Cao điểm mùa mưa hằng năm, việc di chuyển thực hiện nhiệm vụ đường bộ của Phái bộ UNISFA cùng hoạt động vận chuyển, thông thương giữa Cộng hòa Sudan và Nam Sudan bị đóng băng vì lầy lội. Từ khi lực lượng cứu kéo, chống lầy của Đội Công binh số 1 Việt Nam hoạt động, tuyến đường cơ bản được hồi sinh. Từ đây, những “hợp đồng” cứu hộ không hẹn trước thành công được ký kết ngay trên mặt đường trong sự vui mừng, phấn khởi.

leftcenterrightdel
Mùa mưa, con đường bị cày nát, lầy lội trong nhiều tháng. Ảnh: THẾ HƯNG 

Trên bản đồ khu vực phi quân sự Abyei có hình đa giác 6 cạnh không đều nhau, bao trọn con đường dài khoảng 100km. Đến Abyei thay thế lực lượng công binh của Ethiopia, Đội Công binh số 1 Việt Nam được Phái bộ UNISFA giao đảm nhận quản lý, củng cố, sửa chữa, xây dựng, nâng cấp tuyến đường từ thị trấn Abyei tới biên giới Sudan dài khoảng 50km. Trên đoạn đường này có lực lượng gìn giữ hòa bình của Ấn Độ và Pakistan bảo đảm an ninh. Còn đoạn từ Abyei tới Nam Sudan cũng dài khoảng 50km, phái bộ giao lực lượng dân sự đảm nhiệm. Mùa mưa những năm trước, tuyến đường này bị ví là con đường chết vì lầy lội và cả vì không bảo đảm được an ninh.

leftcenterrightdel

Mùa khô, tuyến đường bộ độc đạo ở khu vực Abyei di chuyển thuận lợi. Ảnh: THẾ HƯNG

7 giờ ngày 26-8 (tức 1 giờ sáng ở Việt Nam), Phân đội Công binh Cầu đường do Thiếu tá Lê Hồng Quân, Phân đội trưởng chỉ huy rời Amiet (cách thị trấn Abyei khoảng 30km), hướng về Diffra, giáp Sudan. Đoàn cứu hộ gồm một xe máy xúc, xe công trình xa, xe tải 3 cầu nối đuôi nhau trườn ra đường thì mưa tạnh hẳn, trời dần hửng nắng. Lúc này, hai bên đường, rất nhiều loại ô tô “ngủ”, chờ thông tuyến. Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp những chiếc ống cống đường kính gần 1m, dài hơn 2m nằm hờ hững bên lề đường. Đi khoảng 1km, chúng tôi bắt đầu tiến vào thế giới lầy lội. Con đường không có mặt, không lề, không ta-luy âm, ta-luy dương hay rãnh thoát nước hiện ra với hàng trăm vệt bánh xe đủ hình thù kỳ dị đan chéo nhau, lồi lõm vô định. Nước đọng đầy trong những vệt bánh xe, có nơi sâu đến gần 1m. Đại úy QNCN Vũ Công Minh cài đủ 3 cầu, về số thấp, bánh xe quay tít tìm điểm bám. Tiếng máy gắt gỏng, thân xe lắc lư, xô lệch, cố trườn qua lầy lội. Có lúc, bánh chủ động nhúc nhích rồi nằm im. Hết lùi rồi tiến, xe mới vượt qua được một cái hố. Lúc ấy, hướng mắt qua kính chắn gió về phía xa, tôi thấy con đường lầy lội dài vô tận, giống như một con rắn khổng lồ thâm đen dưới nắng vàng và màu xanh của cây rừng bên đường. Hình ảnh này ít nhiều gợi cho chúng tôi những con đường qua ngầm, qua khe lầy lội, bị bom đánh phá ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà bộ đội công binh từng đối mặt.

leftcenterrightdel
 Chiếc xe tải được Đội Công binh số 1 Việt Nam cứu kéo. Ảnh: THẾ HƯNG

Cách đây gần 3 tháng, vào ngày 19-6, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức lực lượng đi trinh sát tuyến đường này. Lúc ấy, mùa mưa chưa đến, con đường đất rộng gần 15m nhộn nhịp và bụi mù. Các loại xe có thể chạy tốc độ trung bình 30-40km/giờ, từ thị trấn Abyei đến Diffra chỉ hết chưa đến 3 giờ đồng hồ. Các chuyên gia Phòng Công binh của Phái bộ UNISFA thông tin, những năm trước, để bảo đảm vận tải cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, phái bộ phải sử dụng trực thăng. Các xe chở hàng của dân không dám đi trên con đường này. Lợi dụng đường lầy, các nhóm tội phạm có vũ trang, nhóm sắc tộc tổ chức cướp hàng, thậm chí giết người. Xung đột vũ trang, cướp khiến cho tiếng súng và máu chảy diễn ra hằng ngày. Trên xe, Thiếu tá Lê Hồng Quân kể với tôi, trong thời gian tổ chức lực lượng cứu kéo từ đầu tháng 8 đến nay, anh đã chứng kiến những cảnh thương tâm. Trên cánh cửa cabin và kính chắn gió của nhiều xe tải còn nguyên vết đạn. Tại chợ Amiet vẫn còn chiếc xe tải bị cướp, đốt cháy nằm trơ khung bên đường. Có những chiếc xe, trong cabin, trên thành ghế ngồi còn vết máu. Xe bị sa lầy mấy ngày chưa thể thoát ra nhiều không kể.

leftcenterrightdel
Chiếc xe tải màu vàng tải trọng hơn 15 tấn bị sa lầy nghiêm trọng. Ảnh: THẾ HƯNG

Lúc 11 giờ 20 phút, sau hơn 4 giờ vượt qua 7km đường lầy lội, đội hình của chúng tôi gặp một chiếc xe tải màu vàng, tải trọng khoảng 15 tấn đang “chết” bên đường. Thấy chúng tôi đến, cả 4 người da đen cao lênh khênh nhảy cẫng như bắt được vàng. Họ vẫy tay ý nhờ cứu kéo. Xuống xe, trước mặt tôi là lỉnh kỉnh đồ đạc dùng để nấu ăn dã chiến và nghỉ ngơi. Chiếc chõng được làm bằng những cây gỗ rừng và liên kết theo kiểu ghép mộng gây nhiều chú ý vì phần giát của nó được đan bằng các sợi dây có mắt khoảng 10x10cm, giống như căng lưới vợt cầu lông. Trên bếp than còn đỏ lửa, họ đang nướng cá suối. Một cậu thanh niên nhặt cá và ăn ngon lành. Đã 3 ngày nay họ phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Họ lấy nước suối để uống và bắt cá nướng ăn. Lái xe của phân đội cầu đường nhanh chóng đưa xe lại gần chiếc xe tải bị lầy. Thiếu úy QNCN Nguyễn Tiến Hải lấy cuộn cáp mềm. Hải cúi thấp người, móc vào gầm của chiếc xe tải màu vàng. Lái xe Vũ Công Minh cài 3 cầu, về số thấp. Máy gầm rú, đầu xe ghìm xuống kéo cáp, lúc lắc. Các bánh xe quay tại chỗ, bùn đất bắn tơi tả như mưa, rơi lộp bộp trên mặt đất nhão nhoét. Chiếc xe màu vàng nhúc nhích rồi "trơ cùng tuế nguyệt". Sau vài lần như thế, chiếc cáp mềm căng hơn dây đàn, với sự hiệp đồng ăn khớp của hai lái xe, chiếc xe tải mới thoát lầy. Nó lắc lư, oằn mình trườn trên đường khó nhọc. 4 người địa phương rối rít cảm ơn chúng tôi và nhanh chóng thu đồ lên xe đi tiếp.

Chúng tôi tiếp tục hành trình đi đến Diffra mà quên cả đói vì câu nói “Vietnam is very good!” (Việt Nam rất tốt!) của họ cứ văng vẳng theo nhịp lắc của xe. Tôi nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ. Sáng 1-8, phái bộ điện và đề nghị Đội Công binh số 1 Việt Nam tổ chức lực lượng, phương tiện cứu kéo 22 xe ô tô của người dân đang bị sa lầy, mắc kẹt trên tuyến đường (trong đó có 14 xe chở hàng và 8 xe khách). Sau bữa cơm trưa chớp nhoáng, chúng tôi ngay lập tức lên đường. 13 giờ 30 phút, chúng tôi tới hiện trường. Tại đây, chúng tôi phải mất 10 tiếng đồng hồ mới cứu kéo được 9 chiếc xe. Đến 23 giờ, chúng tôi mới về đến đơn vị. 8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã cứu kéo xong 13 xe còn lại. Lúc này mặt đường bị phá nát, hỏng rất nặng và chúng tôi lại phải san sửa. Những ngày sau, chỉ huy đội quyết định phân thành các tổ sửa chữa và cứu kéo túc trực 24/24 giờ dọc tuyến. Các tổ này đã triệt để tranh thủ lúc trời nắng bù đất, san gạt, lu lèn và lắp cống. Họ dựng nhà bạt trong khu trú quân của Ấn Độ và Pakistan để tiện làm nhiệm vụ. Mỗi ngày, lực lượng ấy hành quân dọc tuyến và cứu kéo các phương tiện của dân vượt qua bãi lầy. Theo thống kê của chúng tôi, ngót một tháng qua, chỉ riêng Phân đội Công binh cầu đường đã đào đắp hàng nghìn mét khối đất để tôn đường, lắp đặt hàng chục cống thoát nước và đặc biệt là cứu hộ, giải tỏa được hơn 100 phương tiện các loại, trong đó có cả phương tiện của phái bộ đi tuần tra bị sa lầy.

Trước kết quả bất ngờ của công binh Việt Nam, người dân trên đường truyền tin cho nhau, thế nên, ngày càng có nhiều xe của dân địa phương đi vào tuyến đường này thay vì “ngủ” như những mùa mưa trước. Phái bộ thấy được việc nên cũng giao tiếp cho Đội Công binh số 1 tổ chức lực lượng cứu kéo trên tuyến từ thị trấn Abyei đi Nam Sudan, thay cho lực lượng dân sự. Đại úy Nguyễn Văn Khải, Phân đội trưởng Công binh công trình 1 được giao chỉ huy lực lượng này.

Thế là, tuyến đường vốn bị "chết" trong những mùa mưa trước đây nay sống lại. Việc tuần tra, bảo đảm an ninh của phái bộ suốt 100km không bị gián đoạn như xưa. Từ đây, việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của phái bộ cũng không phải dùng đến trực thăng. Nhưng điều quan trọng hơn, an ninh tốt, có lực lượng cứu hộ túc trực đã giúp người dân hai nước thông thương ổn định. Họ không còn phải ngủ lại trên đường và lo đối phó với bọn cướp cũng như hoạt động của các nhóm xung đột vũ trang.

Với chúng tôi, mùa mưa ở UNISFA còn hơn hai tháng mới kết thúc. Khó khăn hiện diện ở từng cung chặng trên mặt đường, nhất là những đoạn chưa được nâng cốt nền, nơi trũng thấp. Chúng tôi tin rằng, khi đã thông thuộc địa bàn, nhất là khi tận dụng lợi thế của mùa khô, với trình độ và kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi sẽ làm được con đường như ý, không còn những đoạn lầy lội như hiện nay. Chắc chắn, mùa mưa năm sau, con đường trong khu phi quân sự Abyei sẽ không rơi vào tình trạng "chết lâm sàng" như trong những mùa mưa trước đây. (còn nữa)

MẠNH THẮNG - QUANG TUYỂN (*)

(*) Trung tá Nguyễn Quang Tuyển, Chính trị viên Đội Công binh số 1 Việt Nam tại Phái bộ UNISFA