Theo lời giới thiệu của một cán bộ công tác tại Bộ tư lệnh TTG về vị tướng đã góp công lớn xây dựng Binh chủng TTG từ những ngày đầu thành lập, tôi tìm gặp Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước tại nhà riêng của ông ở khu đô thị phía Nam thành phố. Câu chuyện về một “thế hệ vàng” đã trực tiếp làm nên những sự kiện trọng đại của dân tộc trong thế kỷ 20 được ông hào hứng và xúc động kể lại...

Từ bước chân người Vệ quốc đoàn

Nguyễn Văn Phước sinh ra trên mảnh đất Hưng Nguyên (nay thuộc tỉnh Nghệ An) trong những ngày rực lửa Xô viết Nghệ Tĩnh; 15 tuổi tham gia đoàn người đi giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Một ngày cuối năm 1946, có người của xã đi phát loa trong làng về “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Phước chạy thục mạng, nhập vào đoàn người đi theo tiếng loa. Trí óc non nớt của chàng trai tuổi 16 khi ấy như nuốt lấy từng lời, máu sôi lên trong huyết quản.

Cha của Phước làm “thợ áo nâu” ở nhà máy Trường Thi. Thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, nhà máy vận chuyển máy móc về chiến khu Phủ Quỳ để xây dựng công binh xưởng Huỳnh Thúc Kháng. Sợ con ở nhà bị Pháp bắt đi lính, cha quyết định đưa Phước theo lên chiến khu. Từ đó, Phước trở thành công nhân quân giới của cách mạng.

Ở công binh xưởng, Phước nghe thư của Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Liên khu 4 kêu gọi thanh niên nhập ngũ chuẩn bị cho tổng phản công, người nóng bừng bừng như lên cơn sốt. Cứ vài hôm Phước lại nằn nì cha để mau chóng được lên đường đánh giặc. Tháng 11-1949, Nguyễn Văn Phước cuốc bộ từ Nghệ An ra đến Yên Định, Thanh Hóa để xin vào một đơn vị Vệ quốc đoàn.

Không hài lòng với vị trí chiến sĩ một đơn vị trợ chiến phía sau, Nguyễn Văn Phước tìm mọi cách xin chuyển sang đơn vị xung kích để được ra chiến trường đánh giặc, trở thành chiến sĩ Đại đội 71, Tiểu đoàn 375, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 (nay là Sư đoàn 304). Ngày 24-5-1950, Nguyễn Văn Phước vinh dự được kết nạp Đảng. Từ đây, ông theo chân đơn vị tham gia nhiều trận đánh oanh liệt trong các chiến dịch: Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Thượng Lào. Chiến dịch nối tiếp chiến dịch, người chiến sĩ mỗi ngày càng thêm trưởng thành.

Chiến dịch Trần Hưng Đạo giành được thắng lợi, Nguyễn Văn Phước trong đội hình Đại đoàn 304 được lệnh hành quân từ Thanh Hóa lên Việt Bắc nhận vũ khí viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc. Chiều 28-2-1951, Đại đoàn hành quân về đến Tuyên Quang thì hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh sắp đến thăm. “Sở dĩ tôi còn nhớ chính xác ngày tháng bởi đó là ngày cuối cùng của tháng 2. Người xuất hiện từ phía cửa rừng trong tiếng hô: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Lời Người căn dặn “đánh giặc phải biết địch, biết ta”, “tuyệt đối không được chủ quan” đã giúp tôi vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc đời người chiến sĩ sau này”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước trải lòng về niềm vinh dự bất ngờ.

Năm 1953, sau 4 năm quân ngũ, Nguyễn Văn Phước trưởng thành lên cán bộ đại đội, cuối năm đó được bầu là “Chiến sĩ thi đua số 1” của Đại đoàn 304. Cuối tháng 3-1954, Nguyễn Văn Phước trong đội hình Đại đoàn 304 với chức vụ Đại đội trưởng, tham gia chiến đấu và giành chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 1-1-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân dự lễ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình. Tham gia lễ duyệt binh là những người lính vừa đi qua chặng đường dài gian khổ, đánh bại đạo quân tinh nhuệ của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ghi lại những thước phim tư liệu quý giá này là các nhà quay phim Liên Xô. Một lần, anh Nguyễn Kháng Chiến-con trai Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước-tình cờ xem phim và mừng rỡ nhận ra cha mình. “Năm đó, cha tôi 25 tuổi, gương mặt cương nghị, tự hào, dẫn đầu một khối diễu binh bước chân đều tăm tắp trong tiếng nhạc hùng tráng", anh Chiến chia sẻ. 

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước (giữa) trong ngày đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Hòa bình lập lại tại miền Bắc, Nguyễn Văn Phước nhận lệnh đi học chuyên ngành xe tăng ở Trung Quốc. Ngày 30-8-1959, tại một trung đoàn xe tăng của nước bạn ở Quế Lâm, trái tim người cán bộ trẻ như rung lên khi nghe Trung đoàn trưởng đọc quyết định biên chế, giao xe tăng (do Liên Xô viện trợ). “Ở xa Tổ quốc, thấy ngôi sao vàng có nền đỏ tươi hiện trên tháp pháo xe tăng, lòng tôi trào lên một cảm giác hết sức tự hào. Chúng tôi đã ra đi từ chân đất, bây giờ có trong tay cả những chiếc xe tăng hiện đại”-ông Phước tự hào kể.

Ngày 5-10-1959, Trung đoàn 202, đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội ta được thành lập, Đại úy Nguyễn Văn Phước là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Năm 1965, Bộ tư lệnh Thiết giáp thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Phước được giao nhiệm vụ Trưởng ban Tác chiến.

Với nhiệm vụ đưa xe tăng vào miền Nam chiến đấu, đồng chí Nguyễn Văn Phước và các anh em trong ban đã làm việc không kể đêm ngày xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể: Sử dụng lực lượng bao nhiêu? Đơn vị nào? Tổ chức hành quân ra sao? Công tác bảo đảm thế nào? Nhân sự cụ thể?... Sau khi ban báo cáo kế hoạch, Bộ tư lệnh kết luận: Thành lập Tiểu đoàn xe tăng PT-76, phiên hiệu 198, trang bị 22 xe, khu vực tập kết tại Đường 9, cách biên giới Việt-Lào khoảng 30km trước tháng Giêng năm 1968. Tham gia cả quá trình chuẩn bị, Nguyễn Văn Phước hồi hộp chờ lệnh được lên đường.

Ông nói, đó là cuộc hành quân có một không hai của xe tăng trong lịch sử chiến tranh trên thế giới. Cùng Đại đội 3 hành quân khoảng 1.000km trong gần một tháng, càng đi, Trưởng ban Tác chiến Nguyễn Văn Phước càng chứng kiến muôn vàn khó khăn mà người chiến sĩ xe tăng phải vượt qua. Dưới đất thì đường hẹp, hình lòng mo rất khó đi, làm hại xích xe tăng, cầu cống yếu, may mà xe tăng PT-76 lội nước tốt... Trên trời không lúc nào vắng bóng máy bay địch, nhất là khi vào đến địa phận Khu 4. Tuy nhiên, nhờ đi cùng anh em nên bản lĩnh của người chỉ huy đã được trui rèn.

Nguyễn Văn Phước và đồng đội ý thức được vinh dự lớn lao nhưng nhiệm vụ cũng hết sức nặng nề. Đó là phải đánh thắng trận đầu để khẳng định: Có thể sử dụng và sử dụng hiệu quả xe tăng ở chiến trường miền Nam. Qua đó củng cố niềm tin của cấp trên và các quân, binh chủng bạn vào Binh chủng Thiết giáp, để mở đường cho xe tăng vào chiến trường và góp phần làm cho ngày chiến thắng đến gần hơn.

Thầm lặng góp những chiến công

Về trận hiệp đồng đánh cứ điểm Tà Mây-Làng Vây của Tiểu đoàn 198 và Tiền phương Bộ tư lệnh Mặt trận trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968, đó là một kỳ tích về sáng tạo, táo bạo trong tác chiến.

Trong trận đánh đầu tiên ấy, Nguyễn Văn Phước và chỉ huy Tiểu đoàn 198 phải đi trinh sát rất cụ thể, tỉ mỉ; đánh giá đặc điểm địa hình, đường cơ động, khả năng phòng ngự của đối phương để lên phương án tác chiến. Kể đến đây, giọng ông bỗng chùng xuống vì xúc động: “Trong một chuyến trinh sát cùng lực lượng bộ binh, khi cách Làng Vây chừng 5km, chúng tôi bất ngờ lọt vào ổ phục kích của địch, tiếng súng rộ lên. Nhìn về phía trước thấp thoáng mấy tên ngụy mặc bộ rằn ri và những chớp lửa đầu nòng lóe sáng. Cuộc chạm súng nhanh chóng kết thúc. Trước mắt tôi là cảnh tượng hết sức đau lòng: 4 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh...”.

Đập tan cứ điểm Tà Mây, việc sử dụng xe tăng vào tác chiến đã lộ, khiến địch đề phòng. Để gây bất ngờ, Nguyễn Văn Phước và chỉ huy Tiểu đoàn 198 đã chọn phương án đưa xe tăng đi dọc lòng sông Sê Pôn, đột kích vào hướng Nam của cứ điểm Làng Vây, hướng phòng ngự thứ yếu của địch. Công tác hiệp đồng giữa xe tăng lội nước PT-76 của Tiểu đoàn 198 với công binh, pháo binh, bộ binh được giữ bí mật tuyệt đối, gây cho địch nhiều tổn thất.

Gần đây, có nhà báo tìm đến ông để ghi hình và hỏi: Làm thế nào để đưa xe tăng bơi trên sông Sê Pôn (lòng sông có cấu trúc phức tạp, nhiều đá hộc, có chỗ đá xếp lên nhau thành ghềnh-PV), đột phá hướng thứ yếu của cứ điểm Làng Vây? Vị tướng già nói: “Chúng tôi đã hiệp đồng “tiếp máu” cho tăng để vượt sông cạn!"-kể đến đây, ông bị cơn ho dài không dứt.

Tham gia trận quyết chiến giải phóng Sài Gòn-Gia Định

Ngày 24-10-1973, Quân đoàn 1 mang tên Binh đoàn Quyết Thắng được thành lập. Có lẽ do ấn tượng về người cán bộ dưới quyền trí dũng, kiên trung, đã sát cánh với chỉ huy trong các chiến dịch từ năm 1968 đến 1972 nên sau khi nhậm chức Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn 1, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn đã có ý kiến và đồng chí Nguyễn Văn Phước được điều động về làm Chủ nhiệm TTG Quân đoàn 1.

Ngày 31-3-1975, Quân đoàn nhận lệnh tổ chức hành quân gấp vào miền Đông Nam Bộ, tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Riêng đối với lực lượng TTG Quân đoàn, nỗi lo rất lớn bởi xe TTG sinh ra không phải để hành quân đường dài, mà con đường phải vượt qua là gần 2.000km. Ông và các đồng chí trong Bộ Tham mưu Quân đoàn đã trải qua nhiều đêm trắng lên kế hoạch hành quân. Có những khi mỏi mệt và căng thẳng đến nỗi cơm không nuốt nổi, chỉ thèm một giấc ngủ.

Với mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc hơn nữa”, “táo bạo hơn nữa”, “tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận”, sau 12 ngày đêm hành quân, đồng chí Chủ nhiệm TTG Nguyễn Văn Phước trong đội hình của Quân đoàn 1 đã có mặt tại vị trí tập kết chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng.

Sau này, có nhiều thời gian suy nghĩ về những cuộc chiến đấu của xe tăng, ông cho rằng kẻ địch không phải loại võ biền mà được đào tạo rất cơ bản, có trang bị vũ khí hiện đại, tương quan lực lượng hầu như quân địch đều hơn. Vì vậy, điều quan trọng nhất làm nên thắng lợi không chỉ là “dám đánh” mà phải là “biết đánh”. “Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trên tất cả các hướng tiến công vào Sài Gòn, xe TTG là lực lượng dẫn đầu, cùng bộ binh đột phá, chọc thủng mọi tuyến phòng ngự”, ông tự hào khẳng định.

(còn nữa)

NGUYỆT MINH