Đường xa, phương tiện đi lại khó khăn, nếu không có việc quan trọng thì chẳng mấy người dưới xuôi lại ngược Lục Ngạn. Nay thì khác, mọi người thèm lên vì say Lục Ngạn. Bởi nơi đây, đời sống khá giả, cái cảnh, cái tình như men rượu lá, càng uống càng say!
Không còn củ đậu chống đói
Huyện Lục Ngạn có diện tích tự nhiên hơn 1.000km2, thuộc diện lớn nhất và nằm ở phía Đông của tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, Quốc lộ 31 bắt đầu từ TP Bắc Giang qua thị trấn Chũ, thủ phủ của huyện Lục Ngạn, đã được làm mới, giao thông rất thuận tiện. Nhiều năm qua, du khách không chỉ biết tới Lục Ngạn là thủ phủ của vải thiều mà còn là nơi sản sinh ra các loại hoa trái suốt bốn mùa đặc trưng khí hậu nhiệt đới.
|
|
Thiếu nữ dân tộc Nùng ở Lục Ngạn. Ảnh: ĐỨC THỌ
|
Sức hút lớn nhất của Lục Ngạn là mùa hè, mùa thu hoạch vải thiều. Buổi sáng, từ trên cao nhìn xuống, những con đường đến trung tâm thị trấn Chũ giống như những “dòng sông đỏ” trong nắng hè vàng rực. Vào mùa thu, đến Lục Ngạn, mắt du khách được "tắm" trong màu xanh bạt ngàn của cây trái. Những ngôi nhà cao 3, 4 tầng nằm nhỏ nhoi, thấp thoáng trong những vườn cây mướt mát, thanh bình có sức hút lạ thường, khiến ta khó có thể hình dung được nơi đây từng là vùng miền núi hoang vu, gian khó.
Trong phòng khách ấm áp, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn Cao Văn Hoàn giới thiệu với tôi về cam, quýt, bưởi-những loại cây ăn trái chủ lực của người dân địa phương mùa này. Anh bảo, hiện nay, người dân Lục Ngạn trồng nhiều loại cây có múi, chứ không độc canh củ đậu, củ sắn chống đói hoặc vải thiều như xưa. Hiện người dân Lục Ngạn có thu nhập rất khá nhờ trồng cây ăn trái. Rất khó có thể tìm thấy một ngôi nhà tường vẹo, mái xiêu ở vùng đất này như trước đây.
Nhắc đến củ đậu, tôi lại nhớ về thời “gạo châu củi quế” những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Lúc bấy giờ, gạo-lương thực chủ yếu-thiếu trầm trọng. Nồi cơm gia đình hằng ngày ngập màu vàng sẫm của khoai và ngô. Mùa hanh khô hao gầy dịp giáp hạt, được một miếng củ đậu vỏ ngoài còn vương màu đỏ vàng của đất Lục Ngạn thì chẳng gì hơn. Miếng củ đậu màu trắng đục cắt hình tam giác nhiều nước, mát dịu, giòn sần sật trong miệng có sức hấp dẫn lạ kỳ, là miếng ngon của những kẻ thèm cơm chúng tôi.
Anh Cao Văn Hoàn quê ở xã Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh), đã lăn lộn, gắn bó với vùng đất và bà con các dân tộc Lục Ngạn cũng gần 30 năm. Anh trải qua nhiều chức vụ, công việc khác nhau. Với anh, Lục Ngạn là quê hương thứ hai. Trong câu chuyện, nhìn vào đôi mắt luôn mở to của anh, tôi đọc được những tín hiệu vui, niềm tự hào về sự đổi mới, phát triển, no ấm và ổn định của người dân Lục Ngạn hôm nay.
