Tháng 12-2024, trở về sau Hội thi giảng viên các học viện, trường đào tạo sĩ quan cấp phân đội năm 2024 do Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức với thành tích xuất sắc và phần thưởng là tấm bằng khen, gặp Hoàng Kỳ Nam, tôi cố đứng thật gần và trêu: “Có nước, đố cậu cháy và tỏa hương được đấy!” (kỳ nam là phần gỗ chứa lượng lớn chất nhựa thơm sinh ra từ cây dó bầu, được coi là loại trầm hương tốt nhất, một trong những sản vật đệ nhất nước Nam ta).
Biết tôi mệnh thủy lại hay tếu, Hoàng Kỳ Nam cũng hùa theo: "Có anh là có nước, em sẽ càng tươi tốt, cháy hết mình để hương bay xa". Nói xong, Nam cười tít mắt, trông thật đáng yêu.
Dù không cùng khoa và công tác ở hai lĩnh vực khác nhau, thậm chí trái ngược về nội dung, nhưng tôi rất quý Hoàng Kỳ Nam ở năng lực nghiên cứu và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm. Năm 2024, không chỉ đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua cơ sở mà Hoàng Kỳ Nam còn đạt nhiều thành tích khác. Đáng kể là Nam đã có sáng kiến cấp Bộ Tổng Tham mưu “Nghiên cứu chế tạo thiết bị tự động xác định các thông số kỹ thuật của đường cong nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện thực hành môn Đường quân sự tại Trường Sĩ quan Công binh” và đạt xuất sắc.
Nhìn bước trưởng thành của Hoàng Kỳ Nam, tôi nhớ lại câu chuyện cách đây chưa đầy một năm. Trong một lần thông tin thời sự cho cán bộ, giảng viên của trường, tôi có lấy câu chuyện đồng chí Đại tướng Chu Huy Mân đốt bản kiểm điểm của cán bộ sau đợt chỉnh huấn chính trị toàn diện ở chiến trường Tây Nguyên để chứng minh cho sự tin tưởng cấp dưới trong lãnh đạo, nhằm phụ họa cho bài nói. Vào giờ giải lao, Hoàng Kỳ Nam gặp tôi và chia sẻ rằng đã đọc câu chuyện ấy từ lâu và ứng dụng nó trong giảng dạy rất hiệu quả, cho dù chỉ với chức trách của một giảng viên.
Được tôi khuyến khích, Hoàng Kỳ Nam đã kể lại một trong những ứng dụng của mình vào giảng dạy.
Lần đó, sau khi kiểm tra các tiểu đội học viên huấn luyện sử dụng máy thủy chuẩn trên thao trường, Hoàng Kỳ Nam phát hiện ra một máy bị hỏng, khiến việc huấn luyện bị đình trệ. Qua quan sát, Nam phát hiện một trong 3 ốc vít liên kết giữa đế và thân máy bị lệch ren khiến máy không thể cân bằng để tiến hành đo đạc. Theo quy định, Nam phải cho tiểu đội dừng luyện tập, tìm ra cá nhân vi phạm quy tắc an toàn và thông tin về Khoa, về tiểu đoàn quản lý học viên để kiểm điểm. Nhưng làm như thế thì học viên sẽ bị xử lý và phải chịu kỷ luật, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phấn đấu.
Sau khi cân nhắc, Nam quyết định chia lẻ tiểu đội sang các bộ phận khác để không làm gián đoạn việc học tập. Sau đó, Nam gặp gỡ đồng chí học viên làm hỏng máy để động viên viết tường trình rồi lại cho về học tập. Cuối buổi học, Hoàng Kỳ Nam tập trung đội hình và phân tích, yêu cầu học viên rút kinh nghiệm. Nam bắt tay giúp các học viên sửa chữa để máy thủy chuẩn hoạt động lại như trước. Từ đây, những giờ giảng của thầy Nam được học viên chú trọng hơn. Nhiều học viên mạnh dạn hỏi thầy Nam về vướng mắc trong thực tế và đã nhận được những kiến thức hữu ích.
