Theo anh Hùng, hiện nay, hơn 60% cán bộ, nhân viên trong biên chế của BĐBP tỉnh Hà Giang đến từ các địa phương khác, chủ yếu là dưới miền xuôi. Số còn lại, dù nhiều anh em thuộc địa bàn tỉnh nhưng đóng quân ở các đồn xa nhà cũng hàng trăm cây số, đi xe phải mất hơn nửa ngày. “Nếu coi đóng quân cách nhà khoảng 100km là xa nhà thì ở đơn vị chúng tôi, hầu như anh em đều là bộ đội xa nhà cả. Năm nay, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, anh em các đồn phải căng mình bám biên vừa phòng, chống dịch, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn nên hầu như không có ngày phép, tranh thủ”-Đại tá Lưu Đức Hùng cho biết.
    |
 |
Đại úy QNCN Nguyễn Quang Đạo (ngoài cùng, bên trái) cho biết, việc tích cực tham gia tăng gia sản xuất cũng giúp bộ đội vơi bớt nỗi nhớ nhà. |
Để hiểu thêm về tâm tư, đời sống của những người lính biên phòng xa nhà, chúng tôi được chỉ huy đơn vị tạo điều kiện đưa lên thăm Đồn Biên phòng Sơn Vĩ thuộc huyện Mèo Vạc, là đồn xa nhất của tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố gần 250km. So với dưới thành phố, nhiệt độ ở trên này luôn thấp hơn gần 10 độ C. Bên chén trà nóng, Thiếu tá Nguyễn Đức Oanh, Chính trị viên đồn tâm sự: “Từ đầu năm đến nay, anh em tập trung ở các chốt làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Hiện nay, đồn đang duy trì 4 chốt, mỗi chốt có từ 3 đến 5 cán bộ, nhân viên tham gia, trực 24/24 giờ. Anh em đều ăn, nghỉ tại chốt luôn”. Anh Oanh cho biết thêm, hiện nay, 70% quân số của đồn sống xa nhà, trong đó, người quê xa nhất cách đồn gần 800km. Chính vì vậy, việc nắm, động viên, làm tốt công tác tư tưởng để anh em yên tâm gắn bó với đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ luôn được cấp ủy, chỉ huy đồn đặc biệt quan tâm. Đối với bộ đội xa nhà, mong mỏi lớn nhất là được về thăm gia đình, gần gũi vợ con, người thân. Vì vậy, chỉ huy đồn luôn cố gắng sắp xếp, tạo điều kiện tối đa cho anh em được về thăm gia đình bằng việc kết hợp đi công tác với tranh thủ. Các trường hợp gia đình có hiếu hỷ, đồn đều tạo điều kiện cho anh em được về tranh thủ và đơn vị cũng cử cán bộ về chia sẻ với gia đình. Ngoài ra, để giúp anh em ổn định tư tưởng, vơi bớt nỗi nhớ hậu phương, đồn đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, phong trào giao lưu, kết nghĩa. Vừa qua, đơn vị đã đầu tư để mua sắm các bàn bóng bàn, bi-a, trang bị bộ đầu hát karaoke, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu bóng đá, bóng chuyền. Đặc biệt, những năm gần đây, chỉ huy đơn vị khuyến khích cán bộ, nhân viên đã lập gia đình đón vợ con lên ăn Tết tại đồn. Cán bộ, chiến sĩ gọi vui đó là những lần tranh thủ... ngược. Như Tết Canh Tý 2020 vừa rồi, đã có 8 gia đình lên ăn Tết tại đồn. “Ngay vợ con tôi, hiện đang sinh sống ở Phú Thọ, Tết vừa rồi cũng lên đón xuân cùng đồn, không khí vui vẻ, ấm cúng, hạnh phúc lắm. Sau mỗi cái Tết như vậy, cảm giác như “hậu phương”-“tiền tuyến” càng thêm hiểu, cảm thông, yêu thương nhau nhiều hơn, cùng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ”-anh Oanh phấn khởi kể.
Đang trò chuyện thì điện thoại của Đại úy QNCN Nguyễn Quang Đạo, nhân viên cơ yếu của đồn, ngồi cạnh tôi có cuộc gọi đến. Anh Đạo ngại ngùng, định tắt máy nhưng được chính trị viên gợi ý: “Chắc vợ gọi đấy, cứ nghe đi” nên anh liền mạnh dạn nghe. Trong lúc anh Đạo nghe điện, đồng chí chính trị viên tranh thủ giới thiệu: Nguyễn Quang Đạo sinh năm 1987, quê ở xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Tốt nghiệp lớp trung cấp cơ yếu năm 2009, anh được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Thàng Tín (huyện Hoàng Su Phì); sau đó lại chuyển liên tục đến các đồn Phó Bảng, Lũng Cú. Năm 2018, nhờ sự mai mối của gia đình, anh Đạo kết hôn với chị Tạ Thị Thủy, sinh năm 1992, người cùng quê, đang công tác tại Bưu điện huyện Phù Ninh. Sau khi cưới vợ được nửa năm, anh Đạo phải tăng cường vào Bình Thuận. Đầu năm 2019, khi vợ sinh em bé, anh mới được nghỉ ra chăm vợ hơn một tuần, sau đó lại tiếp tục vào Bình Thuận thực hiện nhiệm vụ. Tháng 6-2020, Đạo được chuyển về Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, thu gần khoảng cách với vợ con hơn.
Đợi Đạo nghe điện thoại xong, tôi hỏi: “Lấy vợ trẻ mà cứ xa nhau biền biệt thế, vợ có hay dỗi hờn, trách móc gì không?”. Anh cười hiền: “Đã xác định làm vợ lính biên phòng thì phải chấp nhận xa chồng thôi anh. Với lại đã là bộ đội, mấy ai được thường xuyên ở cạnh vợ con. Trước khi cưới, hai bên đã thống nhất quan điểm rõ ràng rồi. Nói vậy thôi nhưng khi mẹ con ốm đau, nhất là lúc sinh nở, cô ấy cũng chạnh lòng, tủi thân”.
Khi bắt tay chào chúng tôi ra về, Thiếu tá Nguyễn Đức Oanh đưa mắt nhìn ra cuối vườn, nơi những cây đào khẳng khiu đã lấm tấm nụ. Giọng anh bâng khuâng: “Lại sắp đến Tết rồi! Tết này, hy vọng đồn sẽ được đón nhiều hơn “hậu phương” của các anh em đến ăn Tết chung. Có những cuộc đoàn tụ ấm cúng như thế cũng khiến những người lính biên phòng chúng tôi thêm vững vàng để bám trụ, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Bài và ảnh: VĂN CHIỂN