Nơi hội tụ sắc màu văn hóa
Tối 29-10, chúng tôi đến xã Kiên Lao tham dự giao lưu văn hóa giữa Bệnh viện Quân y 110 thuộc Cục Hậu cần (Quân khu 1) và người dân địa phương nhân dịp các y, bác sĩ Bệnh viện về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Thượng tá Trịnh Đình Hiệp, Chủ nhiệm Chính trị của Bệnh viện Quân y 110 trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Kiên Lao Giáp Hồng Hiệu muốn phát một bài trên truyền thanh của xã, tuyên truyền về hậu quả của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Anh Hiệu nói rất thật, 10 năm nay, ở xã Kiên Lao không còn hiện tượng đó. Bây giờ, người dân chỉ “đói” giao lưu văn nghệ, muốn nghe hát, được múa, được biểu diễn. Mấy năm dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa-thể thao không tổ chức được nên bà con rất “khát”.
|
|
"Dòng sông đỏ" trong mùa thu hoạch vải. Ảnh: ĐỨC THỌ |
19 giờ, khi chúng tôi có mặt tại nơi giao lưu văn nghệ “Thắm tình quân dân” thì bà con đã có mặt rất đông, chật kín cả sân lớn của Trường Tiểu học Kiên Lao. Bà Nguyễn Thị Huấn, gần 65 tuổi, ở tận xã bên (xã Kiên Thành, cách xa nơi biểu diễn) đã đến đây từ lúc 18 giờ 30 phút. Nghe có giao lưu văn nghệ, bà giục các con ăn cơm sớm hơn thường lệ để đi xem. Bà tâm sự, ngày trước, đường sá đi lại khó khăn, người dân thường “nhà nào biết nhà ấy”. Còn nay, giao thông thuận tiện, kinh tế đã khá, những lúc nông nhàn, nhà nhà rủ nhau hát karaoke mãi cũng chán. Được đi xem, nghe con cháu múa hát trên sân khấu thì còn gì bằng.
Anh Nguyễn Đức Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Lục Ngạn tâm tình với tôi, Lục Ngạn có đủ các sắc màu văn hóa của các dân tộc: Kinh, Nùng, Tày, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Dao và Hoa. Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn là một trong 4 hội lớn được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận thu hút rất đông người dân đến tham dự. Điều đặc biệt của ngày hội này là các hoạt động đều mang đậm sắc màu và giá trị văn hóa các dân tộc. Nổi bật nhất là thi mặc trang phục dân tộc, trưng bày các sản phẩm ẩm thực, các món ăn truyền thống; hát, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, các điệu dân vũ. Trong ngày hội, người dân địa phương biểu diễn các làn điệu dân ca soong hao, sli, lượn, hát đối... Bên cạnh nét văn hóa đặc trưng đó là các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bịt mắt đập niêu, ném còn cùng các môn thi đấu bóng chuyền hơi người cao tuổi, cầu lông, bóng bàn...
Anh cũng thông tin thêm, hiện nay, việc sưu tầm, viết thành sách các điệu hát dân ca Sán Chí, Sán Dìu... hay mở lớp truyền dạy hát dân ca các dân tộc rất được người dân chú trọng. Toàn huyện đã có 31 câu lạc bộ hát dân ca các dân tộc, chủ yếu do lớp người cao tuổi xây dựng và duy trì.
Hơn 22 giờ, chương trình giao lưu kết thúc. Chúng tôi trở về TP Bắc Giang. Trên xe, tôi nhớ tới câu nói đầy hứng khởi của anh Trương Văn Năm, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện, đến Lục Ngạn thì phải ở lâu mới thấm, mới ngấm sức trẻ trên vùng đất già cỗi.
Ồ ra thế! Mảnh đất già và sự cần cù, năng động bởi sức trẻ đã cho người dân Lục Ngạn thu nhập khá. Đây chính là chìa khóa để bà con loại bỏ những hủ tục, đồng thời cũng là cơ hội để họ “bung ra” những đặc sắc, tinh túy văn hóa đã tích lũy, trao truyền suốt chiều dài lịch sử thăng trầm. Rồi đây, khi du lịch sinh thái ở Lục Ngạn khởi sắc, ngành “công nghiệp không khói” được khởi động, vào guồng, kinh tế của người dân nơi đây sẽ còn phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa.
Nghĩ đến đó, tôi càng mong sớm được tắm mình trong cảnh thơ mộng của hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần và được say với sắc màu văn hóa hát sli, hát lượn... mà đồng bào dân tộc nơi đây lưu giữ trong mướt màu xanh cây trái.
MẠNH THẮNG