Những công trình tình nghĩa
Rời thành phố Đồng Hới, xe chúng tôi hun hút theo Đường Hồ Chí Minh ngược lên xã vùng cao chót vót trên đỉnh Trường Sơn thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bao giờ cũng vậy, đến đầu Đường 20 (Đường 20 Quyết Thắng), chúng tôi đều dừng lại dâng hương tưởng nhớ những thanh niên xung phong đã hy sinh nơi “Hang Tám Cô” linh thiêng này. Tôi đã nhiều lần đến đây kể từ khi Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS), nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn huyền thoại. Dường như quanh năm, đền thờ liệt sĩ trên Đường 20 Quyết Thắng này không ngớt người đến thăm viếng. Lần này, tôi gặp những chàng trai, cô gái còn rất trẻ của các doanh nghiệp từ miền Nam ra. Trên đường đến trọng điểm ATP (cua chữ A, ngầm Tale và đèo Phu La Nhích) để khởi công xây dựng đền thờ liệt sĩ Trường Sơn, họ dừng lại nơi đây tưởng nhớ các liệt sĩ và cầu mong mọi việc hanh thông, cát tường. Tôi cũng thế, đại diện cho đoàn công tác, tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sĩ. Tôi cũng cầu mong Bác Hồ và các liệt sĩ phù hộ để chúng tôi khởi công xây dựng thêm một công trình nữa của chương trình NTTS được mọi điều tốt đẹp.
Cách đây gần 10 năm, khi cả nước kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (1959-2009), Báo SGGP đã phát động chương trình NTTS. Chỉ trong vòng ba năm, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) làm nòng cốt. Với số tiền tài trợ gần 150 tỷ đồng, chúng tôi đã làm được một số việc đáng kể. Lo cho người đang sống-các gia đình người có công và lo cho người nằm xuống-các liệt sĩ Trường Sơn. Chương trình đã xây dựng và trao tặng 1.500 căn nhà tình nghĩa; hàng nghìn suất học bổng tặng con em liệt sĩ Trường Sơn; xây mới hơn 30 ngôi nhà sàn tặng bà con các dân tộc tại bản Làng Ho (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình)-căn cứ thời chống Mỹ, cứu nước của Bộ tư lệnh Trường Sơn; 20 bệnh xá quân dân y kết hợp đã được xây dựng trên những bản làng heo hút dọc Trường Sơn...
|
|
Tác giả bên cột mốc biên giới tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình |
Điều ấn tượng nữa, chương trình đã xây dựng 4 đền thờ liệt sĩ tại Bến Tắt (Quảng Trị), Long Đại (Quảng Bình), ngã ba biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) và Long Khốt (Long An)... Những ngôi đền thờ liệt sĩ ấy giờ đây đã trở thành điểm đến tâm linh của du khách trong và ngoài nước. Đôi câu thơ-cặp vế đối: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia của nhà báo, nhà thơ, nguyên Tổng biên tập Báo SGGP-Trưởng ban Tổ chức chương trình NTTS đã được tạc trên chuông đồng và hoành phi ở các đền thờ liệt sĩ dọc Trường Sơn cũng như một số địa phương khác.
Sau 10 năm, đúng dịp cả nước hướng về kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh (1959-2019), chúng tôi trở lại Trường Sơn. Một công trình mới tri ân đồng đội được tiếp tục thực hiện: Dự án đền thờ liệt sĩ Trường Sơn nơi trọng điểm ATP năm xưa do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (TMCPBĐLV) tài trợ với số tiền dự kiến gần 20 tỷ đồng. Nhớ lại cách đây không lâu (năm 2012), tôi gặp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCPBĐLV Dương Công Minh, tôi nói với anh ý định muốn xây dựng một trường học cho trẻ mẫu giáo gần thác Bản Giốc (Cao Bằng), anh ủng hộ ngay. Và với số tiền đầu tư hơn 10 tỷ đồng, Trường Mầm non Thác Bản Giốc tại Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng đã được xây dựng cách thác Bản Giốc không xa. Bây giờ, Dương Công Minh và doanh nghiệp của anh lại đồng hành với chúng tôi. Không chỉ tài trợ kinh phí, Dương Công Minh còn đưa “quân” đến trực tiếp xây dựng công trình: “Với các công trình tâm linh tri ân liệt sĩ để lại cho con cháu mai sau, chất lượng phải ưu tiên số một, anh ạ”-Dương Công Minh chia sẻ.
“Con về, còn em con đâu?”
Với Trường Sơn, tôi không chỉ có món nợ với đồng đội mà còn với cả em trai mình nữa. Năm 1970, tôi nhập ngũ. Sau vài tháng huấn luyện cấp tốc, chúng tôi vượt Trường Sơn vào đánh giặc tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm sau, bố mẹ tôi lại tiễn em trai tôi là Trần Văn Thiềng (sinh năm 1954) vào chiến trường. Sau ngày toàn thắng (30-4-1975), tôi về phép thăm nhà. Đón tôi đầu ngõ, mẹ tôi hỏi: “Con về, còn em con đâu?”. Tôi gục vào ngực mẹ, nước mắt giàn giụa. Tôi về, còn em tôi không trở về. Giấy báo tử gửi về ghi rằng: Đồng chí Trần Văn Thiềng hy sinh ngày 14-12-1973 tại chiến trường B. Để mẹ yên lòng, anh em chúng tôi đã tìm mọi cách có thể để tìm phần mộ người con trai thân yêu của gia đình, nhưng mọi cố gắng đều vô vọng. Trong lúc đó, cha chúng tôi tuổi cao, sức yếu đã về với tổ tiên. Mẹ như chuối chín cây. Mỗi lần về thăm nhà, mẹ đều hỏi:
- Đã tìm thấy em con chưa?
Để phần nào xoa dịu nỗi đau không có gì bù đắp nổi của mẹ, hết cách, chúng tôi đành tìm đến nhà ngoại cảm. Và, ngôi mộ chưa có tên trong Nghĩa trang liệt sĩ Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) đã được ghi tên liệt sĩ Trần Văn Thiềng. Biết tin ấy mẹ tôi mừng lắm. “Thôi thì có chỗ đi về, thăm nom em con chu đáo nhé!”, mẹ tôi dặn. Mười mấy năm nay, gia đình tôi coi như đó là phần mộ của liệt sĩ Trần Văn Thiềng.
Hằng năm, từ quê hương Nam Định và TP Hồ Chí Minh, nơi chúng tôi đang sinh sống, dòng người gồm con cháu, dâu rể, đồng đội, bạn bè thân thiết của gia đình vào dịp tháng Bảy và ngày giỗ liệt sĩ đều đến thắp hương cả hai nơi: Nghĩa trang liệt sĩ Buôn Ma Thuột và Nghĩa trang liệt sĩ Cai Lậy (Tiền Giang). Nhưng mọi việc không đơn giản như thế. Gần đây, Ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 24-đơn vị của em trai tôi trước đây-ghi thư báo tin: Trần Văn Thiềng hy sinh tại vùng ven TP Mỹ Tho cuối năm 1973. Được tin ấy, chúng tôi khẩn trương xuống Mỹ Tho tìm gặp cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Mạnh Bình-người thông tin cho gia đình. CCB Nguyễn Mạnh Bình sau giải phóng làm thầy giáo dạy cấp 3 tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Anh Bình cùng một số CCB của Trung đoàn 24 đưa chúng tôi đến một ấp nhỏ ven thành phố và chỉ cho chúng tôi nơi Thiềng hy sinh. Các CCB Trung đoàn 24 nói thêm, sau khi hành quân từ Tây Nguyên xuống, Trần Văn Thiềng đã hy sinh tại đây vào lúc trời rạng sáng... Tôi không cầm được nước mắt, hỏi: “Vậy hài cốt liệt sĩ Thiềng đang ở đâu?”. “Trong số 300 ngôi mộ chưa có tên tại Nghĩa trang liệt sĩ Cai Lậy”-một CCB lớn tuổi cho biết. Chúng tôi đến thẳng Nghĩa trang liệt sĩ Cai Lậy. Trời nắng như đổ lửa. Hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ lấp lánh dưới ánh mặt trời. Theo các CCB Trung đoàn 24, trong hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên, có em trai tôi ở đây. Tôi bỗng nhớ đến ngôi mộ mang tên Trần Văn Thiềng ở Nghĩa trang liệt sĩ Buôn Ma Thuột mà gần 15 năm nay đã trở nên gần gũi, thân thuộc với gia đình... Em trai ơi, vậy thực sự em đang nằm ở đâu?
Mới đây trở lại Trường Sơn, tôi đến thắp nhang viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Buôn Ma Thuột. Người quản trang bảo rằng các ngôi mộ chưa có tên, trong đó có ngôi mộ mang tên em trai tôi đã được ngành chức năng lấy mẫu hài cốt để thử ADN theo dự án 150 của Chính phủ. Cùng lúc ở quê, mẹ tôi nhận được công văn đề nghị gia đình cử người lên Hà Nội thử ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Tôi đứng như trời trồng trước ngôi mộ mang tên em trai mình, khấn:
- Kính viếng hương hồn đồng đội, sống anh dũng, thác linh thiêng. Kính mong các liệt sĩ phù hộ độ trì cho chúng tôi tìm được phần mộ người thân.
Tôi khấn tiếp: Nếu thử ADN ngôi mộ này không phải mộ của liệt sĩ Trần Văn Thiềng thì gia đình chúng tôi xin nhận liệt sĩ nằm trong ngôi mộ này là người thân kết nghĩa của gia đình.
Em trai tôi là Đại tá Trần Văn Toản cùng đi nói trong nước mắt: Chiến tranh là thế. Nếu đây không phải mộ liệt sĩ Trần Văn Thiềng thì cũng chẳng sao. Chuyện nghĩa tình đồng đội mà. Gia đình mình săn sóc ngôi mộ liệt sĩ này thì ở đâu đó sẽ có gia đình khác săn sóc, hương khói cho phần mộ bác Thiềng... Trần Văn Toản vừa dứt lời, bát nhang trên mộ liệt sĩ bùng cháy. Trời cao nguyên xanh ngắt. Những đám mây trắng bồng bềnh trôi về cuối chân trời. Nghĩa tình đồng đội-nghĩa tình Trường Sơn bao giờ mới trả hết?
TP Hồ Chí Minh, tháng 11-2018
Bút ký của TRẦN THẾ TUYỂN