Sớm yêu màu xanh áo lính
Sinh ra và lớn lên ở “phố nhà binh” nên trò nhỏ Nguyễn Hữu Huấn luôn được gần gũi và rất yêu mến các chú bộ đội, thật ngưỡng mộ và tự hào về bao chiến công oanh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo dòng hồi ức của bà Nguyễn Thị Thanh, chị gái liệt sĩ: “Cậu ấy vừa điển trai, chăm ngoan, học giỏi, lại ham đá bóng và hay hát, thích đóng kịch. Mà hát và đóng kịch toàn về bộ đội. Khi đã choai choai, có lần cậu tự viết, tự diễn một hoạt cảnh về người ra trận. Mặc dù diễn ngay tại nhà, mặc dù khán giả chỉ là thầy mẹ, anh chị, nhưng cậu mượn cho bằng được bộ quân phục của chú bộ đội cùng ngõ, mặc vào để diễn cho thêm cảm xúc. Lúc đầu, cả nhà xem cứ ôm bụng mà cười. Vì cậu mang bộ quân phục dài, rộng thùng thình, ống quần, tay áo phải vấn lên 5 gấu mới lộ được đôi chân, đôi tay. Vậy nhưng, ngay sau đó, cả nhà lại lặng đi, dâng trào bao xúc động. Mẹ tôi giàn giụa nước mắt...”.
Yêu mến chú bộ đội, nhập vai anh bộ đội như thế nên Nguyễn Hữu Huấn cứ mong cho nhanh đến tuổi nhập ngũ, để được làm anh bộ đội, vào Nam chiến đấu. Nguyện vọng cháy bỏng của học trò Huấn chưa thành thì ngày 30-4-1975 thế hệ ông cha đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng thầy mẹ xuống phố hòa vào dòng người mừng Đại thắng mùa Xuân 1975, cậu học trò lớp 7 vui lắm, nhưng trong lòng vẫn áy náy một điều, rằng mình chưa được đóng góp vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình chưa được bao lâu thì bè lũ phản động Pol Pot-Ieng Sary từ Campuchia đem quân tiến công xâm lược, sát hại dã man đồng bào ta ở biên giới Tây Nam. Lúc đó, Nguyễn Hữu Huấn cũng vừa thi đỗ đại học sư phạm, nhưng anh đã gác lại nguyện vọng làm thầy giáo (theo nghề cha) để viết đơn tình nguyện vào bộ đội, với mong muốn duy nhất được vào biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc. Nguyện vọng của con được thầy mẹ khích lệ; lá đơn tình nguyện của Nguyễn Hữu Huấn được chính quyền, cơ quan quân sự địa phương trân trọng, đáp ứng. Vậy là Nguyễn Hữu Huấn chính thức được làm anh bộ đội.
Người thân, bạn học, bạn bè, bây giờ vẫn nhớ hôm tiễn Nguyễn Hữu Huấn lên đường vào biên giới Tây Nam, tại sân kho Khuyến Lương (nay thuộc quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Trước lúc Nguyễn Hữu Huấn lên xe, mẹ động viên: “Con cứ yên tâm lên đường bảo vệ biên giới. Hoàn thành nhiệm vụ con về học sư phạm, tiếp bước thầy con cũng chưa muộn. Nhớ học thuộc thêm nhiều bài hát, viết và diễn được nhiều kịch, để khi về hát cho mẹ nghe, diễn kịch cho mẹ xem đấy nhé!”. Nói với con vui vẻ, lạc quan như vậy, rồi mẹ quay đi giấu những giọt nước mắt.
Trong số những người tiễn Nguyễn Hữu Huấn hôm ấy, đông đủ nhất là các bạn cùng lớp 10B, Trường cấp 3 Phan Đình Phùng (khóa 1975-1978), quận Ba Đình, TP Hà Nội. Người đi, người tiễn đều tươi vui, ai cũng bắt tay bạn Huấn thật chặt, thật nồng ấm, không có bịn rịn, chỉ có lưu luyến phút tiễn đưa.
