Tôi yêu kính thầy-tất nhiên rồi, bởi 40 năm qua trên mọi bước đường trưởng thành của mình, từ một phóng viên đến tiến sĩ, giảng viên đại học, từ phóng viên đến tổng biên tập báo, từ cuốn sách đầu tiên đến hàng chục cuốn giáo trình, sách tham khảo sau này của tôi đã xuất bản, đều có dấu ấn của thầy. Ấy thế mà có lần tôi nói: “Chúng em thật hạnh phúc và tự hào vì được là học trò của thầy” thì thầy lại nói: “Sai rồi, phải là thầy rất hạnh phúc vì có được các học trò trưởng thành như các em”.
Từ một người lính thích viết báo...
Hồi mới vào đại học, tôi chỉ biết thầy là Bí thư đoàn trường. Quê thầy ở làng Phú Hậu, xã Thụy Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Thầy đang học năm thứ nhất Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì theo tiếng gọi của Tổ quốc, lấy máu viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Sau thời gian huấn luyện ngắn, thầy được biên chế về Binh chủng Tên lửa và cử đi học ở nước ngoài 6 tháng. Về nước đúng những ngày cuối năm 1972, khi B-52 Mỹ điên cuồng ném bom nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc, đơn vị tên lửa của thầy được điều về bảo vệ bầu trời Hà Nội...
Việc thầy đến với nghề báo có lẽ nhờ năng khiếu viết lách. Bởi hồi còn là lính ở Binh chủng Tên lửa, thầy đã sớm cộng tác viết nhiều tin, bài cho Báo Phòng không-Không quân. Năm 1974, trước nhu cầu cần bổ sung nhân lực có chất lượng cho báo chí Quân đội, Báo Quân đội nhân dân đã đề nghị cơ quan chức năng cử thầy (khi đó thầy đang là chiến sĩ tên lửa và là đảng viên trẻ) đi thi vào Trường Tuyên huấn Trung ương mà chúng tôi hay gọi nôm na là trường báo chí.
Khi học ở trường báo chí, chủ nhiệm lớp chúng tôi là một thầy khác đã khá cao tuổi nhưng chúng tôi lại gần gũi thầy hơn, có lẽ bởi thầy hiền, gần gũi sinh viên, lại sẵn sàng lắng nghe, giúp đỡ chúng tôi mỗi khi gặp khó khăn. Cũng bởi vậy, giờ đây học trò của thầy có cả vạn nhà báo khắp cả nước, trong đó có hàng trăm tổng biên tập các báo lớn nhỏ nên mỗi khi có dịp gặp nhau, thế nào chúng tôi cũng nhớ lại những năm tháng ở trường với bao kỷ niệm vui buồn, về chế độ giờ giấc, kỷ luật học tập ở trường như Quân đội cùng các thầy cô, tất nhiên trong đó có thầy với nhiều tình cảm thân thiết, kỷ niệm không thể quên: Trong lớp có học viên vợ đẻ non sinh đôi nên phải chăm sóc đặc biệt trong lồng kính khiến học viên phải nghỉ học một số buổi, có nguy cơ chậm hoàn thành luận văn, được thầy động viên, giúp đỡ đã tốt nghiệp đúng hạn. Có học viên vướng vào một vụ đánh nhau vì bảo vệ bạn, trường quyết định buộc nghỉ học, thầy tìm hiểu kỹ hoàn cảnh rồi gặp gỡ học viên và gia đình động viên phấn đấu tốt, một năm sau cho học viên quay lại học tiếp, sau này ra trường về Báo Đại đoàn kết, anh đã thành một nhà báo xông xáo, yêu nghề...
Năm 1999, khi tôi quay lại trường học cao học, thầy đã là Phó giáo sư, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tóc thầy lúc này đã nhiều sợi bạc nhưng sự chân tình, hết lòng vì học sinh thì vẫn không đổi dù có người cảm thấy thầy nghiêm khắc.
Đầu năm 2002, khi tôi viết xong bản thảo cuốn sách đầu tiên “Phóng viên và tòa soạn” nhưng thực sự lúng túng không biết có “ổn” không và cũng không biết nên gửi nhà xuất bản nào. Đắn đo mãi, tôi “liều” đến gặp thầy, ngỏ ý nhờ thầy đọc và cho ý kiến. Hồi hộp mấy ngày thì được thầy gọi điện lại: “Bất ngờ đấy. Biết em viết phóng sự lâu nay rồi, không ngờ viết sách cũng cuốn hút đấy. Nhiều kiến thức mới mẻ”. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vui như làng mở hội nên lại mạnh dạn đề nghị thầy viết giúp lời giới thiệu cho cuốn sách, và lại được thầy đồng ý...
Đến tấm gương một người thầy
Năm 2002, chúng tôi biết tin thầy được giao trách nhiệm Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì mừng lắm. Bởi chúng tôi biết những năm trước đó, thầy có công rất lớn trong việc đưa trường phát triển lên một tầm cao mới, đó là mở ra nhiều mã ngành mới ở bậc đại học, chủ trì xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ ngành báo chí đầu tiên của cả nước. Với Hội Nhà báo Việt Nam, thầy cũng góp sức quan trọng củng cố và phát triển Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thuộc Hội, đáp ứng được sự phát triển của báo chí cả nước trong tình hình mới.
