Gặp chúng tôi, bà Đạm Thư thân mật nói: “Từ hôm cháu gọi điện hẹn vào TP Hồ Chí Minh tìm hiểu tài liệu, báo chí của người Pháp đưa tin về Chiến dịch Điện Biên Phủ, cô vui lắm. Cô có rất nhiều tài liệu sưu tầm, nay cô sẽ cung cấp cho các cháu”.

Nhìn những trang báo đã phai màu, cũ kỹ được sắp đặt, cất gọn gàng theo thời gian, bà Đạm Thư cho biết, có những số báo bà sưu tầm được từ năm 1954, xuất bản tại Pháp, nhiều tờ xuất bản cách đây hai, ba mươi năm hoặc lâu hơn. Có thời gian bà Đạm Thư còn đến một số trung tâm lưu trữ của Pháp xin tài liệu, phỏng vấn những người Pháp từng tham chiến tại Điện Biên Phủ. 

Sở dĩ bà có sự quan tâm đặc biệt như vậy với sự kiện này là bởi, trước khi được gia đình cho sang Pháp học, bà là nữ sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội), vốn sinh ra trong gia đình cả bên nội, bên ngoại đều có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ tiến sĩ được lưu danh tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Bà có tuổi trẻ sôi nổi, tích cực tham gia cách mạng như in tài liệu mật, rải truyền đơn và từng bị địch bắt.

leftcenterrightdel
 Bà Đạm Thư dù đã ở tuổi 89 nhưng vẫn dịch và viết báo hằng ngày.

Bà Đạm Thư nhớ lại, ngày 17-12-1952, đang học môn Sinh vật thì có trát của Nha Công an Bắc Việt bắt đi. Hai chiếc xe jeep phóng nhanh về nhà Đạm Thư ở số 55 phố Phan Chu Trinh. Bất chấp sự có mặt của mẹ và những người thân của Đạm Thư, 5 tên vây quanh nhà, 5 tên tiến hành lục soát hòng tìm bằng chứng. Dù còn ít tuổi nhưng Đạm Thư đã tỏ ra rất cứng rắn. Giọng lạnh lùng mà nghiêm nghị, cô nói: "Những chỗ không phải của tôi, các ông lục soát xong phải xếp lại".

Đây là đợt "ráp" lớn của địch trước Ngày kỷ niệm toàn quốc kháng chiến lần thứ 6. Lúc đó, đã gần 4 giờ chiều. Sau cả tiếng đồng hồ không tìm được sách báo bí mật, chúng vẫn lôi Đạm Thư đi trước sự bất bình của người thân. Nhưng cũng thật may mắn là chúng không kiểm tra chiếc cặp cũ đầy bụi dưới đống guốc, dép cũ lộn xộn. Mười tờ báo Tiền Phong và bản danh sách lấy chữ ký đòi thả luật sư Nguyễn Hữu Thọ nằm trong chiếc cặp cũ ấy đã không bị chúng ngó tới.

Là nữ sinh yếu ớt nhưng khi bị đưa đi xét hỏi, Đạm Thư vẫn bị đánh đập, bỏ đói trong xà lim... Những hành động tàn ác đó càng thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, căm thù giặc sâu sắc trong tâm trí của cô nữ sinh Trưng Vương xinh đẹp và học xuất sắc này. Cuối cùng, không tìm được bằng chứng nên bọn chúng buộc phải thả Đạm Thư. Nhưng sau đó, một loạt biến cố xảy ra, Đạm Thư được gia đình gửi sang Pháp học tại Trường Đại học Sorbonne danh tiếng ở thủ đô Paris.

Sống tại Pháp những ngày tháng quê nhà đang diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ nên cảm xúc lúc đó mãi in sâu vào máu thịt, trở thành kỷ niệm đặc biệt, không thể phai mờ trong tâm khảm của bà Đạm Thư. Ánh mắt tràn ngập niềm vui, lật giở những trang báo cũ, bà Đạm Thư kể, hôm đó, ngày 8-5-1954, tin Điện Biên Phủ thất thủ lan nhanh trên khắp nước Pháp. Không khí choáng váng, sững sờ bao trùm cả nước Pháp. 

