Thuyết phục người dân bằng sự tận tâm, cần mẫn
“Trồng rau là việc làm đơn giản, sao chị phải kỳ công như vậy?”. Nghe chúng tôi hỏi, chị Và vui vẻ giải thích: “Tưởng dễ nhưng trồng rau ở đây để có thu hoạch cũng không đơn giản”. Chỉ về phía khoảnh vườn trước mặt, chị Và nói thêm: “Nơi đây đá chồng đá. Chủ yếu là đá lộ đầu xám xịt. Thỉnh thoảng đan xen giữa những dải đá núi trùng điệp có những khoảnh đất. Tận dụng nơi đó, người dân trồng rau và các loại cây lương thực. Đất ít, đá nhiều. Đất phơi trên đá, cộng thêm khí hậu khắc nghiệt nên rất cằn cỗi”.
Thôn Cò Súng là địa phương xa xôi, hẻo lánh nhất của tỉnh Hà Giang nằm trải dài theo đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc, ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển nên khí hậu mang nét đặc trưng của hai mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Vào mùa mưa, khí hậu lạnh giá, có những thời điểm nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Đi trên các con đường mòn ở thôn Cò Súng, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những thung lũng, mây trôi lững lờ dưới chân, tạo cảm giác như đang đi trên lưng chừng trời. Núi cao, vách đá dựng đứng sừng sững in lên nền trời mênh mông, mây trắng bao phủ xung quanh tạo nên bức họa thiên nhiên hùng vĩ, thâm nghiêm.
Cảnh vật thiên nhiên núi rừng Cò Súng đẹp mê đắm lòng người nhưng ẩn phía sau còn rất nhiều khó khăn, thách thức, mà khó khăn lớn nhất của người dân nơi đây là nước sinh hoạt. Đặc biệt vào mùa khô, nguồn nước sinh hoạt duy nhất của người dân dựa vào một mạch nước ngầm chảy ra từ vách đá nằm ở trung tâm xã Sơn Vĩ. Để có nước sử dụng hằng ngày người dân phải mang can nhựa, thùng chứa vượt hàng chục cây số đường núi để lấy về dùng. Nước hiếm hoi, người dân phải dùng chắt chiu từng chút trong sinh hoạt cá nhân nên nước tưới cho cây trồng thì gần như dựa vào tự nhiên.
Chị Sùng Thị Mì cho biết: “Ở đây chúng mình còn lạc hậu lắm. Mình trồng rau như ông bà dạy, cứ vãi hạt hoặc cắm rau giống xuống đất. Rau không được chăm sóc mà phó mặc cho tự nhiên nên thu hoạch được không đáng kể, thậm chí mất trắng. Nhưng nhà chị Và thì khác. Cây rau chị Và trồng xanh mướt, lá to đẫy đà, ăn rất ngon”. Thấy vườn rau nhà chị Và tươi tốt, người dân trong thôn đến xin. Chị Và vui vẻ chia sẻ cho mỗi người một ít. Nhưng của cho thì không biết bao nhiêu cho đủ nên chị vận động người dân tự trồng. Ban đầu nhiều người còn tỏ thái độ giận dỗi vì nghĩ rằng chị không muốn cho rau.
    |
 |
Bí thư Vàng Thị Và (áo trắng) hướng dẫn người dân trồng rau.
|
Trước dư luận không hay, chị Và vẫn kiên trì, hòa nhã nói chuyện với từng người. Theo chị Và: Muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, điều quyết định là phải dựa vào chính mình. Người xưa gieo trồng lạc hậu, không chăm bón dựa vào thiên nhiên là chính nên năng suất thấp. Bây giờ có kỹ thuật hiện đại, giống tốt, nếu chịu khó và biết cách làm thì sẽ có cái ăn, mới sớm thoát được nghèo.
Từ việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi về nhận thức, chị Và kết hợp đến từng hộ miệng nói, tay làm hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm bón. Đất bạc màu trước khi gieo trồng rau phải bón lót bằng nguồn phân của vật nuôi là bò, lợn trong gia đình. Ngoài ra, trong quá trình rau phát triển phải theo dõi, chăm sóc như che sương vào ban đêm bằng cành lá cây nhỏ, phun thuốc trừ sâu bệnh...
Những việc làm tưởng như rất nhỏ của chị Và đã đem lại hiệu quả bất ngờ. Cái được lớn nhất là tập quán canh tác của người dân trong thôn dần thay đổi theo hướng tích cực, hiện đại. Trong công việc trồng trọt, người dân chăm chỉ, chịu khó bỏ nhiều công sức chăm sóc hơn. Từ việc trồng rau, chị Và hướng dẫn thêm người dân kiến thức trồng ngô, đỗ tương... Nhiều gia đình ở thôn Cò Súng giờ đã có lương thực tích trữ, thoát cảnh thiếu đói.
Hiện thực giấc mơ thoát nghèo
Sinh năm 1994 nhưng đến nay chị Và đã có thâm niên gần 7 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Cò Súng.
Thuộc từng lối mòn, khoảnh đất của các hộ trong thôn, chị luôn canh cánh trong lòng là tìm cách để người dân thoát nghèo. Thôn Cò Súng có 45 hộ thì có tới 43 hộ thuộc diện hộ nghèo. Sống chon von giữa lưng chừng trời, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm, khó khăn chồng chất đặt ra thách thức rất lớn để người dân giải bài toán thoát nghèo.
