Khu vườn chứa hơn 20.000 mẫu hóa thạch cổ

Đó là ông Hoàng Thành, sinh năm 1961, trú tại số 599 Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Giữa lòng thành phố, không gian rộng hơn 1.000m2 của ông Thành hiện ra như một khu rừng tự nhiên thu nhỏ. Nơi đây, nhiều cây cà te, sao, dổi, có tuổi đời hàng chục năm, cao vút, tỏa bóng rợp mát. Thi thoảng, tiếng chim ríu rít chuyền cành, gợi khung cảnh rất yên bình. Cũng trong không gian ấy, ông Thành trưng bày hơn 20.000 mẫu hóa thạch có niên đại từ kỷ Jura-là một kỷ trong niên đại địa chất kéo dài khoảng 200 triệu năm trước. Tất cả được ông bố trí khá bài bản, cuốn hút người xem ngay khi đặt chân vào cổng cho đến lúc lọt giữa khu vườn xanh mát. Đây cũng là những gì mà ông Thành có được sau hơn 30 năm lặn lội sưu tầm, nghiên cứu.

leftcenterrightdel

Ông Thành say sưa bên những cổ hóa thạch trong bộ sưu tập. 

Đưa tay lau chùi từng mẫu vật hóa thạch từ ốc, sò, nhuyễn thể, đến gỗ hóa đá từ trăm triệu năm về trước, ông Thành ngược thời gian quay về thời điểm năm 1986, kể về hành trình lập nghiệp ở vùng đất Tây Nguyên bằng chất giọng trầm ấm của người con xứ Huế. Ông Thành vốn làm nghề sửa chữa máy móc, tham gia làm việc trên lĩnh vực thi công cầu đường. Nhờ đó, ông có cơ hội đặt chân đến nhiều vùng đất của Tây Nguyên hùng vĩ. Vốn mang tâm hồn nghệ sĩ, yêu thiên nhiên cây cối nên dẫu trong khó khăn, thiếu thốn, ông Thành vẫn tìm thấy niềm vui cho mình. “Những lúc cơ thể mệt mỏi do lao động nặng nhọc, tôi thường ngửa mặt lên ngắm nhìn bầu trời và bạt ngàn màu xanh cây cối. Nhìn chúng thật đẹp và tôi ước, có một khu đất đủ rộng để trồng những loại cây mình yêu thích!”, ông Thành nhớ lại khoảng thời gian 37 năm trước.

Thế rồi, sau nhiều năm rong ruổi ngược xuôi, ông Thành cũng tích lũy được ít vốn để mua cho mình mảnh vườn hiện tại. Ông Thành kể, thời điểm mua đất, nơi đây còn thưa vắng lắm, nhưng bù lại gần Trường Đại học Tây Nguyên, nên ông quyết định mở quán cà phê. Lúc bấy giờ, ông mới tìm về các huyện vùng sâu của Đắk Lắk để mua những hòn đá tự nhiên làm điểm nhấn cho quán. Trong vô số hòn đá vô tri ấy, ông Thành thấy có những viên đá hình thù rất lạ, như: Hình con ốc, con sò... đang cuộn trong đá. Tò mò rồi cuốn hút, ông Thành bắt đầu công việc sưu tầm, trưng bày trong không gian quán cà phê của mình tất cả những gì sưu tầm được. Nhiều người đến uống cà phê cũng tỏ ra thích thú với bộ sưu tập không giống ai của ông.

Ban đầu, công việc sưu tầm những hòn đá, mẩu gỗ chỉ để thỏa thích niềm đam mê, ông Thành không biết bản thân đang sở hữu một kho báu rất có giá trị. Mãi đến khi một số chuyên gia ngành cổ sinh đến Tây Nguyên và tình cờ ghé quán cà phê, đã tiết lộ về ý nghĩa bộ sưu tập của ông. Khi còn sống, GS, TSKH Vũ Ngọc Hải-người được biết đến bởi những nghiên cứu về địa chất, khoáng sản, từng là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo-trong một lần đến quán cà phê của ông Thành đã vô cùng ngạc nhiên trước kho báu rất có ý nghĩa mà ông Thành đang sở hữu. Ông Thành kể lại, GS Vũ Ngọc Hải dặn hãy bảo quản, giữ gìn cẩn thận bộ sưu tập này. Bởi bộ sưu tập này có độ tuổi hàng triệu năm và rất có ý nghĩa khoa học, sinh học, lịch sử. Đây được xem như bước ngoặt đưa ông đến thế giới kỳ diệu trước khi có sự xuất hiện của loài người.

leftcenterrightdel
Ông Thành phác họa 5 kỳ đại tuyệt chủng trước khi có sự xuất hiện của con người. 

Được sự hỗ trợ của các chuyên gia, ông Thành dày công nghiên cứu, sắp xếp các cổ hóa thạch mà mình đã sưu tập được, phân thành 5 nhóm gồm: Bộ cúc đá (vỏ sò hóa thạch); hóa thạch thuộc lớp hai mảnh vỏ (chân rìu); hóa thạch chân bụng; hóa thạch ngành thực vật hạt trần và hóa thạch thực vật thân gỗ. Từ đây, ông Thành phác họa 5 kỳ đại tuyệt chủng từng xảy ra trên trái đất một cách sinh động, hấp dẫn, giúp giải mã một phần nào đó về bí ẩn của thiên nhiên trước khi có sự xuất hiện của loài người.

