Vườn xưa một thời cụ đã sống

Ông Nguyễn Công Tuấn-hậu duệ đời thứ 5 của Tướng công Uy Viễn Nguyễn Công Trứ kể lại rằng: “Lúc cụ Trứ giã từ mũ áo để trở về vui thú điền viên tuổi già (năm 1848), ông trở lại cội nguồn quê hương làng Uy Viễn. Triều đình nhà Nguyễn và nhân dân huyện Tiền Hải (Thái Bình), huyện Kim Sơn (Ninh Bình) thời ấy ghi nhận công lao vĩ đại của con người “kinh bang tế thế” này, đã góp tiền tậu cho ông dăm mẫu ruộng và xây một ngôi nhà bằng gỗ tốt kiên cố”. Nói đoạn, ông Tuấn dắt tôi đi dạo cảnh quan và bảo: “Lâu nay, sách, báo nói nhiều về thân thế và sự nghiệp của cụ, nhưng chưa một ai đề cập tới cụ khi về hưu ở chốn nào, anh đi cùng tôi xem lại vườn cũ”.

Tôi rảo bộ theo ông Tuấn, chỉ trong khoảnh khắc đã đặt chân tới dấu tích xưa. Nhà cũ, sau hàng trăm năm giờ đã lưu lạc đâu mất, nhưng giếng nước sinh hoạt của gia đình tướng công vẫn còn. Giếng nước sâu khoảng 4m, đáy giếng được làm theo hình vuông, dưới lát gỗ. Mạch nước dồi dào, dù mùa hè hay mùa đông cũng không bao giờ cạn. Thành giếng được cấu trúc hình tròn với các chất liệu kết dính vôi, mật, sỏi, hàu…

Cụ Nguyễn là người thương dân và thích gần dân nghèo nên khi xây giếng xong, cụ mở thêm đường qua ngõ để bà con làng Uy Viễn tiện ra gánh nước. Hồi ấy, vào những năm trời đại hạn, giếng nước có nguồn mạch khỏe ngỡ vòi “con long đất” phun lên... Ngày và đêm, dòng người làng xa, xóm gần lũ lượt mang vò, nồi đồng, nồi đất để gánh nước về ăn. Tiếng gầu va vào thành giếng, tiếng những bàn chân nện gót thình thịch nhiều lúc gây phiền tới bữa ăn, giấc ngủ của cả nhà cụ Nguyễn, nhưng tướng công chẳng lúc nào tỏ thái độ phật lòng. Trái lại, ông thích gần họ, vui vẻ kể chuyện hài, đọc thơ phú cho họ nghe. Bà Ngô Thị Thanh Bình-người hiện đang ở trên vườn cũ của cụ Nguyễn Công Trứ tiết lộ với tôi: “Hễ lúc nào giếng nước đục như nước vo gạo là trong làng có điềm rủi và có người “đi”. Điều tâm linh khó ai cắt nghĩa nổi, nhưng lòng thành kính với tướng công xây giếng đã trở thành ý thức tự giác của dân làng từ xa xưa cho tới bây giờ. Giếng được gia đình bà Bình gia cố thêm một ít xi măng phần trên, hiện trạng vẫn nguyên như cũ. Đầu tháng và ngày rằm, nhiều người vẫn tới đây hương khói.

leftcenterrightdel
Hát ca trù ở Khu di tích đền thờ Nguyễn Công Trứ

Từ giếng vòng sang phía tay phải, tôi đặt chân lên nền nhà cũ của cụ Nguyễn. Đây không phải là “một vùng cỏ áy bóng tà” mà là một ngôi nhà cấp bốn khang trang, thoáng mát của bác Nguyễn Xuân Đồng. Bác Đồng bảo: “Cụ Trứ ngày xưa là người tài giỏi giúp dân, giúp nước được nhiều việc. Riêng về thủy lợi, cho đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn thầm phục tư duy lớn của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Nhờ ông chỉ đạo và tổ chức khai khẩn mà nhân dân Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình)… có hàng vạn mẫu ruộng. Khi về quê, cụ vẫn sống thanh bạch, đạm bạc nhưng tâm hồn phóng túng, lãng mạn thi nhân”.

Phía đông vườn xưa là một hồ nước rộng và sâu, có nhiều loại cá tự nhiên. Hồ này đã trở thành thú vui của cụ Nguyễn Công Trứ với bạn bè đồng môn. Những chiều hè nóng nực cùng nhau bơi lội và câu cá, những đêm trăng thanh cùng nhau ngồi thưởng thức trà ngon, rượu ngon và ngâm thơ vịnh nguyệt. Thành hồ được ghép bằng đá hoa xanh, nhưng bây giờ đã được khỏa lấp. Hơn một thế kỷ đi qua, tuy nhà cũ không còn nhưng tướng công hẳn vui lòng mát dạ vì vườn xưa của tướng công, những cư dân chung sống ở khu vực này rất đỗi yêu thương và đoàn kết. Khu vườn rộn tiếng chim ca, sum sê cây trái, nở đầy những giàn hoa tím.

Ca trù thổn thức trái tim yêu

Tôi bước vào Khu di tích đền thờ Nguyễn Công Trứ khi bóng chiều đã ngả nhưng trong nhà, ánh điện sáng lung linh vẫn nhìn rõ được sắc màu, đường nét của từng kỷ vật. Đền thờ tướng công được tôn tạo lại uy nghi. Trên phiên bản cũ có xây dựng thêm một nhà hát ca trù. Một bức tượng đồng nặng hơn 4 tạ của một nhóm người sùng kính ông, tự nguyện góp tiền thuê thợ đúc và tặng lại dòng họ Nguyễn kỷ vật thiêng liêng này. Trong khói hương lan tỏa, tôi vẫn nhận diện được thần sắc bức tượng qua đôi mắt của người hùng cương trực và khảng khái. Một chiếc phản đá khá đẹp mà cụ Nguyễn thường nằm, sau bao năm lưu lạc được Phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân và con cháu sưu tầm, chuộc lại, được đặt ngay giữa sân. Tương truyền, tướng công là người rất mê ca trù, ông đã cùng các ca nương ngồi chung chiếu đánh đàn đáy và hát ca trù đến tàn canh. Những bài hát do ông sáng tác như: “Yêu hoa”, “Hồng hồng, tuyết tuyết” vẫn sống mãi với thời gian, bây giờ lớp hậu duệ hát lại vẫn xao xuyến lòng người.

 Canh cánh với bản sắc văn hóa dân tộc và thức dậy hồn quê hương với những cái hay, cái đẹp, cách đây hơn 10 năm, ông Bùi Tùng Phong lúc đó làm Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân đã có một suy nghĩ khá độc đáo: “Muốn gây ấn tượng cho du khách thì phải làm sống lại Nguyễn Du bằng lẩy Kiều, Nguyễn Công Trứ bằng ca trù”. Suy nghĩ của vị chủ tịch này đã hòa nhịp tâm thức cộng đồng. Nhen lên cái nôi ca trù bắt đầu từ làng Cổ Đạm, ngôi làng mà Tướng công Uy Viễn thời trẻ đã thả hồn mình theo nhịp phách và mơ màng với má đào, mày liễu các ca nương. Dầu bóng người cùng gánh hát đã khuất nẻo xa xăm trong thăm thẳm thời gian, nhưng chắc chắn ông rất mãn nguyện bởi làng Cổ Đạm không còn hiu hắt, nghèo đói nữa. Những ca nương thời hiện đại trong cuộc sống đời thường có thể là học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức mặc quần bò, áo phông, tay cầm điện thoại di động; không e thẹn như ca nương cổ bận áo nâu, váy sồi nhưng khi vào chiếu hát ca trù, tất cả đều cùng một sắc phục. Họ hóa thân vào ca trù như linh hồn ca nương xưa đã nhập vào họ. Luyện từ cách đứng, cách ngồi, cách đưa đàn đến giọng hát đều phải đổ mồ hôi với cuộc thử tài, thử sức này. Hạnh phúc cho làng Cổ Đạm còn những nghệ nhân ca trù xấp xỉ bát thập, những mẹ Mơn, mẹ Nga vẫn không từ chối khi được mời tham gia dạy hát. Có những người am hiểu sâu sắc về ca trù và truyền nghệ thuật ca trù cho lớp hậu duệ thật đáng quý.

Từ Câu lạc bộ Ca trù làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân đã xây dựng được Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ. Chị Trần Thị Cảnh, Phó giám đốc Phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân, cho biết: “Từ khi ra đời, câu lạc bộ đã tạo nên sức hút cho giới trẻ với đội hình luyện tập khoảng 10 người, do anh Võ Thanh Tuấn làm chủ nhiệm và hoạt động khá sôi nổi. Các ca nương Thùy Vân, Thị Nết, Hồng Xanh, Phương Anh, Thu Hà tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ thực sự đam mê, lại có năng khiếu. Hy vọng sẽ thu hút khán giả trong những lần công diễn giữa đám đông”.

Tôi hiểu cụ Nguyễn Công Trứ thích sống vui và ca trù là thú vui theo suốt cuộc đời cụ. Khi nhà hát ca trù đã dựng lên tại khu di tích đền thờ cụ, đêm hội ca trù sẽ làm thổn thức trái tim yêu. Tiếng ca trù khoan thai, trầm trầm và man mác vọng vào ánh trăng, đan vào tiếng gió. Hát ca trù để da diết yêu quê, để da diết yêu người, để xóa đi những hận thù, bon chen, mặc cảm. Ca trù là linh hồn của cụ, là linh hồn của quê.

Phải xứng danh gì với núi sông

Từ trên đỉnh núi Hồng nhìn xuống đất Nghi Xuân, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Núi Hồng thời cụ Nguyễn sống chỉ có sim, mua nở trên đất cằn, lúc buồn, cụ Nguyễn vẫn muốn mình “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Bây giờ, một dãy non Hồng trùng trùng điệp điệp thông xanh. Cụ đã từng tự khuyên mình và khuyên người: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. 20 năm đổi mới, đất Nghi Xuân quê cụ đã làm được nhiều việc có ý nghĩa với tên tuổi của cụ và có danh với núi sông. Từ làng Uy Viễn xuống Tiên Điền, Hội Thống hay vào Cương Gián, rồi đi ngược phía Gia Lách, đâu đâu cũng thấy những thôn xóm sầm uất, người dân ở chỗ nào cũng tính chuyện làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ngày một phồn vinh. Điều mừng nhất trong dòng chảy thị trường là tình làng nghĩa xóm vẫn mặn nồng như xưa. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Nam nói: “Huyện muốn vươn lên mạnh trước hết làng, xã phải mạnh. Mục tiêu phát triển kinh tế-văn hóa-du lịch đều cơ bản xuất phát từ sức dân, lòng dân”. Dân còn nghèo thì mọi đường đi nước bước ắt hẳn sẽ khó khăn. Chính vì thế mà “nút gỡ” đầu tiên là phải xóa đi hộ nghèo. Giúp dân không còn nhà tranh tre dột nát, giúp dân không còn cảnh ngày ba tháng tám phải xách mủng đi vay, rồi mới tính đến chuyện đường bê tông hóa, kênh mương hóa nội đồng, chuyện xã hội hóa giáo dục được. Nghi Xuân đã có mục tiêu và lộ trình tươi sáng này gần ba thập kỷ.

Ngày nay, làng Uy Viễn của cụ (nay là xã Xuân Giang) đã thay da đổi thịt từng ngày. Đường làng được rải thảm nhựa khắp ngõ ngang lối dọc. Nhà cao tầng các công sở, nhà cao tầng của dân mọc lên san sát. Hộ nào cũng có truyền hình, điện thoại, đến trẻ em cấp tiểu học cũng biết sử dụng máy vi tính, truy cập mạng. Chợ Giang Đình đủ các mặt hàng muôn màu, muôn sắc. Cứ mỗi sáng mỗi chiều lại tấp nập thuyền neo đậu bến quê, ríu rít học sinh cắp sách đến trường. Thưa với tướng công một lời thưa tự tin về một bức tranh nông thôn mới của quê hương đang bừng sáng.

QĐND - Trở lại làng Uy Viễn (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)-quê hương của Tướng công Nguyễn Công Trứ, tôi càng bồi hồi nhớ ông. Một nhân vật kiệt xuất của lịch sử Việt Nam, được nhân dân tôn thờ, sùng bái về thơ văn, quân sự, thủy lợi, về lòng thương dân, yêu nước và lối sống ngay thẳng, khảng khái. Để “xứng danh gì với núi sông” như danh nhân Nguyễn Công Trứ hằng mong muốn, cả Nghi Xuân đang dồn mọi tâm sức, trí tuệ xây dựng quê hương.

Vườn xưa một thời cụ đã sống

Ông Nguyễn Công Tuấn-hậu duệ đời thứ 5 của Tướng công Uy Viễn Nguyễn Công Trứ kể lại rằng: “Lúc cụ Trứ giã từ mũ áo để trở về vui thú điền viên tuổi già (năm 1848), ông trở lại cội nguồn quê hương làng Uy Viễn. Triều đình nhà Nguyễn và nhân dân huyện Tiền Hải (Thái Bình), huyện Kim Sơn (Ninh Bình) thời ấy ghi nhận công lao vĩ đại của con người “kinh bang tế thế” này, đã góp tiền tậu cho ông dăm mẫu ruộng và xây một ngôi nhà bằng gỗ tốt kiên cố”. Nói đoạn, ông Tuấn dắt tôi đi dạo cảnh quan và bảo: “Lâu nay, sách, báo nói nhiều về thân thế và sự nghiệp của cụ, nhưng chưa một ai đề cập tới cụ khi về hưu ở chốn nào, anh đi cùng tôi xem lại vườn cũ”.

Tôi rảo bộ theo ông Tuấn, chỉ trong khoảnh khắc đã đặt chân tới dấu tích xưa. Nhà cũ, sau hàng trăm năm giờ đã lưu lạc đâu mất, nhưng giếng nước sinh hoạt của gia đình tướng công vẫn còn. Giếng nước sâu khoảng 4m, đáy giếng được làm theo hình vuông, dưới lát gỗ. Mạch nước dồi dào, dù mùa hè hay mùa đông cũng không bao giờ cạn. Thành giếng được cấu trúc hình tròn với các chất liệu kết dính vôi, mật, sỏi, hàu…

Cụ Nguyễn là người thương dân và thích gần dân nghèo nên khi xây giếng xong, cụ mở thêm đường qua ngõ để bà con làng Uy Viễn tiện ra gánh nước. Hồi ấy, vào những năm trời đại hạn, giếng nước có nguồn mạch khỏe ngỡ vòi “con long đất” phun lên... Ngày và đêm, dòng người làng xa, xóm gần lũ lượt mang vò, nồi đồng, nồi đất để gánh nước về ăn. Tiếng gầu va vào thành giếng, tiếng những bàn chân nện gót thình thịch nhiều lúc gây phiền tới bữa ăn, giấc ngủ của cả nhà cụ Nguyễn, nhưng tướng công chẳng lúc nào tỏ thái độ phật lòng. Trái lại, ông thích gần họ, vui vẻ kể chuyện hài, đọc thơ phú cho họ nghe. Bà Ngô Thị Thanh Bình-người hiện đang ở trên vườn cũ của cụ Nguyễn Công Trứ tiết lộ với tôi: “Hễ lúc nào giếng nước đục như nước vo gạo là trong làng có điềm rủi và có người “đi”. Điều tâm linh khó ai cắt nghĩa nổi, nhưng lòng thành kính với tướng công xây giếng đã trở thành ý thức tự giác của dân làng từ xa xưa cho tới bây giờ. Giếng được gia đình bà Bình gia cố thêm một ít xi măng phần trên, hiện trạng vẫn nguyên như cũ. Đầu tháng và ngày rằm, nhiều người vẫn tới đây hương khói.

Từ giếng vòng sang phía tay phải, tôi đặt chân lên nền nhà cũ của cụ Nguyễn. Đây không phải là “một vùng cỏ áy bóng tà” mà là một ngôi nhà cấp bốn khang trang, thoáng mát của bác Nguyễn Xuân Đồng. Bác Đồng bảo: “Cụ Trứ ngày xưa là người tài giỏi giúp dân, giúp nước được nhiều việc. Riêng về thủy lợi, cho đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn thầm phục tư duy lớn của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Nhờ ông chỉ đạo và tổ chức khai khẩn mà nhân dân Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình)… có hàng vạn mẫu ruộng. Khi về quê, cụ vẫn sống thanh bạch, đạm bạc nhưng tâm hồn phóng túng, lãng mạn thi nhân”.

Phía đông vườn xưa là một hồ nước rộng và sâu, có nhiều loại cá tự nhiên. Hồ này đã trở thành thú vui của cụ Nguyễn Công Trứ với bạn bè đồng môn. Những chiều hè nóng nực cùng nhau bơi lội và câu cá, những đêm trăng thanh cùng nhau ngồi thưởng thức trà ngon, rượu ngon và ngâm thơ vịnh nguyệt. Thành hồ được ghép bằng đá hoa xanh, nhưng bây giờ đã được khỏa lấp. Hơn một thế kỷ đi qua, tuy nhà cũ không còn nhưng tướng công hẳn vui lòng mát dạ vì vườn xưa của tướng công, những cư dân chung sống ở khu vực này rất đỗi yêu thương và đoàn kết. Khu vườn rộn tiếng chim ca, sum sê cây trái, nở đầy những giàn hoa tím.

Ca trù thổn thức trái tim yêu

Tôi bước vào Khu di tích đền thờ Nguyễn Công Trứ khi bóng chiều đã ngả nhưng trong nhà, ánh điện sáng lung linh vẫn nhìn rõ được sắc màu, đường nét của từng kỷ vật. Đền thờ tướng công được tôn tạo lại uy nghi. Trên phiên bản cũ có xây dựng thêm một nhà hát ca trù. Một bức tượng đồng nặng hơn 4 tạ của một nhóm người sùng kính ông, tự nguyện góp tiền thuê thợ đúc và tặng lại dòng họ Nguyễn kỷ vật thiêng liêng này. Trong khói hương lan tỏa, tôi vẫn nhận diện được thần sắc bức tượng qua đôi mắt của người hùng cương trực và khảng khái. Một chiếc phản đá khá đẹp mà cụ Nguyễn thường nằm, sau bao năm lưu lạc được Phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân và con cháu sưu tầm, chuộc lại, được đặt ngay giữa sân. Tương truyền, tướng công là người rất mê ca trù, ông đã cùng các ca nương ngồi chung chiếu đánh đàn đáy và hát ca trù đến tàn canh. Những bài hát do ông sáng tác như: “Yêu hoa”, “Hồng hồng, tuyết tuyết” vẫn sống mãi với thời gian, bây giờ lớp hậu duệ hát lại vẫn xao xuyến lòng người.

 Canh cánh với bản sắc văn hóa dân tộc và thức dậy hồn quê hương với những cái hay, cái đẹp, cách đây hơn 10 năm, ông Bùi Tùng Phong lúc đó làm Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân đã có một suy nghĩ khá độc đáo: “Muốn gây ấn tượng cho du khách thì phải làm sống lại Nguyễn Du bằng lẩy Kiều, Nguyễn Công Trứ bằng ca trù”. Suy nghĩ của vị chủ tịch này đã hòa nhịp tâm thức cộng đồng. Nhen lên cái nôi ca trù bắt đầu từ làng Cổ Đạm, ngôi làng mà Tướng công Uy Viễn thời trẻ đã thả hồn mình theo nhịp phách và mơ màng với má đào, mày liễu các ca nương. Dầu bóng người cùng gánh hát đã khuất nẻo xa xăm trong thăm thẳm thời gian, nhưng chắc chắn ông rất mãn nguyện bởi làng Cổ Đạm không còn hiu hắt, nghèo đói nữa. Những ca nương thời hiện đại trong cuộc sống đời thường có thể là học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức mặc quần bò, áo phông, tay cầm điện thoại di động; không e thẹn như ca nương cổ bận áo nâu, váy sồi nhưng khi vào chiếu hát ca trù, tất cả đều cùng một sắc phục. Họ hóa thân vào ca trù như linh hồn ca nương xưa đã nhập vào họ. Luyện từ cách đứng, cách ngồi, cách đưa đàn đến giọng hát đều phải đổ mồ hôi với cuộc thử tài, thử sức này. Hạnh phúc cho làng Cổ Đạm còn những nghệ nhân ca trù xấp xỉ bát thập, những mẹ Mơn, mẹ Nga vẫn không từ chối khi được mời tham gia dạy hát. Có những người am hiểu sâu sắc về ca trù và truyền nghệ thuật ca trù cho lớp hậu duệ thật đáng quý.

Từ Câu lạc bộ Ca trù làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân đã xây dựng được Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ. Chị Trần Thị Cảnh, Phó giám đốc Phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân, cho biết: “Từ khi ra đời, câu lạc bộ đã tạo nên sức hút cho giới trẻ với đội hình luyện tập khoảng 10 người, do anh Võ Thanh Tuấn làm chủ nhiệm và hoạt động khá sôi nổi. Các ca nương Thùy Vân, Thị Nết, Hồng Xanh, Phương Anh, Thu Hà tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ thực sự đam mê, lại có năng khiếu. Hy vọng sẽ thu hút khán giả trong những lần công diễn giữa đám đông”.

Tôi hiểu cụ Nguyễn Công Trứ thích sống vui và ca trù là thú vui theo suốt cuộc đời cụ. Khi nhà hát ca trù đã dựng lên tại khu di tích đền thờ cụ, đêm hội ca trù sẽ làm thổn thức trái tim yêu. Tiếng ca trù khoan thai, trầm trầm và man mác vọng vào ánh trăng, đan vào tiếng gió. Hát ca trù để da diết yêu quê, để da diết yêu người, để xóa đi những hận thù, bon chen, mặc cảm. Ca trù là linh hồn của cụ, là linh hồn của quê.

Phải xứng danh gì với núi sông

Từ trên đỉnh núi Hồng nhìn xuống đất Nghi Xuân, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Núi Hồng thời cụ Nguyễn sống chỉ có sim, mua nở trên đất cằn, lúc buồn, cụ Nguyễn vẫn muốn mình “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Bây giờ, một dãy non Hồng trùng trùng điệp điệp thông xanh. Cụ đã từng tự khuyên mình và khuyên người: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. 20 năm đổi mới, đất Nghi Xuân quê cụ đã làm được nhiều việc có ý nghĩa với tên tuổi của cụ và có danh với núi sông. Từ làng Uy Viễn xuống Tiên Điền, Hội Thống hay vào Cương Gián, rồi đi ngược phía Gia Lách, đâu đâu cũng thấy những thôn xóm sầm uất, người dân ở chỗ nào cũng tính chuyện làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ngày một phồn vinh. Điều mừng nhất trong dòng chảy thị trường là tình làng nghĩa xóm vẫn mặn nồng như xưa. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Nam nói: “Huyện muốn vươn lên mạnh trước hết làng, xã phải mạnh. Mục tiêu phát triển kinh tế-văn hóa-du lịch đều cơ bản xuất phát từ sức dân, lòng dân”. Dân còn nghèo thì mọi đường đi nước bước ắt hẳn sẽ khó khăn. Chính vì thế mà “nút gỡ” đầu tiên là phải xóa đi hộ nghèo. Giúp dân không còn nhà tranh tre dột nát, giúp dân không còn cảnh ngày ba tháng tám phải xách mủng đi vay, rồi mới tính đến chuyện đường bê tông hóa, kênh mương hóa nội đồng, chuyện xã hội hóa giáo dục được. Nghi Xuân đã có mục tiêu và lộ trình tươi sáng này gần ba thập kỷ.

Ngày nay, làng Uy Viễn của cụ (nay là xã Xuân Giang) đã thay da đổi thịt từng ngày. Đường làng được rải thảm nhựa khắp ngõ ngang lối dọc. Nhà cao tầng các công sở, nhà cao tầng của dân mọc lên san sát. Hộ nào cũng có truyền hình, điện thoại, đến trẻ em cấp tiểu học cũng biết sử dụng máy vi tính, truy cập mạng. Chợ Giang Đình đủ các mặt hàng muôn màu, muôn sắc. Cứ mỗi sáng mỗi chiều lại tấp nập thuyền neo đậu bến quê, ríu rít học sinh cắp sách đến trường. Thưa với tướng công một lời thưa tự tin về một bức tranh nông thôn mới của quê hương đang bừng sáng.

Bài và ảnh: PHAN THẾ CẢI