Tuy nhiên, theo chị Và dù khó khăn đến mấy nhưng nếu người dân chăm chỉ, chịu khó, quyết tâm áp dụng kỹ thuật và thực hiện các mô hình kinh tế do chính quyền các cấp tổ chức thì thoát nghèo là điều hoàn toàn có thể làm được. Chị dẫn chứng, cách đây chỉ vài năm, số hộ thiếu đói mấy tháng trong năm còn nhiều. Nhưng đến nay, nhờ chị Và hướng dẫn áp dụng kỹ thuật mới trong trồng các loại cây lương thực, người dân chịu khó cải tạo đất nên năng suất tăng rõ rệt. Tình trạng thiếu đói lương thực trong thôn đã được khắc phục triệt để. Không những vậy, nhờ thực hiện một số mô hình như: Mô hình vườn tạp, chăn nuôi bò sinh sản... một số hộ trong thôn dần có tài sản tích lũy, từng bước thoát nghèo.
Qua nhiều khúc cua đường mòn, men theo dốc núi cao, chúng tôi đến nhà anh Già Mí Chả. Sau một hồi trò chuyện, anh Chả xúc động kể: "Chỉ vài năm trước, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo đặc biệt. Vì không có đủ lương thực để ăn nên vợ tôi bỏ nhà đi. Tôi rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, bỏ nhà đi lang thang. May mắn tôi được chị Và cùng bà con động viên. Chị Và còn hướng dẫn gia đình tôi thực hiện "Mô hình chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển". Từ một con bò giống ban đầu, đến nay gia đình anh Chả đã luân chuyển được một con bò giống cho hộ nghèo khác trong thôn và vẫn còn hai con để làm vốn.
Từ hiệu quả của "Mô hình chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển", gia đình anh Chả được lựa chọn là 1/8 hộ của xã Sơn Vĩ thực hiện thí điểm "Mô hình vườn tạp". Dẫn chúng tôi ra tham quan gần 200 gốc lê, mận đang lên xanh tốt, anh Chả phấn khởi: “Nhờ có chị Và hướng dẫn, giúp đỡ, một vài năm nữa những cây mận, lê đơm hoa kết trái sẽ giúp gia đình tôi thoát nghèo”.
Bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới
Thôn Cò Súng nằm trải dài trên bức tường thành đá núi nơi biên giới, cách trung tâm huyện Mèo Vạc gần 50km. Đường đồi núi hiểm trở đi lại khó khăn nên người dân rất ít giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài, cuộc sống chủ yếu vẫn dựa vào tự cung tự cấp. Do vậy, bám rễ trong tư tưởng, nếp sống của người dân nơi đây còn nhiều hủ tục.
Lấy cho chúng tôi xem bản cam kết xóa bỏ hủ tục của dòng họ Thò và dòng họ Lầu, chị Và cho biết: “Vấn đề nhức nhối đặt ra không ít thách thức cho chính quyền địa phương hiện nay là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; hủ tục để người chết trong nhà nhiều ngày gây ô nhiễm môi trường; thịt nhiều trâu, bò, dê, lợn cúng khi gia đình có người chết tạo gánh nặng kinh tế cho con, cháu”. Theo chị Và, sau khi được tổ chức đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích, người dân trong thôn đã hiểu được hệ lụy do những hủ tục trên gây ra. Tuy nhiên, “phép vua thua lệ làng”, nếu không được tiến hành đồng bộ thì những hộ gia đình không thực hiện theo hủ tục dễ bị điều tiếng dị nghị.
Nắm được tâm lý đó, chị Và chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, kết hợp với những người có uy tín trong thôn, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ. Chị cho biết: “Đó là quá trình gian nan, vất vả. Ban đầu nhiều người không muốn gặp. Họ bỏ lên nương nên phải kiên trì đến nhiều lần, thậm chí dùng hình ảnh, video về những hoạt động tương tự của người dân dưới xuôi để cho bà con xem. Giải thích cho người dân về những hệ lụy do hủ tục gây ra”. Nước chảy đá mòn, nhờ sự kiên trì của chị Và cùng cán bộ thôn, đến nay có hai dòng họ lớn là dòng họ Thò và dòng họ Lầu đã cử người đại diện ký vào bản cam kết với chính quyền địa phương xóa bỏ hủ tục. Do vậy, các hủ tục đang từng bước được xóa bỏ trên mảnh đất Cò Súng.
Là nữ Bí thư Chi bộ thôn duy nhất của 19 thôn trên địa bàn xã Sơn Vĩ, lại có tuổi đời còn trẻ nên khi nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ thôn Cò Súng, chị Và vấp phải nhiều hoài nghi. Nhưng bằng sự tâm huyết, nhiệt tình, chị đã giành được niềm mến phục, yêu quý của người dân trong thôn. Hiện nay, chị còn được bầu kiêm nhiệm hai chức vụ là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn và Chi hội trưởng Phụ nữ thôn. Trên các cương vị công tác, chị đều nỗ lực thực hiện khát vọng làm thay da đổi thịt vùng đất miền biên giới còn nhiều khó khăn và giữ vững biên cương Tổ quốc.
PHẠM TUẤN