Trước khi đến vùng đất truyền thuyết “nỏ thần”, tổ hợp tên lửa đất đối không tầm trung có tên tiếng Nga là C-75 Двина (tiếng Anh là S-75 Dvina) đã lập được chiến tích oai hùng, bắn rơi máy bay do thám Lockheed U-2 của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ trên không phận Liên Xô, năm 1960. Còn tại Việt Nam, ngày 24-7-1965, được sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của các chuyên gia Liên Xô, hai Tiểu đoàn Tên lửa 63 và 64 thuộc Trung đoàn 236 đã khai hỏa, tiêu diệt gọn cả tốp máy bay F-4C ở độ cao hơn 7.000m, trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 1 phi công Mỹ. Trong hai ngày (26 và 27-7-1965), bằng chiến thuật "cơ động phục kích", bộ đội tên lửa và lực lượng pháo cao xạ đã bắn rơi 7 máy bay của Mỹ (có 3 chiếc rơi tại chỗ), kết thúc thắng lợi, trọn vẹn đợt tác chiến phòng không, với 8 máy bay Mỹ bị tiêu diệt.

Dưới bàn tay và khối óc sáng tạo của bộ đội tên lửa Việt Nam, có những trận chỉ đánh bằng một quả đạn tên lửa đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay Mỹ. Đó là ngày 7-3-1966, Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236, Sư đoàn 361 đã tiêu diệt gọn một tốp 2 chiếc máy bay trinh sát RF-101. Cả hai chiếc này đều rơi xuống khu vực Nghĩa Môn, Sông Côn. Đây là chiến công khiến nhiều người nghi ngờ vì nó có vẻ thiếu chứng cứ khoa học. Tuy nhiên, nhiều năm sau, Đại tá Chu Thái, nguyên cán bộ tham mưu Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã giải thích trong một bài viết tại cuốn sách “Bộ Tham mưu PK-KQ trong chiến tranh” nhứ sau: Vào tháng 5-1972, Trung đoàn Pháo phòng không 233 bảo vệ khu công nghiệp Cao-Xà-Lá đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-4 và bắt sống tên thiếu tá giặc lái ở khu vực Kim Giang. Hắn khai: Trước năm 1972, mỗi tốp 4 chiếc máy bay chỉ được trang bị một máy gây nhiễu QRC-160 cho chiếc đi đầu, bay ở giữa, để che giấu đội hình. Vì vậy, chúng phải bay với giãn cách hẹp, chiếc nọ chỉ cách chiếc kia khoảng từ 80m đến 120m. Trắc thủ tên lửa của ta chỉ cần bám sát giữa dải nhiễu thì đạn tên lửa bay giữa hai máy bay có giãn cách từ 40m đến 60m, đủ khả năng cho cánh sóng ngòi nổ vô tuyến của đạn làm việc (giới hạn nhỏ hơn 80m). Khi cánh sóng ngòi nổ vô tuyến tích đủ 8 xung sẽ kích cho đầu đạn tên lửa nổ, các mảnh đạn văng ra như hình chóp nón, chụp lấy máy bay để phá hủy. Thế nên trường hợp một quả đạn bắn rơi hai chiếc máy bay của địch là có cơ sở khoa học.

leftcenterrightdel

Kíp chiến đấu  tên lửa SAM-2 Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân chiến đấu dũng cảm, sáng tạo, bắn rơi 4 máy bay B-52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Ảnh tư liệu

Cuộc chiến của SAM-2 với "giặc trời" Mỹ trở nên khốc liệt, kẻ địch liên tục thay đổi thủ đoạn đánh phá, tìm mọi cách gây nhiễu “bịt mắt” radar, đưa máy bay chiến lược B-52 ném bom rải thảm, dùng tên lửa shrike tiêu diệt SAM-2 của ta. Shrike là loại tên lửa không đối đất lắp đầu tự dẫn, tự động điều khiển theo bức xạ sóng điện từ. Khi radar của ta phát sóng, máy thu của shrike bắt được cánh sóng đó, phi công chỉ cần nhấn nút phóng, quả đạn sẽ theo trục cánh sóng radar tự tìm tới mục tiêu với xác suất chính xác gần như tuyệt đối.

