Vẽ chân dung Bác bằng cả trái tim

 Căn nhà nhỏ của gia đình Thượng tá, CCB Trần Ngọc, nguyên Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân khu 5 nằm sâu trong con ngõ số 20, đường Duy Tân, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Bước vào căn phòng giản dị của người họa sĩ mặc áo lính, thoáng nhìn tôi đã bị cuốn hút bởi những bức chân dung Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng lĩnh quân đội, các bậc tiền bối cách mạng... được treo trang trọng trên những bức tường.

Bên giá vẽ đơn sơ đặt ở cuối căn phòng, dưới ánh đèn điện sáng choang, CCB Trần Ngọc nhẹ nhàng cây cọ trên tay, cẩn trọng hoàn thiện bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời chúc mừng năm mới nổi tiếng năm xưa: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Ngắm bức chân dung Bác Hồ, ông Ngọc tỏ vẻ hài lòng: “Mình đang cố gắng hoàn thành bức tranh đúng dịp kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968”.

leftcenterrightdel
Thượng tá, cựu chiến binh Trần Ngọc, nguyên Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Quân khu 5 thành kính vẽ chân dung Bác Hồ

CCB Trần Ngọc từng có hàng chục năm lăn lộn khắp các chiến trường, là thương binh hạng 3/4. Mấy chục năm nay, nhất là sau khi nghỉ hưu, ông dành phần lớn thời gian bên giá vẽ, khắc họa những bức chân dung sống động về Bác Hồ, về các tướng lĩnh quân đội, các lãnh tụ của Đảng và hoạt động của bộ đội. Vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác, hay các ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội, không ít bức tranh cổ động của CCB Trần Ngọc được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đóng góp không nhỏ vào hoạt động tuyên truyền cổ động của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5 và TP Đà Nẵng.

- Cháu biết không? Những bức tranh này không chỉ xuất phát từ tình cảm, sự kính trọng của mình dành cho Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh tụ của Đảng; sự yêu mến dành cho cán bộ, chiến sĩ LLVT mà còn là liều thuốc tinh thần giúp mình vượt qua bạo bệnh, sống cho đến ngày nay đấy-CCB Trần Ngọc nở nụ cười đôn hậu rồi mời tôi tham quan “phòng triển lãm” khiêm nhường của mình.

- Cháu nghe nói, bác từng mắc trọng bệnh. Vừa làm việc, vừa phải điều trị, bác dành thời gian vẽ tranh vào lúc nào?-Tôi bày tỏ sự cảm phục.

- Mình bị ung thư, phải cắt bỏ 2/3 dạ dày. Nhưng cứ khỏe lúc nào, rảnh lúc nào, mình cầm cọ lúc ấy. Sau mỗi tác phẩm được hoàn thành, ngắm đi ngắm lại chân dung của Bác và hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Người Anh Cả của Quân đội, mình lại thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên!-CCB Trần Ngọc tỏ rõ sự lạc quan.

leftcenterrightdel
Thượng tá, cựu chiến binh Trần Ngọc và tác giả. Ảnh: PHAN ĐỊNH 

Giới thiệu với tôi hoàn cảnh ra đời của từng bức tranh, ký ức về một thời thanh niên sôi nổi 56 năm về trước của chàng thanh niên Trần Ngọc lại ùa về trong ông. Nay dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ký ức về những ngày vẽ tranh Bác Hồ, vẽ tranh tuyên truyền, cổ động phục vụ bộ đội ngay trên trận địa, dưới chiến hào, trong những căn hầm dã chiến giữa chiến trường ác liệt vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già dạn dày trận mạc.

CCB Trần Ngọc quê ở xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tháng 10-1966, trong không khí cả nước ra trận, quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, chàng thanh niên Trần Ngọc khi ấy vừa tròn 20 tuổi viết đơn xung phong nhập ngũ. Đầu tháng 9-1969, đang trên đường hành quân vào chiến trường B1, Liên khu 5 (nay thuộc Quân khu 5), đơn vị của ông nhận được tin Bác Hồ qua đời.

Trước nỗi đau quá lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước cùng tấm lòng thương nhớ, kính trọng Bác khôn nguôi đã thôi thúc chiến sĩ trẻ Trần Ngọc cầm bút ký họa chân dung Bác ngay giữa chiến trường. Cũng từ đây, trên mọi nẻo đường hành quân, trong quá trình chiến đấu, đi đến đâu, chiến sĩ Trần Ngọc cũng vẽ chân dung Bác Hồ, kèm những lời dạy của Người để cổ vũ tinh thần bộ đội, khích lệ dân công hỏa tuyến, củng cố quyết tâm cho đồng bào, chiến sĩ đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

"Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn"

Nhớ lại những năm tháng “quần nhau với giặc” từ năm 1969 đến 1972 trên chiến trường Liên khu 5, CCB Trần Ngọc kể rằng, đây là khoảng thời gian vô cùng cam go, ác liệt. Bộ đội, dân quân của ta vừa phải chiến đấu trực diện với kẻ thù, với mưa bom, bão đạn của giặc liên tục trút xuống, vừa phải khắc phục điều kiện thời tiết khắc nghiệt của chiến trường. Trong hoàn cảnh đó, trên mỗi chặng đường hành quân, Trần Ngọc phải tìm đủ mọi cách bảo quản các bức tranh về Bác Hồ, không để hư hỏng, thất lạc. Những bức tranh về Bác chính là động lực tinh thần giúp ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đầu năm 1970, cán bộ trẻ Trần Ngọc được điều động làm Trợ lý Câu lạc bộ, Ban Tuyên huấn, Cục Hậu cần Quân khu 5. Nhiệm vụ này giúp ông có điều kiện vẽ tranh về Bác nhiều hơn.

