Nồi cháo 7 năm đỏ lửa
Chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Phan Ngọc Phượng, 64 tuổi, ở thôn An Hòa (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) vào một ngày cuối tuần, đúng lúc vợ chồng ông đang nấu nồi cháo tình thương. Nồi cháo này đã được ông bà duy trì 7 năm nay và phát vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần từ 100 đến 300 suất cho người nghèo.
Ông Phượng dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, khuôn mặt ít biểu lộ cảm xúc nhưng khi nhớ về kỷ niệm để vợ chồng ông có động lực làm việc thiện thì giọng kể của ông bỗng khàn đi.
Thời trai trẻ, ông Phượng viết đơn tình nguyện nhập ngũ và công tác tại Bộ CHQS tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa) từ năm 1981 đến 1985. Sau đó, ông phục viên trở về địa phương sinh sống. Vốn là người hăng hái với công tác xã hội, ông Phượng tham gia hội cựu chiến binh và hội nông dân của xã. Vợ chồng ông tần tảo làm ruộng và gia công nghề cưa xẻ gỗ lấy tiền nuôi các con ăn học.
Cuộc sống bình lặng cứ thế trôi dần về tuổi xế chiều, ông Phượng cũng chẳng ngờ một ngày lại bén duyên với công tác thiện nguyện, coi việc làm đó như đam mê, liều thuốc quý giúp ông vui vẻ mỗi ngày. “Hồi năm 2016, vợ tôi-bà Nguyễn Thị Lý bị bệnh thiếu máu não phải xuống Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP Hồ Chí Minh điều trị, rồi lại thêm bệnh thoát vị đĩa đệm phải điều trị vật lý trị liệu ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên 4 tháng. Quãng thời gian này, vợ chồng tôi chứng kiến những đội, nhóm tổ chức nấu cháo, phát quà thiện nguyện cho bệnh nhân nghèo. Niềm vui, sự ấm áp lan tỏa đến với bệnh nhân, tiếp thêm động lực giúp họ vượt qua khó khăn. Thấy vậy, vợ chồng tôi bảo nhau khi ra viện sẽ phát tâm nấu cháo thiện nguyện, cho dù lúc đó chỉ còn đúng 200.000 đồng và đi vay thêm 200.000 đồng để nấu nồi cháo đầu tiên. Sau đó, việc tốt lan tỏa, con cháu trong gia đình và bà con ủng hộ, chung tay duy trì nồi cháo đỏ lửa suốt 7 năm nay, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát”, ông Phượng cho biết.
|
|
Cựu chiến binh Phan Ngọc Phượng trao quà tặng gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
|
Ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho
Thấy việc nhân nghĩa trong xã hội nơi đâu cũng được đón nhận và lan tỏa, vợ chồng ông Phượng không dừng lại ở nồi cháo tình thương mà bắt đầu mở rộng hình thức, đối tượng làm thiện nguyện. “Vợ chồng tôi xác định kết nối yêu thương giữa các nhà hảo tâm với những mảnh đời khó khăn. Mọi sự ủng hộ của những người hảo tâm được tôi ghi chép lại cẩn thận, trao quà tặng ai, trao bao nhiêu, tôi đều công khai minh bạch, rõ ràng”, ông Phượng nói.
Ngay tại nhà ông Phượng, nếu không nhìn tấm biển “Cửa hàng 0 đồng” thì nhiều người sẽ nghĩ đây là một cửa hàng tạp hóa. Trên thực tế đây là sáng kiến của ông Phượng dựa trên tinh thần “ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho”. Hằng tháng, gia đình ông và các nhà hảo tâm giúp đỡ thường xuyên hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn, họ không chỉ đến nhận nhu yếu phẩm mà còn mang rau, củ nhà trồng được đến đóng góp trên tinh thần "lá lành đùm lá rách", có gì ủng hộ nấy. Ngoài ra, ông Phượng còn vận động và hỗ trợ hằng tháng cho 15 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Sinh sống trên địa bàn huyện miền núi, thường xuyên hứng chịu thiên tai nên ông Phượng chứng kiến không ít gia đình phải ở trong căn nhà dột nát, tạm bợ, những lúc mưa bão tiềm ẩn nguy cơ đổ sập. Ông đã vận động các nhà hảo tâm xây dựng được 6 căn nhà tình thương với tổng trị giá gần 300 triệu đồng và khoan 14 giếng nước tặng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sông Hinh. Ông Phượng cũng đã trao gần 120 xe lăn tặng người khuyết tật, hàng nghìn suất quà cho người già, thiếu nhi nhân các ngày tết vì người nghèo, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... Năm 2020, dù tuổi cao nhưng ông vẫn đồng hành với đoàn thiện nguyện đến vùng lũ một số tỉnh miền Trung suốt gần hai tháng để trao quà cứu trợ bà con.
Đối với trẻ em, ông dành sự quan tâm đặc biệt. Đã có không ít học sinh có thể phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn cho dù lực học của các em rất tốt. Điển hình như em Đoàn Nhật Huy, xã Đức Bình Tây không may sinh ra bị khuyết tật, ba bỏ đi, mẹ phải đi làm xa mưu sinh. “May có ông Phượng cưu mang, giúp con đến trường, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi. Vừa rồi ông còn kết nối để con đi học nghề sửa xe miễn phí, giúp con tự kiếm được những đồng tiền đầu tiên”, Nhật Huy kể.
Đặc biệt, với tâm niệm "nghĩa tử là nghĩa tận", trong 7 năm qua, ông Phượng tiên phong trong công tác vận động kinh phí mai táng cho người nghèo hoặc gia đình không có điều kiện lo hậu sự chu toàn. Có những gia đình hoàn cảnh khó khăn có người thân ra đi đột ngột trong đêm, ông biết tin, đến nhà chia buồn và vận động kinh phí mai táng. Đến nay đã có hơn 300 trường hợp người neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn khi qua đời được ông vận động hỗ trợ kinh phí mai táng từ 6 đến 8 triệu đồng/người. “Có lúc hai, ba người neo đơn cùng qua đời một ngày, tôi cố gắng vận động trong một ngày phải đủ tiền lo hậu sự cho họ. Mình phải coi họ như người thân của mình, làm việc thiện từ cái tâm thì khó đến mấy cũng cố gắng làm cho được”, ông Phượng cho biết.
|
|
Bà Lý (vợ ông Phượng) đã duy trì nồi cháo tình thương suốt 7 năm nay. |
Càng làm việc thiện càng khỏe ra
Dù đã bước qua tuổi lục tuần, sức khỏe có phần suy giảm nhưng ông Phượng không ngại vượt đường dài, núi dốc đến từng hộ gia đình tìm hiểu hoàn cảnh và trao quà an sinh. Với ông, "của cho không bằng cách cho", ông trao quà bằng cả tấm lòng, động viên họ vượt lên trong cuộc sống, san sẻ với họ những ưu phiền, đó cũng là cách ông gây dựng uy tín với các nhà hảo tâm suốt bao năm qua.
Đợt dịch Covid-19, có ngày ông Phượng phải xét nghiệm nhanh từ 3 đến 4 lần để được đi qua chốt kiểm dịch mang gạo, thịt, rau-củ-quả đến các khu cách ly. “Đợt đó tôi vận động được nhu yếu phẩm trị giá khoảng 70 triệu đồng. Tôi dùng xe kéo chở đi trao cho các khu cách ly, còn vợ ở nhà cùng bà con nấu cơm thiện nguyện khoảng 200 suất/ngày. Sau đó, tôi chở đến khu cách ly của hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa suốt mấy tháng liền”, ông Phượng nhớ lại.
Với ông Phượng, dẫu hành trình thiện nguyện có vất vả, mệt mỏi đến đâu nhưng mỗi khi được tận tay trao quà tặng người khó khăn niềm vui trong ông lại trào dâng trước những giọt nước mắt hạnh phúc của người nghèo. Bản thân ông cũng không dư dả gì về vật chất, ông chỉ giàu có tình cảm và sự chất phác của một người nông dân, một khí phách kiên cường của người cựu chiến binh. “Những lúc nửa đêm hay mưa gió, nhận được tin báo cần trợ giúp, tôi lại dậy chuẩn bị lên đường ngay. Khi có người rất cần sự sẻ chia mà mình lại lần lữa thì thật vô tâm. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, chưa kể làm thiện nguyện giúp tôi có sức mạnh vượt qua bệnh tật của tuổi già, có thêm niềm tin, niềm vui trong cuộc sống này”, ông Phượng bộc bạch.
Ông Huỳnh Ngọc Thường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đức Bình Tây tâm tình: Vợ chồng cựu chiến binh Phan Ngọc Phượng và Nguyễn Thị Lý đã làm công tác thiện nguyện nhiều năm nay, giúp đỡ các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống. Đặc biệt, trong công tác hội cựu chiến binh, ông Phượng rất nhiệt huyết, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) hằng năm, ông Phượng đều dành những suất quà tặng thương binh, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm của vợ chồng ông được nhân dân địa phương ủng hộ, yêu mến. Năm 2023, ông Phượng là điển hình được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc và nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG