Trở về với ruộng đồng

Nghe tiếng anh Nguyễn Đăng Thái (sinh năm 1969) đã lâu nhưng tôi chưa có điều kiện để gặp. Vừa rồi, tôi quyết định dành thời gian để tìm hiểu về nhân vật đặc biệt này. Hôm tôi đến nhà anh, trời nắng gay gắt. Lúc này, một người đàn ông đang loay hoay bên những thửa ruộng vẫn trong mùa thu hoạch. Khi đã “tâm đầu ý hợp” bên ấm chè, anh Thái hồi tưởng, chia sẻ với tôi về câu chuyện cách đây khoảng 10 năm, khi anh hạ quyết tâm làm giàu trên những mảnh ruộng ở ngay chính quê hương mình-những mảnh ruộng vốn bị hoang hóa.

Năm 1988, anh Nguyễn Đăng Thái là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 46, Sư đoàn 326, Quân khu 2 đóng quân trên địa bàn huyện Phong Thổ (Lai Châu). Năm 1991, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương. Lúc ấy, tình hình kinh tế có rất nhiều khó khăn. Anh làm đủ nghề để kiếm sống nuôi gia đình và rồi anh “bén duyên” với nghề xây dựng. Dù làm chủ thầu xây dựng có tiếng nhưng kinh tế gia đình vẫn đì đẹt, thiếu trước hụt sau. Bước ngoặt đến với anh vào khoảng năm 2013. Anh kể: “Lúc ấy, trong một lần trò chuyện với anh Thông (anh trai ruột của anh Thái, hiện đã mất-PV), hai anh em trăn trở và đều có chung suy nghĩ, tại sao mình sinh ra từ nông thôn lại không lấy cây lúa, hạt thóc, củ khoai, lá rau, con cá để mưu sinh, thậm chí làm giàu, mà cứ phải rong ruổi làm thuê, làm mướn khắp nơi?”.

Điều anh Thái nhìn thấy trên quê hương mình lúc đó là khá nhiều gia đình không còn mặn mà với đồng ruộng. Thanh niên bỏ đi làm ăn xa, những người lớn tuổi hơn thì chuyển sang làm nghề khác. Làng xóm vì thế thưa thớt, lạnh vắng. Những cánh đồng, thửa ruộng vốn mệnh danh là “bờ xôi ruộng mật”, giờ nhiều chỗ hoang hóa. Sau lần đó, anh Nguyễn Đăng Thái quyết tâm bắt đầu với nghề nông ngay chính trên quê hương mình. 

Khi chia sẻ những suy nghĩ của mình là phải đầu tư, phát triển kinh tế ngay trên những cánh đồng, thửa ruộng, anh vấp phải “bức tường” ý thức của người dân và cả mọi người trong gia đình. Mẹ anh Thái tỏ thái độ phản đối ra mặt. Bà cho rằng đó là hành động ngốc nghếch, chẳng khác gì “mua dây buộc mình”.

Với quyết tâm vượt khó được tôi rèn trong những năm tháng quân ngũ, đặc biệt với tình yêu đồng ruộng, anh Thái đã xoay xở và tìm mọi cách vượt qua. “Thông thường, nếu chỉ gieo cấy vài sào ruộng thì người nông dân thua lỗ là điều dễ hiểu, kể cả khi sản lượng có tăng gấp rưỡi đi chăng nữa, bởi chi phí lớn. Người ta nói, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Vì vậy phải gom tất cả số ruộng hoang hóa đó lại, đầu tư trên những cánh đồng mẫu lớn. Đó sẽ là phương pháp đưa đến thành công”, anh Thái chia sẻ. Nghĩ sao làm vậy, anh đã mượn ruộng của gần 200 gia đình trong thôn và rất may, họ đều đồng ý.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, vợ của anh Thái tủm tỉm cười khi nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi. Chị góp vài lời: “Khi nhà tôi bắt tay vào làm trên cánh đồng mẫu lớn, ai cũng bảo “nhà ấy” rỗi hơi, đang làm một ông cai xây dựng có tiếng và ổn định, lại về làm ruộng. Chẳng ai người ta muốn chân lấm tay bùn, đây lại chui vào. Mặc cho mọi người bàn ra, tính vào, nhà tôi vẫn quyết tâm làm, quyết tâm thực hiện".

leftcenterrightdel

Anh Nguyễn Đăng Thái bên ao thả cá kết hợp trồng lúa. 

Yêu “hạt ngọc” như yêu cuộc sống

Có đất rồi, anh Nguyễn Đăng Thái lao vào làm ruộng. Việc đầu tiên là anh cho đắp bờ bao kiên cố toàn bộ hơn 20 mẫu ruộng, ngăn thành các thửa. Bình thường một năm sẽ có hai vụ lúa, nhưng anh chỉ trồng một vụ, từ sau Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch. Thời gian còn lại, anh cho thả cá. Cá "giúp" anh làm ruộng, không phải tốn phân bón, không phải cày bừa... bớt nhiều công đoạn, tiết kiệm chi phí đáng kể so với cách làm truyền thống. Bên cạnh đó, anh nuôi thêm mấy chục con dê và khoảng hơn 200 con gà chọi. Anh bảo, những vật nuôi ấy giúp xua đuổi sâu bọ, tạo môi trường sinh thái lý tưởng để cây lúa sinh trưởng, phát triển.

Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” của người lính, anh cần mẫn ngày đêm trên mảnh ruộng, ao cá của mình và giành được thành công. Hiện sản lượng lúa của anh đạt khoảng hơn 2 tạ/sào. Bình quân mỗi năm, anh thu về khoảng 50 tấn thóc. Với mô hình "1 cá 1 nước", anh Thái đã rút giảm được nhiều chi phí đầu tư. Trung bình mỗi năm bán cá và lúa, gia đình anh thu về khoảng 1 tỷ đồng. 

Với cách làm và kết quả thu được, anh Thái nhiều lần được huyện Phú Xuyên và TP Hà Nội vinh danh. Anh được Hội Nông dân TP Hà Nội trao chứng nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố giai đoạn 2015-2019; danh hiệu "Người tốt, việc tốt" của Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội năm 2017, cùng nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận khác. Không ít người đã tìm đến học tập mô hình trồng lúa, chăn nuôi của anh Thái để thoát nghèo và làm giàu. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã đã có đến hàng chục hộ đến tìm hiểu, học tập và được anh Thái chia sẻ kinh nghiệm...

Nói về anh Nguyễn Đăng Thái, đồng chí Phan Cao Lạc, Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Nam Triều, cho biết: "Không chỉ làm giàu cho mình ngay trên chính mảnh đất quê hương, mà quan trọng hơn những việc làm của anh Nguyễn Đăng Thái góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất của các hộ nhà nông ở địa phương. Đặc biệt, anh Thái đã minh chứng để người nông dân thấy rằng có thể làm giàu trên chính những mảnh ruộng của mình".

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về với đồng ruộng, trở về với công việc của người nông dân một nắng hai sương, chân lấm tay bùn và tổ chức sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại hóa nên anh Thái rất vất vả, bận bịu. Anh không nói nhưng tôi biết, anh đã dồn hết tâm huyết, tình yêu của mình vào hạt lúa vàng. Anh yêu những hạt lúa như yêu cuộc sống của mình và gọi nó là “hạt ngọc”. Anh nói vui với tôi, đó là cái duyên không thể lý giải hết bằng lời. Ngay cả khi nói chuyện, tôi vẫn thấy anh không ngơi nghỉ chân tay. Hai con gái của anh đang học ở những trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, mỗi khi được nghỉ cuối tuần cũng ra ruộng lúa, ao cá làm cùng bố. Anh cười tươi và nói: “Nhiều người hỏi tôi về nghề nông, tôi chỉ nói đồng ruộng là cuộc sống, là cơm, là thóc, là gạo. Bỏ đi những thứ ấy, tôi khó lớn lên thành người...”.

Sau câu chuyện với tôi, anh Thái nhìn ra cánh đồng mẫu lớn rộng mênh mông. Phía xa xa, những cỗ máy nông nghiệp cần mẫn làm việc. Nông dân Nguyễn Đăng Thái-người chiến sĩ Trung đoàn 46, Sư đoàn 326, Quân khu 2 năm xưa tươi cười chào hỏi những thương lái đến lấy hàng. Tôi thấy đôi mắt anh Thái sáng lên, trên môi nở nụ cười tươi. Có lẽ đó là niềm vui về khát vọng và kết quả làm giàu bằng nghề nông của anh trên chính mảnh đất quê hương mình...

Bài và ảnh: MINH PHÚC