Sau câu chuyện ấy, tôi nói với Nam rằng, nguyên tắc, chế tài kỷ luật chỉ là “hàng rào” để ngăn ngừa người cố tình, thiếu tập trung, thiếu chí tiến thủ và lơ là có hệ thống, để hạn chế vi phạm đến mức thấp nhất. Cách xử lý của Nam thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào sự phấn đấu của người học còn thiếu kinh nghiệm. Đó cũng là cách thu phục nhân tâm từ người có tâm.
Nam cười tít mắt vì được động viên.
* *
*
Sinh năm 1986 và lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em ở xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đầy nắng và gió nên có lẽ từ nhỏ Hoàng Kỳ Nam đã nuôi trong mình khát vọng vươn lên.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Hoàng Kỳ Nam thi đỗ vào Trường Sĩ quan Công binh với quyết tâm lấy binh làm nghiệp. Trải qua 5 năm học tập và rèn luyện với thành tích xuất sắc, năm 2010, Hoàng Kỳ Nam được giữ lại trường làm cán bộ quản lý. Đến năm 2015, Hoàng Kỳ Nam được chuyển lên làm giảng viên Bộ môn Sân bay.
Nhớ hôm nhận quyết định ở lại trường, Kỳ Nam thổ lộ với tôi, được ở lại trường làm giảng viên là niềm mơ ước, bởi ở trường, Nam sẽ có điều kiện để học thêm, tìm hiểu thêm những kiến thức chuyên ngành có hệ thống và chuyên sâu hơn.
Nhìn chàng trai trẻ đeo quân hàm Trung úy có dáng khắc khổ, tôi chưa hẳn tin lắm, nhưng không dám nói vì sợ sẽ làm em nhụt chí. Bởi thực tế cho thấy, nhiều học viên học giỏi nhưng chưa chắc đã là một giảng viên giỏi. Giảng viên cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng, nếu không có tinh thần phấn đấu bền bỉ, liên tục thì rất khó có thể đạt được.
Ấy nhưng, đến nay thì nghi ngờ của tôi về khả năng của Hoàng Kỳ Nam đã tan biến. Sau thời gian tiếp tục tích lũy, nhất là sau 5 năm đầu làm công tác quản lý học viên chưa thấy có sự nổi bật thì từ năm 2015, Hoàng Kỳ Nam đã bứt tốc mạnh mẽ và từ năm 2018 bắt đầu trở thành một ngôi sao sáng của Trường Sĩ quan Công binh.
Nhiều năm qua, thầy giáo Hoàng Kỳ Nam đã đạt những thành tích rất nổi bật, đó là: Tổng số tiết giảng hằng năm đều vượt chỉ tiêu, kết quả kiểm tra giảng các cấp đều đạt giỏi. Tham gia thi và đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở 6 lần (năm 2018, 2019, 2020, 2022, 2023, 2024). Về công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình tài liệu, Nam là chủ nhiệm hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: Phim huấn luyện “Hướng dẫn đo khảo sát tuyến bằng máy toàn đạc điện tử Leica TS06 plus”, năm 2019, đạt xuất sắc; "Nghiên cứu ứng dụng phần mềm Topo xử lý số liệu từ máy toàn đạc điện tử trong đo đạc khảo sát địa hình", năm 2024, đạt khá.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/14/2025/02/06/upload_2220/nam59195915am.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Trung tá, Thạc sĩ Hoàng Kỳ Nam. Ảnh: ANH NGỌC
|
Ngoài ra, năm 2021, Nam còn tham gia đề tài cấp cơ sở “Nghiên cứu ứng dụng phần mềm HS vào tính toán khối lượng san nền”, đạt xuất sắc. Cùng với đó, năm 2023, Hoàng Kỳ Nam tham gia nghiên cứu đề tài cấp Bộ Tổng Tham mưu "Nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học môn Trắc địa phục vụ các chuyên ngành Công trình, Cầu đường, Vượt sông tại Trường Sĩ quan Công binh", đạt khá.
