Nhưng dù có nắng gió cỡ nào, hòn đảo linh thiêng vẫn long lanh, xanh ngắt giữa biển trời. Trong những cơn gió chướng phần phật mang theo hơi nóng của mùa khô, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 792 vẫn hừng hực khí thế thi đua lao động để các công trình xây dựng hoàn thành đúng tiến độ.

Đại úy Vũ Trí Doanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 792 là người vui tính. Mới gặp, tôi cứ tưởng anh là một ông cai thầu xây dựng ngoài dân sự, hay là một người đốc công. Nước da nhuộm đầy màu nắng, quần áo lấm đầy bụi đất hay xi măng, chỉ có cái miệng hay cười và đôi mắt long lanh, Vũ Trí Doanh cứ phăng phăng đến những công trình của đơn vị. Người sĩ quan quê ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang bảo: “Anh em cán bộ, chiến sĩ đơn vị ngày đêm lăn lộn cùng công trình nên đã quen với tiếng máy khoan đá, máy trộn bê tông, khói bụi từ lâu lắm rồi”. Đến đơn vị, trực tiếp chui vào công trình, chúng tôi mới thấy hết được những khó khăn, vất vả và sự lạc quan, yêu đời của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 792. Họ nói bộ đội công binh ở Côn Đảo phải hồn nhiên và yêu đời, có như thế mới vượt qua được mọi khó khăn, thử thách.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Tiểu đoàn 792 khoan đá mở đường. Ảnh: VŨ TRÍ  

Anh em chiến sĩ của Tiểu đoàn 792 đa số quê ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Có lẽ vì thế mà họ càng yêu thương, gắn bó với quê hương mình, với hòn đảo linh thiêng giữa trùng khơi quanh năm sóng vỗ này. Thi công những công trình quân sự ở Côn Đảo gặp muôn vàn khó khăn. Tháng 3 là giữa mùa khô, nên ngày nào cũng nắng rát rạt, gió chướng thổi phần phật, bụi đất đá bay mù mịt khi các loại máy móc hoạt động. Còn vào mùa mưa thì Côn Đảo cũng ngập tràn nước trời. Có thời điểm mưa cả tuần liền, làm công việc của đơn vị bị gián đoạn. Việc khó khăn thường trực là vật liệu xây dựng hầu hết đều chuyển từ đất liền ra, nếu sóng to quá tàu hàng không cập bến được. Thế là dù có quyết tâm đến mấy anh em cũng phải chờ. Còn vào mùa mưa, những công trình đổ bê tông ngoài trời đều phải dừng, hay bị gián đoạn.

Tôi ngồi trên chiếc xe máy cùng Thiếu tá Nguyễn Văn Đàn, Chính trị viên Tiểu đoàn 792 ra công trình ĐB2-CĐ theo những cung đường gồ ghề, quanh co xoáy trôn ốc. Ngồi trên chiếc xe máy, tôi cứ ngỡ như đang ngồi trên chiếc máy bay ATR-72 hạ cánh xuống sân bay Cỏ Ống lúc gió ngang, gió dọc và giật từng cơn ấy. Thân hình của chúng tôi uốn éo, lắc ngang, lắc dọc, nẩy lên, nẩy xuống liên hồi. Nếu mà người nào tiền đình kém, xương cốt rệu rạo, chắc sẽ không dám đi lại trên con đường này.

Công trình ĐB2-CĐ là một công trình quân sự phức tạp gồm nhiều hạng mục, thi công trên nền đất đá đan xen, đặc biệt có nhiều khối đá lớn phải khoan cắt, đục đẽo nhiều khối, nhiều lớp. Chiếc xe máy của chúng tôi đỗ ở một khu vực rền vang tiếng máy khoan, máy cắt đá và những tiếng đập chát chúa. Trong những đám bụi ngùn ngụt, bóng các chiến sĩ công binh cứ lúc mờ, lúc ảo. Nguyễn Văn Đàn lấy điện thoại ra gọi. Lúc sau, có người bước ra từ một núi bụi nói to: “Em chào các thủ trưởng”. Đó là Thiếu tá Trường Hoàng Phong, Đại đội trưởng Đại đội 3 đang chỉ huy thi công. Phong ghé tai tôi nói to: “Chúng em đang làm đường cơ động và đường công vụ, một nhóm khác thì khoan nổ đá. Công việc nhiều quá nên phải chia nhau làm theo ca đấy”.

leftcenterrightdel
Tết quân dân trên đảo. Ảnh: VĂN ĐÀN 

Trước tháng 10-2021, khu vực này chỉ toàn những bụi cây lúp xúp mọc từ những khe đá lớn. Hầu như người dân địa phương không bao giờ bước chân tới nơi hoang vu, đầy bí hiểm này. Ấy vậy mà bộ đội công binh 792 lại đang biến nó thành những con đường và những công trình quân sự tầm cỡ trên đảo. Để có được quang cảnh như tôi đang chứng kiến, anh em đã phải mất hơn một năm bạt núi, xô đá để làm đường, đào rãnh thoát nước và đổ bê tông cho các hạng mục. Làm việc ở những nơi cheo leo, đầy đá lớn, các chiến sĩ công binh phải chuẩn bị tinh thần rất tốt.

