Đi mỏi chân mà chúng tôi vẫn chưa tham quan hết 490 gian hàng trên diện tích trưng bày 11.000m2 tại Triển lãm quốc tế về kỹ thuật và phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thiết bị an ninh, an toàn bảo vệ năm 2023 (Fire Safety & Rescue Vietnam-Secutech Vietnam 2023). Anh Nguyễn Văn Ngân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm và quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) mặc bộ vest sang trọng, lịch lãm, thổ lộ, để có sự tham gia của 350 cơ quan, tổ chức, nhà sản xuất, cung cấp kỹ thuật, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thiết bị an ninh, an toàn, bảo vệ từ 23 quốc gia, vùng lãnh thổ đến triển lãm, anh Ngân và cộng sự phải chuẩn bị từ nhiều tháng, trong đó khó khăn nhất là thương thảo với các doanh nghiệp nước ngoài. Anh hy vọng, đây là dịp nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy trong xã hội. Anh mong trong tương lai sẽ không còn những vụ cháy nổ do bất cẩn và thiệt hại nhiều về tính mạng, tài sản xảy ra.

leftcenterrightdel

      Anh Nguyễn Văn Ngân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm và quảng cáo Việt Nam. 

Nhìn người đàn ông trung niên cao, gầy mảnh khảnh và nước da đen sạm cùng giọng nói trầm vang đầy nội lực mặc vest trước mặt, tôi trêu: Đây mới đích thị là ngài giám đốc! Nghe thế, anh cười hiền và bảo: "Đóng vai nào phải ra vai đó chứ, nhưng tớ vẫn thích chất lính hơn!".

Qua một người bạn, tôi gặp anh Ngân cách đây hơn 4 năm, tại một quán cà phê nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Hôm ấy, anh ôm đàn ghi ta và say sưa hát bài “Cây đàn ghi ta một dây” khiến tôi mê mải. Giọng anh cao vút hòa với tiếng ghi ta bập bùng lan tỏa vào không gian chật hẹp. Nghe anh hát mà tôi cảm tưởng có hàng trăm con sóng khơi xa và những cơn gió biển đang đùa giỡn với lính đảo đen nhèm đưa đôi bàn tay chai sạm hứng từng giọt mưa. “Gió trăm ngàn cơn gió mới hát được một lời/Sóng trăm ngàn con sóng mới vỗ được vào bờ/ Mà đàn ghi ta một dây của lính đảo xa chúng tôi/Cứ hát mãi...”. Hết bài hát, anh đưa tôi trở lại câu chuyện cuộc đời mình.

Anh Ngân sinh năm 1965, quê ở Hải Dương. Học xong phổ thông, năm 1983, anh vào học tiếng Trung tại Trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự (nay là Học viện Khoa học Quân sự). Tốt nghiệp ra trường, anh được điều động về Cục Địch vận (nay là Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam). Ở thời điểm đó, lúc thì anh làm quản giáo T85, quản lý tù, hàng binh; lúc lại làm ở Phòng Phát thanh tiếng Trung.

Năm 1989, anh về Quân chủng Hải quân công tác. Sau khi huấn luyện bổ sung, anh được điều về Vùng 4 Hải quân và ra làm nhiệm vụ tại đảo Cô Lin. Anh kể, lúc ấy điều kiện sống của lính đảo cực kỳ thiếu thốn, không điện, không rau xanh. Thứ quý giá nhất trên đảo là nước ngọt do đảo trưởng quản lý. Hơn 10 người trên đảo như anh em trong gia đình, luôn thương yêu, quý trọng nhau và có ý thức sẵn sàng chiến đấu cao. Tối đến, ngoài người gác, khi nằm ngủ, lúc nào các anh cũng để súng bên cạnh, có tình huống là cơ động, chiến đấu được ngay.

Năm 1992, Thượng úy Nguyễn Văn Ngân chuyển ngành về một doanh nghiệp thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) công tác. Lúc ấy anh nghĩ, chỉ với vốn tiếng Trung thì không đủ để làm việc hiệu quả. Thế là anh đi học Đại học Ngoại thương.

Thời điểm đó, việc tổ chức triển lãm thương mại quốc tế ở Việt Nam chưa có ai làm. Sau khi đi nghe tham tán thương mại ở một số nước về nói chuyện và tham khảo ý kiến chuyên gia nước ngoài, anh quyết định đề xuất với lãnh đạo được đi tiên phong mở đường trong lĩnh vực này. Lúc đầu anh dẫn các doanh nghiệp đi nước ngoài để tìm nơi tiêu thụ sản phẩm nhưng gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là vấn đề thủ tục và xin cấp visa. Thậm chí, một số doanh nghiệp được anh đưa đi tham gia triển lãm ở nước ngoài rồi trốn ở lại. Khi về nước, anh liên tục được mời đến cơ quan an ninh để làm việc, giải trình. May mà cuối cùng bên đó cũng nghe anh nói và cho về công tác bình thường. Cứ như vậy, anh đã đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài, đến với Việt kiều các nước Trung Quốc, Lào, Pháp và nhiều quốc gia trên thế giới đều như tằm nhả tơ. Tiếp đó, anh liên tục tổ chức các triển lãm ở trong nước (thường là tại Hà Nội). Sau này, anh tổ chức triển lãm thương mại ở các tỉnh và có mở nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật để thu hút nhân dân đến tham quan triển lãm.

Theo các đồng nghiệp và những người trong cùng lĩnh vực công tác, hàng thủ công mĩ nghệ truyền thống của ta phát triển như ngày nay và được nhiều bạn bè quốc tế biết đến có một phần đóng góp của anh và cộng sự. Chính anh đã tổ chức cho nhiều nông dân làm nghề thủ công đưa sản phẩm đến với thị trường các nước và được họ rất thích thú đón nhận. Hiện nay, phong trào sử dụng sản phẩm thủ công thân thiện môi trường ở các nước Âu, Mỹ phát triển rất mạnh. Nếu phát huy lợi thế quảng bá thương mại thì cơ hội, tiềm năng cho ngành này là vô cùng lớn.

Có hôm, ngồi ăn cơm bụi với anh ở đường Trần Phú, tôi thắc mắc, việc anh tổ chức triển lãm nhiều như thế mang lại lợi ích gì lớn nhất?

Thoáng suy nghĩ anh nói, rất nhiều cái lợi thu được sau những đợt triển lãm ấy. Người dân thì được tiếp cận với hàng hóa tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp thì nghiên cứu, học hỏi và cố tìm tòi làm ra được sản phẩm như của người nước ngoài. Nhưng cái được lớn nhất là nó thúc đẩy hoạt động phiên dịch, du lịch, nhà hàng khách sạn và nhiều lĩnh vực khác. Ta kéo được doanh nghiệp nước ngoài vào là thành công, là tạo ra cơ hội lớn cho thúc đẩy, phát triển kinh tế, văn hóa, thương mại của toàn xã hội.

Thế nhưng, để có được những lợi ích hữu hình và vô hình ấy, anh Ngân và cộng sự đã phải đổ bao nhiêu công sức. Thậm chí phải trải qua những thời khắc nguy hiểm, ngặt nghèo. Anh kể, lần tham gia triển lãm tại Cộng hòa Iraq vào năm 2001-2002 là một kỷ niệm khó quên. Tại đây anh cùng các doanh nghiệp vừa lo giữ an toàn tính mạng, vừa chống chọi với bão cát sa mạc vừa phải bán hàng. Sau mấy tháng chuẩn bị và làm thủ tục, anh và đại diện 20 doanh nghiệp cùng hàng chục tấn hàng bay sang Dubai. Từ Dubai lại bay sang Jordan rồi hành quân bằng ô tô đến Baghdad của Iraq với quãng đường hơn 800km. Do có chiến tranh nên xe chỉ được đi ban đêm và bật đèn gầm. Lúc ấy, anh phải trổ hết tài năng và vận dụng toàn bộ kiến thức quân sự học được để tổ chức hành quân đến Baghdad an toàn. Nhưng cũng do chiến tranh lan rộng mà anh cùng với đại diện các doanh nghiệp không về được, phải ở trong nhà bạt vừa bán hàng, vừa chiến đấu với bão cát suốt 3 tháng trời. Thời điểm đó, anh như một người chỉ huy, phải căng mình làm công tác tư tưởng cho đại diện các doanh nghiệp.

Đầu tháng 8 vừa rồi, tôi lại ngồi ăn cơm bụi bên đường Trần Phú với anh. Anh phân trần có tính tổng kết, sau nhiều năm tổ chức triển lãm và đưa doanh nghiệp trong nước tham gia triển lãm ở nước ngoài thành công, đến nay, cơ bản thu của anh đủ bù chi, tạo được việc làm và mang lại thu nhập cho mấy chục lao động. Thế nhưng khi nhìn vào cơ ngơi của anh, bạn bè cứ nghĩ anh giàu lắm. Thực tế không được như vậy. Năm 2021, TP Hồ Chí  Minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất nặng. Lúc ấy, để khẳng định thương hiệu và sức sống, lãnh đạo thành phố tổ chức triển lãm thương mại lớn. Dù biết là lỗ nhưng anh vẫn đăng cai tổ chức vì nghĩ đến cái tình, cái nghĩa trong hợp tác lâu dài xưa nay. Anh cung cấp miễn phí mặt bằng và những dịch vụ khác cho các doanh nghiệp trong nước tham gia triển lãm, đồng thời cũng hy vọng các doanh nghiệp nước ngoài được mời sẽ tham gia tích cực, qua đó bù được vốn bỏ ra. Tuy nhiên, do dịch kéo theo nhiều chi phí phát sinh nên đến sát ngày khai mạc các đối tác gửi thư xin rút. Thế là trong năm 2021 anh phải bù lỗ gần 10 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa trả hết số nợ này.

Là một người lính đã qua chiến đấu, đã vượt qua gian khổ khốc liệt nên trong anh Ngân luôn khắc sâu tinh thần cống hiến và điều khiến tôi cùng nhiều người quý trọng anh chính là tác phong gần gũi, ăn mặc giản dị, giống như bao người bình thường trong xã hội. Anh chia sẻ với tôi, hiện nay, việc triển lãm thương mại có bị ảnh hưởng bởi thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ và AI. Tuy nhiên, về lâu dài, anh sẽ có những đổi mới phù hợp để ngành này tiếp tục phát triển, tiếp tục đưa hàng hóa, trí tuệ người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tôi tin, tâm huyết và sự kiên trì, sáng tạo sẽ giúp cựu quân nhân Nguyễn Văn Ngân thu được nhiều thành công và tư tưởng cống hiến cho nền thương mại nước nhà của anh mãi bay xa.

Bài và ảnh: CHU LƯƠNG NGHĨA