Tuy nhiên, với nhiệt huyết, quyết tâm và những hành động cụ thể, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Châu Khê bằng nhiều mô hình kinh tế, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đời sống của người Đan Lai ở Châu Khê từng bước biến chuyển.
Đi lên từ những đôi lợn giống
Bản Bu, xã Châu Khê trải dài vài ki-lô-mét nhưng nhắc đến gia đình anh La Văn Sao, không ai là không biết. Gia đình anh Sao được người dân bản quý mến, học tập vì sự chịu thương, chịu khó. Nỗ lực từ hai bàn tay trắng, anh gây dựng nhà cửa đàng hoàng. Đáng mừng hơn, từ miền sơn cước heo hút, thiếu thốn, anh đã quyết tâm cho hai người con lớn học xong đại học, đứa con thứ ba đang theo học cấp 3 dưới huyện.
Trời mưa sập sùi, con đường đất dẫn vào nhà anh Sao lầy lội, ướt át. Ngồi ngoài hiên, bên ấm trà xanh, anh Sao nhớ lại quá khứ gian khổ của mình:
- Tôi sinh ra ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Quê nghèo, bố mẹ đông con, không đủ ăn nên năm 1993, vợ chồng tôi rời quê lên Châu Khê. Ngày lên vùng đất mới, hai bàn tay trắng, được người bác họ xa cho mượn một khoảnh vườn, hai vợ chồng dựng tạm cái chòi lá gọi là có chỗ trú nắng mưa.
Ngày ấy đường sá ở Châu Khê đi lại khó khăn, chủ yếu là đường rừng, dân cư thưa thớt, canh tác lạc hậu, chủ yếu bám vào rừng nên cái đói đeo bám triền miên. Đồn Biên phòng Châu Khê lúc ấy cũng mới chỉ là Trạm Kiểm soát biên phòng Châu Khê. Đói, nghèo nhưng bộ đội và nhân dân luôn đoàn kết hỗ trợ, giúp đỡ nhau vươn lên.
Nhiều bữa gia đình thiếu cơm nhịn đói, bữa ăn chỉ có ít rau rừng, măng luộc thường xuyên được Bộ đội Biên phòng Châu Khê nhường cơm sẻ áo. Sự giúp đỡ đó vừa là động lực về tinh thần, vừa giúp mấy đứa con vượt qua cái đói. Đúng là “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nói đến đây, sống mũi anh Sao cay cay, mắt hoe đỏ.
Năm 2008, Đồn Biên phòng Châu Khê thành lập, xin được chủ trương của cấp trên, đồn hỗ trợ 15 cặp lợn giống cho người dân trong bản, gia đình anh Sao cũng được cấp hai con. Lúc đó, hai con lợn giống là một tài sản giá trị, niềm mơ ước của biết bao người dân. Nhận được lợn giống, gia đình anh Sao nâng niu, chăm bẵm. Cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, tiêm thuốc phòng bệnh, sau một năm, đôi lợn đã sinh sản lứa đầu tiên. Nhớ công người cho giống, gia đình anh tặng lại lợn giống cho các gia đình khó khăn hơn trong bản. Dần theo thời gian, đôi lợn đẻ một năm hai lứa. Có lợn bán, vốn được quay vòng, cộng với sự tiết kiệm, kinh tế gia đình anh Sao khấm khá hơn. Đến nay, nhà anh Sao đã có 10 đôi lợn giống, 15 con bò, thuộc vào hộ có kinh tế khá giả nhất bản.
Câu chuyện đang rôm rả thì có tiếng nói to của người đàn ông vang lên từ đầu ngõ. Đó là ông Vi Văn Quang, 61 tuổi, người dân ở bản Bu (xã Châu Khê).
- Mưa gió thế này, biết có bộ đội đến chơi, tôi sang hỏi thăm.
Ông Quang cười nói vui vẻ rồi khoe: Đôi lợn giống Đồn Biên phòng Châu Khê mới cấp cho gia đình ông rất hay ăn chóng lớn. Trước đây, gia đình ông thỉnh thoảng cũng gây giống một đôi lợn, nhưng nuôi thả rông, giun sán nhiều, cộng với khí hậu khắc nghiệt, lợn hay bị bệnh chết. Một con lợn chết, gia đình ông Vi lại phải tích cóp nửa năm mới hoàn được vốn. Nhiều người mê tín bảo gia đình ông “không có tay” nuôi lợn. Từ ngày bộ đội Đồn Biên phòng Châu Khê xuống bản hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tư vấn mua hộ thuốc phòng và chữa bệnh nên lợn nhà ông lớn trông thấy. Ông Quang mừng lắm. Ông nói:
- Đôi lợn giống đồn cấp cho vừa là nghĩa tình, cũng là kỷ niệm nên các thành viên gia đình ông quyết tâm chăm sóc tốt để sau này cũng được như gia đình ông Sao. Hy vọng, đây sẽ là đôi lợn thoát nghèo của gia đình.
    |
 |
Trung úy QNCN Lê Hữu Chơ hướng dẫn bà con cụm khe Nóng, xã Châu Khê kỹ thuật trồng các loại rau. |
Cùng với các chiến sĩ biên phòng đồn Châu Khê, chúng tôi đi thăm các hộ gia đình ở bản Bu. Đến đâu chúng tôi cũng được người dân hồ hởi đón tiếp. Được biết trong mấy năm gần đây, Đồn Biên phòng Châu Khê phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn huyện Con Cuông đã tặng lợn giống cho gần 50 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Giá trị vật chất không nhiều nhưng cái quý là tạo cho người dân động lực, tạo hướng đi mới phát triển kinh tế. Chuyển biến người dân từ thế bị động, trông chờ vào sự hỗ trợ nay đã biết tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Quyết tâm giúp dân thoát nghèo
Theo ông Vi Thanh Ban, Trưởng bản Khe Bu, cả bản có 183 hộ, gần 1.000 nhân khẩu, hầu hết là người đồng bào Đan Lai. Trong đó 136 hộ thuộc diện nghèo, 18 hộ cận nghèo. Cùng với sự giúp đỡ của bộ đội Đồn Biên phòng Châu Khê, cái nghèo đeo bám dân bản đang được dần đẩy lùi. Tuy nhiên, đây là một hành trình đầy gian nan, thách thức. Đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, việc giúp người dân những cây, con giống là rất quý, nhưng điều cốt lõi phải giúp được người dân thay đổi nhận thức.
Do địa hình ở xã Châu Khê đi lại khó khăn, chưa có điện, không có chợ, cuộc sống của người dân vẫn chủ yếu tự cung tự cấp là chính, tỷ lệ người tái mù chữ còn nhiều nên việc tiếp thu kiến thức văn minh, hiện đại còn rất hạn chế. Việc giúp dân thay đổi nhận thức đòi hỏi bộ đội phải gần dân, bám dân, làm những việc thiết thực nhất, thấy hiệu quả ngay thì người dân mới tin, làm theo. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Quang Vĩnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Châu Khê cho biết:
- Thực hiện chỉ thị của Thường vụ Đảng ủy BĐBP “Về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Châu Khê đã phân công cán bộ, đảng viên của đồn phụ trách tới từng hộ gia đình. Cụ thể, mỗi cán bộ phụ trách 5 hộ nghèo. Do lực lượng cán bộ mỏng, nhiệm vụ nhiều nên chọn những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất. Việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ gắn với chất lượng thoát nghèo bền vững của từng hộ gia đình.
Nghe anh Vĩnh nói vậy, ông Ban tiếp lời:
- Trước đây, cuộc sống của người Đan Lai ở Khe Bu chủ yếu dựa vào lâm sản phụ của rừng. Từ tháng 7 đến tháng 10 vào rừng hái măng. Hết mùa măng đến mùa hạt dẻ, kết hợp kiếm thêm ít cá dưới suối. Nhưng rồi đất chật, người đông nên lâm sản phụ của rừng dần khan hiếm, cạn kiệt nên cái đói, cái nghèo bám dai dẳng. Theo hướng dẫn của bộ đội Đồn Biên phòng Châu Khê, một số hộ cũng biết khai thác những mảnh ruộng gần suối trồng lúa. Tuy nhiên, lúc đầu việc cấy lúa diễn ra rất đơn giản. Người dân gieo trồng xong bỏ mặc cho tự nhiên nên kết quả thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Từ khi có bộ đội hướng dẫn kỹ thuật trồng cấy, năng suất lúa tăng khá đáng kể.
Tiếp nối câu chuyện của ông Ban, chúng tôi vào cụm khe Nóng, xã Châu Khê. Đây là cụm dân cư khó khăn nhất của xã, 100% người dân đều là người Đan Lai. 100% hộ đều thuộc diện hộ nghèo. Cụm khe Nóng cách trung tâm xã gần 40 ki-lô-mét đường rừng, nằm biệt lập trong rừng sâu. Để vào cụm dân cư phải vượt qua 8 con suối. Anh La Văn Thoại, người phụ trách cụm khe Nóng cho chúng tôi biết:
- Chỉ cách đây vài năm thôi, cả vùng đất này đều hoang hóa. Người dân dựa chủ yếu vào gạo hỗ trợ của Nhà nước nên thiếu đói triền miên. Một tổ công tác của Đồn Biên phòng Châu Khê vào cắm bản đề xuất với chính quyền địa phương giúp dân khai hoang được 14ha ruộng. Tận dụng những chỗ có nước, cán bộ đồn biên phòng hướng dẫn bà con cày ải, đào đất quây từng đám ruộng, rồi bày cách gieo mạ, cấy lúa đúng nông lịch, nhặt cỏ, sục bùn, chăm sóc cho lúa. Được bộ đội cầm tay chỉ việc cho cách chăm sóc lúa, bà con Đan Lai ai cũng phấn khởi.
Ông La Văn Quỳnh, 69 tuổi, người dân ở cụm khe Nóng chia sẻ thêm: “Trước đây bà con trồng lúa lạc hậu, lấy que tra lỗ gieo hạt xuống rồi bỏ mặc cho trời đất tới ngày thu hoạch. Mấy năm trở lại đây được bộ đội hướng dẫn trồng lúa lai, sau 3 tháng trồng bông nhiều và hạt chắc mẩy. Cái đói cũng dần được đẩy lùi”.
Sau một thời gian vào bản thực mục sở thị cách bộ đội Đồn Biên phòng Châu Khê giúp dân thoát nghèo, chúng tôi như được lan tỏa thêm niềm vui cùng người dân. Được biết hiện nay, đồn đang thử nghiệm một số mô hình trồng cây ăn trái như mít, na Thái, xoài, vải. Nếu những mô hình trồng trọt này đạt hiệu quả năng suất cao thì chỉ trong năm tới, đồn sẽ giúp đỡ, hướng dẫn người dân trồng trên diện tích rộng. Con đường phát triển kinh tế tương lai đang ngày càng rộng mở. Mảnh đất miền núi Châu Khê xa xôi đang có bước chuyển mình tích cực. Và tình quân dân nơi đây trở thành những bông hoa thơm ngát tỏa ngược dòng khe Choăng.
Bài và ảnh: VĂN TUẤN - DUY THÀNH