Trung sĩ Võ Văn Đúng, quê ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tâm sự: “Lúc đầu lên công trình tụi em cũng ngại lắm, có người còn lo sợ vì khối lượng công việc quá lớn, điều kiện làm việc lại thiếu thốn và nguy hiểm. Nhưng được chỉ huy Tiểu đoàn và cán bộ Đại đội động viên, quán triệt nhiệm vụ, ai cũng thấu hiểu và quyết tâm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có ngày, chúng em đã bốc hàng tấn đá để vận chuyển đến nơi khác”.

Quan sát các chiến sĩ Đại đội 3 làm việc hơn 1 giờ đồng hồ, mà mồ hôi đã ướt đầm lưng áo của tôi và Chính trị viên Nguyễn Văn Đàn. Tôi chợt thấy cổ họng khát khô, đôi mắt cay xè mặc dù đã đeo kính bảo hộ. Điều này càng khiến tôi khâm phục và trân trọng hơn đối với cán bộ, chiến sĩ đang dầm mình trong nắng gió để thi công công trình. Họ làm việc quần quật mấy tiếng liền, thi thoảng mới dừng lại vài phút để uống nước. Ngày nào cường độ làm việc cũng như vậy. Chính công việc và điều kiện khắc nghiệt ngoài Côn Đảo đã rèn luyện nên “chất thép” của cán bộ, chiến sĩ công binh Tiểu đoàn 792.

Thượng tá Hoàng Anh Tuấn, Chính trị viên Ban CHQS huyện Côn Đảo, nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn 792 thổ lộ: “Thực hiện xây dựng các công trình quân sự trên đảo, anh em phải thường xuyên làm việc trong môi trường lao động nguy hiểm, vất vả, nặng nhọc, độc hại; vị trí các công trình trên dốc đá cheo leo, hiểm trở, núi cao, vực thẳm, nơi đầu sóng ngọn gió. Vì thế, bộ đội công binh Côn Đảo luôn đặt mục tiêu an toàn tuyệt đối lên hàng đầu, sau đó là đến chất lượng, thẩm mỹ và tiến độ của công trình”.

Từ ngày được thành lập cho đến nay, Tiểu đoàn 792 đã đào đắp, khoan nổ, vận chuyển hàng chục nghìn khối đất đá, đổ hàng chục nghìn khối bê tông, cốt thép, xây dựng hoàn thành 8 công trình phòng thủ trên đảo. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn tham gia xây dựng, sửa chữa nhiều hệ thống kho, trạm, nhà xưởng, cầu cống trên đảo. Các công trình xây dựng đều bảo đảm tốt về yêu cầu kỹ-mỹ-chiến thuật. Để đạt được những thành tích ấn tượng như vậy, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải trải qua nhiều lớp, nhiều khóa huấn luyện từ đơn giản đến chuyên sâu. Nói như Đại đội trưởng Đại đội 1 Lý Văn Lục thì: “Ngoài huấn luyện, tập huấn, bộ đội phải được trưởng thành trong công việc thực tiễn. Cứ làm nhiều, biết cách vượt qua khó khăn, thử thách, sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu và có nhiều sáng tạo để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

leftcenterrightdel
Tết quân dân trên đảo. Ảnh: VĂN ĐÀN 

Trở về tiểu đoàn bộ, tôi bắt gặp một tốp chiến sĩ vừa hết ca làm ở công trình về. Dù quần áo, đầu tóc bám đầy bụi đất đá, dù làn da sạm màu nắng gió, nhưng nhìn ai cũng tươi cười, phấn chấn. Trò chuyện với họ, tôi còn biết thêm anh em công binh ở đây luôn được đơn vị quan tâm tốt về đời sống vật chất và tinh thần. Những bữa ăn của họ luôn đủ chất, đủ món và thay đổi theo từng ngày. Giờ nghỉ, ngày nghỉ, trong đơn vị không bao giờ thiếu lời ca, tiếng hát từ các dàn karaoke; còn trên các sân bóng luôn sôi động với những trận cầu hấp dẫn.

Tôi cứ lâng lâng khi tham quan doanh trại của Tiểu đoàn 792. Đây là đơn vị đã nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị tiêu biểu trong Phong trào Thi đua Quyết thắng của LLVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Quân khu 7. Năm 2011, Tiểu đoàn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Năm 2020, đơn vị vinh dự là tập thể điển hình tiên tiến của Quân khu 7 tham gia Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tại Thủ đô Hà Nội. Chắc sẽ còn nhiều phần thưởng cao quý khác đang chờ đợi cán bộ, chiến sĩ công binh trên đảo thiêng. Họ đã, đang và sẽ đóng góp một phần không nhỏ để Côn Đảo ngày càng tươi đẹp, hiên ngang và phát triển. 

Ghi chép của LÊ PHI HÙNG