Trên mặt trận biên giới Tây Nam, Binh nhất Nguyễn Hữu Huấn chiến đấu ở một phân đội độc lập, trong đội hình Sư đoàn 31, Quân đoàn 3. Dẫu thời gian huấn luyện chiến sĩ mới không nhiều nhưng với tố chất thông minh, có đôi chân, đôi mắt cầu thủ, chiến sĩ Huấn tiếp thu nhanh những nội dung huấn luyện, sử dụng thành thạo các loại vũ khí bộ binh nên được cấp trên và đồng đội rất yêu quý, tin tưởng. Đặc biệt, với tinh thần dũng cảm, lại vận dụng linh hoạt các nội dung huấn luyện vào thực tế chiến đấu, Binh nhất Nguyễn Hữu Huấn đã góp sức, chia lửa, cùng đơn vị đẩy lùi nhiều đợt tiến công xâm lược của Khmer Đỏ, bảo vệ vững chắc biên cương.
Theo đề nghị của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia, với tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, Sư đoàn 31 cùng các đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam và các LLVT cách mạng Campuchia đồng loạt tổng tiến công đánh đổ bè lũ Pol Pot-Ieng Sary, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng dã man.
Đang ở thế tiến công cùng Sư đoàn 31 và toàn Mặt trận 479, khi đến tỉnh Kampong Cham, phân đội của Binh nhất Nguyễn Hữu Huấn phải đối mặt với tình thế hết sức hiểm nghèo. Quân Khmer Đỏ tập trung binh lực và hỏa lực rất mạnh phản công lại ta. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra rất quyết liệt. Không sợ hy sinh, bộ đội ta chiến đấu vô cùng quả cảm, mưu trí, nhưng vì quân Khmer Đỏ mạnh hơn ta gấp bội lần nên nhiều cán bộ, chiến sĩ của phân đội thương vong.
Chiến sĩ Nguyễn Hữu Huấn đã cùng với đồng đội chiến đấu ngoan cường, dũng cảm đến viên đạn cuối cùng. Anh hy sinh ngày 2-2-1979 khi chưa đầy 18 tuổi đời, mới gần 7 tháng tuổi quân. Vô cùng tiếc thương người lính trẻ, đơn vị và người dân Kampong Cham đã tìm nơi an toàn nhất an táng thi hài anh, sau này quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi 82, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
|
|
Lễ viếng liệt sĩ Nguyễn Hữu Huấn tại ngôi nhà số 15, ngõ 67B phố Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
|
Tình bạn, tình đồng đội sâu nặng
Thông tin về Nguyễn Hữu Huấn hy sinh làm cả nhà bàng hoàng, đau đớn tột cùng. Thông tin đó cũng nhanh chóng đến với các bạn lớp 10B, khiến ai cũng sửng sốt, tiếc thương người bạn tốt, đa tài.
Từ đó, nhà bạn Huấn trở thành "địa chỉ đỏ" trong tâm thức và việc làm của mọi thành viên. Họ thường xuyên đến thăm thầy mẹ Nguyễn Hữu Huấn và rất quan tâm tới nguyện vọng của ông bà là đón hài cốt liệt sĩ trở về với Thủ đô, đó cũng chính là mong muốn của các cựu học sinh lớp 10B.
Những lần họp lớp, ai cũng nhớ đến những kỷ niệm đẹp về Nguyễn Hữu Huấn, cũng đau đáu một nỗi niềm về việc đón bạn về Hà Nội. Họ, người là bộ đội, là công an, là giáo viên, là doanh nghiệp, người có học hàm, học vị, người có chức sắc xã hội, người lao động phổ thông, nội trợ, người sống ở trong nước, người ở nước ngoài... nhưng tất cả đều một tâm nguyện, một tấm lòng tình nghĩa, tri ân người bạn liệt sĩ và gia đình bạn.
