Những ngôi nhà mới được dựng khang trang trên các khu tái định cư (TĐC); những ngôi trường sáng đẹp; bên sườn núi phủ lên màu xanh của cây, những vạt ngô, nương sắn, ruộng lúa... hứa hẹn mùa bội thu.

Na Chừa hồi sinh

“Đi Mường Lát còn khó khăn lắm! Không có xe khách lịch sự như các tuyến khác của Thanh Hóa đâu. Chỉ có xe chợ thôi!”, anh bạn đồng nghiệp làm ở Đài Phát thanh-Truyền hình Thanh Hóa nói với chúng tôi sau một hồi liên hệ tìm hộ các nhà xe. Bỗng nhiên có cuộc điện thoại, cậu em bên Tập đoàn Miền Núi nói có xe cho đi nhờ. Mấy anh em mừng húm!

Anh lái xe tên Thắng của Tập đoàn Miền Núi tỏ rõ là “cán bộ đường lối” trên tuyến đường lên phía tây Mường Lát. Những địa danh gắn với lịch sử, văn hóa, khu kinh doanh sầm uất ngày nay trên tuyến đường, rồi cả những “ổ trâu”, “ổ gà”, khúc cua, đoạn nào có thể chạy nhanh, đoạn nào nguy hiểm… Thắng thuộc như lòng bàn tay. Anh kể về hai trận lũ nối tiếp nhau trong hai năm 2018, 2019 ập đến với bà con Mường Lát, những đoạn đường, xã, bản bị chia cắt, cô lập. Bản thân Thắng và nhiều lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Miền Núi từng góp công góp sức cứu giúp huyện vùng cao biên giới này bằng những chuyến hàng cứu trợ của các cơ quan, doanh nghiệp ở thành phố lên; những chuyến vận tải xăng, dầu, hàng hóa thiết yếu cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng… Câu chuyện của cậu lái xe xuất phát tại Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) từ 8 giờ dường như làm ngắn lại đoạn đường gần 300km, cho đến khi chúng tôi đặt chân tới địa phận của xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, nhìn đồng hồ đã 16 giờ.

leftcenterrightdel
Thiếu tá Hoàng Cao Miện, Đội trưởng Đội Sản xuất 3, Đoàn KT-QP 5 hướng dẫn bà con chăm cây lúa nước.

Qua đoạn suối Xim của xã Mường Chanh hòa dòng nước vào sông Mã, một cây cầu mới sắp hoàn thành nhưng dấu tích của bão lũ còn in hằn trên con đường ngoằn ngoèo, quanh co dốc núi, bụi đường đất bám vàng quạch kính xe ô tô. Nữ trí thức trẻ tình nguyện Hà Thị Nghiệp của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 5, Quân khu 4 đi cùng đoàn ngân nga hát: “Nếu anh lên biên giới, anh sẽ gặp bạt ngàn hoa…”. Hai bên đường, dọc suối Xim, những cây gạo cổ thụ hoa nở đỏ rực cả góc trời, đôi chỗ là cây ban hoa nở trắng muốt bên những vách núi, sườn đồi, tô điểm cho vẻ đẹp hoang sơ mà hùng vĩ vùng biên cương. Nhìn vắt qua dòng suối Xim, những ngôi nhà sàn bản Na Chừa hiện ra, tựa bên dãy núi đồi trập trùng trong nắng sớm; trước bản dọc suối Xim là cao, thấp những thửa ruộng lúa nước xanh non… giống bức tranh thủy mặc.

Thấy đoàn khách đi cùng các chú bộ đội Đội Sản xuất 3 (Đoàn KT-QP 5), đám trẻ đang nô đùa, đạp xe bên đập nước nối vào bản Na Chừa ngoan ngoãn khoanh tay chào, mời: “Các cô chú vào thăm bản nhà cháu nhé!”. Chúng ríu rít và làm điệu chụp ảnh chung rồi dẫn chúng tôi lên bản. Bên khung cửi dệt vải dưới mái nhà sàn, chị Hà Thị Sung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Na Chừa tỉ mẩn tính toán sợi để tạo những hoa văn mới. Nhà chị Sung là một trong 73 ngôi nhà của bản Na Chừa dựng đều nhau, tinh tươm, sạch sẽ theo nếp dựng của người dân tộc Thái trên nền đất mới, vững chắc. Trận lũ hồi tháng 8-2018 ở bản Ngố ngược ra phía trung tâm huyện Mường Lát cách bản Na Chừa chừng 2km, nhà chị Sung may mắn hơn nhiều nhà khác khi chỉ bị sạt một bên chái nhà. Còn gia đình anh Vi Văn Khứt, một trong những hộ của bản có nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn thì rất nhớ: “Trời mưa rất to, nước từ các khe núi dồn về mỗi lúc một nhiều. Nhà tôi bị lũ cuốn phăng hết, không còn gì. Rất may, 4 người trong gia đình tôi được các anh bộ đội ở Đội Sản xuất 3 sơ tán kịp thời đến nơi an toàn. Gần 20 ngày tránh lũ, gia đình tôi cùng nhiều người dân trong bản được Đoàn KT-QP 5 hỗ trợ mì ăn liền, nước uống. Khi nước rút, các anh lại đến giúp nhân dân dọn vệ sinh, làm nhà tạm, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, rồi dựng nhà mới ở khu TĐC tập trung bản Na Chừa”. Vẫn là giọng chị Sung: “Chỗ bản Ngố bị sạt lở, nay người dân ra quây chăn nuôi. Được Nhà nước và quân đội giúp đỡ, nhà tôi nuôi được 6 con bò, 24 con lợn, gần 60 con gà, vịt. Tết có thu hoạch cũng kha khá. Ra Tết còn 5 con lợn bị dịch chết hết. Mới đây, nhà tôi là một trong 5 gia đình được Đoàn KT-QP 5 cấp miễn phí 8 con lợn giống 5-10kg và giống gà, vịt bầu để nuôi. Các gia đình ở đây đều biết ơn bộ đội lắm!”.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản Na Chừa, dừng lại trước mảnh đất nền của nhà văn hóa bản đang ngổn ngang vật liệu, đồng chí Vi Văn Chiêm, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Na Chừa cho biết: Nhà văn hóa trước tháng 8-2018 đã xây dựng xong, Đoàn KT-QP 5 tặng toàn bộ trang thiết bị, bàn ghế, loa đài… nhưng lũ dữ cuốn trôi hết. Sang năm 2019, đang tiến hành làm móng, xây dựng lại nhà văn hóa thì lũ lại đến cuốn phăng… Hiện bản Na Chừa có 73 hộ, 327 nhân khẩu đều là đồng bào người Thái. Do hai trận lũ liên tiếp ập đến nên đời sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, trong bản còn 39 hộ nghèo. Sang khu TĐC mới gần một năm, các gia đình được sự hỗ trợ của Nhà nước đã dựng được nhà cửa khang trang trên nền đất tốt. Được Đoàn KT-QP 5 đỡ đầu, trực tiếp là các đồng chí Đội Sản xuất 3 không chỉ giúp những ngày công dựng nhà, san đất, làm đường, cầu cống mà hằng ngày còn cắt cử người xuống bản hướng dẫn bà con mô hình nuôi tập trung giống bò, lợn, gà, vịt có giá thành cao; trồng lúa nước, giống rau cải, bầu, bí đem lại năng suất; hướng dẫn chị em trồng dâu nuôi tằm lấy tơ để duy trì nghề dệt truyền thống của người Thái. Bên cạnh đó, bộ đội còn thường xuyên tuyên truyền để người dân sinh sống sạch sẽ, giữ vệ sinh; loại bỏ các hủ tục như thách cưới, đám ma ăn uống linh đình…

Chỉ lên những ngọn đồi đang phủ gần kín màu xanh của những cây gỗ lâu năm như lim, lát, chò chỉ, sưa, xoan… Trưởng bản Na Chừa rạng rỡ bảo: “Đồng sức, đồng lòng giữa các cấp chính quyền, bộ đội và nhân dân Na Chừa đã và đang nỗ lực để phủ xanh hết các đồi núi trọc. Không lâu nữa, cây lớn, gốc to sẽ ngăn bớt những dòng lũ dữ từ thượng nguồn đổ về. Cuộc sống đang dần hồi sinh ở Na Chừa”.

Luồng gió mới ở Mường Chanh

Ngồi trên chiếc xe máy do Thiếu tá Hoàng Cao Miện, Đội trưởng Đội Sản xuất 3 lái chạy theo lối mòn qua hai quả đồi đến bản Piềng Tặc-nằm cách xa dân cư của xã Mường Chanh khoảng 5km, khu trang trại chăn nuôi của gia đình anh Lò Văn Ún, Bí thư Chi bộ bản Piềng Tặc hiện ra khiến ai cũng ngỡ ngàng. Nằm trong một thung lũng, hơn một mẫu ruộng lúa nước làm khoa học theo những bậc thang, trên cùng là khu ao nuôi cá, quanh bờ là khu chăn nuôi tập trung bò, lợn, gà, vịt, ngan. Anh Ún phấn khởi khoe: Năm 2019, gia đình đã có thu nhập gần 120 triệu đồng. Cách nhà anh Ún hơn 1km, gia đình anh Vi Văn Tịnh cũng có mô hình nuôi trồng tương tự, 20 con bò, lợn mán hơn chục con, gần 100 con gà, vịt, ngan, đến giờ ăn tập trung trong khu vườn-ao-chuồng. Thiếu tá Hoàng Cao Miện cho biết, đây là hai trong nhiều hộ gia đình ở xã Mường Chanh được Đoàn KT-QP 5 đầu tư xây dựng mô hình, cung cấp con giống, cây trồng miễn phí, trực tiếp Đội Sản xuất 3 hướng dẫn và nhân rộng ra nhiều hộ gia đình khác trong xã.

Mường Chanh có 9 bản nằm trải rộng trên diện tích hơn 65.000ha dọc biên giới, tiếp giáp với tỉnh Houaphanh của nước bạn Lào. Trước năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 53%, cuộc sống của người dân nơi đây còn ngập chìm trong muôn vàn khốn khó, nhất là vào thời kỳ giáp hạt. Kể từ khi có các chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ và đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm địa phương năm 2012 và Quyết định số 573/QĐ-UBND, ngày 2-3-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt đề án xây dựng xã Mường Chanh, huyện Mường Lát thành xã điểm thoát nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành, cùng 752 hộ dân trên địa bàn đã tổ chức triển khai rất hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đến cuối năm 2017, xã đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Đi đôi với việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xã Mường Chanh còn tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong xã xóa bỏ các tập tục lạc hậu, duy trì văn hóa truyền thống. Ông Lộc Văn En, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh trần tình: “Gần 6 năm, sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương đã tiếp thêm sức mạnh để Mường Chanh nỗ lực vươn lên từng bước khắc phục đói nghèo. Tuy nhiên, hai trận lũ lịch sử năm 2018 và 2019 đã cuốn phăng những thành quả mà nhân dân vất vả, nhọc nhằn tạo dựng”.

leftcenterrightdel
Bản Na Chừa, xã Mường Chanh (Mường Lát, Thanh Hóa) với những ngôi nhà mới khang trang ở khu tái định cư.

Đánh giá về hiệu quả chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 5 đối với bà con, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh khẳng định: “Để địa phương và nhân dân một mặt nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, có cuộc sống ổn định, mặt khác vẫn không quên nhiệm vụ bám chắc đường biên giới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, ngoài sự góp sức chung của nhiều cơ quan, ban, ngành, lực lượng trong cả nước, không thể không nói đến công sức của bộ đội Đoàn KT-QP 5, những người luôn kề vai sát cánh giúp đỡ bà con trong suốt thời gian qua”.

Trước những khó khăn, mất mát sau các trận lũ dữ, xã Mường Chanh nói riêng và huyện Mường Lát nói chung không còn cô đơn nữa. Tình người, tình quân dân và sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội đã và đang tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để người dân vùng biên cương miền tây xứ Thanh nỗ lực vươn lên, hồi sinh mảnh đất này.

Bài và ảnh: HÀ THÀNH TRÌNH