Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Phóng viên (PV): Có ý kiến cho rằng, hoạt động nghiên cứu KH&CN của không ít DN đang gặp khó khăn do vướng mắc một số quy định. Theo Bộ trưởng cần có biện pháp tháo gỡ như thế nào?
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Tôi cho rằng, những khó khăn và vướng mắc của DN sẽ được giải quyết trong Chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST giai đoạn 2021-2030. Trong đó, hoạt động nghiên cứu KH&CN của DN được thể hiện đậm nét. Cụ thể, chiến lược bổ sung nội hàm về ĐMST là cầu nối đưa KH&CN vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó DN giữ vai trò trung tâm. Thúc đẩy năng lực hấp thụ, làm chủ và lan tỏa công nghệ của DN bên cạnh việc theo đuổi đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ mới và mở rộng đường biên công nghệ. Cùng với đó, tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động KH&CN và ĐMST; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro trong việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, ĐMST, mô hình kinh doanh mới.
Đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa các nguồn đầu tư cho KH&CN và ĐMST, đặc biệt từ DN; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST...
|
|
Lãnh đạo Bộ KH&CN tham quan một số gian trưng bày giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |
Hiện nay, Bộ KH&CN đang rà soát, sửa đổi các quy định về xét duyệt nhiệm vụ KH&CN theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để DN tham gia nghiên cứu và ứng dụng kết quả sản xuất, kinh doanh cũng như xây dựng cơ chế hợp tác công-tư trong đầu tư mạo hiểm cho KH&CN và ĐMST.
Tiếp tục triển khai các chính sách để phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp sáng tạo, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng và phát triển các trung tâm ĐMST quốc gia; đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp ĐMST quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới ĐMST trong và ngoài nước.
Mặt khác, bộ cũng triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, chuyển giao, ứng dụng và làm chủ công nghệ, tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng, khai thác sáng chế và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thông tin về KH&CN; khuyến khích DN đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai, ĐMST tại Việt Nam.
PV: Để tăng tính chủ động cho DN, theo Bộ trưởng làm thế nào để phát huy hiệu quả hơn nữa Quỹ phát triển KH&CN?
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Trong giai đoạn 2016-2020, với những chính sách và hành động quyết liệt của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế nước ta ở mức cao và ổn định có phần đóng góp quan trọng của việc gia tăng ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực.
Đáng chú ý, đầu tư cho KH&CN trong những năm qua đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong đóng góp của xã hội, nhất là từ khu vực DN. Nếu như khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KH&CN), thì đến nay, đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước và từ DN đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.
|
|
Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng các đại biểu nhấn nút khởi động sàn giao dịch công nghệ và thiết bị. Ảnh: Ánh Tuyết |
Mặc dù có những đóng góp trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nhưng năng lực đổi mới, hấp thụ công nghệ và ĐMST của DN trong nước còn nhiều hạn chế.
Trong giai đoạn 2011-2019, số tiền trích lập Quỹ phát triển KH&CN của các DN đạt khoảng hơn 18.000 tỷ đồng nhưng vẫn còn nhiều DN, tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm trích lập và sử dụng quỹ. Mặt khác, các DN mới chỉ sử dụng quỹ để thực hiện được các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, mua sắm trang thiết bị nghiên cứu mà chưa thể sử dụng quỹ cho việc đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất.
|
|
Tôn vinh 76 công trình trong lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2021. Ảnh: NGŨ HIỆP |
Về tổng quan có thể thấy rằng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội, từ DN cho KH&CN chưa cao, tổng mức đầu tư xã hội cho KH&CN còn thấp và chưa bắt kịp xu hướng quốc tế. Điều này phản ánh qua số liệu chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam hiện nay (cả Nhà nước và tư nhân) chỉ đạt mức 0,53% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%, Singapore 2,2%, Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%).
Qua khảo sát tại các DN cho thấy, DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN khởi nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn, tín dụng để tiến hành đổi mới công nghệ do vướng mắc về điều kiện tài sản bảo đảm. Nhiều DN chưa có tầm nhìn dài hạn về việc cải tiến, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững; các nỗ lực đổi mới công nghệ tại DN còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống và chưa tận dụng được các thế mạnh, điều kiện thuận lợi của từng địa phương, từng vùng miền...
Thực tiễn cho thấy, các quốc gia và vùng lãnh thổ thành công trong quá trình chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập cao đều dựa vào KH&CN, ĐMST (điển hình như Hàn Quốc, Singapore, Ba Lan, Đài Loan...).
Phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế
PV: Thưa Bộ trưởng để KH&CN và ĐMST trở thành động lực chính trong tăng trưởng kinh tế cần có điều chỉnh như thế nào?
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Từ kinh nghiệm của các quốc gia thành công và từ thực tiễn nước ta, trong giai đoạn tới đây, để KH&CN và ĐMST thật sự là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần tập trung vào một số phương hướng trọng tâm.
Đầu tiên, đó là phải hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học tiến hành các hoạt động KH&CN và ĐMST. Đặc biệt, cần có các cơ chế, chính sách mới đột phá, vượt trội và các chính sách thử nghiệm cho các mô hình mới trong phát triển kinh tế, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích và thúc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KH&CN và ĐMST.
Tăng cường đầu tư cho KH&CN và ĐMST, tập trung vào huy động tối đa nguồn lực xã hội, trong đó từ DN là chủ yếu để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nói riêng và đầu tư cho KH&CN và ĐMST nói chung.
Phát triển thị trường KH&CN và ĐMST trên nguyên tắc tiếp cận theo thông lệ quốc tế để tăng nhanh giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN và ĐMST. Hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian, môi giới để tăng cường hoạt động dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN bao gồm sàn giao dịch công nghệ, cơ sở dữ liệu tích hợp, dùng chung và các công cụ để kết nối thị trường... Hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và đổi mới sáng tạo của các DN trong nước đặc biệt là đối với các lĩnh vực công nghiệp, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tập trung vào đổi mới công nghệ theo hướng trang bị công nghệ phù hợp trong toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là trong các DN nhằm tạo ra tác động tích cực để nâng cao năng suất, chất lượng của các DN, các ngành và toàn bộ nền kinh tế. Từng bước nâng cao trình độ và năng lực công nghệ của quốc gia theo định hướng tăng nhanh tỷ lệ công nghệ cao, giảm dần công nghệ thấp và trung bình, ưu tiên đặc biệt cho xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản trị DN bao gồm cả nhân lực có kỹ năng được đào tạo phù hợp và thích ứng với nhu cầu của thị trường, nguồn nhân lực phù hợp với cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và chuyển đổi số quốc gia.
Cuối cùng là nâng cao năng lực ĐMST trong các DN mà trọng tâm là năng lực đổi mới công nghệ và năng lực quản trị DN. Hỗ trợ DN để có khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ mới chuyển giao từ nước ngoài và công nghệ tạo ra trong nước, tiến tới tự chủ công nghệ, qua đó từng bước xây dựng nền kinh tế tự chủ của đất nước.
PV: Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, KH&CN và ĐMST được xác định là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Để hiện thực hóa nội dung này, xin Bộ trưởng cho biết những việc cần làm ngay?
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Thứ nhất, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển KH&CN, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH&CN.
Thứ hai, đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia lấy DN làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Tiếp tục quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lành mạnh. Tăng cường thiết chế hợp tác công-tư, đồng tài trợ giữa Nhà nước và DN cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST. Phát triển đồng bộ, gắn kết chặt chẽ các ngành khoa học, đồng thời giữ nguyên tắc coi trọng khoa học xã hội và nhân văn, đầu tư nền tảng cho khoa học tự nhiên, ưu tiên khoa học kỹ thuật và công nghệ; nâng cao năng lực đón đầu các ứng dụng KH&CN tiên phong ở trình độ cao.
Thứ ba, bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập phản biện (kể cả phản biện quốc tế) trong tuyển chọn và xét chọn nhiệm vụ KH&CN. Trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN và tổ chức KH&CN công lập, đi đôi với cơ chế bắt buộc chịu sự đánh giá độc lập và giám sát xã hội, công khai kết quả hoạt động KH&CN. Rà soát hiện trạng để đầu tư có chọn lọc đối với một số tổ chức KH&CN trọng điểm, hiệu quả; xem xét chấm dứt đầu tư và giải thể các cơ sở hoạt động kém hiệu quả.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư và tài chính cho KH&CN trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên chỉ số đo lường kết quả, hiệu quả đầu ra. Linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN, thanh quyết toán tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học. Mạnh dạn giao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì để thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN và có cơ chế kinh tế, tài chính khuyến khích DN đầu tư, tham gia mạnh hơn vào hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ.
Thứ năm, tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng KH&CN, tăng cường trang thiết bị nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành; kiên trì đầu tư tăng cường tiềm lực thông tin KH&CN. Kết hợp đồng bộ giữa hạ tầng nghiên cứu, môi trường học thuật tiên tiến và tự chủ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng và các cơ hội phát triển nghề nghiệp thuận lợi cho nhà khoa học. Mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối, thu hút hiệu quả lực lượng khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài. Trọng dụng, đãi ngộ người tài kết hợp đòi hỏi về tính liêm chính và đạo đức trong nghiên cứu.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
HẢI LÝ-PHẠM TUẤN