Điểm hẹn của say mê

Để chuyên tâm vào công việc, ông Thành không bán cà phê nữa, mà dành hết quỹ thời gian vào việc học hỏi, nghiên cứu và sưu tập đầy đủ hơn bộ hóa thạch cổ sinh của mình. Theo ông Thành, phần lớn các mẫu hóa thạch được sưu tầm ở vùng Krông Nô (Đắk Nông)-nơi có hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á. Trong bộ sưu tập của ông còn có cây thủy tùng hóa thạch với chiều dài 30m, đường kính thân cây 70-80cm. Ông Thành cho hay, đây là mẫu hóa thạch ông phải mất 4 năm mới sưu tầm được. Mẫu hóa thạch này rất hiếm bởi hầu như còn nguyên gốc, thân cây.

Nói về việc sưu tập mẫu hóa thạch từ thủy tùng, ông Thành cho rằng mọi việc phải tùy duyên. Năm 2015, có một người dân ở huyện vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk gọi điện báo vừa đào được một khối thủy tùng hóa thạch. Người này nói có người hỏi mua nhưng không bán mà muốn nhượng lại cho ông vì biết ông đang sưu tầm cổ hóa thạch. Đặc biệt, người này tâm sự, nếu để lại cho ông thì hiện vật này sẽ vẫn ở Tây Nguyên mà không bị đưa đi xa. Ông Thành liền đồng ý, đồng thời dặn người khai quật tiếp tục để ý bởi có thể vẫn còn những khối hóa thạch khác ở cùng khu vực. Cứ thế, sau 4 năm, ông Thành mới sưu tập trọn bộ hóa thạch thủy tùng từ gốc đến ngọn.

Ngoài ra, ông Thành còn sở hữu một hòn đá dài hơn 2,5m, đường kính 60cm, nặng khoảng 800kg, phát ra âm thanh ngân vang, nên được ông gọi là chuông đá. Chuông đá này được ông sưu tầm vào năm 2006, tại một địa phương ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. “Khi chở từ huyện Lắk về, do hòn đá này dài, nặng nên phải mấy người thợ hợp sức mới đưa vào được trong nhà. Khi vác qua cánh cổng, bất ngờ hòn đá va vào cánh cổng, phát ra tiếng. Những người thợ rất ngạc nhiên, bèn dùng hòn đá cuội gõ thêm vài cái để kiểm chứng, âm thanh lúc này phát ra to, rõ hơn. Do đó, tôi mới đặt tên hòn đá là chuông đá!”-ông Thành nói, và dẫn tôi đến bên chuông đá để tôi được thực mục sở thị.

Lúc này trời đã trưa, những tia nắng vàng xuyên qua tán lá cây chiếu xuống chuông đá trông óng ánh kỳ lạ. Nhìn kỹ trên thân đá thấy có những hạt vàng nhỏ bám dính vào. Ông Thành lý giải, chất vàng trên chuông đá loại vàng sa khoáng chứ không phải vàng gốc. Khi trời nắng, những vảy vàng phản sắc óng ánh, trông rất đẹp mắt. Sau đó, ông bảo đứng ép tai vào đá, còn ông dùng một viên đá nhỏ gõ nhẹ vào đầu bên kia của chuông đá. Ở phía này tôi nghe được âm vang rất lạ kỳ, lúc thì dịu êm, tĩnh lặng như cửa chùa; lúc réo rắt nghe như tiếng nước suối róc rách, tiếng chim hót trong rừng.

leftcenterrightdel
Những mẫu hóa thạch được ông Thành trưng bày trong khu vườn. 

Ông Thành nói thêm, âm thanh của chuông đá phụ thuộc vào thời tiết, khi trời càng nắng, càng trong thì tiếng chuông càng ngân vang. Ngược lại, lúc trời mưa, chuông đá không thể phát ra tiếng. Việc hòn đá phát ra âm thanh khiến nhiều người cho rằng nó là cổ vật xưa. Tuy nhiên, ông Thành lý giải, chuông đá chỉ là một hòn đá tự nhiên được cấu tạo từ thạch anh, mica, sa khoáng, granit, có cấu trúc dưới dạng các sợi khoáng vật và kết cấu dạng tổ ong. Chỉ khác là đá mềm, xốp chứ không rắn chắc như các loại đá khác.

Thời gian qua, trên cơ sở thành quả sưu tập của mình, ông Thành đã chuyển giao nhiều hóa thạch quý hiếm cho không ít bảo tàng trên cả nước. Còn ở khu vườn của gia đình, ông Thành thường xuyên đón các đoàn đến tham quan, trong đó có rất nhiều học sinh, sinh viên. Ông Thành tận tình chia sẻ những kiến thức về sinh học một cách dễ hiểu nhất để giải đáp mọi câu hỏi “vì sao” của lớp trẻ. Điều này, đối với ông thật hạnh phúc và ý nghĩa, bởi chính ông cũng xuất phát từ những câu hỏi “vì sao” để cuối cùng tìm đến kho báu hóa thạch cổ mà ông có được như ngày hôm nay.

Ông Thành hy vọng, bộ sưu tập hơn 20.000 mẫu hóa thạch của mình sẽ là điểm đến của những người cùng niềm say mê, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử-văn hóa Tây Nguyên, nơi ông gắn bó thân thiết và xem đó là quê hương thứ hai, sau Huế-nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH - PHƯƠNG KHÁNH