Thực ra, nguyện vọng của gia đình và các cựu học sinh lớp 10B muốn đón hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hữu Huấn về Hà Nội sớm hơn, nhưng vì một số vấn đề còn vướng mắc và chưa thuận lợi, mà việc đầu tiên là phải chuẩn xác được thông tin trong hồ sơ liệt sĩ và thông tin trên bia mộ, vì có những sai sót, nhầm lẫn. Để giải quyết việc này và những việc liên quan, Ban liên lạc Hội đồng môn lớp 10B đã nhóm họp nhiều lần để bàn bạc, thống nhất phương án giải quyết.
Cựu Công an nhân dân, Đại tá Trịnh Thế Hùng trước kia không làm lớp trưởng, nhưng nay là Trưởng ban liên lạc Hội đồng môn lớp 10B, rất xứng đáng là “thủ lĩnh”, là “tổng chỉ huy” trong mọi hoạt động của hội. Ông bày tỏ với chúng tôi, đan xen niềm vui và xúc động: “Để giải quyết những vướng mắc, chúng tôi đã chủ động làm việc và được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất tận tình, hiệu quả của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, các cơ quan, lực lượng chức năng của TP Hà Nội, tỉnh Tây Ninh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam... tất cả đều ngời sáng đạo lý tri ân, trân trọng, khắc ghi sự cống hiến, hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Hữu Huấn trong bảo vệ biên cương Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế...”.
Theo kế hoạch ban đầu, Ban liên lạc Hội đồng môn lớp 10B sẽ phối hợp với gia đình và các cơ quan chức năng đón hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hữu Huấn về Hà Nội trong năm 2025. Nhưng khi mọi thủ tục đã cơ bản hoàn tất, Ban liên lạc thống nhất đưa bạn về ngay trong năm 2024, trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Nhiều người đăng ký vào Tây Ninh đón hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hữu Huấn về, nhưng Ban liên lạc “ưu tiên” hai thành viên là chị Nguyễn Thị Tuyết Mai và CCB, Đại tá Nguyễn Tiến Bảo đi cùng chị gái liệt sĩ Nguyễn Hữu Huấn. Để vào Nam đón bạn, CCB Nguyễn Tiến Bảo đã điều chỉnh thời gian công việc gia đình. Còn chị Nguyễn Thị Tuyết Mai khi nói với chồng là anh Nguyễn Anh Dũng về việc này thì ông xã thật vui. Anh còn nói với vợ: “Nếu đoàn chưa có ai là nam giới, thì anh xin đi cùng...”. Những tấm lòng ấy quý biết nhường nào! Nghe tin các bạn trong nước làm việc tình nghĩa này, cựu học sinh lớp 10B Phạm Hoàng Hải đang sống và làm việc ở Đức đã bay ngay về Hà Nội động viên và hỗ trợ kinh phí để các bạn làm việc tình nghĩa thêm thuận lợi, trọn vẹn.
Không chỉ phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết ổn thỏa các thủ tục đón hài cốt liệt sĩ về quê, các cựu học sinh lớp 10B còn hỗ trợ và cùng gia đình, các cơ quan chức năng tổ chức các lễ nghi đón, phúng viếng, lễ truy điệu, an táng liệt sĩ Nguyễn Hữu Huấn trang nghiêm, ấm áp, vừa đúng nghi lễ nhà binh vừa theo nghi lễ truyền thống, tâm linh.
Tết này, xuân đến, liệt sĩ Nguyễn Hữu Huấn đã về với Thủ đô, đã về gần lắm với người thân, bạn bè. Dẫu thầy mẹ anh cũng đã về với thế giới người hiền nhưng luôn muốn nghe anh hát, xem anh diễn kịch. Dẫu ước mơ làm thầy giáo của anh không thành nhưng tinh thần yêu nước, yêu màu xanh áo lính, niềm tự hào về Quân đội anh hùng, sự hy sinh, cống hiến trọn tuổi thanh xuân của anh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, chính là những trang “giáo án đỏ” thật giá trị. Bây giờ có nhiều bài hát mới, nhưng tin rằng anh luôn hát và hát càng hay bài “Hát mãi khúc quân hành” và “Hà Nội niềm tin và hy vọng”.
Bài và ảnh: TÔ THÀNH TUYÊN