Nhẹ nhàng lật giở từng trang trong cuốn album lớn, chứa hàng trăm bức tranh về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các tướng lĩnh quân đội và hoạt động của LLVT Quân khu 5 qua các thời kỳ đã được phục chế, lưu giữ một cách cẩn trọng, CCB Trần Ngọc dừng lại hồi lâu ở bức tranh “Bác Hồ trong trái tim quân và dân Khu 5” đã ngả màu thời gian.

Ngắm lại bức tranh, ông lặng đi vì xúc động. Tác phẩm này ông vẽ đầu tháng 4-1975 khi đang trên đường hành quân về Đà Nẵng vừa được giải phóng. Cho đến giờ, ông Ngọc vẫn nhớ như in khí thế như vũ bão của quân ta khi tiến vào giải phóng miền Nam. Hôm ấy, trên đường hành quân, khi đơn vị Trần Ngọc tạm nghỉ chân tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Đà (nay là Quảng Nam), nơi vừa được giải phóng, ông tranh thủ vẽ chân dung Bác Hồ trên một tấm ván ép khổ lớn, sau đó bức tranh được treo trang trọng ngay cửa ngõ TP Đà Nẵng, khiến bộ đội, nhân dân đi qua hết sức vui mừng, tràn đầy tinh thần lạc quan trong ngày chiến thắng.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Trần Ngọc vẽ tranh về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

Là người bạn tâm giao, người đồng đội thân thiết của CCB Trần Ngọc, nhắc đến ông, Đại tá, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, nguyên cán bộ đại diện Tạp chí Văn nghệ Quân đội khu vực phía Nam không khỏi cảm phục: “Anh Trần Ngọc có niềm đam mê hội họa không giới hạn. Trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt, việc có được những bức ảnh chân dung Bác Hồ là rất hiếm. Bằng tất cả sự kính trọng đối với Bác Hồ, đồng thời nhằm cổ vũ tinh thần bộ đội, anh ấy đã vẽ hàng trăm bức tranh về Bác, về bộ đội bằng tất cả chất liệu, đồ dùng có được. Những tác phẩm nghệ thuật ấy tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đã giúp khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội trên các mặt trận...”.

Sau ngày thống nhất đất nước, Thượng úy Trần Ngọc về công tác tại Nhà văn hóa, Cục Chính trị Quân khu 5. Tại đây, ông đảm nhiệm vẽ chân dung Bác Hồ, hoạt động của LLVT quân khu để trang trí, tuyên truyền trực quan phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại. Đây cũng là khoảng thời gian ông vẽ Bác nhiều nhất, với đủ các chất liệu, kích cỡ. Những năm sau ngày giải phóng, doanh trại bộ đội còn sơ sài, do đó, hệ thống pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu sẽ giúp khuôn viên đơn vị thêm tươi vui, sinh động. Vì vậy, ông dành nhiều tâm huyết sáng tác các bức tranh về Bác Hồ, về hoạt động của bộ đội để trang hoàng cho doanh trại cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, sau ngày giải phóng, các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan Quảng Nam-Đà Nẵng đều rất ấn tượng về hình ảnh, thần thái của Bác Hồ kính yêu trong tranh của họa sĩ Trần Ngọc.

“Vẽ Bác Hồ phải họa cho được thần thái lạc quan trong đôi mắt cùng nụ cười hiền từ của Người. Đó là sự lạc quan yêu đời, là niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc”, CCB Trần Ngọc vừa diễn giải về bức tranh Bác Hồ mình mới hoàn thành, vừa ngâm nga câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

Trở về sau chiến tranh, tâm huyết và cần mẫn, có nhiều cống hiến cho Quân đội, nhưng CCB Trần Ngọc sống khiêm nhường, giản dị, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, được bà con lối xóm yêu mến, nể trọng. Ở tuổi gần 80 dù bệnh trọng, thương tật nhưng ông vẫn giữ cho mình trái tim nhuyệt huyết, kiên định niềm tin với Đảng, với Bác Hồ. Bất cứ khi nào, ông cũng sẵn sàng truyền lửa cho thế hệ trẻ bằng những bức tranh vẽ Bác Hồ với sự kính trọng vô bờ...

Anh Trần Ngọc là người của các sáng tác nghệ thuật với niềm đam mê cháy bỏng. Anh đã dành cả đời để vẽ Bác Hồ với những bức chân dung về Người hết sức sinh động, toát lên được thần thái của vị lãnh tụ kính yêu. Tinh thần, nghị lực vượt qua bệnh tật, thương tật của CCB Trần Ngọc là tấm gương sáng cho nhiều người noi theo. (Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG