Sắc tím hoa tam giác mạch

Sáng sớm, khi sương còn đang phủ kín mặt đường, cách nhau vài mét không nhìn rõ mặt người, chúng tôi đã đến tổ công tác phụ trách Cột cờ Lũng Cú, Đồn Biên phòng Lũng Cú (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang). Dù là ngày nghỉ nhưng Thiếu tá QNCN Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó đội trưởng Đội Vũ trang, phụ trách tổ công tác và gần chục anh em vẫn tất bật, đôn đáo sắp xếp công việc, điều hành du khách ra vào tham quan khu vực Cột cờ Lũng Cú. Đợi một lúc, anh Quỳnh trở ra, vui vẻ: “Chào mừng các anh đến mảnh đất Vua Quang Trung đặt trống lệnh”.

Thấy chúng tôi có vẻ tò mò, anh Quỳnh giải thích thêm: “Thời Tây Sơn, sau khi đại thắng quân xâm lược, Hoàng đế Quang Trung đã lệnh đặt một chiếc trống ngay trên vị trí làm việc của tổ công tác hiện nay để cứ mỗi canh giờ, tiếng trống lại vang lên. Ðó không chỉ là hiệu lệnh, là phương tiện thông tin của đội quân Tây Sơn mà còn như một sự khẳng định chủ quyền của đất nước”. Theo các nhà nghiên cứu, Lũng Cú là do đọc âm của chữ "long cổ" (long-rồng, cổ-trống): Lũng Cú-long cổ-trống của nhà vua. Cột cờ Lũng Cú hiện nay nằm trên đỉnh núi Rồng, lá cờ rộng 54m2-tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, ngày đêm tung bay kiêu hãnh nơi địa đầu Tổ quốc.

leftcenterrightdel

Trung tá QNCN Tạ Quang Tiến, Phó bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa mới. Ảnh: HOÀNG VIỆT

 

Là người con quê hương Bắc Ninh, nhưng đã gần 20 năm gắn bó với vùng cực Bắc của Tổ quốc nên anh Quỳnh cũng rất tự hào coi nơi đây là quê hương thứ hai và bà con đồng bào dân tộc Mông, Pu Péo, Lô Lô... sinh sống trên địa bàn đều là anh em. Ngay từ buổi đầu nhận nhiệm vụ, anh cùng các đồng đội Đồn Biên phòng Lũng Cú đảm nhiệm quản lý, bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc gồm các xã: Lũng Cú, Ma Lé của huyện Đồng Văn với chiều dài hơn 27km đường biên giới. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới thiêng liêng, các anh còn tham gia xóa đói, giảm nghèo, giúp dân ổn định đời sống, yên tâm bám làng, bám bản.

- Nơi vùng đất địa đầu Tổ quốc, khó khăn lớn nhất khi giúp người dân phát triển kinh tế, an cư lạc nghiệp là gì?-chúng tôi băn khoăn.

Anh Quỳnh trả lời: Là giúp người dân thay đổi về nhận thức, thay đổi những tập tục lạc hậu.

Mảnh đất Lũng Cú có độ cao trung bình khoảng 1.500m so với mực nước biển. Đất canh tác ít, chủ yếu là đá. Khí hậu rất khắc nghiệt, mùa đông kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ thấp, nhiều năm nhiệt độ âm, có băng tuyết. Trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, dùng làm nguồn lương thực chính. Tuy nhiên, khi cơ sở hạ tầng, giao thông địa phương được đầu tư khang trang, đẹp đẽ, lượng khách đến tham quan, du lịch ở Lũng Cú ngày một tăng thì giá trị từ những hoạt động du lịch mang lại cho người dân lớn hơn rất nhiều so với canh tác nông nghiệp. Chính quyền địa phương vận động người dân chuyển đổi trồng ngô sang trồng tam giác mạch phục vụ du lịch nhưng một số hộ nhất quyết không nghe. Mọi việc chỉ được giải quyết khi có sự tham gia của Bộ đội Biên phòng.

Câu chuyện của anh Quỳnh đang sôi nổi thì Trung tá QNCN Tạ Quang Tiến, Phó bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú bước vào. Anh Tiến là cán bộ của Đồn Biên phòng Lũng Cú cắm xã nên khi vừa nghe câu chuyện của chúng tôi, anh vui vẻ kể thêm:

- Vận động dân phải kiên trì. Ban đầu họ chưa hiểu có thể tỏ thái độ tức giận, thậm chí ghét mình. Nhưng khi thấy việc làm có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho gia đình và cộng đồng thì người dân càng tin yêu mình hơn.

Một hôm, anh Tiến vào gia đình ông Li Chúng Già, thôn Séo Lủng vận động bỏ trồng ngô chuyển sang trồng tam giác mạch. Vì cả diện tích đất rộng đã được những hộ dân khác trồng tam giác mạch, chỉ còn lọt thỏm ở giữa một khoảnh nhỏ nhà ông Già trồng ngô nên ảnh hưởng đến mỹ quan chung. Sau một hồi giải thích, ông Già xuôi tai, mang chén rượu ngô ra mời anh Tiến. Hai người đang nói chuyện vui vẻ thì vợ ông Già về. Bà múc ngay một gáo nước lã đổ vào bát của chồng, giận giữ, to tiếng: “Mày nghe thằng Tiến thì chỉ uống nước lã”. Khá bất ngờ với hành động của chủ nhà nhưng anh Tiến vẫn giữ bình tĩnh, giải thích và lắng nghe ý kiến của vợ ông Già. Sau một hồi bà vẫn nói trong bực tức: “Gia đình đồng ý bỏ ngô trồng tam giác mạch nhưng phải đền bù tiền giống, phân bón”. Trước lời đề nghị có vẻ hơi vô lý nhưng anh Tiến vẫn vui vẻ lấy 500.000 đồng của mình hỗ trợ gia đình.

Đến nay, trên những vạt nương xã Lũng Cú trải rộng sắc tím hồng hoa tam giác mạch, điểm nhấn thu hút khách du lịch, người dân vẫn còn kể cho nhau nghe về những lời khuyên đúng đắn của Bộ đội Biên phòng. Hỏi thêm, chúng tôi còn được biết, ngoài việc vận động người dân bỏ tập tục canh tác lạc hậu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú còn tích cực tuyên truyền để bà con xóa bỏ hủ tục như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết... xây dựng nếp sống văn hóa. Nhờ vậy, theo thời gian, cuộc sống của người dân nơi đây dần chuyển biến, ngày càng văn minh, khấm khá, đầy đủ hơn.

Canh trực trên mây

Mỗi độ xuân về, hoa mận, hoa lê, hoa đào ở miền cực Bắc bung tràn sức xuân. Xã Lũng Cú với những dãy núi đá cao sừng sững, đen xám, uy nghiêm lặng lẽ trầm mình trong sương. Dòng sông Nho Quế mềm như dải lụa len qua vách núi tạo nên một bức tranh đẹp và hùng vĩ. Đi cùng chúng tôi, Trung úy Vù Xuân Hùng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Lũng Cú) chia sẻ: “Nơi đây đẹp nhưng cuộc sống của bộ đội và nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Để các anh có cảm nhận chân thực hơn những vất vả, nhọc nhằn của người chiến sĩ làm nhiệm vụ canh trực nơi địa đầu Tổ quốc, mời các anh đến tham quan một trạm gác trên mây”.

Sau câu nói, Hùng cười bí hiểm, rồi tiên phong dẫn đường hành quân. “Được mệnh danh là chốt gác trên mây bởi vào mùa đông, chốt hầu như bị sương mờ bao phủ. Chỉ cần bước ra khỏi chốt sẽ thấy xung quanh toàn là thung lũng mây. Đứng trên mặt đất mà cảm giác như đang đứng giữa lưng chừng trời”.

Chuyện rôm rả, đường xa như gần lại. Chẳng mấy chốc chúng tôi đến điểm chốt gần cột mốc biên giới 419. Bên cạnh vách núi cheo leo là căn nhà cấp bốn, vách và mái được dựng, lợp bằng những tấm tôn. Thiếu tá Vừ Mí Sình, Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Lũng Cú, người gắn bó với điểm chốt mấy năm nay, cho biết: “Từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, tình hình người dân xuất, nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp. Đồn Biên phòng Lũng Cú quyết định thành lập chốt kiểm soát ở gần khu vực cột mốc biên giới 419. Nhiệm vụ phân tán, công việc của chúng tôi khá nặng nề. Chốt đảm nhận tuần tra, bảo đảm an toàn các cột mốc biên giới”. Đường núi hiểm trở, anh Sình và đồng đội phải đi tuần tra theo hình xương cá. Tuần tra được một cột mốc cũng phải mất từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Nhưng đấy chỉ là công việc thường xuyên, còn việc đột xuất thì có thể bất cứ lúc nào. Nói tới đây, anh Sình nhớ lại: “Ngày 27-2-2022, khi chúng tôi đang đi tuần tra thì nhận được thông báo có 6 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép vào khu vực địa bàn của đơn vị nhưng đã bị lạc trong rừng 4 ngày. Nhận lệnh, tôi cùng đồng đội vội vã lên đường. Sau hơn một ngày băng rừng, vượt núi đèo dốc hiểm trở, chúng tôi đã tìm được và đưa nhóm người đó trở về an toàn".

Giờ đây, tuy dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng các hoạt động vượt biên trái phép, buôn lậu qua biên giới vẫn diễn ra khá phức tạp nên chốt kiểm soát gần cột mốc biên giới 419 vẫn phải duy trì nghiêm, công việc có phần nặng nề hơn.

Tranh thủ lúc giải lao, chúng tôi cùng anh Sình đi tham quan khu vực quanh chốt. Dù xung quanh hầu hết là đá lộ đầu xám xịt nhưng tranh thủ từng hốc đất, anh Sình và anh em trên chốt vẫn trồng những rẻo rau xanh mướt. Anh bảo, ở trên lưng chừng trời, nguồn nước khan hiếm, để trồng được rau, anh em phải tiết kiệm từng ca nước, tái sử dụng nhiều lần. Chốt ở xa chợ nên một tuần anh Sình mới đi chợ mua thức ăn một lần. Mấy rẻo rau quanh chốt tuy nhỏ nhưng theo anh Sình cũng đủ để anh em ăn quanh năm không cần mua rau ngoài chợ.

Ngày chúng tôi về Hà Nội, không khí lạnh tăng cường, gọi điện hỏi thăm, anh Sình cho biết trên chốt nhiệt độ xuống gần 0 độ C, rét buốt. Sương phủ kín mờ mịt, lùa vào phòng khiến chăn màn, quần áo lúc nào cũng ẩm. Nghe anh Sình nói mà trong tôi cảm thấy có gì đó nghèn nghẹn xen lẫn tự hào, cảm phục những người đồng đội luôn kiên cường, vượt lên mọi bão gió, gian khổ bảo vệ mùa xuân bình yên cho Tổ quốc thân yêu.

 PHẠM TUẤN