Sau này, dù thầy đã được phong Giáo sư, tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi đảm nhiệm cương vị Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản-cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hay làm Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương thì với các học trò mỗi khi có việc gì cần nhờ, thầy vẫn tận tình giúp như một người cha, người anh trong gia đình. Riêng tôi mỗi khi định viết cuốn giáo trình gì hoặc khi in xong, tôi đều đem đến tặng thầy để được nghe nhận xét, góp ý. Đặc biệt trong tủ sách của tôi có một ngăn riêng để những cuốn giáo trình và những quyển sách của thầy viết, như: Báo chí, truyền thông hiện đại Thực tiễn-Vấn đề-Nhận định, Một số vấn đề về cách mạng và đổi mới, Cơ sở lý luận báo chí, Hồ Chí Minh về báo chí (sách kinh điển), Truyền thông đại chúng trong công tác lãnh đạo quản lý, Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí truyền thông đại chúng...
|
|
GS, TS Tạ Ngọc Tấn nói chuyện về báo chí truyền thông tại Quảng Ninh năm 2023. Ảnh: KHÁNH HUYỀN |
Riêng tôi, trong nhiều kỷ niệm với thầy còn có một buổi sáng không thể nào quên. Khi ấy tôi đang làm Trưởng ban Thư ký tòa soạn Báo Hà Nội mới thì nhận được cuộc gọi. Thầy nói tôi có khả năng nghiên cứu, nên làm nghiên cứu sinh. Quả thật trước đó tôi không hề có ý định này nên nghe thầy nói, tôi vô cùng lúng túng, không biết có nên làm không bởi công việc ở tòa soạn nhật báo quá bận, lại càng không biết nếu làm thì bắt đầu từ đâu, thì được thầy gợi ý nên làm đề tài liên quan đến tổ chức hoạt động của tòa soạn nhật báo. Sau này, khi đã bảo vệ xong đề tài đầu vào, thầy lại giúp giới thiệu hai thầy hướng dẫn cho tôi: Một là TS Đinh Thế Huynh, khi đó là Tổng biên tập Báo Nhân Dân, hai là PGS, TS Vũ Duy Thông, Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), đều là những người rất có kinh nghiệm và giỏi nghề nên công việc nghiên cứu của tôi khá thuận lợi.
Cùng lớp nghiên cứu sinh năm đó với chúng tôi còn có một biên tập viên của Tạp chí Cộng sản đã có vợ và hai con quê ở Nghệ An, khi đó anh đang là “quân” của thầy nhưng thường trú ở cơ quan phía Nam nên mỗi khi có môn lại phải ra Hà Nội học, phải nghỉ ở khách sạn gần trường, khá tốn kém. Chúng tôi được anh tâm sự: “Nói thật, mình mà không được thầy giúp đỡ, tạo điều kiện mọi mặt cho thì khó mà theo nổi 4 năm như thế này...”.
Có lần gặp thầy, tình cờ tôi khoe đang được trường phân công hướng dẫn một học viên Lào, một học viên Campuchia làm luận văn thạc sĩ, thầy dặn tôi thật chú ý quan tâm giúp đỡ họ, vì cùng học với học viên Việt Nam nhưng họ khó khăn hơn mình nhiều, bởi bên đó thiếu tài liệu, lại thêm phải xa nhà, phải làm luận văn bằng ngôn ngữ mới, cái gì cũng lạ. Thầy còn kể có sinh viên Lào sang học tưởng khí hậu bên mình với Lào giống nhau, đến mùa đông rét run cầm cập, được một giáo viên của trường mua tặng cho em đó chiếc áo ấm. Thầy còn nói những học viên được cử sang Việt Nam học đều đã được chọn lọc, sau này về nước, tương lai họ sẽ là những nhà quản lý báo chí, cũng là những hạt nhân đoàn kết giữa hai dân tộc, rất là quý.
Kỷ niệm về thầy rất nhiều, những đóng góp của thầy-GS, TS Tạ Ngọc Tấn với ngành báo chí nói riêng, với cách mạng Việt Nam nói chung thế nào, chúng tôi không dám đánh giá, nhưng tấm gương của thầy, tình cảm của thầy với chúng tôi thì không thể quên được, bởi sự cảm nhận sâu sắc về tình cảm thầy dành cho các học trò chúng tôi vừa như tình cảm của người cha, vừa như người anh cả trong gia đình: Tận tâm, tỉ mỉ, hết lòng, nhưng cũng rất nghiêm khắc. Tất cả đều vì mong các học trò chúng tôi trưởng thành, đóng góp được nhiều nhất cho xã hội.
GS, TS Tạ Ngọc Tấn hiện là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ông có khoảng 20 đầu sách giá trị; hơn 50 bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và quốc tế; chủ nhiệm của nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, mới nhất là cuốn Bách khoa toàn thư về Báo chí-Xuất bản. |
TS NGUYỄN QUANG HÒA