Là công dân Việt Nam yêu nước, bà Đạm Thư đón nhận thông tin đó với một niềm sung sướng, hạnh phúc vô bờ bến. Bà vội vã tìm đọc các tờ nhật báo để có thông tin đầy đủ nhất về chiến dịch. Bà thấy trên các trang báo tràn ngập những bình luận, đánh giá của các nhà chính trị, quân sự Pháp và dư luận quần chúng nhân dân trước sự kiện đó. “Một nước Pháp sôi sục giận dữ, sững sờ, tổn thương, những dối trá được phơi bày... đó là những cảm xúc chính được diễn tả trong một nước Pháp đầy bất ổn lúc đó”, bà Đạm Thư nhớ lại. 

Vì quá hốt hoảng trước thất bại tại Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp vội vã ra lệnh thiết quân luật ở thủ đô Paris. Đưa chúng tôi xem một số tờ báo bằng tiếng Pháp, bà Đạm Thư vừa đọc, dịch vừa kể, nhiều tờ báo cùng lên án Chính phủ Pháp, kể cả những tờ báo trước đây ra sức tung hô chính phủ và bộ máy quân sự thì nay họ cũng quay ra vạch trần những bưng bít trong suốt 9 năm đằng đẵng, vấn đề chiến tranh xâm lược Đông Dương-một vấn đề lớn có quan hệ mật thiết đến cuộc sống của người dân Pháp, không được giới chính trị và các nhà cầm quyền công khai tường tận trước toàn thể hội đồng chính phủ mà chỉ được bàn dấm dúi trong những cuộc họp hạn chế.

Điều khiến bà Đạm Thư vui mừng nhất là nhân dân Pháp thời điểm bấy giờ đã nhận rõ bộ mặt thật của giới thực dân về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Báo chí Pháp đi sâu vạch trần bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược mà chính phủ và lực lượng quân sự Pháp tiến hành. Người dân yêu chuộng hòa bình ở Pháp đồng loạt lên tiếng vì sự thức tỉnh của lương tri và khát vọng hòa bình.

Năm 1956, sau khi nhận chứng chỉ Toán-Lý-Hóa cao cấp Đại học Sorbonne một năm, do điều kiện sức khỏe sa sút vì thời tiết lạnh, Đạm Thư về nước học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành hóa, làm giảng viên đại học, rồi trở thành nhà báo và nhà nghiên cứu giáo dục... Bà Đạm Thư cho rằng, trong những ngày tháng đất nước hoan ca với Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà sống tại Pháp nên giúp bà có cái nhìn toàn diện hơn về người Pháp.

Điều đó giúp ích cho bà rất nhiều sau này khi làm việc ở Ban Quốc tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà từng được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bà Nguyễn Thị Định đi nhiều nước làm nhiệm vụ ngoại giao nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam.

Năm 2002, tổ chức CEDRATE (Trung tâm Nghiên cứu và hành động chống những chấn thương hồi chiến tranh) do các trí thức Pháp tổ chức và CGFED (Trung tâm Nghiên cứu về giới, gia đình và môi trường trong phát triển, ở Hà Nội) mời bà làm phiên dịch khi thực hiện dự án nghiên cứu về sự hồi sinh của mảnh đất A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế sau thời gian bị bom đạn Mỹ trút xuống trong chiến tranh. Với vốn kiến thức tích lũy và trải nghiệm thực tế, khi đã ngoài 80 tuổi, bà Đạm Thư vẫn tiếp tục viết hai cuốn sách "Tiếng vọng từ Trường Sơn" và “Gặp gỡ trên đường đời” kể lại những câu chuyện cảm động trong và ngoài nước. Sách được nhiều bạn bè quốc tế của bà yêu thích và họ đã bỏ nhiều công sức để dịch, giới thiệu với thế giới.

Bài và ảnh: HẢI LÝ