Về biên soạn giáo trình tài liệu, Trung tá Hoàng Kỳ Nam là chủ biên tài liệu "Bài tập Trắc địa" (dùng cho đào tạo học viên cấp phân đội, trình độ đại học), xuất bản năm 2021. Anh cũng tham gia biên soạn các tài liệu: "Sân bay" (dùng cho đào tạo học viên cấp phân đội, trình độ đại học), xuất bản năm 2021; "Đường quân sự", tập 2 (dùng cho đào tạo học viên cấp phân đội, trình độ đại học), xuất bản năm 2023; tham gia biên soạn tài liệu "Cầu quân sự" (dùng cho hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các đơn vị công binh trong toàn quân), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2022.
Tính đến nay, thầy giáo Hoàng Kỳ Nam đã 3 lần được tập thể tín nhiệm bầu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (năm 2022, 2023, 2024) và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vào năm 2024.
Tranh thủ những lúc rỗi việc ngắn ngủi, Nam tâm sự với tôi.
Ngay từ khi được giao nhiệm vụ về công tác tại khoa, là một giảng viên, Nam đã ý thức được hai nhiệm vụ trọng tâm của mình, đó là giảng dạy và nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình tài liệu. Nhờ xác định đúng đắn đó mà Nam đã có động lực, luôn chủ động, tích cực, tự giác trong việc học tập, nghiên cứu; qua đó ngày càng hoàn thiện bản thân cả về kiến thức chuyên môn và phương pháp, tác phong sư phạm. Nam chia sẻ, mỗi khi thực hiện xong một đề tài nghiên cứu khoa học hoặc biên soạn xong một giáo trình tài liệu là một lần trình độ năng lực chuyên môn của Nam được nâng lên một tầm cao mới, tạo ra sự kích thích, lòng nhiệt huyết, động cơ cho bản thân.
Nam tâm tình, với Nam, hoạt động giảng dạy không chỉ là truyền thụ kiến thức chuyên môn cho người học mà còn phải truyền thụ lòng nhiệt huyết, đam mê, hăng say học tập, nghiên cứu cho học viên; biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
Thế nên, trong quá trình giảng dạy, qua mỗi lớp học, mỗi khóa học, Nam luôn cố gắng đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp truyền thụ; luôn cập nhật những kiến thức mới nhất, liên quan đến quá trình công tác sau này của học viên để đưa vào nội dung bài giảng; kết hợp nhiều hình thức truyền thụ khác nhau trong mỗi giờ học để kích thích, tạo hứng thú học tập cho học viên.
Một trong những tố chất ở Nam mà tôi rất quý, đó là biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ đi trước trong bộ môn, trong khoa và cơ quan chuyên môn, đặc biệt là những ý kiến đóng góp cho hoạt động giảng dạy, trong nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học, giáo trình tài liệu. Nhìn cuốn sổ chi chít chữ và ký hiệu sau lần họp gần đây của Nam, tôi hỏi định làm sáng kiến gì thì Nam nhỏ nhẹ giải thích: "Em luôn ghi chép đầy đủ toàn bộ các ý kiến đóng góp, coi đó là bài học bổ ích, là cơ hội để rút kinh nghiệm, sửa đổi bản thân cho phù hợp, khắc phục ngay trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ".
Đến nay thì tôi hoàn toàn tin ở khả năng, năng lực của Nam chứ không còn có chút suy nghĩ e ngại như hồi gặp trong lễ tốt nghiệp cách đây 15 năm. Chàng trai có tên loại trầm hương nức tiếng vẫn tiếp tục sáng tạo bằng tinh thần cần cù và say mê không biết mệt mỏi. Tôi tin, trong tương lai, Trung tá Hoàng Kỳ Nam còn có những sản phẩm khoa học mới ấn tượng, hiệu quả thiết thực, đóng góp xứng đáng vào quá trình xây dựng và đào tạo của Trường Sĩ quan Công binh.
Thượng tá, TS HÀ HẢI LÝ