòng cất tiếng khóc chào đời. Nhưng đi biển chẳng được bao lâu thì vợ anh sinh con. Chuyện như thế ở tàu là bình thường.
Rồi anh kể lại một kỷ niệm cách đây vài năm xảy ra ở tàu. Đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, lúc 23 giờ 55 phút, khi cán bộ, chiến sĩ trên tàu đang quây quần bên mâm cơm đoàn kết, chuẩn bị đón Giao thừa ở nơi làm nhiệm vụ thì giọng đồng chí chính trị viên tàu vang lên trên truyền thanh nội bộ rất xúc động. Giọng đồng chí ấy nhấn nhá: “Nhân dịp năm mới, thủ trưởng Bộ tư lệnh Vùng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trực SSCĐ tại các khu vực biển, đảo... và thông báo tin mừng: Chúc mừng gia đình đồng chí Đinh Văn Thương, Máy trưởng, có thêm thành viên mới, mẹ tròn con vuông, bé trai nặng 2,8kg, sức khỏe ổn định...”. Niềm vui ấy như luồng điện lan tỏa ra các cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Nước mắt Thương trào ra, lăn dài trên má.
Tiếng ai đó đột ngột vang lên: “Hát đi, ông Thương hát đi!”. Không chờ ai chỉ định, Trung úy QNCN Nguyễn Văn Nam, nhân viên điện công hàng hải cất giọng: “Nhìn cha con, cha đang rất vui, giọt nước mắt lăn trên khóe môi. Con hãy nhìn kìa, cha đang khóc vì con”. Tiếng vỗ tay, tiếng cười nói hồ hởi trên tàu vang vọng, xuyên biển đêm đen thẫm, lấn át cả sóng gió và sương lạnh. Biển bình yên lạ thường!
Hôm ấy, tôi xuống Tàu CSB 6009 dự bữa cơm liên hoan chia tay các đồng đội để sáng hôm sau họ rời bến đi thực hiện nhiệm vụ trực Tết ngoài biển. Trước lúc liên hoan, Trung sĩ Danh Hạnh, chiến sĩ hàng hải của tàu khoe với tôi anh là người hạnh phúc nhất tàu. Thì ra là một năm, Hạnh được hưởng hai cái Tết. Ngoài Tết Nguyên đán, Hạnh còn được ăn Tết Chol Chnam Thmay. Hạnh kể, người Khmer quê Hạnh chú ý nhiều đến Tết Chol Chnam Thmay diễn ra vào trung tuần tháng 4. Biết được nỗi lòng Hạnh và tục lệ địa phương, hồi tháng 4-2022, chỉ huy Tàu CSB 6009 đã quyết định dành tặng Hạnh một bất ngờ.
Đêm 13-4-2022, chỉ huy Tàu CSB 6009 tổ chức bữa tiệc với những món ăn truyền thống của người Khmer. Hạnh rất xúc động với sự quan tâm đó và thấu hiểu được tình đồng đội ấm áp nhường nào! Hạnh cao hứng kể cho mọi người nghe về phong tục Tết Chol Chnam Thmay, rồi anh hát bài hát yêu thích bằng tiếng Khmer.
Tôi rời cầu cảng Hải đội 401 trở về đơn vị cũng là lúc Tàu CSB 6009 rời cảng. Sau tiếng còi ngân vang, Tàu CSB 6009 nhẹ lướt sóng ra khơi mang theo những ước mơ, khát vọng biển xanh của bao cán bộ, thủy thủ. Vì Tổ quốc, vì mùa xuân bình yên của quê hương, đất nước, những cán bộ, thủy thủ Vùng CSB 4 đã hiến dâng tất cả. Với họ, biển bình yên và mãi xanh sẽ là “điểm tựa” để Tổ quốc trường tồn, phát triển...
KHÁNH NHÂN