Thiếu tướng Hoàng Bát, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 62, Trung đoàn 236, kể lại trong cuốn “Bộ Tham mưu PK-KQ trong chiến tranh”: “Nhiều tiểu đoàn đã bị shrike làm hỏng khí tài, thương vong người... Tâm tư của cán bộ, chiến sĩ khi vào trận đánh rất lo lắng với việc đối phó với shrike địch, nhất là khi đã phóng đạn lên rồi xử trí như thế nào?”. Sau nhiều ngày nghiên cứu, chúng ta đã phát hiện ra âm mưu, thủ đoạn phóng shrike của địch và đưa ra biện pháp khắc chế bằng cách lập ra các tình huống, từ việc bám sát đến cùng, nâng đạn, quay góc phương vị đến hạ cao thế của radar để đánh bại shrike. Kết quả ứng dụng rất mỹ mãn. Trong đêm 29-8-1968, Tiểu đoàn 67 đã phóng quả thứ nhất ở cự ly 21km, quả thứ hai ở cự ly 20km. Địch phát hiện và phóng shrike ở cự ly 19km. Ta phóng trước nên các trắc thủ bình tĩnh bám sát đến cùng, hai quả nổ tốt, diệt 1 máy bay A-6 rơi tại chỗ. Ngay sau đó, sĩ quan điều khiển và các trắc thủ nhanh chóng quay ăng-ten, hạ cao thế làm shrike mất định hướng rơi, nổ ngoài trận địa. Đêm 26-10, Tiểu đoàn 74 phóng một quả ở cự ly 21,5km. Máy bay địch phát hiện và phóng shrike ở cự ly 19km. Ngay sau khi đạn nổ, sĩ quan điều khiển và các trắc thủ nhanh chóng quay ăng-ten, shrike nổ cách xa. Nhiều trận đánh khác của các Tiểu đoàn 71, 74, 92, 94 bị địch phát hiện và phóng shrike nhưng đều thất bại vì bị các sĩ quan điều khiển và trắc thủ thao tác, đối phó được.

Thời gian đầu, để phục vụ không quân thả biệt kích và đối phó với radar cảnh giới, địch đã thực hiện tác chiến điện tử, sử dụng nhiễu tiêu cực, mục tiêu giả. Khi tên lửa SAM-2 xuất hiện trên chiến trường, lập tức không quân Mỹ được trang bị các loại máy: Nhiễu xung trả lời, mục tiêu giả của hải quân, nhiễu tạp tích cực của không quân đối với radar dẫn đường, cao xạ, tên lửa, radar phòng không, nhiễu thông tin liên lạc, đối không... để đối phó, hạn chế hiệu quả tác chiến của SAM-2.   

Ngày 14-12-1967, địch đánh vào Hà Nội, tất cả tên lửa của ta phóng lên đều bị mất điều khiển. Quá trình nghiên cứu trực tiếp tại trận địa, các cán bộ của ta và chuyên gia Liên Xô phát hiện địch sử dụng một loại nhiễu mới rất nguy hiểm, dưới dạng nhiễu tạp, có cường độ nhiễu lớn khiến đạn bị mất điều khiển... Trong hoàn cảnh bế tắc đó thì ngày 11-2-1968, Tiểu đoàn 61 bắn rơi tại chỗ 1 máy bay, thu 1 máy gây nhiễu ALQ-71 còn nguyên vẹn. Các cán bộ Việt Nam và chuyên gia Liên Xô đã “mổ xẻ” máy gây nhiễu này và phát hiện ra cường độ nhiễu của loại máy này lớn hơn nhiều máy QRC-160 mà chúng đã sử dụng. Điều đặc biệt là loại máy này có dải tần số trùm lên cả rãnh mục tiêu và rãnh đạn. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là thủ phạm gây ra nhiễu rãnh đạn. Bây giờ, việc quan trọng là phải chống được loại nhiễu này.

Quá trình cải tiến tên lửa gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là không cho phép tùy tiện “cắt, bổ” tên lửa. Theo điều lệ tác chiến của quân đội Liên Xô, muốn can thiệp vào các mạch điện đã được thiết kế trên đạn SAM-2 phải được cơ quan cao nhất về kỹ thuật quân sự và Bộ Quốc phòng Liên bang Xô viết cho phép. Điều này chỉ được thực hiện trong lãnh thổ Xô viết. Trước tình huống bất khả thi ấy, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Việt Nam nhiệm kỳ 1964-1974, ông Ilia S.Shcherbakov đã thay mặt Chính phủ Liên Xô quyết định cho phép các chuyên gia đang có mặt tại Việt Nam được can thiệp trực tiếp vào hệ thống đạn của tên lửa SAM-2. Hướng cải tiến là tìm cách tăng công suất hệ thống bám mục tiêu (thuộc rãnh đạn) lớn hơn công suất hệ thống gây nhiễu của không quân Mỹ. Cụ thể, công suất sóng tăng lên gấp 3 lần, đủ sức vượt qua cường độ nhiễu từ đối phương. Từ đây, SAM-2 lại tiếp tục hoạt động và trở thành khắc tinh của máy bay Mỹ.

Khó khăn chưa hết, ngày 6-4-1972, địch đánh phá trở lại miền Bắc. Bộ đội tên lửa bắn, đạn có điều khiển nhưng đều vượt qua mục tiêu mới nổ và ta lại bị địch phóng shrike vào trận địa. Trong ngày 16-4-1972, địch cho 3 tốp B-52 đánh Hải Phòng và 60 lần chiếc máy bay chiến thuật bay ở độ cao 7-8km gây nhiễu giả B-52 để đột nhập phía Tây Hà Nội. Giữa ban ngày mà làm giả như thật đến nỗi các trắc thủ radar kỳ cựu cũng nhầm lẫn là B-52 đánh vào Hà Nội. Hai trung đoàn tên lửa bảo vệ Thủ đô đã phóng đạn, nhưng đều vượt mục tiêu và tự hủy. Qua khai thác một viên phi công địch bị bắt và nhận định của cơ quan chuyên môn cho biết địch đã sử dụng thủ đoạn mới mà chúng ta vẫn giữ cách đánh cũ nên không hiệu quả. Theo đó, mỗi tốp 4 chiếc máy bay chúng bố trí tới 8 máy gây nhiễu. Mỗi chiếc lại có 2 máy gây nhiễu mới loại ALQ-87 hay ALQ-101 có tần số, công suất lớn, cường độ mạnh, đủ sức tự che giấu cho mình và đội hình; giãn cách giữa chúng rộng từ 300m đến 600m. Thế là từ đây, các cán bộ Việt Nam lại lao vào nghiên cứu. Đại tá Lê Cổ, nguyên sĩ quan huấn luyện tên lửa, Bộ Tham mưu Quân chủng kể, tên lửa phòng không của ta bắt đầu bắn B-52 từ ngày 17-9-1967 tại Vĩnh Linh, cho đến tháng 10-1972, ta đã đánh 110 trận, được công nhận bắn rơi 23 chiếc máy bay nhưng chưa có chiếc nào rơi tại chỗ. Đại tá Lê Cổ tâm tình: "Ngày 27-10-1972, Đảng ủy Quân chủng ra nghị quyết, trong đó có câu "Kiên quyết bắn rơi B-52 tại chỗ”. Một đồng chí Phó tư lệnh nói với tôi: "Tên lửa phòng không chưa bắn rơi B-52 tại chỗ, coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ”. Tôi đem vấn đề này trao đổi với chuyên gia Liên Xô, họ nói, B-52 với 8 động cơ phản lực, bay ở độ cao trên 10km, đạn tên lửa ta diệt máy bay bằng mảnh nhỏ, không thể bắn rơi B-52 tại chỗ được, bởi vì B-52 không thể rơi thẳng đứng xuống đất mà có quán tính với tốc độ đang bay. Tôi đã trao đổi trực tiếp bằng tiếng Nga với bạn về khái niệm "rơi tại chỗ" của ta là: Máy bay rơi trên đất Việt Nam, ta thu được mảnh xác máy bay, tiêu diệt hoặc bắt sống được giặc lái... các chuyên gia Liên Xô nhún vai có vẻ không tin. Thế nhưng trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972, SAM-2 đã bắn rơi 29/34 chiếc B-52, trong đó 16 chiếc rơi tại chỗ.

Trong 12 ngày đêm tháng 12-1972, có lúc địch dựng “tường nhiễu tích cực” cao đến 6km, rộng 25-30km, dày 3-5km. Cạnh đó, nhiễu ngoài đội hình và nhất là nhiễu trong đội hình của các biên đội địch vào đánh phá, chặn kích, hộ tống, với nhiều tần số, biến điệu khác nhau, tạo thành những dải nhiễu đan xen, giãn nở, khi tách, khi nhập dải trên màn hình hiện sóng của đài điều khiển tên lửa. Môi trường điện tử trở nên đậm đặc, hỗn loạn khiến thông tin chỉ huy vô tuyến của Sư đoàn 361 có lúc bị chế áp tắc nghẽn. Nhưng các đài điều khiển tên lửa, có bộ đã đến thời điểm trung tu, vẫn vững vàng điều khiển quả đạn đánh trúng mục tiêu. Điều đáng nói là trong 192 trận đánh của bộ đội tên lửa, chỉ có 23 lần ta phát hiện được mục tiêu từ đầu hoặc quá trình phóng đạn mới thấy mục tiêu trên nền nhiễu, còn tất cả các trận khác đều đánh trong điều kiện nhiễu đậm đặc nhưng không có quả đạn nào mất điều khiển vì nhiễu rãnh đạn. Điều đó chứng tỏ, thử thách ác liệt đã tôi luyện cho Bộ đội PK-KQ những kinh nghiệm vô cùng quý giá để có thể đối phó hiệu quả với "con át chủ bài" chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ, góp phần làm rạng danh huyền thoại tên lửa C-75 Двина, bằng những trận đánh xuất sắc, độc đáo trên bầu trời Việt Nam. Đúng như lời phát biểu tại lễ mừng công Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã khen: "Tên lửa của Liên Xô giúp đỡ cho Việt Nam trao đúng những "bàn tay vàng" của chiến sĩ tên lửa phòng không Việt Nam".

Đại tá BÙI ĐỨC HIỀN - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân